Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

MỘT GIÁO XỨ NGƯỜI MƯỜNG



Trong tiết trời tháng Chín, khi Thu còn mải miết chơi đùa trên những chiếc lá vàng, chưa vội về để giao mùa thì làn gió Xuân đã về trên xứ Mường Bằng Phú. Xuân với niềm vui, niềm hạnh phúc vô biên, xuân với sức sống mãnh liệt, xuân với sự đâm chồi nảy lộc của niềm tin Kitô giáo, xuân về với trái chín đầu tiên – Tân linh mục Gioan Baotixita Đinh xuân Đức, một người con của giáo phận Thanh Hóa, một người con thân yêu của dân tộc Mường trở về quê vinh qui bái tổ. Khắp các ngõ làng của xứ Bằng Phú đâu đâu cũng thấy những nụ cười tươi trên môi của các em nhỏ đến các cụ già cao niên. Tiếng cồng, tiếng chiêng, tiếng đàn, tiếng hát hòa lẫn tiếng chim rừng thánh thót, tiếng đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ, và cả tiếng lòng người thổn thức với khúc ca cảm tạ. Cảm tạ Chúa đã gieo hạt giống tình yêu và hi vọng trên mảnh đất Bằng Phú. Cảm tạ thánh ân Ngài đã chọn gọi một người con của dân tộc Mường làm linh mục…


Nằm cách Tòa Giám mục khoảng hơn 75km về phía Tây Bắc, Giáo xứ Bằng phú trải dài trên 2 huyện Thạch thành và Cẩm thủy, tỉnh Thanh Hóa. Ở đây, người Mường chiếm tỷ lệ hơn 95%. Đa số làm nghề chăn nuôi, trồng trọt. Trong những năm vừa qua, cuộc sống của bà con giáo dân xứ Mường đã có nhiều thay đổi. Tiếng Kinh của họ trôi chảy hơn. Nhiều căn nhà sàn được thay thế bằng những ngôi nhà vôi vữa cố định. Nhiều con đường dốc cheo leo sỏi đá, lầy lội khi mưa về đã được bê tông hóa. Bên đường là những cánh đồng lúa xanh mướt, báo hiệu một cuộc sống thanh bình. Người Mường cũng không còn cầu kỳ quá trong nếp ăn, cách ở như trước. Nó được “Kinh hóa” khá nhiều. Cồng chiêng, những bộ quần áo và những món ăn mang đậm tính Mường chỉ xuất hiện trong những ngày lễ lớn. Tuy vậy, Bằng Phú vẫn là một “sơn nữ nghèo”. Cái nghèo ấy thể hiện trên từng nếp tranh, hàng dậu; nhất là trên những bức tường loang lỗ rêu phong của nhà thờ các giáo họ.

Người Mường nghèo là thế, vất vả quanh năm là thế nhưng vẫn luôn “nặng lòng” với người cha chung là Đức Giêsu Kitô. Với hơn 100 năm ra đời, Xứ Mường có thể nghèo về kinh tế nhưng lại giàu về đức tin. Họ mến Chúa với nét hồn nhiên của con người miền sơn cước. Nhà xứ với kiểu nhà sàn truyền thống của người Mường, nơi đây lưu giữ nhiều dấu tích của các nhà truyền giáo năm xưa đã đưa Chúa đến cho họ. Không có lý gì, Đức Cha lại chọn Bằng Phú xa xôi, cheo leo đỉnh núi làm nơi khai mạc Năm Linh mục 2009. Tất cả là nhờ lòng nhiệt thành với Chúa của bà con giáo dân nơi đây.



Và cuối cùng hạt giống đức tin cũng đã nảy mầm trên mảnh đất “cằn cỗi” miền sơn cước, người con xứ Mường cha Gioan Baotixita Đinh Xuân Đức chính thức được thụ phong linh mục ngày 8-9-2011. Đối với người dân Bằng Phú, có niềm vui nào hơn thế!

Xa cái ồn ào đô thị, con đường ngoằn nghèo cheo leo đưa chúng tôi lên với giáo xứ Mường – Bằng Phú. Nếu như không phải là người có đạo chắc ai cũng đoán nơi đây đang mùa lễ hội. Những lá cờ lễ bay phất phới khắp các ngả đường. Mọi người trong những bộ quần áo đẹp nhất, sặc sỡ nhất đổ về nhà thờ Bằng Phú với nét mặt vui tươi, hạnh phúc. Những cô gái Mường xinh đẹp trong chiếc váy hoa văn thổ cẩm cười chúm chím. Các cụ bà, cụ ông chờ đợi để được nhìn thấy, để được bắt tay thăm hỏi các linh mục, các quan khách đến dự lễ. Các em nhỏ tung tăng chạy nhảy để hòa cùng niềm vui của giáo xứ.

Nhưng có lẽ đặc biệt nhất vẫn là đội cồng chiêng giáo xứ, được đánh bởi những người phụ nữ Mường. Tiếng cồng chiêng là biểu tượng cho niềm vui, cho lễ hội của người dân tộc. Khi tiếng cồng chiêng cất lên hòa cùng tiếng kèn, tiếng trống; hòa cùng những tiếng nói cười mộc mạc của người dân nơi cũng chính là lúc họ quên đi những vất vả thường ngày để hướng lòng về cõi bình yên, dâng lên Chúa những khúc cảm tạ của lòng mình.

Điều đặc biệt hơn nữa, chủ tế thánh lễ tạ ơn hôm nay là người dân tộc. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử giáo phận Thanh Hóa có một người Mường làm linh mục. Cha Gioan Baotixita cũng là linh mục trẻ tuổi nhất trong số 11 tân chức mới được thụ phong ngày 8-9 vừa qua. Cho dù khó khăn về ngôn ngữ, văn hóa và tập tục, nhưng cha đã vượt qua tất cả để đến với Chúa, làm người chăn chiên cho Chúa.

Trong bài giảng lễ, cha Antôn Phạm văn Châu đã chia sẻ: “…Xưa nay có nhiều câu trả lời cho câu hỏi, “linh mục Người là ai?”, linh mục là đại diện Đức Kitô, là Kitô thứ hai, linh mục là người mà các thiên thần phải nhường bước trước đường đi… Những định nghĩa đó làm người ta tưởng tượng linh mục là một người siêu phàm, nhưng dù linh mục có là ai đi nữa cũng là một con người với tất cả những hạn chế của con người, là tôi tớ của mọi người. Linh mục là sở hữu của tất cả cộng đoàn. Cha Gioan Baotixita đã quyết định thánh hiến, hi sinh bản thân, hiến dâng tuổi trẻ và cuộc đời làm tôi tớ Chúa, tôi tớ cộng đoàn”.

(Trích theo "Xuân sớm trên giáo xứ Mường – Bằng Phú: linh mục người dân tộc đầu tiên" của
Maria Én Trần).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét