Nhớ về bàn máy may Singer hay Con Bướm thường dùng trong gia đình ngày xưa...
CHIẾC MÁY MAY CỦA BÀ
*Nguyễn Hoàng Duy
*Nguyễn Hoàng Duy
Ngay phòng khách nhà tôi, bên cạnh những đồ vật bóng loáng đắt tiền là chiếc máy may cũ. Chiếc máy may hiệu Singer của Nhật, nước sơn tróc lỗ chỗ, không mô-tơ, bàn đạp đã rỉ sét… Chiếc máy may ấy đã có từ năm 1947, cái thời hoàng kim của nghề thợ may thủ công.
Hồi đó bà tôi mở một hiệu may tại chợ huyện. Khách hàng của bà là những phụ nữ trung niên, những ông già, bà cả trong thị trấn. Thanh niên ít đến may đồ vì họ chỉ thích những kiểu trang phục theo “mốt Sài Gòn”. Bà tôi rất tỉ mỉ trong từng đường kim, mũi chỉ nên được mọi người tin tưởng đặt may những bộ áo, quần để đi dự tiệc tùng. Khách đến ngày một đông do sự giới thiếu dây chuyền, vì vậy mà chỉ một năm thôi, tiệm may càng đông khách không thể tả. Ông tôi tuy vụng về may vá nhưng vẫn ra sức phụ bà quán xuyến tiệm may, sau những giờ lao động mệt nhọc ở cơ quan. Nhưng tiếc thay, ông đoản mệnh qua đời do tai nạn. Lúc ấy ba tôi vừa lên bốn tuổi, còn chú thì chỉ mới thôi nôi.
Ba và chú tôi lớn lên trong tình thương và sự nghiêm khắc của bà cùng tiếng may xè xè cả ngày lẫn đêm. Thời gian thấm thoát trôi qua… Chỉ thoáng chốc thôi, ba và chú tôi đã trưởng thành, đậu đại học, rồi có gia đình riêng. Bà tôi vẫn là một thợ may, nhưng chỉ may tại nhà. Khách hàng của bà vẫn là những ông cụ, bà lão và những người trung niên. Chỉ khác là chất liệu vải bây giờ đa dạng, đắt tiền hơn nên đòi hỏi bà phản cẩn trọng, vì lỡ sẩy tay một tí là phải đền một mét vải cả chục ngàn đồng. Tuy khó nhưng bà chưa bao giờ để hư một chiếc áo, chiếc quần nào. Tất cả đều được may với đường nét sắc sảo, chỉ có khuyết điểm là thời gian hơi lâu. Dù vậy, khách hàng chẳng bao giờ phiền lòng khi chọn bà tôi may đồ cho họ. Sự tin tưởng tuyệt đối đó đã làm cho bà tôi nổi danh, vì có người ở tận trên tỉnh vẫn đạp xe xuống huyện tìm bà để may đồ.
Ngay từ nhỏ tôi đã được đồ mới mỗi ngày. Tôi khoác lên mình những chiếc áo, chiếc quần đẹp được bà nội chắp vá từ những mảnh vải vụn dư thừa. Với niềm tự hào và hãnh diện vô cùng trẻ con, tôi mặc đi khắp xóm trong con mắt thèm thuồng của lũ bạn. Nhớ những buổi chiều tan học về, tôi để cặp trên bàn và nài nỉ bà: “Bà cho cháu đạp thử nhé!”. Bà miễn cưỡng chấp nhận cũng vì quá thương tôi. Rồi bà tìm những mảnh vải vụn, kê cái gối lên chiếc ghế ngồi để cho đôi chân bé nhỏ của tôi có để chạm tới bàn đạp. Tôi nhón chân, bặm môi, căng mất đạp rất tập trung. Do không quen chân, quen tay nên chỉ có đạp đường thẳng thôi mà tôi đã đạp giật ngược làm chỉ rối nùi và gãy kim. Bà cốc vào đầu tôi, mắng yêu: “Cha mẹ mày! Cái số của cháu không làm thợ may được rồi!”.
Tôi học hết năm nhất Đại học thì bà tôi đột ngột ra đi. Tôi hụt hẫng cả tháng trời. Bà mất, chiếc máy may đứng bơ vơ, im lìm trong góc nhà phủ đầy bụi bặm. Chỉ có những lần về thăm nhà tôi mới tự tay lau chùi máy, giúp bà giữ kỷ vật vô giá này. Dù chiếc Singer đã quá cũ, dây cua-ro đứt nhưng vẫn còn hoạt động được. Tôi lần khần ngồi vào bàn máy và đạp thử. Lạ thay, lần này tôi đạp tròn vòng. Chợt ký ức xưa ùa về trong tiềm thức. Nỗi nhớ bà đến quay quắt con tim.
NGUYỄN HOÀNG DUY
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét