Những pho tượng gỗ thô mộc, hồn nhiên như chính con người và núi rừng nơi đây...
HỒN GỖ TÂY NGUYÊN
*Contributor
Vùng đất nắng gió Tây Nguyên xưa nay vốn được người ta ca tụng nhiều về nền văn hóa cồng chiêng với kho tàng sử thi được kể bên bếp lửa bập bùng. Tuy nhiên, ít ai biết nơi đây còn có cả những pho tượng gỗ và những người nghệ nhân dùng cả cuộc đời để sáng tạo nên những bức tượng biết kể sử thi – những bức tượng với vẻ đẹp thô sơ, mộc mạc và hồn nhiên, sống động. Tạc tượng gỗ đối với đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên là một loại hình nghệ thuật đã có từ lâu đời, thường được sử dụng phục vụ mục đích tâm linh, như để thờ cúng, để chôn cất cùng người đã khuất,…
Song hành cùng tín ngưỡng nơi đây, nghệ thuật điêu khắc gỗ là nghề thủ công độc đáo mang đậm bản sắc của cộng đồng của các dân tộc bản địa Tây Nguyên. Ngày xưa, những bức tượng gỗ này thường được sử dụng trong những nhà mồ Tây Nguyên. Người ở Tây Nguyên tin rằng “vạn vật hữu linh” (tức là vạn vật đều có linh hồn), nên khi chết đi thì cần phải chuẩn bị lễ để chung vui lần cuối, thể hiện tình yêu và tiễn người mất sang thế giới bên kia. Ngày nay, những pho tượng gỗ này được sử dụng với nhiều mục đích đa dạng hơn, như được dùng để trang trí nhà cửa hay bàn thờ. Đây đã trở thành một phần không thể thiếu của người dân ở Tây Nguyên. Hằng năm, một số nơi còn tổ chức cuộc thi khắc gỗ để tìm ra những nghệ nhân xuất sắc của làng. Bằng đôi tay khéo léo và tư duy sáng tạo, những thân gỗ đã được các nghệ nhân thổi hồn, trở thành các tác phẩm nghệ thuật mang trong mình dấu ấn văn hoá và tâm linh của mảnh đất thiêng này.
Nhìn chung, các bức tượng đều được lấy cảm hứng từ những hình ảnh rất đỗi quen thuộc, từ công việc đồng áng hàng ngày đến những giờ sinh hoạt cộng đồng, thể hiện tình yêu thương con người, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu sông, yêu suối, yêu đời sống văn hóa lễ hội. Đó là những người phụ nữ giã gạo, dệt vải, là cánh đàn ông vào rừng săn bắn, đi rẫy, là không khí lễ hội rộn ràng của buôn làng cùng những khuôn mặt tươi vui khi biểu diễn nhạc cụ, nhảy múa, uống rượu cần. Những nét văn hóa “phi vật thể” như vậy lại được những người nghệ nhân “vật thể hóa”, trở thành một nét riêng rất độc đáo trong văn hóa của núi rừng đại ngàn. Tuy nhiên, mỗi dân tộc tại vùng đất Tây Nguyên này đều có những nét riêng biệt trong văn hóa và tập quán. Vì vậy, tùy vào vị trí địa lý hoặc tộc người, mà các nghệ nhân cũng lựa chọn cho mình những chủ đề tạc tượng khác nhau. Ví dụ như, trong các bức tượng gỗ của người Ê Đê, hình ảnh thường xuyên được xuất hiện nhất có lẽ là hình ảnh của người phụ nữ. Bởi, trong văn hóa của người Ê Đê, người phụ nữ là trung tâm của mọi vật, là người đem đến và nối dài sự sống từ ngàn đời.
Điều đặc biệt trong nghệ thuật đẽo tượng gỗ của người dân tộc Tây nguyên đó là, chẳng có bất cứ một “nghệ nhân” nào ở đây được theo học bất cứ một lớp học về nghệ thuật. Nhưng ai ai cũng biết gọt, biết đẽo. Những gì họ biết đều xuất phát từ niềm yêu thích, sự tự học hỏi và hoàn toàn được truyền lại từ những người đi trước. Chính vì không qua bất cứ một trường lớp đào tạo, không theo bất cứ một lý thuyết và khuôn khổ nào, nên tất cả đều được bắt nguồn từ chính cái nhìn của họ đối với thế giới xung quanh và những điều gắn liền với văn hóa dân tộc. Tượng gỗ Tây Nguyên chính xác là sự phản ánh và mô tả đời sống thực tế của những người dân ở đây.
Những đồ vật cần để tạo nên một tác phẩm điêu khắc cũng rất đơn giản: một khúc gỗ mộc, một cây rìu, và một cây đục. Một tác phẩm điêu khắc hoàn toàn không thể được tạo ra từ những chiếc máy hiện đại, rồi thoa dầu, đánh bóng mà hoàn toàn trần trụi, thô sơ, đứng vươn mình hiên ngang dưới nắng gió miền đất đỏ. Khúc gỗ ban đầu được đẽo sơ bằng rựa, sau đó những đường nét tinh xảo hơn, nhỏ hơn thì được người nghệ nhân xử lý bằng cây đục nhỏ. Đường nét của tượng gỗ Tây Nguyên thường có vẻ thô ráp, cứng cáp, nhưng chính những đường nét ấy cũng phần nào thể hiện được phẩm chất của những người dân ở đây, mộc mạc, chất phát và mạnh mẽ. Hình ảnh của những bức tượng sau khi được đục đẽo xong, đôi khi cũng chẳng hề cân xứng, chẳng hề được chau chuốt tỉ mỉ và tinh xảo, nhưng lại là những gì rất thực, rất “đời”.
Trong số những nghệ nhân nổi tiếng trong làng tạc tượng gỗ, phải kể đến nghệ nhân Ưu tú Ksor H’nao, người Gia Rai ở làng Kép, phường Đống Đa, TP. Pleiku, Gia Lai. Bên cạnh việc am hiểu về tạc tượng gỗ, ông còn có năng khiếu âm nhạc và kiến thức sâu rộng về ẩm thực vùng núi. Chính vì vậy, năm 2015, ông đã vinh dự nhận danh hiệu nghệ nhân ưu tú về loại hình tri thức dân gian sau rất nhiều những nỗ lực đóng góp để bảo vệ và giữ gìn những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc. Bên cạnh đó, các nghệ nhân trẻ, cũng cố gắng góp sức trong việc bảo tồn nét văn hóa này. Một số tác phẩm của các nghệ sĩ H’re sống ở khu vực Nam Trung Bộ, hiện đã và đang được trưng bày tại Art Space, Anantara Hoi An Resort – một không gian mới kết hợp giữa nghệ thuật và ẩm thực.
Nghệ thuật tạc tượng gỗ của đồng bào Tây Nguyên không chỉ là biểu hiện tâm linh, tín ngưỡng của “vạn vật hữu linh” hoang sơ, mà còn phản ánh một trong những nghề thủ công độc đáo của các tộc người miền cao nguyên đất đỏ. Những nghệ nhân đã đưa sử thi của dân tộc mình vào nét điêu khắc gỗ, tạo nên các hình khối nhiều cảm xúc. Từ chỗ chỉ đặt ở nhà mồ, tạc tượng gỗ dân gian Tây Nguyên nay có hướng đi linh hoạt hơn và nhiều đề tài hơn, làm thi vị thêm cho cuộc sống.
Contributor
*Nguồn trích https://www.culturemagazin.com/vi/hon-go-tay-nguyen/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét