Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

CHIẾC ABĂN CỦA MẸ *Y-Niong B.Yă

Trong đời sống của người dân Êđê... chiếc địu (abăn) cũng là một vật dụng không thể thiếu và gắn bó sâu sắc với người phụ nữ.
CHIẾC ABĂN CỦA MẸ
*Y-Niong B.Yă
Ngay sau khi rụng rốn, những đứa trẻ Ê đê da nâu mắt sáng đã được các bà mẹ địu trên lưng bằng chiếc A băn.
A băn như sợi dây gắn chặt tình Mẫu-Tử thêm khắng khít. Hình ảnh bà mẹ địu con vừa hát ru vừa làm rẫy lâu lâu lại cho con bú rất quen thuộc , mà bạn sẽ dễ dàng bắt gặp khi đến cao nguyên lộng gió này.“…Ơ wăt ơ wông…/Rông adei kâo điêt./A mi nao kơ hma/A ma nao kơ brǔa … ”
Đó là khúc hát ru mà người Ê đê thường hát ru con, ru em ngủ . Ơi wăt ơi wông , trông em bé nhỏ, cha đi lên rẫy rồi, mẹ cũng đã lên nương… tiếng hát du dương theo nhịp đung đưa làm đứa bé địu sau lưng ngủ thiếp đi lúc nào không hay…
Ở Tây Nguyên một bà Mẹ địu con đi bộ hai mươi cây số là chuyện bình thường.Còn nơi nào an toàn hơn là nằm trong lòng Mẹ? Còn thức ăn nào bổ dưỡng và ngọt ngào hơn là dòng sữa Mẹ? Và chỉ khi địu đứa bé trong tấm chăn thì bà Mẹ đảm đang kia mới có thể vẹn cả đôi đường. Vừa bảo vệ được con khỏi những nguy hiểm từ bên ngoài vừa không để con đói, bởi lẽ khi bé khóc đòi bú thì bà mẹ nhanh chóng vén áo trưng bầu sữa thơm ngon . Khi địu , bé cũng sẽ được hưởng bóng râm của mẹ như thể “cây cao bóng cả”, vạt của A băn như một cái quạt để mẹ tận dụng lúc nghỉ ngơi. Mồ hôi Mẹ rơi xuống đất không chỉ vì làm rẫy vất vả mà còn cả vì địu con rong ruổi cả ngày dài.Với tư thế địu sau lưng hoặc trước ngực bà mẹ có thể di chuyển em bé theo mong muốn và phù hợp với động tác lao động của mình. Chiếc A băn thật đa năng.
...
Phải nói rằng A băn như một linh vật của mỗi đứa bé Ê đê trong suốt thời kỳ nhũ nhi ,là một kỷ vật thời ấu thơ của mỗi một con người Tây nguyên bản địa.Những hoa văn tinh sảo trên chiếc A băn là những nét tinh hoa văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê góp thêm sắc màu cho nền văn hóa Việt Nam thêm đa dạng và phong phú. Chiếc A băn theo Mẹ lên rẫy.Chiếc A băn theo em đến lớp, đến trường.
Chiếc A băn hiện hữu trong mọi sinh hoạt tập quán và lễ hội của người Ê đê. Vậy nên, nếu một đứa trẻ lớn lên mà chưa từng biết đến A băn thì không phải là người Ê đê. Cũng như người nào đến Ban Mê mà chưa biết hình hài của những đồ thổ cẩm trong đó có A băn thì như chưa từng đến phố Núi vậy.
…Và tôi tự hào vì mình đã lớn lên cùng A băn…
(Trích trong "Chiếc A Băn của Mẹ" của Y-Niong B.Yă đăng trênhttp://www.linhnganiekdam.vn/)
Bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét