Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 24 tháng 1, 2017

Lan man ngày cuối năm... NHỚ CHA



Lan man ngày cuối năm...
NHỚ CHA
Trong hình ảnh có thể có: đám mây, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên
4.
Về nhà.
Căn nhà của tôi trống hoác, bước chân vào tôi kinh ngạc. Tất cả mọi vật dụng của gia đình không cánh mà bay. Suốt ba tầng lầu hoàn toàn rỗng. Chị em tôi nằm lăn dưới nền gạch hoa, mẹ mua mấy chiếu mới. Tôi hỏi các nhóc tì, nhà mình sao vậy? tụi nhóc nói lúc em về, nhà mình làm nơi sinh hoạt thiếu nhi của phường, ba làm đơn xin lại.
Đồ đạc trước khi di tản ba gửi một người bạn, chỉ còn sót lại ba máy đánh chữ Olympia, cái tivi đen trắng, thùng chén đĩa Nhật của mẹ. Ủy ban phường tịch thu hai cái máy đánh chữ, còn một cái nhỏ để lại cho gia đình, sau này chị em tôi được ba dạy đánh máy chữ, làm nghề thảo đơn từ và đánh máy thuê. Lên lớp 8 tôi đã đánh máy thuê nhanh thoăn thoắt. Nhờ biết đánh máy chữ từ nhỏ mà sau này mấy chị em tôi được nhận làm thư ký cho các công sở.
Suốt con phố dọc nhà tôi, tất cả dường như đảo ngược. Nhà sách của chú Thiệu cửa đóng im ỉm, gia đình chú di tản vào Sài Gòn và không bao giờ trở về. Cánh cửa gỗ bị nạy hở một mảng, buổi chiều tôi thường đến nhìn vào trong, nhớ mùi sách cũ, thèm sờ vào những cuốn truyện thiếu nhi thơm mùi giấy mới. Tất cả hoàn toàn im vắng, những kệ sách trống rỗng. Chỉ có ánh mắt buồn bã của con mèo tam thể trên chiếc ghế gãy giương mắt nhìn tôi. Tôi chạy vào con hẻm bên nhà, tìm căn nhà Dũng, người bạn tuổi nhỏ chơi đồ hàng với tôi mãi mãi biệt tích. Đến bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn băn khoăn bạn còn hay mất.
Một buổi chiều, tôi ra biển sau nhà, thấy một con bé mặc chiếc áo bành tô lông cừu mà anh hai mua cho tôi khi anh học ở Đà Lạt, tôi chạy theo nó nhưng không dám nói một lời. Về nhà tôi khóc, con thấy con nhỏ đó mặc chiếc áo của con.
Những gia đình ở lại không di tản bỗng bất ngờ trở nên giàu có, những người bạn của ba mẹ tôi không còn ai, tất cả đã ra đi, một số người học tập cải tạo, đi kinh tế mới. Những ông giáo đáng kính, những người làm công chức cũ phút chốc thất nghiệp, ra đường đạp xích lô, bơm xe đạp, làm đủ mọi nghề. Ba mẹ tôi gầy xác xơ, bắt đầu gây dựng lại với hai bàn tay trắng khi tuổi đời của họ đã trên tứ tuần. Tôi nhớ những đêm khuya lạnh, khi chúng tôi còn ngủ say, tiếng cửa sắt bên hông nhà kêu ken két là tôi biết ba đang lách mình ra ngoài sương đêm để kịp lên rừng làm song mây, đi làm thủy lợi. Có nhiều khi tôi nghĩ, nếu là tôi trong thời loạn ly, tôi sẽ làm gì nuôi đàn con dại khi thời thế đổi thay, khi chung quanh không bạn bè chí hướng. Ba tôi, luôn là người đàn ông kiêu hãnh, đầy trách nhiệm.
Những ngày này, tôi nhớ ông nhiều lắm.
Nhớ bóng ba in trong chiều tà tỉ mỉ tỉa cành, chăm chút mấy cây mai vàng trên sân thượng, nhớ dáng ông loay hoay bên mấy chậu cây kiểng phòng khách, giọng ông reo vui nhắc đàn con treo những cánh thiệp xuân. Nhớ cái cách ba treo phong pháo đỏ nối dài từ tầng thượng xuống đất, cho pháo nổ giòn. Nhớ sáng mồng 1 năm nào lũ chúng tôi cũng thức dậy sớm mặc đồ mới đứng xếp hàng chờ ba lì xì, bao giờ ông cũng chúc tụi tôi ngoan, học giỏi. Con cái phải giữ nếp nhà.
Ngày chúng tôi khôn lớn, ông đã già, lúc đó tụi tôi còn vất vả, đứa nào cũng bươn chải trên đường đời, với nỗi lòng ngổn ngang. Thỉnh thoảng, buổi chiều tạt về thăm cha, ông căn dặn đi đường cẩn thận nghe con, nhớ giữ ấm. Ông dõi theo bước chân chúng tôi khi đã lập gia đình, tiếng thở dài ba nén lại, khi thấy cuộc sống con mình không vui.
Ngày nay, khi chúng tôi đã vững vàng, ông không còn nữa. Mong muốn đền ơn cha, nhưng biết làm sao. Nhiều khi, tôi ước gì ông còn sống, chỉ muốn nói với ông một lời “Con yêu ba nhiều lắm ba ơi”.
...
1.
Mảnh đất đó bỏ hoang 50 năm rồi, với biết bao biến động, thăng trầm của cuộc sống.
Hôm nay, chúng tôi trở về thăm lại nền nhà xưa của nội.

Ngày ba sống đã từng ao ước sẽ dẫn đàn con trở về thăm quê cũ. Bây giờ nếu ba còn sống, chắc ông sẽ hạnh phúc lắm.
Khu vườn của nội cây chằng chịt, nền đất cũ hoang tàn, ngôi nhà tranh vách đất của nửa thế kỷ trước vẫn đứng im lìm trong nắng sớm. Cây cổ thụ có một tổ ong to đang làm mật. Chu vi khuôn viên đã bị lấn chiếm nhiều.
Những hàng cột tiêu ai trồng giăng kín một góc vườn.
Chúng tôi bước sang một con ngõ khác, dẫn đến một cánh đồng rộng, bên cạnh là một hàng chuối đang trĩu quả. Anh Hai dẫn tôi đến căn nhà cũ của ba mẹ. Ngôi nhà đã phá bỏ thời chiến tranh chỉ còn nền nhà cũ, u già dựng tạm một căn nhà gạch ba cho ở đó trông khu vườn và mảnh ruộng trước nhà. Bước vào khu vườn, u già lưng còng cười móm mém không nhận ra ai. Anh Hai nói, u có nhớ con không, thằng Trinh đã về đây.
U nói, giống ông quá, thằng Trinh mà sao không biết.
Rồi tụi bay cũng trở về.
U nói: Muối mặn trăm năm sau vẫn còn mặn.
Câu nói bình dị của u già làm tôi sững sờ, sao u có thể nói được những lời thâm sâu mà chúng tôi có học mãi cũng không thốt nổi những lời như vậy...
...
(Trích trong "Người Cha" của Ban Mai đăng trên http://baotreonline.com/)
*Ảnh trên đỉnh dãy núi CHƯ YANG SIN ở ĐăkLăk.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét