Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 29 tháng 11, 2020

THỦ THỈ CÙNG PLUNG *Nguyễn Hàng Tình

 

25 tháng 11 lúc 19:25 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Chỗ nào còn nhìn thấy PLUNG - CON THUYỀN ĐỘC MỘC - là chỗ đấy êm ả...
THỦ THỈ CÙNG PLUNG
*Nguyễn Hàng Tình
Giao hòa
Cảnh sống bình thường này với ta nó đã phơi ra ở những khúc sông trên nguồn Đạ Dâng, Sê San, Pô Kô, Đak Bla, rồi nơi những hồ nước mà người S’tiêng sống gần đấy ở Cát Tiên, là những cù lao nằm giữa dòng Sêrêpôk của người Ê Đê, Lào, là những cánh đồng mỡ màu ở hạ lưu sông Krông Ana, hay các dải ruộng nằm dưới các rặng sơn lâm ở hạ lưu dãy Chư Yang Sin, Kon Ka Kinh, Bidoup, rồi cả nơi những bàu nước sình lầy um tùm lau lách ta đã sống qua, và rộng khắp nữa là mọi ngóc ngách, xó núi, xó rừng. Bá tánh người bản địa hay đưa ta đi lại trên những chiếc Plung thế này-giống như khi ở phố người ta cho ta quá giang xe máy vậy. Sông hồ tách biệt, núi non cách trở thì dùng gì đây nếu không là Plung chứ, để đi lại, nhất là mùa mưa và chuyên chở người, thổ sản. Nhà nào biết làm ăn mà chẳng có Plung. Cái Plung nó không có phép lạ, mà không gian sinh nở ra nó tạo ra những tầng giá trị, ý nghĩa.
Những mùa mưa, mùa khô ấy ngồi trên Plung, ta cảm nhận đầy ắp sự thanh khiết. Có lẽ vì cái thân cây gỗ nổi trên nước thì nó cộng hưởng được mọi nguyên lý vật chất ở chiều khí động học lẫn những điều sâu kín của tự nhiên, thủy-mộc giao hòa. Nó lướt đi nhanh, nhưng đằm lắm, trôi nổi tỉnh bơ, cứ len theo con sóng, nương vào sóng nên khó lật úp, và cũng không chút đối kháng nào với sông, với gió nắng, mưa bão. Dĩ nhiên các sắc dân nhóm Môn-Khmer gọi nó là Plung, còn các sắc dân nhóm Malaiyo-Polynesién gọi nó là M’ran. Đơn giản nó chỉ là nguyên thân cây đục lõm xuống để rỗng ra, nổi được trên mặt nước và chứa chở được người, vật đi đó đây.
Rừng núi đầy ra đấy, sông hồ, suối bàu nằm ngay bên rừng, vớ lấy một cái cây đục cho tử tế vào là có một vật dụng tuyệt vời để đi, sinh hoạt. Độc mộc, nghĩa là không lắp ghép. Thế thôi. Thì hải thuyền, tàu bè nào đóng bằng sắt thép, nhôm, composite hay chất liệu tổng hợp gì đi nữa cũng chỉ nhằm một mục đích chung là vận tải, phục vụ con người. Tùy mức độ, nhu cầu, không gian khác nhau mà vật thả xuống nước có nhiệm vụ nổi trôi di chuyển đó khác nhau về thiết kế, hình thù và cách sử dụng thôi. Nó phù hợp với không gian sống, không gian văn hóa, không gian tâm hồn người sơn nguyên mà đời cho ta được dự phần, cái không gian mà mọi thứ gắn chặt vào thảo mộc.
Sao xanh trong dấu chim rừng
Ở Tây Nguyên, trong các gia đình bản địa, người phụ nữ gánh vác, làm mọi thứ, ngoại trừ con Plung này. Plung đúng là thứ duy nhất mà đàn bà không phải đụng tay vào. Toàn bộ quá trình ra đời của Plung đều do đàn ông. Họ lên rừng tìm chọn cho được cây Dhi Grier (cây sao xanh, tiếng phổ thông). Chỉ cây rừng này, vì chúng chịu được nắng và nước, khó mục và cũng không bị nứt nẻ trong môi trường ẩm nóng. Và chặt đúng một cây, mang về, không được chặt quá. Khi đi tìm cây Dhi Grier này trong rừng, nếu phía trước nghe có tiếng chim kêu là đi tiếp, tốt. Nhưng nếu tiếng kêu của chim ở đằng sau lưng thì không tốt, phải quay về ngay. Có lẽ khi gia chủ tính chuyện làm một con Plung đã được núi rừng nghe thấy, ứng cho biết là “được” hay “chưa” thông qua loài chim rừng bất kỳ nào đó là sứ giả. Trước khi đốn cây phải làm lễ cúng xin Yàng cho phép hạ lấy. Mười hai mét, mười mét, tám mét, hay sáu mét, bốn mét chiều dài cho một con Plung là phụ thuộc ở gia chủ cho nhu cầu chở người, chở thổ sản, hay đi chăn bò, chở con đi học, đánh bắt cá.
Nhưng lòng của con Plung rộng bốn mươi, sáu mươi, hay tám mươi phân là phụ thuộc vào bề ngang cây gỗ kiếm được. Nghĩ ra nó là một sự thông minh, tinh tế đến tối giản, cực khoa học. Sự xuất hiện của nó hợp lẽ đất trời. Một thực thể, vật dụng bản nguyên; một sản phẩm của xã hội nguyên bản, vô nhiễm hoàn toàn với “công nghiệp”, “kỹ nghệ” và phá hủy. Công nghiệp là tiện ích, là văn minh, mà cũng là bạo tàn; là cấp cao mà cũng là cấp thấp, là đức hạnh mà cũng là tội lỗi. Chưa chắc công nghiệp “ở trên” mà cũng chưa chắc nông nghiệp là “ở dưới”, cũng như tên lửa thông minh (và văn minh) hơn hoa hồng. Với con Plung, người Tây Nguyên đục cây gỗ xong, tri ân trời đất (cúng) để Yàng chứng kiến. Khi đưa thuyền ra chạm xuống mặt nước, cúng để Yàng thấy cây đã hóa kiếp thành thuyền-từ đây cuộc đời trên đất đã sang cuộc đời dưới nước. Chưa nói trước đó, khi hạ và đục lấy cây Dhi Grier phải để một quả trứng gà lên đấy, nếu trứng không lăn thì thuyền ra đời mới ngon, tốt, sẽ không lật. Plung, một thực thể sống tất yếu với người sơn nguyên, nó thân thiết và máu thịt như chiếc gùi hay cái xà gạt vậy mà.
Nhưng khi hoàn thành chiếc thuyền thì việc sử dụng nó được trao ngay cho phụ nữ và người phụ nữ cũng là chủ thể sở hữu lấy nó. Mẫu hệ mà! Vì vậy nên thường thấy hình ảnh người phụ nữ hàng ngày trên con thuyền độc mộc và luôn chèo, bơi giỏi hơn đàn ông. Đàn ông nếu dùng đến chỉ là đi bắt cá, chở con đi chơi, chứ còn đưa thuyền đi bờ này sang bờ kia, lên rẫy, vào núi, vận chuyển hàng hóa, bán mua là trong tay người đàn bà tất-số phận họ như “dính” với chiếc thuyền độc mộc.
Ký ức giữa thực tại
Rồi mới đó, độ 25 năm nay, trên những dòng sông, không đâu còn thấy bóng hình của Plung nữa. Những người S’tiêng ở sóc Bù Khiêu, Bù Run vùng Cát Tiên đã đi xuồng vỏ thép trên sông Đồng Nai rồi. Những người Ê Đê, Lào đã không dùng mi chở ta trên sông Sêrêpôk. Thì cũng như người Bahnar ở Kon Tum cũng đâu cho ta qua sông Đak Bla bằng Plung vào mùa khô năm nay như 23 năm trước.
Khi đi quanh mà không thấy thuyền độc mộc ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa thì ta chỉ còn biết về nhìn phiên bản của mi trong… bảo tàng. Bảo tàng tổng hợp tỉnh Đak Lak đã nhanh tay “tậu” được một chiếc từ không gian của các buôn người M’nông bên hồ Lak, cách tỉnh lỵ Buôn Ma Thuột gần 50 cây số.
Plung, hình như đã làm xong nhiệm vụ lịch sử. Nhiệm vụ lịch sử ở chỗ, nó chỉ có thể tồn tại khi con người nương tựa vào thiên nhiên để sống, hòa thuận với tự nhiên, dè sẻn với thiên nhiên, rón rén với thiên nhiên, và kỹ nghệ, cơ khí máy móc (ở đây là máy móc dùng cho thủy giao) chưa phát triển và dễ phổ biến như bây giờ. Những con sông, giờ đây vì bị đoạn ra làm nhiều khúc để làm thủy điện kia, đành phải nói lời vĩnh biệt với người bạn sắt son đi từ ban sơ của nó. Khi những vùng Tơ nau vó (bàu nước hoang-nơi quần tụ muôn loài thủy sinh, và chỗ để các loài thú tìm về uống nước) đã bị đẩy ra chơi vơi khi xung quanh không còn rừng, thì Plung cũng lạc loài, vô duyên. Các đơn vị xã, thôn mới hình thành ngay trong lòng các khu rừng cuối cùng, và các xưởng cơ khí, gò hàn luôn đi cùng các làng nhập cư thì mi cũng hết cơ hội để tồn tại là phải thôi. Loài người đang “đi lên” chứ nào lại đi dọc hay đi ngang như Plung.
Plung nhắc nhớ con người về buổi còn gần gũi với thiên nhiên, xài đủ sống, không thu vén, dự trữ, đoạt cướp, tranh đua, gửi của cải lẫn con cái ở nước ngoài; nhà này đứng trên nhà kia, người này đứng trên người nọ, nhất là về sự khéo léo hòa thuận của con người trước trời đất, và sự giới hạn của lòng tham. Plung là một thứ ký ức, bộ hồi ức về buổi ban đầu, buổi con người còn đơn sơ, tử tế, thuần khiết.
Giờ đây, đỏ mắt tìm kiếm mới thấy vật vờ đôi ba con Plung/M’ran ở dăm ba bến hồ, bến sông ở vùng Ayun Pa của người Jrai, vùng Kon Tum của người Bahnar, vùng hạ lưu sông Sêrêpôk ở Ea Súp, Buôn Đôn của người Ê Đê-Lào-M’nông. Nhưng con nào cũng tàn tạ lắm rồi, như các “cụ Plung”, tuổi năm-sáu-bảy mươi năm cả. Hình ảnh hấp hối rực rỡ duy nhất của Plung chỉ còn có thể chứng kiến ở vùng của người M’nông Gar, quanh hồ Lak, xứ Lak. Nơi này người M’nông Gar thuần sơn nguyên, buôn của họ còn dày đặc, và họ sinh sống ngàn đời với nước (Lak là nước), với nghề trồng lúa nước và đánh bắt thủy sinh. Hàng ngày những người phụ nữ ở buôn Jun, buôn Lê vẫn băng hồ bằng Plung để đi rẫy ở núi bên xa kia. Và những người phụ nữ ở buôn Mliêng, Triết, Trấp… vẫn ra chợ trấn huyện lỵ bằng Plung. Vì hồ tự nhiên Lak quá đẹp, bản sắc văn hóa M’nông Gar còn quá đặc sắc, nên khách du lịch tìm đến đây nhiều. Và nhiều nhà M’nông Gar cũng biết lấy những con Plung để chở khách đi chơi, kiếm chút tiền. Với tôi, Lak là “Bảo tàng sống” cuối cùng về thuyền độc mộc trên miền Tây Nguyên.
Dù bà H’Duôi ở buôn Jun sát mép hồ nói rằng, cũng 25 năm rồi bà không thấy có chiếc Plung nào mới được đưa xuống hồ cả. Số thuyền độ 20 chiếc còn lại quanh đây là những chiếc ông cha để lại từ những năm 1960 đến 1990 của thế kỷ trước. Con nào giờ nhìn thân thể cũng như tấm áo của những kẻ cơ hàn, đã dày đặc chỗ vá to, nhỏ từ bụng đến thân, từ đầu đến đuôi. Ông Y Bhun ở buôn Lê cũng kể rằng, quanh đây không ai còn dám lên rừng để lấy cây Dhi Grier nữa. “Xứ Lak cũng đã hết sạch cây cối rồi. Nơi còn rừng, nó ở xa lắm!”.
Lòng vòng quanh xứ sở của thuyền độc mộc Lak này với ta, ông Y Bhun, chợt dự báo: “Plung sẽ không bao giờ còn tồn tại nữa!”. Ta nhớ ánh mắt già ngây (chứ không phải thơ ngây!) của ông Bhun khi đưa tay chỉ ra nơi người Mnông mình bao đời đậu Plung: “Ồ, mấy chiếc đó hỏng lụi ít năm nữa là xong, chấm hết thôi!”.
Bút ký: Nguyễn Hàng Tình
Ly Đinh, Ngoc Lan và 101 người khác
12 bình luận
13 lượt chia sẻ
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét