Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

NHỮNG BÀI THƠ KHẨU KHÍ * Lê Thánh Tông

Buôn Trấp chờ mưa... cho bông lúa thêm chắc hạt. Rồi mình cũng phải làm nhanh một bác bù nhìn đuổi chim... chợt nhớ đến những bài thơ khẩu khí của một vị Vua...
NHỮNG BÀI THƠ KHẨU KHÍ
* Lê Thánh Tông
Bài 1. NGƯỜI BÙ NHÌN
Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ,
Vốn lòng vì nước há vì dưa.
Xét soi trước mặt đôi vừng ngọc,
Vùng vẫy trên tay một lá cờ.
Dẹp giống chim muông xa phải lánh,
Dể quân cầy cuốc gọi không thưa.
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi,
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa.
Bài 2. CÁI CHỔI
Lời chúa vâng truyền xuống ngọc giai,
Cho làm lệnh tướng quét trần ai.
Một phen vùng vẫy, trời tung gió,
Bốn cõi tung hoành, đất sạch gai.
Ngày vắng dủ mây cung Bắc Hán,
Ðêm thanh tựa nguyệt chốn lâu đài.
Ôm lòng gốc rễ, lâu càng dãi,
Mòn mỏi lưng còn một cái đai.
Bài 3. CON CÓC
Chừ thuở nên thân tấm áo sồi,
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Nâng tay mấy phút, oai hùm nép,
Tắc lưỡi đôi lần, chúng kiến lui.
Mừng thấy đàn con ra chịu ấm,
Dễ còn ả Tố kết làm đôi.
Miếu đường có thuở vang lừng tiếng,
Giúp được dân làng kẻo nắng nôi.
Bài 4. CON CHÓ ĐÁ
Lần kể xuân thu biết mấy mươi,
Cửa nghiêm thăm thẳm một mình ngồi.
Đêm thanh nguyệt dãi màng trông nguyệt,
Ngày vắng ruồi bâu biếng ngáp ruồi.
Cắn kẻ tiểu nhân, nào đoái miệng ?
Chào người quân tử, chẳng phe đuôi.
Phỏng trong sức có ngàn cân nặng,
Dầu nhẫn ai lay cũng chẳng dời.
Bài 5, THẰNG MÕ
Mõ này cả tiếng lại dài hơi,
Mẫn cán ra tay chẳng phải chơi!
Mộc đạc vang lừng trong bốn cõi,
Kim thanh chuyển động khắp đôi nơi.
Trẻ già chốn chốn đều nghe hiệu,
Làng nước ai ai cũng cứ lời.
Thứ bậc dưới trên quyền cắt đặt,
Một mình một chiếu thảnh thơi ngồi.
Bài 6. DỆT CỬI
Thấy dân rét mướt, nghĩ mà thương,
Vậy phải lên ngôi gỡ mối giường.
Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt,
Gót vàng dận dạn máy âm dương
...
---o0o---
Theo Giáo Sư Hà Như Chi có ghi chép trong "Việt Nam Thi Văn Giảng Luận" ( Sống Mới xuất bản, Sài Gòn, 1957):
...
Vua Lê Thánh Tông làm nhiều thơ khẩu khí hơn ai cả. Vua có nhiều bài được truyền tụng như những bài vịnh: Con cóc, Con chó đá, Cái chổi, Cái nón, Cái cối xay, Thằng mõ, Người bù nhìn, Người ăn mày, Thợ dệt vải, v.v...
...
c) Nói cho đúng, làm thơ khẩu khí không phải chỉ so sánh mà thôi, mà còn phải phóng đại nữa. Mục đích của tác giả là làm thế nào khi nhìn qua hình ảnh của một vật tầm thường ở trước mắt, ta có thể nhận thấy hình ảnh của một nhân vật có phẩm cách hơn người, đáng tôn trọng. Thường thường muốn đạt được mục đích ấy, tác giả dùng những chữ có hai nghĩa (sens équivoque) tức là những chữ có một nghĩa đen tầm thường đi đôi với một nghĩa bóng cao xa rộng rãi. Sau đây ta thử kể một vài ví dụ:
Trong bài Người bù nhìn những chữ “cõi bờ” (câu 1) có nghĩa là bờ ruộng, lại có nghĩa là biên thuỳ.
“Chim muông”: nghĩa đen là chim chóc, muông thú, nghĩa bóng là giặc giã, cướp bóc.
“Móc mưa”: nghĩa là sương mù và mưa, nhưng nghĩa bóng là ơn vua (dịch chữ vũ lộ).
Trong bài Dệt vải, “máy âm dương” nghĩa là cái khung cửi mà cũng để chỉ bộ máy cai trị, sự tổ chức trong nước do vua điều khiển.
Trong bài Cái chổi, “cái đai” để chỉ cái vòng dây buộc cán chổi mà cũng để chỉ cái dây quàng lưng trong bộ phẩm phục của một ông quan.
Các nhà thơ khẩu khí lại hay dùng chữ “nước” với một nghĩa đen mà ai cũng hiểu và một nghĩa bóng cao cả trọng đại.
Nói tóm lại, trên đây ta xét qua cái máy móc cấu tạo một bài thơ khẩu khí. Nguyên động lực là một ý tự phụ đã xúi giục tác giả làm thơ để tự tán tụng. Tất cả nghệ thuật của tác giả đều gồm trong sự chọn lọc hình ảnh và dùng chữ thật khéo léo. Nghệ thuật ấy công phu thật, nhưng cũng chỉ ở trong phạm vi tiểu xảo mà thôi. Đọc một bài thơ khẩu khí ta có cảm giác hay hay, ta phục cái trí xảo của tác giả, nhưng cuối cùng ta phải thất vọng khi nhận thấy đó chỉ là một cái gì giả dối, nhân tạo, còn cái nghệ thuật cao siêu, cái thi hứng thần diệu làm cho ta rung cảm đâu phải có thế.
...
HÀ NHƯ CHI
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét