Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2017

Như loài hoa báo đông về trên cao nguyên... HOA DÃ QUỲ

Như loài hoa báo đông về trên cao nguyên...
HOA DÃ QUỲ
Trong hình ảnh có thể có: mọi người đang đạp xe, xe đạp và ngoài trời
Dạo ấy, trên những ngả đường từ Kim Châu, Hòa Đông, Đạt Lý hay Duy Hòa, Ea Pốk… đổ về Ban Mê Thuột đều nhuộm rực sắc vàng. Ngắt một đóa hoa lên ngắm nghía, bạn triết lý rằng: “Sống được như dã quỳ không dễ, bởi một lần được nở, thì cuộc đời thảo dã kia như vắt kiệt hết mình cho sắc màu chất ngất ấy. Đến lúc vàng phai thì gục xuống và tan vào trong đất, đợi đến kỳ đông tàn, xuân sang lại vươn mình đứng dậy, khoe một sắc vàng như không thể vàng hơn…”. Nhân sinh là vậy, nên khi ai biết được dã quỳ là sự hóa thân của một tình yêu thì sắc vàng kia không còn là màu mè nữa, mà đó chính là “lửa lòng” thổi bùng lên từ mối tình son sắt giữa chàng K’Lang và nàng H’Limh thuở nào...
...
Truyền thuyết có hay không và dưới tên gọi nào không quan trọng, chỉ sắc vàng “như không thể vàng hơn” mà bạn nói với tôi tựa một tuyệt tác của trời đất ban tặng cho Cao Nguyên vào mỗi độ cuối đông, đầu xuân về là điều rất thực. Nhìn hoa nở miên man giữa trập trùng lũng dốc thì không ai không dừng lại ngẩn ngơ…
(Trích theo "Nỗi nhớ dã quỳ" của Phương Đình đăng trên báo Đăk Lăk)
---
Dã quỳ là loài hoa “di cư” có hình dáng như hoa cúc vàng, mọc hoang trong rừng, thân cao hơn 1m do người Pháp mang đến trồng ở Đà Lạt vào đầu thế kỷ thứ 20 để trị bệnh ngoài da cho người và làm phân xanh bón lót cho các loại hoa trồng khác, rồi dần dần phát tán đến mức nhuộm vàng cả vùng đất cao nguyên. Dã quỳ có cái tên nghe buồn buồn, chúng mang thân phận ôsin cho người, cho hoa và cho đất. Mãi đến bây giờ người ta vẫn hái lá về nấu nước tắm trị ghẻ cho trẻ con. Còn người có tuổi, chiều chiều ra trước hiên nhà đứng ngắm để lòng mình ấm lại khi những đợt gió bấc thổi về. Hoa dã quỳ bỗng nhiên trở thành niềm an ủi cho những tâm hồn đi hoang... Đối với dân lao động hay những người dân tộc anh em có gốc Tây Nguyên nó là lộc của trời, các sơn nữ thường cài lên tóc để đồng hành với nắng gió. Đã bao đời nay, màu vàng rực của hoa dã quỳ như ngọn lửa nhóm lên trong lòng những cư dân xứ lạnh.
Tôi còn nhớ một nhà văn nói rằng “Hoa dại chỉ đẹp khi ở đồng nội”. Điều ấy có lý, ai cũng thấy hoa dã quỳ vàng, hoa mua, hoa sim, tím cả chiều hoang. Chúng mang vẻ đẹp hiền lành không se sua, đài các. Cũng giống như những loại hoa đồng nội khác vẻ đẹp của hoa dã quỳ là cộng hưởng, chúng chỉ trở nên nỗi nhớ khi tồn tại nơi quê quán của mình, nếu tách ra từng cành sẽ trở nên đơn điệu tẻ nhạt. Loài hoa dại mang cái tên buồn buồn mà người Tây Nguyên đã gán cho nó. Chuyện kể rằng Dã Quỳ là tên của một sơn nữ Jarai xinh đẹp, trót yêu một chàng trai khỏe mạnh cùng buôn làng, nhưng bị người mình không yêu thương bắt về làm vợ. Vì thế nàng trèo lên đỉnh núi quyên sinh để giữ sự trinh trắng của mình. Thân xác của nàng hóa thành tro bay đi theo gió, trở thành những rừng hoa đơm bông vàng rực như những giọt nước mắt của câu chuyện tình không có phần kết! Cảm động trước mối tình thanh khiết ấy nên người ta lấy tên của nàng đặt cho một loài hoa. Và hoa dã quỳ trở thành hình ảnh của những người con gái cao nguyên, dịu dàng mạnh mẽ, sống hết lòng cho tình yêu đôi lứa. Có lẽ từ truyền thuyết này mà Đà Lạt đã chọn dã quỳ làm biểu tượng cho Festival hoa trong mỗi lần tổ chức.
...
Đứng giữa các triền đồi và thảo nguyên mênh mông ngắm nhìn rừng hoa dại rập rờn theo gió. Nhất là những buổi chiều nắng vàng nhuộm lên, bạn sẽ thấy đất trời tĩnh lặng làm cho bạn có cảm giác cao nguyên này chỉ dành cho riêng mình. Lúc ấy bạn dường như muốn quên hết mọi vật vã đời thường, quên đi năm tháng, thậm chí quên luôn mình là ai. Đối với những người có thói quen sống hoài niệm theo bóng thời gian, khi nhìn cánh đồng dã quỳ khoe sắc dưới trời xanh mây trắng mới nhận ra được trên đời này ta còn nợ với thiên nhiên...
...
Con người chắc không ai vô tình trước vẻ đẹp tự nhiên của loài hoa đồng nội, vì nơi ấy, không những là hồn đất, mà còn là kỷ niệm của một đời người. Khi người ta yêu con đường mình đi, ngôi nhà mình ở, cái cây mình trồng và yêu cả cánh đồng thời thơ ấu, người ta mới có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc. Tôi nhớ vào thời cấp I, được các thầy cô giáo bắt học thuộc lòng bài hát “Cái nhà là nhà của ta/Ông cố ông cha làm ra/ Chúng ta phải gìn giữ lấy/ Muôn năm nhớ nước, ơn nhà”. Ngày ấy suốt ngày bọn trẻ chúng tôi cầm tay nhau hát nghêu ngao mà không hiểu gì. Nhưng bây giờ thì khác...
(Trích theo "Mùa hoa dại ở Tây Nguyên" của Trần Đại đăng trên báo Lâm Đồng)

Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, ngoài trời và thiên nhiên
Trong hình ảnh có thể có: một hoặc nhiều người, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét