Nhìn ngọn núi Chư Bluk xa xa... rất quen mắt với người dân Buôn Trắp chúng tôi.
PHÁT HIỆN CHẤN ĐỘNG TỪ HANG ĐỘNG NÚI LỬA CHƯ BLUK
*Hoàng Thiên Nga
Còn hai tháng nữa các nhà khoa học mới chính thức công bố các thành quả nghiên cứu từ hang động núi lửa ở huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, những di vật quý giá thời tiền sử lần lượt phát lộ dưới lòng hang sâu đã đủ chấn động giới khảo cổ toàn cầu.
Say nghề quên tuổi
Như một mối duyên lạ khó cắt nghĩa, không ít sự kiện thú vị của nhóm chuyên gia nghiên cứu hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á đều có sự chứng kiến của phóng viên báo Tiền Phong.
Trong đó, nhiều kỷ niệm không thể quên. Như lần được ông Lê Hoàng Cơ- Tổng giám đốc Đamsan Tuor cấp báo về lịch trình thâm nhập vào chuỗi hang động núi lửa Krông Nô của đoàn chuyên gia hang động Nhật Bản, tôi lập tức liên hệ, và may mắn được Tiến sĩ Tachihara Hiroshi 76 tuổi trưởng đoàn đồng ý cho nhóm nữ PV Tiền Phong theo, cùng “nhảy dù” xuống hang C7 sâu như đáy giếng, rồi “độn thổ” khám phá khắp các nhánh hang động bí hiểm khổng lồ.
Lần tôi được cấp báo tin vui, lập tức cùng cộng sự lái xe tới… bìa rừng, bỏ xe rẽ cây, băng qua nền đá basalt bọt lởm chởm xa thăm thẳm tới nát đế giày, rồi trèo thang dựng đứng tuột xuống lòng hang C6-, để tận thấy cảnh “ông trùm đào mộ”- PGS.TS Nguyễn Lân Cường mừng như… trúng số độc đắc. Tại đó, nhà khoa học tuổi 78 mải lết dưới đáy hố, đầu đội đèn pin, tay cầm dụng cụ bé xíu thận trọng khảy từng hạt đất li ti, để lộ dần từng mảng sọ người tiền sử đầu tiên tìm thấy giữa ruột hỏa diệm sơn…
Và lần mới đây, có dịp ra Thủ đô, vừa hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, đang chờ lấy hành lý, tôi lại “đụng” phải đoàn chuyên gia. Té ra người ngồi ghế ngay sau lưng tôi, hò hát ồn ào suốt chuyến bay lại chính là “ông đào mộ cổ” kiêm nhạc sĩ Nguyễn Lân Cường. Lập tức vợ chồng TS La Thế Phúc kéo tôi về tận Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam để khoe kho “bom núi lửa” ông bà vừa sưu tầm được trong suốt 3 tháng mòn gót khảo sát cả trăm núi lửa trên Tây Nguyên. Toàn những tảng nham thạch nhỏ to lổm ngổm, hình thù kỳ lạ. Nhìn cách ông bà trầm trồ nâng niu thì biết! Với nhà địa chất, là người đầu tiên tại Việt Nam tìm thấy loại bom không nổ này, có khi còn hạnh phúc hơn vớ được khối vàng!
Còn nhớ, tháng tư năm ngoái, vợ chồng TS La Thế Phúc gặp tôi tại sân bay Buôn Ma Thuột. Ông bà tuổi đều đã hơn sáu mươi cùng nhận nhiệm vụ rất nặng đúng nghĩa đen: đưa chiếc va li có bộ hài cốt đã đổ khuôn thạch cao gần 25 kg bay về Hà Nội. Là loại hàng cực kỳ đặc biệt, dễ vỡ nên chiếc va li này không thể gửi vào khoang hàng mà phải lên máy bay theo người giữ. Đụng phải quy định nghiêm ngặt về phân loại và kích cỡ hành lý, dù đã có công văn của cơ quan chủ quản, hai chuyên gia vẫn gặp khó. Phóng viên Tiền Phong phải vào cuộc vận động lãnh đạo sân bay hỗ trợ, ưu tiên cho chiếc va li chứa xương người nặng trịch qua cửa an ninh.
Cố nhấc thử bằng cả hai tay, tôi ái ngại hỏi ông bà là ai vác? Và vác sao nổi lên máy bay? TS. La Thế Phúc hào hứng pha trò: Bọn anh khỏe lắm! Thân lừa ưa nặng mà! Chỉ cần giữ được cho xương các cụ không gãy vỡ, thì nặng mấy anh cũng cõng vô tư! Quả nhiên, với sự giúp sức của người bạn đời đồng nghiệp, ông đã gùi được khối hàng kinh dị về tới nơi an toàn. Đêm khuya, bà Tuất vui vẻ gọi tôi “Báo cho em biết, anh chị vừa bàn giao nguyên vẹn chiếc va li hài cốt cho bác Cường. Bác ấy giờ đang ngồi cặm cụi sắp xếp tại từng mẩu xương, mừng lắm, chắc chẳng ngủ đâu!”
Báu vật của “chuyên gia hài cốt”
Là nhà khoa học đầu ngành Cổ nhân học của Việt Nam, với tình yêu nghề hiếm có, PGS.TS Nguyễn Lân Cường vẫn thường bị các thế hệ học trò gọi đùa là “ông trùm đào mộ” “chuyên gia hài cốt”.
Từ năm 1975, khi miền Nam vừa hoàn toàn giải phóng, nhà khảo cổ Nguyễn Lân Cường đã cùng GS.TS. Hans Dr. Kahlke-Viện trưởng Viện cổ sinh Đệ tứ kỷ Weimar (CHLB Đức) và các chuyên gia Viện Khảo cổ đi khảo sát khắp vùng Tây nguyên, nhận định đây là nơi rất nhiều núi lửa, nhưng chưa có điều kiện nghiên cứu sâu hơn.
Trong suốt cả thập kỷ sau năm 2000, TS. La Thế Phúc ở Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cùng một hướng dẫn viên du lịch nhiệt tình, tốt bụng ở địa phương là anh Nguyễn Thanh Tùng đã lặn lội thám hiểm, phát hiện ra hàng loạt hang động núi lửa chạy ngầm dưới lòng đất ở xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông.
Mãi tới tháng 8/2017, đề tài “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng, bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy thí dụ hang động núi lửa ở Krông Nô tỉnh Đắk Nông”, mã số TN17/TO6, thuộc chương trình Tây Nguyên giai đoạn 2016 -2020, do Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ VN chủ trì, TS La Thế Phúc là chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Nguyễn Trung Minh – Phó chủ nhiệm đề tài, mới được triển khai.
Nhiều chuyên gia khảo cổ đã được mời tham gia. Ngoài PGS.TS Nguyễn Lân Cường- Tổng thư ký Hội khảo cổ học Việt Nam, còn có PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử, TS. Lê Xuân Hưng- Trưởng bộ môn Khảo cổ học- Dân tộc học của Trường đại học Đà Lạt, cùng các nhà khảo cổ trẻ: Phan Thanh Toàn, Vũ Tiến Đức, Nguyễn Thành Vương, Phạm Thị Phương Thảo… Cả đoàn tá túc tại nhà anh Nguyễn Thanh Tùng.
Một buổi sáng tháng 3/2018, “ông đào mộ cổ” sáng mắt lên, khi phát hiện trong đám công cụ đá, xương động vật, vỏ trai ốc sàng đãi được ở hang C6-1, có vật giống như chiếc răng khôn bên phải hàm trên. Ông hồ nghi tự hỏi: Mặt nhai đúng là răng người nhưng thường thì răng này chỉ có từ 1 đến 3 chân, sao đây lại có tới 4 chân răng? PGS.TS Cường email ngay ảnh chiếc răng hàm này cho 2 người bạn là GS.TS. Hirofumi Matsumura (Nhật Bản) và GS.TS. Hoàng Tử Hùng, nguyên Viện trưởng Viện Răng-Hàm-Mặt Đại học Y Dược T/P Hồ Chí Minh. Chỉ vài tiếng sau cả 2 nhà khoa học đều trả lời: “Chính xác, răng người đấy!”.
Cả đoàn khai quật mừng rỡ! Thế là có dấu vết đầu tiên của con người ở Tây Nguyên sau bao năm tìm kiếm, dù chỉ mới là 1 chiếc răng hàm. Tối đó, TS. Lê Xuân Hưng quyết định thịt 1 con gà và 1 thùng bia để liên hoan. Sau nhiều tháng tỉ mỉ phục chế, PGS.TS Nguyễn Lân Cường mới hàn gắn khít khao được hơn 100 mảnh vỡ thành một hộp sọ gần như nguyên vẹn, hiện rõ các đặc điểm xương sọ của bé gái 4 tuổi thời tiền sử. Với ông, đây chính là báu vật độc nhất vô nhị trên đời…
Phát hiện chưa từng có trên thế giới
Cho tới hết mùa khô năm 2018, trong khu vực núi lửa Chư B’Luk (thuộc xã Buôn Choáh, huyện Krông Nô), đoàn nghiên cứu đã phát hiện được 3 ngôi mộ có di cốt người, và tìm thấy dấu vết của 10 cá thể nữa. Trong số đó, có tới 5 cá thể là trẻ sơ sinh, 1 cá thể là thiếu niên và 4 cá thể là người trưởng thành. Theo các kết quả phân tích bằng phương pháp C14 mới nhất của Mỹ và Nga, thì ngôi mộ được đặt ký hiệu 18C6-1D2L4.8M2 đã có khoảng 6.100 năm trước.
Không thể kể hết nỗi nhọc nhằn, gian lao mà mỗi thành viên đoàn khảo cổ đã nếm trải suốt quá trình khảo sát, nghiên cứu, khai quật các di tích trong hệ thống hang động núi lửa Chư Bluk. Với tôi, nữ phóng viên thực hiện ký sự này, thật cảm động khi thấy cảnh những nhà khoa học đầu ngành da mồi tóc bạc nằm ngủ ngon lành dưới lòng động tối, ngay trên những đám đất còn chút hơi ấm vừa vét lên từ đáy hang sâu, sau những giờ đào bới, sàng đãi, lặn lội mệt nhoài.
Đợt khai quật mới đây trong mùa khô 2019 tại hang C6.1 có thành quả đặc biệt quan trọng là đã khai quật được trọn vẹn 2 bộ xương người trưởng thành trong tư thế bó gối – một táng thức đặc trưng của người tiền sử. Đó là bằng chứng chính xác để tìm hiểu về vấn đề chủng tộc của người cổ sống ở Tây Nguyên, một câu hỏi từ trước tới nay chưa từng có lời đáp.
“Chúng tôi đã liên hệ để tham khảo ý kiến của một số nhà khoa học nước ngoài như Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Úc và Indonessia… Họ đều phát biểu rằng chưa hề phát hiện được di cốt người cổ trong những hang động núi lửa. Tìm thấy hài cốt người tiền sử trong hang động núi lửa là phát hiện chưa từng có trên thế giới.”- PGS.TS Nguyễn Lân Cường hạnh phúc cho biết.
HOÀNG THIÊN NGA
Lúc trước có dịp đi giao dụng cụ tiệc buffet ngang qua đây thấy khung cảnh rất đẹp và hùng vĩ. Trên đây mà chụp hình là hết ý luôn nha mọi người.
Trả lờiXóa