Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 13 tháng 12, 2015

MỘT THỜI VÀNG SON

Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách...
MỘT THỜI VÀNG SON
Khoảng năm 1960, bản nhạc Bây Giờ Tháng Mấy của Từ Công Phụng lần đầu được phát trên sóng đài phát thanh Đà Lạt.
Hình dung rằng thời đó phố phường Đà Lạt còn thưa vắng cửa nhà, trời hãy còn những ngày mưa dầm khi thu sang và hãy còn se sắt lạnh khi đông về, một tâm hồn cô đơn nằm trên gác trọ mà nghe giai điệu bềnh bồng qua sóng radio: "Bây giờ tháng mấy rồi hỡi em/ Lênh đênh ngàn mây trôi êm đềm..." chắc thấy xao xuyến đến tan nát.
Đó là năm Từ Công Phụng tròn 18 tuổi. Ông tham gia sáng lập ban nhạc Ngàn thông và hát hàng tuần trên sóng radio của đài phát thanh thành phố Đà Lạt. Bản nhạc đầu tay đã chạm vào tâm hồn nhiều thính giả trẻ mộng mơ ở thành phố sương mù.
Chừng 10 năm sau, cũng trên sóng đài phát thanh thành phố Đà Lạt, trong chương trình Mây cao nguyên phát định kỳ mỗi tuần một giờ, những ca khúc đầu tiên của nhạc sĩ Lê Uyên Phương được đến với công chúng ...
Trong 20 năm, từ khoảng 1950 đến 1970, từ sóng đài phát thanh thành phố Đà Lạt, xuất hiện ca khúc mới của nhiều tên tuổi có gắn bó với thành phố, như: Hoàng Nguyên, Từ Công Phụng, Lam Phương, Lê Uyên Phương... các tình khúc mang hơi thở Đà Lạt, sinh ra cho Đà Lạt. Người ta nghe từ sóng radio ở thành phố núi đồi những tiếng nói mới trong âm nhạc xuất hiện và gi đậm dấu ấn trong lịch sử âm nhạc Việt Nam một thời đoạn. Cũng từ sóng radio của thành phố xứ lạnh, trên nền các ca khúc, những huyền thoại mới gắn với cuộc đời các nghệ sĩ được lưu truyền. Sự hiện diện của các cặp đôi như Trịnh Công Sơn-Khánh Ly, Lê Uyên và Phương ngoài phố với cây guitar thùng lãng tử sẽ làm cho âm nhạc của họ đi sâu hơn vào lòng công chúng ở cái thành phố mà ai cũng có thể là nghệ sĩ.
...
Nhưng đó chỉ là thứ hồi quang lấp lánh của một thuở vàng son.
Ngày nay, tôi vẫn trở về đó, mở radio và lắng nghe những giọng ca mới, những tình khúc mới. Nhưng có lẽ với tâm thế đã rất khác anh sinh viên cô đơn năm xưa bật radio và nằm chờ nghe những bản tình ca trong chương trình Ngàn thông hay Mây cao nguyên. Tôi không nghe thấy những huyền thoại của thời đại mình. Tôi như người biết mình sẽ mơ nhưng không mong chờ những giấc mộng đẹp. Từ rất lâu rồi, sinh quyển văn nghệ ở thành phố này đã không còn sản sinh ra những nghệ sĩ, những huyền thoại biết cất lên tiếng hát riêng cho chính mình nữa.
Điều đó không phải lỗi tại thành phố.
(Trích đoạn "Radio, tình ca và những huyền thoại một thời" của Nguyễn Vĩnh Nguyên).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét