Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

BUÔN BUÔR *Hoàng Phương Uyên

Cách đây đã mấy trăm mùa rẫy, cụ Aê H’Gân từ Đắk Lắk đã vượt sông Sêrêpốk sang bờ Nam lập ra buôn Buôr. Trong tiếng Ê đê, Buôr có nghĩa là vùng đất cao ráo được bao bọc bởi những con sông, con suối...
BUÔN BUÔR
*Hoàng Phương Uyên
...
Tôi đến buôn Buôr giữa sắc nắng vàng óng của trời thu và ngay lập tức nhận ra rằng, nét độc đáo ở đây là đồng bào Ê Đê còn gìn giữ được nhiều tập quán sinh hoạt văn hóa truyền thống hết sức quí báu như lễ hội, nghề thủ công, dệt thổ cẩm trong một không gian sống đậm chất Ê Đê với những bến nước, giếng cổ mà ở vùng Tây Nguyên chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay.
Tất nhiên, "số vốn" quý giá đó không thể tách rời những nếp nhà dài truyền thống, trong đó có những ngôi được dựng, cất bằng những vật liệu từ rừng, giống hệt như những ngôi nhà mà tổ tiên người Ê Đê dựng cách nay hàng trăm năm. Trong những không gian đượm màu huyền tích cổ xưa đó, vào các dịp lễ lạt truyền thống vẫn vang dội tiếng cồng chiêng và những điệu dân vũ say đắm của những chàng trai, cô gái từng chứng kiến bao đêm dài rượu cần uống mãi không cạn.
Cứ theo những gì tôi tìm hiểu được trước khi đặt chân đến buôn Buôr thì trước đây, khi những cánh rừng đại ngàn ở vùng thượng nguồn sông Sêrêpốk còn vô vàn những cây gỗ quý vài ba người ôm không xuể, người Ê Đê đã cùng những chú voi lực lưỡng vào rừng kéo gỗ về dựng lên những ngôi nhà dài. Dù không tin rằng mỗi căn nhà dài phải làm hết hơn 100 cây gỗ tốt, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên trước "độ hoành tráng" của nó cùng với lối kiến trúc cầu kỳ, tinh xảo phỏng theo văn hóa, tin ngưỡng của một dân tộc có lối sống phóng khoáng, giàu chất thơ như những điệu Khan ngân dài mê mải giữa đại ngàn.
Ông già Y Ngăm ngồi giữa bóng hoàng hôn cao nguyên. Nhìn ông, tôi cứ ngỡ một bức tượng nhà mồ Tây Nguyên với nét mặt chứa đựng tâm trạng bí ẩn được các nghệ nhân Ê Đê khắc họa. Căn nhà dài của Y Ngăm cũng như 15 căn nhà khác trong buôn Buôr được làm bằng cây rừng theo mô hình nhà truyền thống, có chiều dài gần 100m đã "trơ gan cùng tuế nguyệt" hơn một thế kỷ nay.
Ông bảo, ở buôn Buôr còn nhiều gia đình giữ được trống H'gơr, chiêng cổ, ché cổ và cả ghế Kpal làm bằng cả nửa cây gỗ quý có đường kính chừng hơn 1m, chiều dài hơn 20m - biểu tượng của sự giàu có, sung túc của người Ê Ðê. Chiếc ghế đặc biệt này là nơi người già, trai tráng ngồi diễn tấu cồng chiêng mỗi khi buôn có hội. Chỉ bấy nhiêu thôi, đã thấy nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống đặc sắc vô cùng quý giá của người Ê Đê vẫn còn hiện diện ở buôn Buôr và đó chính là lý do buôn được xem là một trong những cộng đồng dân cư lâu đời nhất vùng Tây Nguyên hiện nay.
"Cái ghế Kpal là vật thiêng, của quí của người Ê Đê mình. Trước đây, có nhiều người từ nơi khác đến hỏi mua với số tiền bằng mấy chục con bò, nhưng dân làng nhất quyết lắc đầu. Phải giữ lại cho con cháu chớ!..." - Già Y Ngăm kể trong nghi ngút khói thuốc rê phả ra từ chiếc tẩu đã bóng màu thời gian.
...
... Nhà dài là một nét văn hóa vừa vật thể, vừa là phi vật thể, một phong cách kiến trúc cổ truyền đặc trưng của dân tộc Ê Đê. Đây là thành quả sáng tạo mang tính dân gian, có được do sự kết tinh trong quá trình phát triển lịch sử của người Ê Đê. Vậy mà, sự thay đổi của nhịp sống trong thời đại mới đã khiến nó bị biến dạng đến mức này sao? Nếu không còn ngôi nhà dài nguyên bản, không gian đánh chiêng của người Ê Đê cũng không còn, kéo theo đó, các phong tục tập quán, nghi lễ của đồng bào như văn hóa cồng chiêng, uống rượu cần, kể Khan, hát Ay ray và nhiều sinh hoạt truyền thống tốt đẹp khác nữa của cộng đồng cũng sẽ mất đi. Rồi đến lúc nào, những nam thanh, nữ tú người Ê Đê không còn có thể phân biệt rạch ròi đâu là nhà ở truyền thống của người M'Nông, Ba Na... với nhà dài dân tộc mình?...
Như đọc được suy nghĩ của tôi, già Y Ngăm chia sẻ: "Lũ trẻ ở buôn Buôr sinh ra đã thở hơi thở của núi rừng, vừa biết đi đã lon ton chạy nhảy trên những bậc cầu thang dẫn lên nhà dài mà chẳng bao giờ trượt ngã. Ở Tây Nguyên bây giờ, cuộc sống ngày càng hiện đại, ít nơi nào còn lưu giữ được những nhà dài như ở buôn Buôr này, nhưng vì bọn trẻ đi ra ngoài nhiều nên chúng không còn ưng ở nhà dài như người già nữa. Số phận của buôn Buôr sẽ ra sao khi những người già như mình về với Giàng?...".
...
Buôn Buôr đang đứng trước những lựa chọn khó khăn, giữa bảo tồn và phát triển, giữa văn hóa và văn minh, giữa hôm nay và ngày mai, giữa "ăn ngay" và để dành. Nhưng nói gì thì nói, những giá trị văn hóa mà đồng bào Ê Đê ở buôn Buôr còn lưu giữ được thật quý báu. Để níu giữ những gì tốt đẹp, vững bền cho hậu thế, còn rất nhiều công việc khó khăn, phức tạp phải làm, đòi hỏi trách nhiệm của các ban, ngành chức năng từ Trung ương đến tỉnh Đắk Nông, huyện Cư Jút cũng như từng thành viên từ già đến trẻ ở buôn Buôr trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa cho muôn đời sau. Để mai này, khi nói về cộng đồng Ê Đê "nguyên bản" ở đây, người ta không phải dùng lối kể theo "phom" chuyện cổ tích: "Ngày xửa ngày xưa, người buôn Buôr sống giữa núi rừng Tây Nguyên..."
Hoàng Phương Uyên
*Trích đoạn trong "Giấc mơ Buôn Buôr" của Hoàng Phương Uyên đăng trên http://www.bienphong.com.vn/giac-mo-buon-buor/
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét