Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 24 tháng 4, 2017

Ra sau vườn nhà... ANH BÙ NHÌN

Ra sau vườn nhà...
ANH BÙ NHÌN
Quyền trọng ra oai trấn cõi bờ 
Một lòng vì nước há vì dưa
Lung linh trước mặt đôi vầng nguyệt,
Vùng vẫy trên tay một lá cờ.
Gặp giống chim muông xa phải lánh
Giận quân cày cuốc gọi không thưa
Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi
Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa
Bài thơ này được đặt tên là Thằng bù nhìn, không rõ tác giả là ai. Người thì cho là của vua Lê Thánh Tông, người khác lại cho là của Hồ Xuân Hương, người khác nữa lại kết luận rằng bài thơ này là của người đời sau làm ( Hoàng Xuân Hãn, tập 3, Giáo Dục, 1998 ) .
Còn một thằng bù nhìn khác, gốc gác tương đối chắc chắn hơn, nằm trong Hồng Đức quốc âm thi tập ( Văn Học, 1982 ) . Bài thơ mang tên Cảo nhân, nội dung gần giống bài thơ chép bên trên.
Chỉ có thằng bù nhìn thứ ba mới đích danh là thằng bù nhìn, được chính Tản Đà ( 1889-1939 ) đặt tên:
Lơ láo kìa ai đứng cạnh bờ
Trần ai tri kỷ đã ai chưa?
Ba thu mưa gió người trơ mộc
Bốn mặt giang sơn áo phất cờ
Được việc thế thôi,cày chẳng biết
Khinh đời ra dáng,gọi không thưa
Lâu nay thiên hạ văn minh cả
Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư ?
( Thăm thằng bù nhìn )
Cả ba bài thơ đều tả thằng bù nhìn đứng ngoài cánh đồng, đuổi chim.
Xem vậy thì nhân vật bù nhìn đã có mặt tại nước ta ít ra cũng hơn năm thế kỉ rồi. Chúng ta lại được biết thêm rằng người xưa, đời Hồng Đức ( 1470-1497 ) , gọi thằng bù nhìn là Cảo nhân ( nghĩa là người làm bằng cành cây khô,hay bằng rơm rạ ) .
Ngày nay dường như chẳng còn ai nhắc đến tên Cảo nhân nữa. Mọi người, từ thành thị đến thôn quê, chỉ biết có thằng bù nhìn thôi. Biết mặt nhưng chưa chắc đã biết tên...
...
Bây giờ xin bàn đến nguồn gốc hai chữ bù nhìn.
Thằng bù nhìn bắt đầu có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam từ lúc nào?
Khó trả lời chính xác.
Một điều chắc chắn là hai tiếng bù nhìn đã có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam trễ nhất cũng là từ năm 1926, năm bài thơ Thằng bù nhìn được đăng trong sách Văn Đàn Bảo Giám ( Mặc Lâm, Saigon, 1968 ) của Trần Trung Viên.
Cũng vào thời kì này, năm 1928, Nguyễn Văn Ngọc soạn sách Tục ngữ Phong dao ( Sống Mới, Hoa Kỳ, 1978 ) , đã sưu tầm được thành ngữ "bù nhìn giữ dưa". Thành ngữ này nằm chung với nhiều câu tục ngữ phong dao cổ xưa của Việt Nam, khiến nhiều người nghĩ rằng bù nhìn cũng đã có mặt trong ngôn ngữ Việt Nam từ lâu rồi ?
Rất có thể là như vậy.
...
(Trích theo Chuyện phiếm "Thằng Bù Nhìn, Thằng Phỗng " của Nguyễn Dư đăng trên http://89185.activeboard.com/t9189273/th7857ng-b-nhn/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét