Các bạn từ thuở ấu thơ học chung từ lớp Mẫu giáo đến tận lớp Mười. Các bạn vẫy tay và chạy dọc theo hàng rào của phi trường Phụng Dực, gọi mãi tên tôi...
(Tranh màu nước Buôn Jun của Trần Thị Thôn)
XA BAN MÊ, VỀ SÀI GÒN
* Trần Thị Tân
Phần 1: XA BAN MÊ – VỀ SÀI GÒN
Năm 1972. Ngày đó, chiến sự đi vào giai đoạn cuối, đầy khốc liệt, dòng người từ các tỉnh đổ về Sài Gòn mong tìm một chốn bình yên hơn.
Mà đúng vậy. Sài Gòn dưới mắt đứa trẻ tỉnh lẻ 16 tuổi, sao mà bình yên quá. Hàng đêm không nghe tiếng đại bác nổ rất gần. Hàng ngày không thấy những đòan xe cam nhông chở đầy những người lính của Sư đòan 23 Bộ binh và những binh chủng khác đổ dốc về các căn cứ quân sự nằm ở chân dốc của con lộ chính. Thành phố Ban mê Thuột (hoặc Buôn ma Thuột) nhỏ bé của tôi lúc đó tràn ngập các màu áo lính: màu rằn ri của lính dù, lính thiết giáp, màu xanh lá của lính bộ binh… Quán cà phê nhỏ Đồ Long của nhà ông anh Hòa kết nghĩa từ thưở ấu thơ, lúc nào cũng tràn ngập các màu áo lính. Tôi và cô em đi học ngày nào cũng đi ngang quán. Nón lá che kín mặt , bước đi thật mau. Ngại ngùng và đôi chút e sợ. Rồi một hôm, anh Hòa dắt chị em tôi vào quán “một lần cho biết”, anh nói vậy. Mấy anh em tôi ngồi thu mình, lắng nghe câu chuyện của những người lính. Họ nói chuyện với nhau bên tách cà phê, không ồn ào, có phần trống rỗng và họ chẳng để ý gì đến hai ba cô cậu nhóc tì chúng tôi. Có lẽ những câu chuyện này sống động không thua gì truyện của Phan Nhật Nam mà chị em tôi đã đọc. Anh lính bị kẹt trong xe tăng bốc cháy, khuôn mặt anh bị biến hình dị dạng. Anh lính vừa thoát khỏi một cuộc tập kích với nét mặt còn cả nỗi bi thương khi nhắc lại những đồng đội ngã xuống…Còn nhiều những buổi chị em tôi và ông anh ngồi lắng nghe những câu chuyện, ngồi cảm nhận được cái tàn khốc của chiến tranh…
Ba tôi cương quyết bỏ thành phố bé nhỏ này, bỏ lại gần 18 năm gắn bó và xây dựng một mái nhà nơi đây. Ba nói: thành phố này không còn an toàn cho các con, dẫu sao các con cũng sẽ phải về Sài Gòn khi xong Tú tài. Mẹ tôi nói: để thằng Thụy (anh tôi) học thêm một năm nữa cho xong cái Tú tài đôi đi đã… Rồi còn nhà cửa ở Sài Gòn đâu dễ kiếm, vật giá ở đó nghe nói mắc mỏ lắm, rồi trường học cho một đám con… Tôi nghĩ: Rồi còn rừng, còn suối, thác, còn cao nguyên lộng gió, còn mấy đứa bạn thân…
Vậy là gia đình tôi đã rời xa hẳn xứ Buồn muôn Thuở (Buôn ma Thuột) để về Sài Gòn. Mùa hè 1972.
Những tháng đầu, gia đình tôi ở tạm khu đất của linh mục Nguyễn Hữu Trọng , gần Ngã tư Hàng Xanh. Cha Trọng là thầy dạy của ba tôi ở trường Trung học Công giáo tỉnh Thái Bình. Cha là người đã giúp nhiều cho gia đình tôi những ngày đầu ở Sài Gòn, về chỗ ở, về công việc của ba tôi… Ba tôi nhận việc ngay khi về Sài Gòn, làm hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc Giáo xứ Tân Dân, gần Ngã tư Bảy Hiền. Mẹ tôi cùng Bác Vy gái đi tìm mua nhà ròng rã hơn 3 tháng trời. Quảng cáo “bán nhà” trên báo thì đầy rẫy, nhưng đến xem những căn vừa túi tiền thì phải rút lui ngay: căn thì ở sâu trong hẻm hẹp chừng 1 mét ngang, căn thì ở vào một khu toàn dân “xăm trổ”, căn thì nằm sát bên kinh rạch nước đen ngòm… Ấy vậy mà như một duyên lành, Mẹ và Bác tôi mua ngay được một căn nhà ưng ý nằm ở khu chợ Ông Tạ với giá cả phải chăng. Chủ nhà thua bạc phải bán nhà trả nợ gấp. Nhà tôi nghèo lắm, số tiền Mẹ tôi bán căn nhà ở quê cũ và dành dụm chắt bóp cũng không đủ mua nhà. Bác và Cậu tôi mỗi người giúp Mẹ tôi thêm cho đủ. Tôi nhớ giá căn nhà này là 500 ngàn đồng. Chúng tôi yêu thích căn nhà này lắm. Căn nhà đã cùng chúng tôi đi qua bao thăng trầm, chứng kiến biết bao là kỷ niệm vui lẫn buồn. Cho đến tận hôm nay, Ba Mẹ tôi đã qua đời, nhưng chị em tôi vẫn ở lại căn nhà này.
Ba tháng hè ở Sài Gòn tôi thấy mình già đi 3 tuổi. Già, ý tôi muốn nói là tôi người lớn hơn, chững chạc hơn… Những bản năng “rừng rú” hình như yếu dần. Nỗi nhớ rừng, nhớ cây cỏ bạt ngàn đọng thành những giấc mơ trở đi trở lại mỗi đêm. Tôi mơ khu rừng đằng sau trường học, mơ đồi núi chập chùng ngay khi tôi bước ra khỏi rìa mái dốc của đỉnh đồi nơi ngôi trường Trung học công lập duy nhất của tỉnh nằm đó. Mùa này hẳn là hoa dã quỳ bắt đầu trổ vàng lác đác khắp mọi nơi… Mùa hè, những ngày trong tuần thì Ba tôi dạy luyện thi cho học trò thi vào lớp Sáu, còn hai ngày cuối tuần Ba dành cho chúng tôi. Chúng tôi lòng vui như đi Hội, xếp vào giỏ những gói xôi Mẹ tôi nấu từ sáng sớm. Ba tôi cùng 7 đứa con (còn 2 đứa nữa bé quá phải ở nhà với Mẹ) đón xe lam, có khi là xe thổ mộ do ngựa kéo, có khi là xe máy cày, hoặc xe deep của bạn Ba. Chúng tôi đi “vô rừng”, đó là cách Mẹ tôi gọi. Rừng ở đây là: rẫy cà phê của chú Từ ở khu Pháo binh, làng Hòa Bình của người Mường, hồ Trung tâm, hồ Hải Vân, hồ Lak (hồi đó còn gọi là hồ Lạc Thiện) , suối Bugi, thác Draynur, thác Trinh nữ, buôn Ksor, buôn Eakao …. Còn vô số nơi nữa đã in dấu chân của chúng tôi. Xe thả chúng tôi ở ngoài đường lớn rồi Ba con tôi cuốc bộ vào các địa điểm mà Ba tôi đã định sẵn. Ít ra là trên 3 km đi bộ. Sao hồi đó chúng tôi khỏe đi bộ thế không biết, ngay cả đứa bé nhất là con em Thủy 9 tuổi, vừa đi vừa ca hát, chọc ghẹo nhau, nhẩy cẫng lên rượt nhau… Mùi cỏ dại ngai ngái, mùi hoa dã quỳ hăng nồng, mùi cây bắp mới ra hoa, mùi thoang thoảng của bầy ong mật… Tôi thích mùi cỏ mật khi bóp nát búp hoa đưa lên mũi hít sâu một mùi mật thanh thanh…Ba tôi giảng giải cách ong lấy nhụy hoa: bàn chân các chú ong có gắn cái lược dùng để chải nhụy hoa cho rớt vào cái túi ở trước bụng. Ba tôi giảng nhiều thứ lắm: kìa là rừng bướm lá, khi lại gần mới hay các cái lá bay lên không … à thì ra ra bướm… chúng ngụy trang thành lá đó. Cách xem dấu vết người hay thú để lại trên mặt đất, cách xem phương hướng nếu không có la bàn, cách tìm nguồn nước v.v… Chúng tôi thường “hạ trại” bên bờ hồ hoặc bờ suối, dưới tàn cây to. Ba và anh tôi bắt đầu thả cần câu cá, mắt luôn ngó chừng chị em tôi. Ba bà chị tôi thường là lấy đồ ra đan, thêu và tán dóc. Tôi và em Thủy thích nhất những trò chơi “con trai”: trèo cây, rượt bắt, bắn ná thun, bắt bướm, bắt cào cào, châu chấu… Em kế tôi, Thôn chỉ thích đọc sách, đọc miệt mài đủ loại sách trong tủ sách mà Ba tôi cho phép đọc. Tôi cũng đọc nhưng không say mê lắm. Năm nay, qua tuổi 16, Ba cho chúng tôi đọc các tác phẩm văn học kinh điển: Chiến tranh và hòa bình, Jane Eyre, Đỉnh gió hú,Hội chợ phù hoa, Kẻ biển lận, Túp lều của chú Tom, Tiếng gọi nơi hoang dã, Ngư ông và biển cả, kịch Romeo & Juliet, Giấc mộng đêm hè, Hamlet… Thôn chỉ im lặng đọc sách hoặc vẽ vào quyển sổ tay đủ thứ hình cây cỏ, hoa, bướm . Nó thích chui vào “ thế giới mộng mơ” của nó. Tôi nằm trên cỏ dại, dưới bóng râm rộng lớn của cây Kơnia, của cây trâm bầu, cây sầu đâu… nhìn bầu trời xanh biếc qua kẽ lá và nghe ve sầu hát vang. Xung quanh, dãy núi Chư Yang Sinh, núi Chư Prao… tưởng chừng gần đến nỗi dang tay ra là tôi sẽ ôm gọn tất cả vào lòng. Sông Krông Ana, sông Sêrêpok, … chảy cuồn cuộn trong hồn tôi . Hồ Lak, còn gọi là hồ Lạc Thiện, hồ Hải Vân… như những giọt nước mắt thật lớn, long lanh nằm im mãi trên cao nguyên đại ngàn. Ôi, cao nguyên mênh mang của tôi !
Ba tôi ngày càng thu hẹp bán kính “đi rừng”. Phe “miền Bắc” ngày càng nới rộng bán kính tiến vào thành phố bé nhỏ của chúng tôi. Ba chỉ dắt chúng tôi đến những nơi cách xa nhà vài cây số như: đồi La San, thác Nhà đèn, buôn Kơ Dong, rẫy cà phê của chú Từ, suối Đốc học… Nhưng rồi sau năm 1968 thì những chuyến “ đi rừng” thưa dần. Ba tôi phải dạy luyện thi vào lớp 6 cả vào ngày cuối tuần. Nhà tôi ngày càng khó khăn. Ba chị vào học ở Sài Gòn. Một mình Ba gánh gồng bao nhiêu là chi phí. Ba tôi, một thầy giáo nghèo nơi tỉnh lẻ, nhưng mộng cho các con thì thật cao. Ba ươm mầm cho chúng tôi về sự học, về thế giới rộng lớn qua những trang sách của Jules Verne, Victor Hugo, Lev Tolstoy, W. Shakespeare, Jack London… về thế giới đẹp đẽ của thi ca qua truyện Kiều, của ca dao, tục ngữ. Nhà thì nghèo, ăn uống, sinh hoạt đạm bạc, nhưng tủ sách của Ba tôi thì “khủng” : trên 2000 cuốn, chiếm một gian phòng riêng làm nơi chứa sách.
Gần đến ngày chia tay, tôi và các bạn đi lang thang sau giờ học, qua các con đường của thành phố nhỏ. Chúng tôi, mắt ngấn lệ nghĩ đến giờ biệt ly. Chúng tôi, hái trao nhau những đóa tường vi mọc trên bờ tường nhà ai, cả những cánh hoa phượng đỏ thắm, hoa mười giờ tím ngát… Những cánh hoa tôi đem ép vào tập sách và còn giữ đến tận bây giờ. Các bạn từ thuở ấu thơ học chung từ lớp Mẫu giáo đến tận lớp Mười. Các bạn vẫy tay và chạy dọc theo hàng rào của phi trường Phụng Dực, gọi mãi tên tôi. Từ trên máy bay, tôi nhìn các bạn, nhìn cao nguyên lần cuối. Tôi biết một điều: linh hồn tôi sẽ mãi lang thang trên những núi và rừng của xứ Ban Mê!
Sài Gòn thật lạ lẫm. Nhà cửa san sát, người và xe đông không thể tưởng tượng, quá choáng ngợp ! Những dòng xe nối nhau không dứt, may mà có đèn xanh đèn đỏ để chị em tôi dắt nhau qua đường. Còn cả tháng nữa mới nhập học, ba chị em tôi: Tân, Thôn và Thủy rủ nhau đi xem phố xá, xem trường mới. Chỉ là quanh quẩn khu Ngã ba ông Tạ,nhưng đã là rất lớn đối với chị em tôi. Chúng tôi đi vô chợ xem người ta bán hàng, xem những thứ thật lạ mắt mà chợ quê tôi không có: con cua đồng, con rạm, những bánh đường thốt nốt, những chậu thau đựng đầy nhân quả dừa nước trong vắt…Khi dạn dĩ hơn, chúng tôi đi bộ đến trường mới ở gần ngã tư Bảy Hiền: trường trung học Nguyễn Thượng Hiền. Chúng tôi thuộc nằm lòng địa chỉ của trường, số 544 đường Lê văn Duyệt. Hai bên đường đến trường là các tiệm đủ loại: tiệm ăn và tiệm may là nhiều nhất, rồi là tiệm bán bánh cưới, tiệm làm và bán cả khăn đóng (thật lạ!), tiệm bán thuốc lào…A, may quá, đường đến trường cũng có vài cây to tỏa bóng mát, mầu xanh lá làm khu phố trông dịu mắt hơn cho những khối bê tông cứng nhắc.
Xa hơn nữa, chúng tôi đã dám lên xe buýt hoặc xe lam để vào trung tâm thành phố: chợ Bến Thành. Từ đó, chúng tôi đi bộ dọc theo đường Lê Lợi, phố xá nơi đây sầm uất lắm. Mà lạ, người ta dựng kiosques (sạp) nhiều nơi: dãy sạp bán vải, giày dép bao quanh chợ Bến Thành, dãy sạp vải, băng dĩa nhạc, đồ linh tinh dọc vỉa hè đường Lê Lợi…Chúng tôi nắm tay nhau chen chúc trong dòng người để xem hàng hóa, xem người ta mua bán, trả giá. Chúng tôi còn tìm được một hiệu sách nhỏ ở góc đường Pasteur và Lê Lợi, tiệm treo bảng: Miễn trả giá, thật mừng. Tiệm bán sách cũ lẫn sách mới. Lúc đó chúng tôi chưa mua sách giáo khoa để còn chờ nhập học xem Thầy Cô dặn mua sách của ai. Sách ở đây rẻ hơn bên tiệm Khai Trí khoảng 10%. Chúng tôi mang về được mấy quyển truyện: Thần thoại Hy lạp, Lucky Luke, Tin Tin, Xì trum, truyện cổ tích Anderson, tuần báo Tuổi Ngọc những số chúng tôi chưa có…
Chị lớn của chúng tôi lúc này đã ra trường, đi làm và lập gia đình tại Sài Gòn. Chị dắt chúng tôi đi lựa vải may áo dài trắng. Ở Ban Mê, chúng tôi mặc áo dài đồng phục màu xanh da trời nên các áo dài cũ mang theo không dùng đi học ở đây được. Ba chị em tôi làm nũng, không chịu mua vải ở chợ ông Tạ, đòi chị dắt lên tận chợ Bến Thành. Nơi đây có các loại vải phong phú hơn. Chị lớn của tôi đảm nhiệm luôn phần cắt may áo dài cho chúng tôi, buổi tối đi làm về chị cặm cụi may áo dài, chị may rất mau chỉ một tuần là xong 3 cái áo dài. Phần đơm nút và luông tà thì áo ai người đó làm.
Chỉ còn 1 tuần nữa là khai giảng. Áo dài, cặp, vở, bút đã chuẩn bị xong. Mẹ mua cho mỗi đứa một cái nón lá có kết quai vải, y như kiểu ở quê cũ, cả đôi guốc gỗ, Mẹ xếp ngay ngắn cho từng đứa. Chúng tôi hồi hộp và lo sợ lắm, như sắp đi vào một chỗ bất an…
Rồi ngày khai trường đã đến !
(Còn tiếp)
Sài Gòn, tháng 6-2019
TRẦN THỊ TÂN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét