Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 19 tháng 4, 2017

Xứ Thượng... BẾN NƯỚC BUÔN LÀNG

Xứ Thượng...
BẾN NƯỚC BUÔN LÀNG
Lịch sử loài người thường gắn với các nguồn nước. Các nền văn minh từ xa xưa của nhân loại cũng đều xuất xứ từ các dòng sông. Cư dân Việt đương nhiên gắn với các châu thổ, các lưu vực từ sông Hồng, sông Mã, sông Cả, sông Chu... cho đến các con sông Gianh, Hương, Thu Bồn, Trà Khúc, Ðà Rằng... Cửu Long... Người Tây Nguyên cũng thế.
Dù lang thang du cư ngày xưa hay định cư bây giờ, họ luôn luôn tìm nơi lập làng bên các con sông con suối, dù sông suối ở Tây Nguyên không mênh mông như sông ở đồng bằng. Và cũng không biết từ bao đời rồi, người Tây Nguyên phát minh ra các bến nước, "giọt nước" vừa thuận tiện, vừa lãng mạn, vừa hùng vĩ, vừa trữ tình... kết tinh từ bao trí tuệ công sức của biết bao thế hệ ông cha.
Người Xê Ðăng ở Kon Tum thường xuyên ở trên các vùng núi cao chênh vênh, hiểm trở, mỗi làng được thiết kế xây dựng như một pháo đài. Họ dùng hệ thống lồ ô nối vào nhau dài hàng cây số, thậm chí vài cây số dẫn nước từ suối về một địa điểm thuận lợi nào đó trong làng, có đường thoát nước, được lát đá hoặc gỗ để chống lầy làm bến nước, giọt nước. Ði đâu về, người ta đều ghé vào đấy rửa chân tay rồi mới bước lên sàn nhà.
Người Ba Na hiền hòa hay ở dưới các thung lũng thì đắp đập ngăn các con suối nhỏ lại rồi đặt các ống lồ ô lớn xuyên qua thân đập cho chảy suốt ngày đêm. Các bến nước, giọt nước thường ở đầu làng, dưới tán cổ thụ, là nơi sinh hoạt của cả làng mỗi khi đi rẫy về.
...
Buôn Tring là một buôn lớn của người Ê Ðê ở huyện Krông Buk, Ðắc Lắc, có hai dòng họ Mlô và Niê. Trong buôn có gia đình ông Ama Djách có thế lực, giàu có và thật sự tài giỏi, được dân làng tín nhiệm. Chính ông này là người đã đứng ra sáp nhập năm buôn nhỏ gần kề nhau thành một buôn Tring bây giờ. "Tring" có nghĩa là cúng. Chỉ riêng cái tên cũng thấy dân làng ở đây coi trọng việc cúng như thế nào. Vì là người có uy tín, ông Ama Djách được dân làng bầu làm Khoa buôn (Trưởng buôn), Pô lăn (chủ đất) và Khoa Pin ea (đứng đầu bến nước).
Hằng năm, sau khi thu hoạch lúa xong, những cánh én đã bắt đầu chao liệng, những cây pơ lang đầu làng xanh biếc chuẩn bị cho mùa trổ bông, hoa dã quỳ vàng rực bồng bềnh lắt lay trên các sườn đồi, Khoa buôn nhắc nhở dân làng làm vệ sinh trong buôn, dọn sạch các con đường trong buôn, đường xuống bến nước và đặc biệt là bến nước, giọt nước để làm lễ cúng Ngă Yang tại đấy. Khoa buôn và Khoa Pin ea là hai người có thế lực nhất ở buôn làng Ê Ðê. Ở buôn Tring hai chức danh này đều do một người nắm nên thế lực càng lớn.
...
(Trích theo " Bến nước của người Tây Nguyên" của Văn Công Hùng đăng trên http://www.baoxaydung.com.vn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét