Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 13 tháng 1, 2017

CÂY SẦU ĐÔNG

CÂY SẦU ĐÔNG
...
Tháng Chạp về rồi bé thấy không
Gió thôi làm rớt lá sầu đông
Anh đem nhốt nắng vào đôi mắt
Nung chảy tim thành vạn giọt sương...
(Thơ Mường Mán)
Chiều nay, một chiều tháng giêng, mưa giăng phố nhỏ. Tôi ngước mắt lên nhìn trời nghe lòng thấp thỏm, nhớ về một mùa hoa xa xưa lắm, nhớ những bông Sầu Đông rụng trắng trước hiên nhà. Ngày nhỏ, trong mảnh vườn trước sân nhà tôi có một cây Sầu Đông cao to, tán lá xoè ra che rợp một góc vườn. Gốc Sầu Đông là nơi lý tưởng để cả đám trẻ túm tụm lại chơi đồ hàng rồi cùng nhau hái những bông hoa kết thành những vòng tròn đội lên đầu, đeo quanh cổ. Nhưng có lẽ vui nhất là mùa cây Sầu Đông rụng trái, bọn chúng tôi rủ nhau lượm để chơi trò ô quan. Những ô vuông, ô dọc được vẽ kín mặt đất, trái Sầu Đông rải đều trên từng ô, những mái đầu chụm lại, hò hét, cãi nhau inh ỏi làm rộn rã những buổi trưa vắng...(Thanh Ly)
Mươi, mười lăm năm trước, ngõ nhà tôi có rất nhiều sầu đông. Mỗi mùa hoa nở thường đúng vào dịp giỗ chạp. Mấy chị, mấy cô trên phố về, mê mẩn ngắm, khen hoa đẹp, rồi gọi nó là gì ấy nhỉ? Là... hoa xoan. Đó là lần đầu tiên tôi được biết cây sầu đông mang một cái tên đẹp như tên thiếu nữ. “Xoan” chứ không phải sầu đông, lại còn không phải “thù đâu” như mẹ tôi thường hay gọi.
Trong các loại cây được trồng trong vườn nhà không gì lớn nhanh bằng sầu đông. Cây con như chiếc đũa, đầu xuân trồng xuống đến hè đã cành lá xanh mướt, sum suê, thân vươn cao hai mét. Đông sang, sầu đông trụi lá trơ những cánh xương gầy chống chọi với gió mưa. Vậy mà khi gần chớm xuân, cây lại bung ra những lộc mầm nõn nà khỏe khoắn để đón nắng ấm lúc giao mùa. Một vài năm sau, nghĩa là sau hai, ba lần rụi lá, sầu đông đã lên cao, tán lá che phủ cả một góc vườn. Và khi ấy, hoa sầu đông lại tỏa hương ngan ngát mỗi sớm mai hay mỗi khi hoàng hôn tiếng chim bìm bịp kêu chiều... Đó là những gì gợi nhớ mỗi khi tôi đi xa nhớ về hay những lúc thơ thẩn dạo bước chân trên những nẻo đường quen thuộc của quê hương. Dù cho bây giờ, những con đường đã được bê-tông hóa không còn vướng víu gì bùn đất phù sa của cơn lũ cuối năm; dù cho bây giờ, ít còn ai trồng sầu đông trước ngõ nhà hay góc vườn như xưa... (Lê Phước Lan Nhi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét