Nhớ... ngày xưa còn bé...
MẸ DẠY ĐAN LEN
*Như Thương
*Như Thương
Mẹ tôi đã tập tôi biết đan từ thuở tôi lên 12 tuổi. Người bảo: Con là con gái, để mẹ dạy cho con biết những vụn vặt của con gái, nhỡ sau này gia đình con sa cơ thất thế, con có cái gì đó để giúp đỡ chồng, nuôi con!
Thế là tôi đã biết đi chợ, biết cách nấu ăn, biết làm bánh, biết đan len, biết móc áo, biết may vá trong sự vụng về của cái tuổi còn mê nhẩy lò cò ấy. Và tôi đã được mẹ tôi dẫn đi khắp các tiệm để chọn len mà mình thích - một cách dỗ ngọt một đứa con nít chịu khó ngồi yên một chỗ... nhưng tôi quả thật đã mê màu sắc của những cuộn len trong tủ kính bán hàng và như lạc vào thế giới của những quả bóng trên nền trời tung tăng của tuổi thơ. Tôi thích cảm giác êm ái khi vuốt nhẹ lên những búp len mịn màng, độ xốp của nó lan dần trong bàn tay tôi, làm tôi cảm thấy rất thú vị. Lại còn thêm mùi len mới thơm lạ kỳ, như thể trang sách thơm mùi mực in.
Lúc ấy, tôi cũng không hiểu tại sao tôi lại đam mê màu sắc của những sợi len đến thế, vì tôi là người không biết vẽ - hay nói đúng hơn, môn vẽ trong lớp tôi chỉ vào hạng trung bình - họa may vẽ trắng đen thì còn được cao điểm hơn chút xíu vì còn có ánh sáng phụ vào trong nét vẽ của tôi để nộp bài cho thầy cô. Vẽ truyền chân cái hộp thì chỉ việc để cái hộp ra giữa trời cho ánh nắng rọi vào rồi vẽ thôi!
Nhưng đến khi tôi nhìn những màu len, lòng tôi lại cảm thấy thích thú lạ và bỗng dưng muốn phối hợp hết tất cả những màu sắc ấy thành một "tác phẩm" xem thử ra sao! Tuổi thơ vẫn tưởng như mình thật là vĩ đại trong muôn vàn mơ ước vẽ vời... để rồi cuối cùng: Tôi học đan!
Cái ngày trọng đại ấy đã bắt đầu bằng hai bàn tay toát mồ hôi ướt nhẹp, chỉ vì tôi đã cố gắng níu chặt sợ len, bằng cái mỏi lưng khủng khiếp, với cái cổ thẳng đơ. Trong lòng tôi đã nghĩ : Đan khó quá, con không muốn học nữa đâu, mẹ ơi!
Hai cây kim đan không như chiếc đũa thần hóa phép trong tay tôi. Tất cả là sự vụng về. Tội nghiệp những sợi len mềm mại làm sao! Chúng đã không còn là những màu hồng ngọt lịm nữa mà chúng đã bị ngả sang màu hồng pha nâu nhạt. Tiếng rít của hai chiếc kim đan bằng kim loại, lời dặn của mẹ tôi hãy thả lỏng sợi len ra, đừng siết chặt quá như thế này, những ngón tay cần ở một vị trí cố định, giữ sợi len cho đừng tuột ra khỏi tay nắm... Một bài học tưởng chừng như đơn giản lắm, thế mà tôi đã vật lộn với nó đến đổ mồ hôi!
Bàn tay mẹ tôi gân guốc nổi lên từ những lao đao, truân chuyên của cuộc đời đã ôm gọn đôi bàn tay nhỏ bé của con trẻ, dạy cho nó từng mũi kim đan. Có lẽ mẹ đã một đời đi qua những nhọc nhằn của cuộc sống, nên không muốn cho con gái mình sẽ vất vả như mình ngày xưa.
Dần dần, bàn tay tôi không còn ướt khi nắm sợi len trong tay nữa, cũng không còn vuột mất mũi đan khi loay hoay níu nó lên! Vài tháng sau, tôi đã đan được một "tác phẩm diệu kỳ". Mảnh đan len hình chữ nhật, lớn cỡ bằng bàn tay của tôi với một mũi duy nhất: Mũi xuống! Thành phẩm ấy đã khiến tôi hoàn toàn quay lưng lại với ý nghĩ trước đây - đan len khó lắm! Và tôi đã ngắm nghía nó như từng ngắm nghía 8 điểm son bên trái của một bài luận văn học trò kèm theo lời phê "Khá".
Bẵng đi mãi đến 11 năm sau tôi mới có dịp đan lại những mũi kim năm xưa - tôi đan khăn choàng và mũ len cho ba tôi, người đang ở trong tù của chế độ..., còn mẹ tôi đan áo. Có biết bao nhiêu người vợ đã từng âm thầm đan áo cho chồng như mẹ tôi. Cái tình yêu lặng lẽ ấy dường như nồng nàn hơn cái hôn đầu đời thuở đằm thắm ngọt ngào hơn ly rượu hồng ngày cưới, vì nó đã trải qua năm tháng chia sẻ ngọt bùi bên nhau.
...
...
NHƯ THƯƠNG
(Trích đoạn "Sợi Len Mùa Đông" của Như Thương đăng trong Trường thi Sắt Son Lụa Đào)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét