“Cỏ thơm Kruế Chuôr là loại gia vị quan trọng trong văn hóa ẩm thực Tây Nguyên. Song, đáng tiếc là cho đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu chuyên sâu nào để tìm hiểu khả năng thích ứng, đặc tính sinh trưởng để tạo môi trường bảo tồn, nhân rộng loại cỏ này". (Ts. Buôn Krông Tuyết Nhung)
ĐI TÌM CỎ THƠM
*Đinh Nga
Mỗi dịp cuối năm, khi tiết trời Tây Nguyên đang độ chuyển giao giữa hai mùa mưa, nắng, những người Êđê, Jarai thạo đường rừng lại lặn lội đi tìm cỏ thơm…
Quà của rừng xanh
Cỏ thơm có nhiều tên gọi, người Êđê gọi là Kruế Chuôr, Hla Drôch, người Jarai gọi là Hla Groach. Dù là loại cỏ từng được sử dụng nhiều trong đời sống hằng ngày, song ngay cả những người lớn tuổi nhất ở các buôn làng cũng không biết được tổ tiên của mình sử dụng loại cỏ này từ khi nào. Họ chỉ phỏng đoán, từ những ngày khai hoang đói khổ, thấy loại cỏ có mùi thơm đặc biệt, những người con của núi rừng Tây Nguyên đã mang về giã cùng các loại cây cỏ gia vị khác để phục vụ bữa ăn hằng ngày.
Ông Y Yao Ađrơng (buôn Săm B, xã Ea H’leo) nhớ lại, trước đây, khu vực rừng gần cầu 110 (huyện Ea H’leo) có rất nhiều cỏ thơm, nhất là vùng ven hồ, gần suối. Cỏ thơm có thân, lá dài, nhỏ và mảnh, mọc thành từng vạt lẫn cùng nhiều loại cỏ rừng khác nên rất khó phân biệt. Chỉ cuối mùa mưa, khi cỏ thơm trổ những nhánh hoa màu nâu tím, nhỏ li ti thì người dân mới biết mà nhổ mang về.
Cách bảo quản cỏ thơm cũng rất đơn giản, chỉ cần hong hoặc buộc chặt phần gốc rồi treo nơi thoáng mát cho cỏ khô, tránh mốc, hỏng là được. Khi cần dùng, họ lại lấy vài nhánh cỏ khô, cắt nhỏ rồi giã nhuyễn cùng với muối, ớt xanh, củ nén, cà đắng… Càng giã kỹ, cỏ thơm càng dậy hương, quyện cùng các loại nguyên liệu khác thành món muối chấm thịt, chấm rau củ hoặc chỉ cần chén cơm trắng cũng thấy rất ngon.
Ngày càng khan hiếm
Cỏ thơm chỉ mọc tự nhiên trong rừng, ở những vùng đất nhất định, vì vậy, không phải ai cũng có dịp thưởng thức muối giã từ cỏ thơm, kể cả những người Êđê, Jarai. Nhiều người đã cố công đào cây, mang hạt về ươm trong vườn nhà song đều thất bại. Theo kinh nghiệm của những người đi rừng lâu năm, cỏ thơm không mọc nơi đất đỏ mà chỉ có ở những vùng đất xám tro, nhiều cát trong rừng. Vùng đất ấy cũng phải thường xuyên ngập trũng trong mùa mưa, chứa nhiều mùn cây mới sinh trưởng được.
Anh Ama Mô (buôn Tơ Roa, xã Cư Amung, huyện Ea H’leo) cho biết, cùng những vạt cỏ giống nhau, nơi nào có thể tìm thấy một cây cỏ thơm thì cũng sẽ tìm được nhiều cây khác, nơi nào không có thì dẫu có cất công tìm kiếm cả ngày cũng không được một cây nào. Chính vì vậy, những năm trước mỗi lần tìm thấy cỏ thơm, anh đều cố ghi nhớ vị trí vạt rừng này để năm sau lại đến. Tuy nhiên, trước nạn xâm canh trên đất rừng ngày càng phức tạp, cây cỏ thơm đang dần mất dấu ở nhiều nơi. Hễ cứ chỗ nào bị lấn chiếm, phun thuốc diệt cỏ để lấy đất trồng lúa, trồng đậu thì tuyệt nhiên ở đó sẽ không bao giờ thấy cỏ thơm nữa.
Trước đây, Ama Mô chỉ cần đi vào vùng giáp ranh giữa hai huyện Ea Súp và Ea H’leo, lần theo những bãi cỏ tranh, cỏ ấu dưới tán rừng thưa là dễ dàng tìm được một bó cỏ thơm to để chia cho bà con và dùng dần trong gia đình. Mấy năm gần đây, anh phải chạy xe máy vài chục cây số trên những đoạn đường lởm chởm đá và sình lầy, băng sang tận địa phận của xã Ea Rốc, Cư Kbang (huyện Ea Súp) mới tìm được một bó nhỏ, chỉ đủ cho nhà dùng. Nhiều người trong buôn còn đi xa hơn để tìm cỏ thơm về bán khiến loại cỏ này càng khan hiếm.
Nâng niu những bó cỏ thơm mua được, anh Y Tiến Ksơr (buôn Hwing, xã Ea Sol, huyện Ea H’leo) chia sẻ, mùi của cỏ thơm không hề giống bất cứ một loại cây gia vị nào khác. Vì cỏ ngày một khan hiếm nên anh thường phải dặn trước những người thường đi rừng cả năm trời và mua hàng chục bó nhỏ treo ở gian bếp, chỉ những dịp đặc biệt mới mang ra dùng. Đây cũng là nét đặc sắc ẩm thực của người Êđê mà anh luôn tự hào giới thiệu mỗi khi có khách phương xa đến thăm gia đình mình.
Đinh Nga
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét