Lộc rừng mùa xuân...
RỪNG ĐÓT NĂM XƯA
Lang thang đọc báo trên mạng chợt tôi chú ý về chuyện cây đót miền núi Việt Nam hiện nay đang được "nâng cấp " đến cái tên là "lộc rừng", khiến tôi nghĩ đến muôn triệu 'của trời cho ' từ rừng mà cây đót là một. Chuyện đáng ngạc nhiên vì ngày xưa người ta chưa kể "số vào đâu" chuyện cây đót hay nguồn lợi về đót. Thế mà thời nay đót cũng là "cơm gạo áo tiền" cho người miền núi và dĩ nhiên là ...nghèo!
Cây đót mọc nhiều ở đâu? có thể là dọc theo dãy Trường Sơn miền Trung vùng khí hậu nóng ẩm hơn miền Bắc. Miền núi Quảng Trị, từ những rú càn La Vang, Tích Tường, Như Lệ, Ái Tử đi lên chúng ta đã thấy nhiều đồi đót mọc chen với lau lách. Ba năm 1975-1977 ở "Trại 4 Ái Tử", trại tù phía lưng Chùa Sắc Tứ ngó lên. Chúng tôi từng toán đi kiếm đót về, phơi khô thân đập ra và đan thành từng tấm phên vuông, lót nằm.
Sau này tôi lại có thêm kỷ niệm về đót do những năm tại Bình Điền, chúng tôi từng đi hái đót mang về cho Trại hay cho cái "nợ trần gian"đó là "lao động cải tạo ".
Ôi! những rừng đót Bình Điền, nhất là dưới chân ngọn núi từng mệnh danh là "Bastogne" Tây Nam Huế đến mùa nhiều vô số kể. Ngày nay gọi là "lộc của trời" hái ra tiền bạc cho dân mình , thì ngày xưa chỉ có giá trị đối với đời tù vài khúc sắn nấu , chia cho phần trưa sau khi hoàn thành nhiệm vụ bẻ đót cùng "cân" đót . Hình ảnh nồi quân dụng canh sắn cắt mỏng, nêm ruốc Thuận An loại "quỷ tha ma bắt" vỏ giòi nổi lềnh bềnh, nhưng cũng còn "chất lượng" hơn món "canh đại dương" trong trại.Tôi xin bỏ qua chuyện này để tiếp về câu chuyện của đót và rừng Bình Điền Tây Nam Huế.
Những toán tù được "giao khoán" cân lượng, chia lại cá nhân mỗi người bao nhiêu ký đót. Bạn đọc có thể thắc mắc tù thì đi hái đót làm gì? Hồi này cũng là "lộc của trời" nhưng lộc này thì cho Trại về bán cho Huế đó thôi. Những năm 1979 và 1980 có thể người dân Huế có dùng những cái chổi đót được hái từ rừng Bình Điền cũng nên.
Đi bẻ cây đót thật vui vì chúng tôi có dịp "dạo chơi", chen lẫn trong rừng đót, được những giây phút thảnh thơi với hoa lá không có ai canh giữ theo mình. Đỉnh Bastogne không còn xa xôi nữa; nó, trước mắt chúng tôi và chẳng còn cao vì chúng tôi đang ở cạnh nó. Cách bẻ đót khá dễ dàng. Khi hoa đót bắt đầu bung, màu còn hơi xanh, là thời gian tù đi "thu hoạch ".
Không dùng liềm, cũng chẳng phải bẻ 'ngang xương'. Một tay nắm phần lá ngang cái đốt chúng ta muốn bẻ, tay kia cầm bông đót bẻ về phía ngược chiều, thì bông đót tự dứt ra, không còn dùng dằng, mất thì giờ nữa. Đi hái đót buổi đầu, "năng suất" còn thấp, qua buổi thứ hai thì quen tay, chúng tôi tăng dần lượng đót.
Cây lách rừng "ranh ma", mọc xen trong rừng đót. Phần mép lá của cây lách sắc "hơn dao cạo", bao nhiêu lần đứt tay máu chảy ròng ròng; "đưa miệng mút" cầm máu, rồi cũng xong.
Mùa đót vào tháng nào chúng tôi chẳng nhớ?mà chẳng cần nhớ làm gì! Nhưng đót không thể "rủng rỉnh" đợi mà trại phải làm gấp chỉ ít tuần trong mùa "ĐÓT RỘ" thôi. Huế lúc này làm sao mua hết đót trên rừng? Huế sau năm 1975, chỉ còn vài con phố "hiu quạnh". Chủ nhân lớp ở tù, lớp "mất hút" phương xa. Những bà mẹ Huế mãi ngồi "chờ con";đứa ở tù, hay có đứa 'đi mãi' không về, nên để tường ố nhện nhăng.
Phố Huế đìu hiu- u buồn khi khách vắng teo. Chẳng ai màng quét dọn, thì làm sao đót từ rừng về thành phố bán chạy? Vài dãy phố mua bán cầm chừng, tiền bạc hiếm hoi, chuyện "lộc trời" chắc gì khấm khá?
Xưa, tôi có khi tay cầm chổi đót. Tôi còn nhớ hình dạng cái chổi, qua tay người dân quê hay người thợ nào đó bó cho mà dùng. Giờ, tôi đứng đây giữa rừng đót Bastogne ngày xưa "gầm vang' đại pháo, 155, 175 ly? tất cả đã trả lại im lìm muôn thưở cho núi rừng Truờng Sơn. Lòng cảm thấy vui vui, tôi như như một khám phá "bất ngờ và lý thú" nào đó...
Cứ trưa trưa mỗi người mỗi vác đót thật lớn đứng xếp hàng "đếm số" vào lại cổng trại. Cái sân trại giờ đây phơi đầy những hàng đót , chờ khô có xe chở về Huế. Chuyện bán đót là chuyện của cán bộ, đời tù chỉ mong đến giờ nghe kẽng lãnh phần ăn là xong. Củ sắn, thìa muối sống buổi sáng , phần "canh đại dương" kèm theo sắn hay khoai ...thời hái đót ,năm ngày mới được thuởng thức một chén cơm từ khẩu phần 100 gam gạo; gạo là "thuốc bổ" phụ cho thời khoai sắn thay cơm. Đó là những năm tháng khó quên, những kỷ niệm "rưng rưng " với đót, với Trường Sơn - Huế, với những rừng đót lung lay theo gió.
Ngày đó từng bó đót được đổi miếng ăn cho tù, là kỷ niệm, là dỉ vãng. Tôi nhớ đót như nhớ (hay thuơng) những mãng rừng no nắng trên vùng biên giới, quê huơng.
Ý niệm hận thù, ghét bỏ, đã qua đi như ngọn gió rừng lao xao lướt qua thảm rừng đầy tràn hoa đót . Giờ đây đót vẫn còn ; nhưng là tiền, là gạo, cho bao lớp tuổi thơ VN, đời sống bấp bênh, nghèo đói so với tuổi thơ thành thị.
Qua bao năm, chắc hẳn giờ đây hoa đót vẫn đu đưa, "ru đời" qua đi sau từng cơn gió núi. Đót Trường Sơn vẫn vươn qua bao tàn phá của những bàn tay tham lam mở đất; đót còn nuôi em, nuôi mẹ vùng cao. Xã hội còn nghèo, hay tình nguòi cùng sự công bằng xã hội "còn nghèo"? Trường Sơn vẫn oằn lưng chịu bao nhát chém của lòng tham ; đất Cao nguyên vẫn lở lói cho 'tiền muôn bạc tỷ' của những kẻ ngất ngưởng quyền uy ! Người dân núi vẫn nghèo, tuổi thơ vùng cao vẫn đói ! Bó đót qua thác vượt ghềnh, vẫn chống chọi với cái chết để đổi lấy miếng cơm! những chiếc cầu "công lý" vẫn chưa nối bờ cho đám dân rách rưới xác xơ ?
Thôi, biến cố nào cũng qua, sướng khổ nào cũng hết; xin lắng tâm tư về kỷ niệm , mong sóng lặng gió qua bình yên như nước hồ thu. Trong muôn vàn ký ức của những thế hệ , những lớp người đi trước , bao nguòi Việt Nam dù bắc hay nam, dù người linh VNCH hay bộ đội 'cụ Hồ", chắc hẳn có nhiều người mang nặng dấu ấn Trường Sơn, trong đó có hình ảnh những rừng đót hoa nở trắng phau lung linh dưới ánh nắng rừng. Tôi không ngờ hôm nay những hình ảnh và câu chuyện về đót cũng được nằm trong vùng kỷ niệm .
Hiện nay người dân Huế hay đồng bằng Quảng Trị đang ồ ạt lên rừng kiếm đất , tương lai những rừng đót "lộc trời" chắc cũng không còn
DHL edition
17/6/2016
17/6/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét