Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 16 tháng 11, 2020

NHỮNG NỖI NHỚ KHI MÙA CÀ PHÊ CHÍN *Ngọc Giang

 

7 phút 
Đã chia sẻ với Công khai
Công khai
Hàng năm vào tháng 10 đến 12 dương lịch là mùa cà phê chín... Rất nhiều người đã nhớ về quê hương DakLak...
NHỮNG NỖI NHỚ KHI MÙA CÀ PHÊ CHÍN
*Ngọc Giang
Dù cuộc sống có đủ đầy, có sung sướng ở chốn phồn hoa giữa lòng thành phố hoa phượng đỏ này, nhưng những hình ảnh thân thuộc mỗi khi cùng bố mẹ cầm bao tải đi hái cà phê chín đang dâng trào khiến lòng tôi nhớ nhung da diết.
Tôi lấy chồng và cùng chồng sống ở Hải Phòng gần 10 năm nay và cũng ngần ấy năm tôi xa gia đình, xa quê hương, xa những gì thân thương nhất.
Thời gian này, khi thành phố Hải Phòng với những cơn gió lạnh của mùa đông thổi ùa vào cửa sổ phòng ngủ, tôi lại quặn lòng nhớ về nơi ấy.
Đó là quê hương Đăk Lăk của tôi với những nương cà phê chín đỏ rực và hòa vào trong đó là tiếng gọi í ới của mẹ mỗi khi đến mùa thu hoạch.
Những nương cà phê trải dài khắp chốn
Bạt ngàn xung quanh căn nhà nhỏ của gia đình tôi là 10ha cà phê, bên cạnh là nhà chú hai, chú ba, cô tư, ..và rất nhiều nhà khác nữa. Bởi vậy mà cứ nhắc đến cà phê là mọi người nghĩ ngay đến Buôn Mê Thuột. Và tôi cũng luôn tự hào vì tôi là một người con của đất mẹ Buôn Mê Thuột thân yêu.
Mỗi mùa cà phê chín, các bạn không hiểu được đâu, cảm xúc khó tả lắm. Bước chân ra khỏi giường là tôi lại chạy ra sân, phía trước, bên trái, bên phải và đằng sau, ngập tràn cà phê.
Tôi lại men theo những con đường, len lỏi qua những cây cà phê trong vườn nhà. Cà phê hay lắm, khi mới bói thì cả một chùm dài quả xanh, chỉ điểm vài quả chín đỏ, đan xen nhau e ấp dưới những tán lá xanh mướt. Cực kỳ thích thú.
Bạn thử tưởng tượng xung quanh bạn là cả một cánh rừng mênh mông ngập tràn sắc xanh của những vườn cà phê. Ẩn hiện trong đó là những chùm quả đa dạng sắc màu, quả thì màu xanh khi chưa chín, quả thì hơi ngà ngà vàng khi sắp chín, quả thì đỏ rực khi chín tới và đan xen thêm vào đó là quả đã chín quá có màu đỏ tím.
Không phải chỉ khi có quả chín thì cảnh sắc mới đẹp như vậy đâu, vào tháng ba đầu năm, những cánh hoa cà phê nở khiến cho những cánh đồng cà phê càng trở nên tuyệt vời hơn.
Ngày hôm trước, cả rẫy còn xanh ngắt, mà sáng thức dậy đã thấy khắp nơi vụt trắng một màu hoa. Vụ hoa cà phê thường nở 2 -3 đợt đến tận cuối mùa xuân và mỗi vụ hoa nở nhanh rồi tàn cũng nhanh như khi bừng nở, chỉ vài ngày là những thảm hoa chuyển thành những nụ quả xinh xinh.
Dưới bầu trời trong xanh và cái nắng nhẹ, những thảm trắng trải dài khắp các triền đồi, nhà vườn, nhà rẫy của người dân nơi đây. Mùi hương ngọt ngào của hoa cà phê quyến rũ bầy ong khắp nơi bay về vờn phấn, hút mật để tạo ra những giọt mật thơm ngon, đặc sánh.
Và trong khung cảnh thơ mộng ấy, từng đàn bướm đủ màu sắc cũng theo hương hoa cà phê đua nhau kéo đến bay lượn, tạo nên một bức tranh ngây ngất lòng người.
Loài hoa ấy, hương sắc ấy là một nét đẹp đặc trưng của vùng đất đỏ bazan, đem lại cái hồn cho mùa hoa cà phê, khiến những người nhạy cảm như tôi khi chia xa lại luôn nhớ về.
Niềm vui trong ngày thu hoạch
Tôi vẫn nhớ như in tiếng mẹ tôi hét lớn: “Nhanh lên, dậy đi, mặt trời mọc đến nơi rồi còn ngủ thì cà phê ai hái cho đây? Dậy, dậy mau”. Rồi cứ mắt nhắm, mắt mở lượm những bao bạt và cầm túi thức ăn mẹ đã dậy từ lúc nào gói sẵn đem lên nương hái quả.
Mới sáng sớm, nhưng khắp các ngả đường trong làng, ngoài xóm, người ta đã í ới gọi nhau đi đến vườn cà phê để thu hoạch.
Ngoài vườn tiếng người gọi nhau, tiếng chuyện trò tíu tít, rôm rả hòa với tiếng rào rào tuốt quả, tiếng cà phê rơi lộp độp trên các tấm bạt trải dưới gốc cây..., mọi người gọi đó là âm thanh của ngày mùa.
Trên các nẻo đường, xe tải, xe kéo thi nhau chở từng bao quả cà phê từ vườn, rẫy về nhà.
Trong các khu vườn rậm rịch có cả trăm người thấp thoáng, có người quấn khăn bịt kín mặt, người đội nón, người đội mũ lưỡi trai, họ đi theo từng tốp, mỗi tốp dăm bảy người; từng tốp người ấy lại chia ra thành nhóm, cứ 2- 3 người một nhóm thu hái, đóng bao.
Thu hoạch cà phê không phải hái từng quả mà mọi người trải bạt trên mặt đất rồi tuốt quả trên cành. Nếu đứng cách 30 mét cũng vẫn nghe rào rào của những quả cà phê lìa cành.
Đúng là vào mùa, vui lắm, mấy đứa trẻ trong làng cứ tíu ta tíu tít. Chúng nó còn hò nhau đi thành nhóm 4, 5 đứa cứ rồng rắn dắt nhau lân la qua từng vườn để tìm tổ chim được làm trên cây cà phê.
Có những cây cà phê cao, muốn lấy được thì hai, ba đứa đứng dưới, cho một nhóc nhẹ hơn đứng trên lưng để tìm những tổ chim như thế. Tiếng cười nói của chúng nó cũng khiến mọi người thấy rất vui. Cứ nghĩ đến không khí ấy lòng tôi lại nao nao khó tả.
Nhiều vất vả khi chăm sóc và trồng cà phê
Để có được không khí rộn ràng ngày thu hoạch này, bố mẹ tôi và rất nhiều người nông dân ở đây đã phải trải qua những tháng ngày vất vả, cực nhọc vô cùng để chăm bón, tưới tiêu cho những nương cà phê này.
Các bạn biết không, trồng cà phê sợ nhất là thiếu nước. Cà phê không có nước tưới thì coi như mất trắng. Tôi vẫn còn nhớ, có năm hạn hán giếng đào ở vườn hết nước, bố mẹ tôi lại không có tiền thuê máy khoan đào giếng.
Nhưng cũng không thể để mấy ha cà phê đang ở giai đoạn đậu quả kia thiếu nước được. Vậy là lại phải kêu gọi anh em, hàng xóm láng giềng giúp đỡ, đào giếng bằng tay luôn ý.
Người Buôn Mê Thuột chúng tôi lúc nào cũng sẵn sàng giúp đỡ người khác như thế. Không chỉ vui vẻ, hòa đồng, mà người trong làng cũng luôn quan tâm đến nhau.
Trong cái vất vả, khó nhọc ấy tôi lại càng ngưỡng mộ tình cảm mà người dân nơi đây dành cho nhau, đúng nghĩa của câu nói “hàng xóm, láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau”.
Công chăm sóc, tưới tiêu vất vả như vậy, nhưng có năm hạn hán, có năm lại lũ lụt khiến người trồng cà phê như bố mẹ tôi thiệt hại rất nhiều.
Cần nói chi đâu xa, cách đây mấy tháng thôi, do ảnh hưởng của cơn bão số 13, số 14, lũ lụt khiến nhiều diện tích cà phê bị ngập trong nước. Tôi gọi điện hỏi thăm mà bố mẹ tôi cứ như không có chuyện gì xảy ra.
Nhưng tôi biết, đằng sau thái độ tỏ vẻ như không có gì xảy ra đó là cả một nỗi lo âu và mất mát rất lớn. Nói như vậy, bởi vì quanh năm vất vả cực nhọc cũng chỉ mong đến kì thu hoạch để có đủ tiền trang trải và đóng học phí cho các em tôi.
Những khó khăn trong mùa thu hoạch
Tôi vẫn nhớ dáng vẻ hớt hơ hớt hải của mẹ khi không tìm được nhân công để thu hái nốt mấy trăm cây cà phê còn lại. “Ôi dào, tìm khắp nơi mà chẳng có ai, giá nâng cao ngất còn có người mà thuê nữa”, mẹ tôi vừa thở vừa nói.
Sốt ruột lắm các bạn ạ, cà phê được mùa thì thích lắm, người dân quê tôi sẽ bớt khổ hơn nhưng chín rộ rồi mà không hái kịp thì lại hỏng cả.
Ngoài khó khăn về lao động, có khi mưa nhiều và kéo dài khiến việc thu hái, phơi sấy cũng gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng cà phê.
Năm ấy, tôi được nghỉ để chuẩn bị cho đợt kiến tập trước khi ra trường và đó cũng là thời điểm mà cả nhà đang thu hoạch cà phê. Tôi đã bắt xe về quê để giúp bố mẹ một tay.
Thời điểm thu hoạch cũng là lúc những cơn mưa đầu đông bắt đầu. Tôi còn nhớ như in và cảm xúc lúc ấy vẫn hiện về rõ mồn một mỗi khi nhớ lại cảnh cả một sân cà phê ngập tràn trong nước và một đứa con gái bất lực trước cơn mưa ấy.
Lúc đó, cả nhà đều tập trung ở trên nương để hái cà. Cơn mua ập đến quá nhanh khiến mọi người không kịp chạy về để thu dọn được.
Và chỉ có mình tôi "cân" cả sân cà phê rộng lớn. Ôi thôi, cứ thế là hùng hục dọn, cào, xúc vào bao, chỉ biết làm sao cho thật nhanh, thật nhanh, thế nhưng vẫn không thể kịp.
Người ướt sũng như chuột lột và những bao cà phê cũng ướt sũng. Lúc ấy không hiểu sao nước mắt cứ thế trào ra, tưởng như bao công sức của cả gia đình bị cơn mưa cuốn trôi cả đi ấy.
Lúc sau, bố mẹ và các em về, nhìn thấy cảnh tôi ngồi bên những bao cà phê ướt sũng, mấy đứa em thì phì cười, nhưng mẹ tôi thì chạy tới bên tôi an ủi: "Ôi, con về lúc nào sao không báo cho bố mẹ biết, thôi dù sao cũng dọn được cà rồi, nhanh vào thay đồ kẻo ốm, mai nắng nhà mình lại phơi ra sau mà, không sao đâu?
Bố tôi là một người hiền lành, trầm tính, nhìn thấy sân cà phê ướt sạch như thế cũng buồn nhưng vẫn động viên tôi: "Có gì phải khóc hả con, nắng mưa là chuyện của giời mà, không có con thì nay còn trôi cả sân cà phê cơ, thôi thay đồ đi kẻo lạnh".
Được an ủi, tôi không khóc nữa nhưng cảm thấy thấm thía nỗi khó khăn, cực nhọc của bố mẹ tôi và những người dân trồng cà phê nơi đây. Nhấp ngụm cà phê bố pha mà vị đắng cà phê lại giống như có vị mặn của mồ hôi và nước mắt của người dân quê tôi trong đó.
Bên cạnh nỗi vui mừng chờ đợi ngày thu hoạch thành quả của một năm lao động vất vả thì người dân lại canh cánh nỗi lo sợ đối với nạn trộm, cắp cà phê. Gia đình tôi cũng đã từng là nạn nhân của những vụ trộm cắp này.
Hàng loạt các cây cà phê bị bẻ cành, chặt cây, đem đi nơi khác tuốt lấy quả. Việc hái trộm cà phê làm gia đình tôi không chỉ thất thu số lượng lớn mà còn thiệt hại ở chỗ nhiều cành bị bẻ gãy ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây và phê trong nhiều vụ sau.
Vẫn nhớ mùa cà phê năm đó, dù không có tiền nhưng bố mẹ tôi vẫn mua mấy chú chó dữ để canh trộm. Thế nhưng, chỉ được vài hôm thì chó cũng bị dính bả mà chết.
Khổ hơn là nhà dì hai tôi, chú mất sớm, nhà không có đàn ông, lại chỉ có hai mẹ con với bốn sào rẫy cà phê, quanh năm vất vả cực nhọc để mong có tiền cho con bé ăn học, thế nhưng cứ đến gần ngày chuẩn bị hái quả là dì lại khốn đốn canh trộm.
Đó là trước đây, trộm cắp thường xảy ra khi người ta túng thiếu, đến bây giờ cuộc sống của người dân đã khá hơn rồi, không biết có còn xảy ra tình trạng trộm nữa không?
Dù vẫn còn những khó khăn, vất vả mỗi khi vào mùa thu hoạch, nhưng không thể phủ nhận vẻ đẹp bạt ngàn của những nương cà phê ấy. Và với tôi, nó không chỉ là cảnh đẹp mà nơi đó còn gắn liền với kỷ niệm tuổi thơ, gắn liền với cuộc sống gia đình thân yêu nơi quê hương yêu dấu. Đó là nỗi niềm của một người con xa quê và sẽ có biết bao người cũng đi làm ăn xa, sinh sống và làm việc ở một nơi khác, cũng sẽ quặn lòng, nhớ nhung da diết về đất mẹ Đăk Lắk kính yêu.
NGỌC GIANG
Hình ảnh có thể có: thực vật, ngoài trời, thiên nhiên và món ăn
San Lê Thị, Bo Dao và 2 người khác
Thích
Bình luận
Chia sẻ

Bình luận

  • Mình rất thích rẫy cà phê,mùa nào nhìn cũng đẹp !
    • Thích
    • Trả lời
    • 1 phút
  • Tuyệt vời .. Ban mê ..
    • Thích
    • Trả lời
    • 1 phút

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét