Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Chủ Nhật, 27 tháng 12, 2015

Khái quát lịch sử trước khi thành lập tỉnh Mường

(HBĐT) - Tỉnh Mường - tỉnh Hòa Bình còn rất trẻ, năm 2011 này mới vừa tròn 125 năm thành lập và phát triển (1886). Tuy nhiên, lịch sử của tỉnh Hòa Bình không phải chỉ được tính từ năm 1886, theo Dụ thành lập tỉnh Mường của quan Kinh lược Bắc kỳ mà phải tính từ khi con người thời tiền sử đã sinh sống cách nay hàng nghìn năm, thậm chí hàng vạn năm về trước trong các hang động, mái đá vôi của tỉnh.
  
Di tích hang Chổ, xã Cao Răm (Lương Sơn) thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách quốc tế. Ảnh: P.V

Có thể nói, ngay từ   khi vùng đồng bằng Bắc bộ còn là vùng đầm lầy, biển cả, trong các thung lũng ở Hòa Bình đã hình thành một trung tâm văn hóa lớn - văn hóa Hòa Bình. Nền văn hóa Hòa Bình đó được nhà nữ khảo cổ học người Pháp Madelen Colani phát hiện từ các di chỉ nằm trong các hang động, mái đá thuộc vùng núi đá vôi ở Hoà Bình. Năm 1926, M.Colani đã phát hiện và khai quật 20  di chỉ có vết tích khảo cổ trong các thung lũng đá vôi của tỉnh Hòa Bình, thu được một khối lượng hiện vật phong phú, trong đó, chiếm chủ yếu là các công cụ đá được ghè đẽo từ
các hòn cuội suối. Sau kết quả khai quật, trong công trình nghiên cứu “Thời đại đá trong tỉnh Hoà Bình” xuất bản năm 1927, M.Colani đã đưa ra thuật ngữ “Văn hoá Hoà Bình” để đặt tên cho nền văn hoá này. Hội nghị tiền sử Viễn Đông lần thứ nhất họp tại Hà Nội năm 1932 đã được các nhà khoa học trên thế giới  chính thức thừa nhận thuật ngữ “Văn hoá Hoà Bình” (VHHB). Về mặt niên đại,  M.Colani xếp VHHB thuộc thời đại đá giữa với khung niên đại tuyệt đối từ 18.000 năm đến 7.500 năm cách ngày nay. Theo M.Colani, cư dân VHHB sống thành từng bầy đoàn trong hang động. Họ săn bắn, hái lượm để kiếm sống là chủ yếu. Con người thời đó đã biết sử dụng công cụ cuội với cách chế tác ghè, đẽo tạo ra các loại công cụ có hình hạnh nhân, hình đĩa và sau là công cụ hình rìu ngắn.

Tiếp theo những nghiên cứu của M.colani, từ những năm 1960 của thế kỷ trước, ngành khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật, nghiên cứu trên 120 di tích của văn hoá Hoà Bình. VHHB có không gian phân bố rộng, có mặt ở hầu khắp các nước Đông Nam á, riêng trong tỉnh Hoà Bình đã có 70 di tích được phát hiện khai quật, nghiên cứu. Tỉnh Hòa Bình là nơi các di chỉ phân bố dày đặc nhất. Hiện nay, trên cơ sở những tư liệu mới và ứng dụng các phương pháp khoa học trong việc xác định niên đại, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm ra một khung niên đại tuyệt đối của VHHB  từ 18.420 năm đến 7.500 năm cách ngày nay, nằm vắt ngang từ thế cánh tân (Pleistocen) sang thế Toàn tân (Holosen). Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã xếp VHHB thuộc thời đại đá mới - thời đại xuất hiện rìu mài lưỡi, đã xuất hiện nghề nông sơ khai và họ đã biết sử dụng đồ gốm. Các di tích ở Hoà Bình có niên đại sớm nhất, tiêu biểu là hang xóm Trại (Tân Lập - Lạc Sơn) có niên đại 18.420 năm cách ngày nay, là cái nôi đầu tiên của nền văn hoá này. Mặt khác, các di vật trong các tích ở Hoà Bình cũng rất tiêu biểu, đại diện cho kỹ nghệ chế tác cuội ở Việt Nam. Hoà Bình còn là nơi duy nhất ở Việt Nam tìm thấy dấu tích nghệ thuật của con người thời văn hoá Hoà Bình, đó là bức vẽ hình mặt người và ba đầu con thú ăn cỏ trên vách hang Đồng Nội. Có thể nói, nền văn hoá này đã được ra đời sớm và phát triển rực rỡ nhất tại các hang động núi đá vôi của tỉnh. Chế độ công xã nguyên thủy cũng đã được hình thành trong thời kỳ văn hóa Hòa Bình, đó là thời kỳ của các bộ lạc, thị tộc và vai trò của các thủ lĩnh bộ lạc, thủ lĩnh thị tộc.

Khi đã biết đến sản xuất nông nghiệp, cải tiến công cụ, năng suất lao động tăng lên, con người dần thoát khỏi sự lệ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Từ nơi cư trú trong hang động, con người đã bước ra sinh sống trên các gò đồi ven sông, suối. Ngoài công cụ sản xuất chủ yếu bằng đá, con người đã biết đến kim loại, sử dụng kim loại đồng, sắt để làm công cụ. Cũng từ đây, loài người bước sang thời đại kim khí, bao gồm các giai đoạn phát triển từ thấp lên cao: từ văn hoá Phùng Nguyên, Đông Đậu, Gò Mun ( hay còn gọi là thời kỳ tiền Đông Sơn) đến đỉnh cao là nền văn hoá Đông Sơn.

Các di tích văn hoá tiền Đông Sơn phân bố chủ yếu ở vùng gò đồi trước núi. Trong đợt khai quật tại di tích hang Chổ (Cao Răm - Lương Sơn) đã phát hiện được một ngôi mộ táng, tuy chỉ thấy một số răng người, vòng trang sức bằng vỏ ốc, công cụ đá mài tinh xảo và các mảnh gốm chôn trong mộ nhưng sự phân bố các hiện vật trong hố khai quật đã cho thấy đây là một ngôi mộ táng thuộc văn hoá Phùng Nguyên, cách ngày nay khoảng trên 4.000 năm.

Cho đến nay ở Hoà Bình đã phát hiện được ba khu vực ven các dòng sông có các di vật của văn hoá Đông Sơn, tại các huyện: Lạc Thuỷ, Mai Châu và Đà Bắc. Hiện vật tìm thấy bao gồm: trống đồng, rìu, lưỡi giáo, mũi lao. Tại di tích hang xóm Trại (Lạc Sơn), trong đợt khai quật năm 2006 cũng đã tìm thấy nhóm hiện vật là các mảnh gốm của thời tiền Đông Sơn.

Các di vật tìm thấy tại các địa điểm trên đã phần nào xác định được vùng ảnh hưởng của văn hoá Đông Sơn dọc theo phía thượng lưu của các con sông lớn như sông Đà, sông Mã, sông Hoàng Long, sông Bưởi. Tại tỉnh hẳn đã có một bộ phận cư dân Đông Sơn đến cư trú vào giai đoạn muộn của nền văn hoá này. Với số lượng không ít về công cụ sản xuất, vũ khí và 11 chiếc trống Đông Sơn phát hiện ở các ven dòng sông đã chứng tỏ sự có mặt khá sớm của văn hoá Đông Sơn ở vùng đất này. Trong giai đoạn văn hóa Đông Sơn, chế độ xã hội đã có nhiều thay đổi, các nhà nghiên cứu cho rằng mô hình nhà nước sơ khai đã ra đời. ở Việt Nam, đó là nhà nước Văn Lang của các vua Hùng.

Hoà Bình là tỉnh phát hiện được nhiều trống đồng loại II Heger (trên 100 chiếc) và địa bàn phân bố của nó trùng khít với địa bàn cư trú của người Mường. Trống đồng loại II Heger gắn bó lâu dài trong đời sống sinh hoạt văn hoá tinh thần của người Mường. Những chức năng ban đầu là biểu tượng thần thoại của trống trong nghi thức cầu mưa, cầu mùa liên quan đến nghề nông nay đã phai nhoà. Đối với người Mường, chức năng rõ nét của trống đồng là biểu tượng quyền uy của tầng lớp lang đạo và là một nhạc cụ dùng trong tang lễ. Với tư cách là tộc người sử dụng và phát huy truyền thống trống đồng, đặc biệt với trống đồng loại II, người Mường được xem là chủ nhân của những chiếc trống đó. Đã có nhiều học giả cho rằng trống đồng loại II Heger có thể đặt tên là trống đồng Mường.

Trong ngàn năm Bắc thuộc, các tư liệu nói về tỉnh Hòa Bình hầu như quá ít bởi Hòa Bình là vùng rừng núi, người Hán ít có khả năng vươn tới để cai trị và đồng hóa, do vậy có thể nói là tỉnh ít chịu ảnh hưởng của văn hóa ngoại lai.

Bước sang thời kỳ lịch sử trung đại, tương ứng với lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam từ Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn, lịch sử của thời kỳ này ở Hòa Bình còn khá mờ nhạt, còn thiếu nhiều tư liệu, nó được nằm lẫn trong bức tranh của lịch sử chế độ phong kiến việt Nam nói chung. Tuy nhiên, cùng tồn tại song hành với chế độ phong kiến trung ương tập quyến ở người Việt thì người Mường lại duy trì đó chế độ xã hội lang đạo do các dòng họ lớn: Đinh, Quách, Bạch, Hà cai trị dân Mường. Vào đầu thời nhà Lê, đích thân vua Lê đã cầm quân theo đường sông Đà ngược lên Lai Châu để đánh dẹp giặc Đèo Cát Hãn. Khi thắng trận trở về, nhà vua Lê Lợi đã cho khắc bài thơ trên vách đá ở khu vực thác Bờ. Nội dung bài thơ nói về đạo lý đánh giặc và phương lược phòng thủ với vai trò quan trọng đường thủy của sông Đà. Hiện nay, tấm bia có giá trị lịch sử ấy vẫn đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh.

Vào những năm 70 của thế kỷ XX, các nhà khảo cổ học đã tiến hành khai quật, nghiên cứu các di tích mộ Mường. Các khu mộ được khai quật gồm khu mộ cổ Đống Thếch (Kim Bôi), mộ cổ xóm Lồ, xóm Lý (Tân Lạc), mộ Đồi Thung, Ngọc Lâu (Lạc Sơn),  mộ Kim Truy (Kim Bôi), Nhuận Trạch, Cư Yên (Lương Sơn), khu mộ cổ Dũng Phong    (Cao Phong) và khu mộ cổ Đống Bay (Tân Lạc). Đây là các khu mộ cổ tiêu biểu cho bốn vùng Mường lớn: Bi, Vang, Thàng, Động ở Hoà Bình. Niên đại của các khu mộ cổ nằm trong khoảng từ thế kỷ XI-XVIII. Kết quả khai quật các di tích mộ cổ này đã thu được nhiều tư liệu quan trọng, góp phần tìm hiểu quá khứ lịch sử của dân tộc Mường, từ phân tầng xã hội đến táng tục và là xã hội có nền kinh tế mở thông qua các hiện vật gốm sứ là đồ tùy táng trong mộ có nguồn gốc gốm sứ Việt Nam và gốm sứ Trung Quốc, Nhật Bản. Cũng thông qua các cuộc khai quật, nghiên cứu đó phần nào đã góp phần cho việc tìm hiểu về nền văn hoá văn minh Việt cổ bởi các nhà nghiên cứu còn cho biết, trước thế kỷ X, người Mường và người Kinh cùng có chung một nguồn cội mà lịch sử gọi là người Việt cổ hay Việt - Mường chung.    
  
Trong thời kỳ cận hiện đại, lịch sử và văn hóa của người Mường đã được các học giả nước ngoài quan tâm nghiên cứu. Các công trình nghiên cứu của các học giả nước ngoài đã lần lượt giới thiệu về các lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội của người Mường Hòa Bình từ thời tiền sử cho đến thời cận hiện đại. Tiêu biểu như: “Tỉnh Mường Hòa Bình” của học giả người Pháp Pierre Grossin xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp năm 1926. “Thời đại đá trong tỉnh Hòa Bình” của Madelen Colani xuất bản năm 1927. “Người Mường - Địa lý, xã hội và nhân văn” của nữ Tiến sĩ người Pháp Jane Cuisinier xuất bản năm 1936, “Người Mường ở Hòa Bình” của Trần Từ. Ngoài ra còn rất nhiều các công trình nghiên cứu về các lĩnh vực đời sống KT-XH của tỉnh.

Một điều đáng tự hào là không chỉ người ngoài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa, xã hội của người Mường mà chính người Mường đã sáng tác những tác phẩm văn học nghệ thuật đặc sắc, tiêu biểu nhất phải kể đến sử thi “Đẻ đất đẻ nước”, rồi các truyện như: “Huỳnh Nga Hai Mối”, “út Lót Hồ Liêu”, “Vườn hoa núi cối”, truyện cười dân gian, ca dao, tục ngữ, các làn điệu dân ca, dân vũ, âm nhạc cồng chiêng và các tri thức dân gian khác. Tuy nhiên do người Mường không có chữ viết, vì vậy, các tác phẩm văn học đều được lưu truyền bằng miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Về đời sống kinh tế trước cách mạng tháng Tám, nền kinh tế của người Mường là kinh tế tự nhiên, mang nặng tính tự cấp, tự túc, trong đó, nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp trồng lúa nước đóng vai trò chủ đạo. Ruộng lúa nước của người Mường thường có hai loại: loại ruộng lầy trũng và loại ruộng bậc thang. Kỹ thuật làm thuỷ lợi khá phát triển, đặc biệt là thuỷ lợi nhỏ, làm mương bai để lấy nước đã trở thành một tập quán của người Mường. Việc đắp đập đào mương được quy định rõ trong việc làng. Trong quá trình sản xuất, người Mường đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, từ việc làm đất, gieo trồng, thời vụ, chọn giống, chăm bón, thu hoạch. Công cụ sản xuất chủ yếu là cày, bừa dùng sức kéo trâu, bò. Ngoài việc lúa nước, người Mường còn trồng trọt trên nương rẫy. Công cụ làm nương khá đơn giản bao gồm cái rìu, con dao và gậy chọc lỗ. Nương được trồng nhiều loại: lúa nương, ngô, khoai, sắn và một số cây họ đậu, rau quả. Kinh tế phụ gia đình của người Mường bao gồm chăn nuôi gia súc, gia cầm, săn bắn, đánh cá và khai thác lâm  sản.

Thủ công nghiệp chưa tách khỏi nông nghiệp, sản phẩm của nghề thủ công chủ yếu phục vụ cho sản xuất và đời sống hàng ngày, chưa hình thành các tổ chức phường hội. Các nghề thủ công có thể kể đến là: dệt, đan lát, làm nhà, các dụng cụ gia đình, ép dầu, trồng dâu nuôi tằm. Hầu hết các dụng cụ, đồ dùng gia đình người Mường đều tự làm lấy, họ chỉ phải mua các thứ đồ kim loại, đồ gốm sứ, diêm, muối và thuốc lào. Trong nghề thủ công, đặc biệt là nghề dệt vải, cạp váy, mặt phà gắn liền với vai trò người phụ nữ.

Thương nghiệp kém phát triển, ở vùng Mường rất ít chợ, kinh tế hàng hoá chưa hình thành, trước đây việc mua bán thông qua hình thức trao đổi vật lấy vật rất phổ biến.

Về chế độ xã hội trước Cách mạng Tháng Tám 1945 của người Mường là chế độ lang, đạo. Bộ máy lang, đạo, một mặt chịu sự lệ thuộc vào triều đình Trung ương như đi hầu, cống nạp các sản vật quý hiếm, mặt khác, vào khoảng thế kỷ XIX, lang đạo, cũng còn chịu sự ép buộc của chính quyền thực dân Pháp. Tuy vậy, cơ cấu vận hành của chế độ nhà lang mang tính độc lập tương đối, hay nói cách khác là lang đạo quản lý dân thôn theo kiểu “tự trị”. Như vậy, trong suốt thời kỳ phong kiến Việt Nam, người Việt ở đồng bằng chịu sự cai trị của triều đình phong kiến trung ương tập quyền, còn người Mường sống dưới chế độ lang đạo, lang cun được xem là vị vua của người Mường. Chế độ lang đạo được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, chỉ trừ trường hợp không có con trai nối dõi hoặc lang đạo quá hà khắc thì người dân có quyền truất bỏ và bầu lên một vị lang mới thay thế, giúp việc cho nhà lang là bộ máy các ậu. Chế độ lang đạo tồn tại lâu dài trong lịch sử, thời kỳ cực thịnh của chế độ lang đạo ở Hòa Bình có thể tương ứng với thời nhà Lê (cách nay trên 500 năm).

Sẽ còn rất nhiều điều phải tiếp tục nghiên cứu về lịch sử, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội con người vùng đất Hòa Bình trước khi thành lập tỉnh năm 1886. Tuy nhiên, trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chúng tôi không có tham vọng trình bày hết được mà chỉ xin điểm qua những nét chính để thấy được lịch sử Hoà Bình có những nét cơ bản tương ứng với nhũng giai đoạn phát triển chính trong tiến trình của lịch sử Việt Nam, đó là các văn hoá thời đại đá, văn hoá thời đại kim khí  và các văn hoá lịch sử thời dựng nước, thời kỳ chế độ phong kiến về sau. Để hiểu biết quá khứ hàng ngàn năm của dân tộc, đương nhiên còn nhiều vấn đề phải tiếp tục trong tương lai cần có sự tâm huyết của nhiều nhà nghiên cứu.

Diện mạo lịch sử của tỉnh trước khi thành lập, cho dù mới chỉ là những đường nét chấm phá còn sơ sài, nhiều giai đoạn lịch sử đã qua chưa được soi rọi nhưng những gì mà các nhà khoa học nghiên cứu đã cho chúng ta thấy một kho tàng di sản văn hoá đồ sộ, độc đáo của các thế hệ tiền nhân để lại.Với chiều dài hàng vạn năm, nhiều nền văn hoá đã nảy sinh và phát triển rực rỡ trên mảnh đất Hoà Bình thân yêu của chúng ta. Chúng ta tự hào với quá khứ hào hùng của dân tộc và tự tin để vững bước cùng cả nước thực hiện công cuộc đổi mới, CNH-HĐH, sớm đưa thành tỉnh giàu mạnh, phát triển bền vững. 


                                                                     TS. Quách Văn Ạch
                                                                          (Sở VH-TT&DL)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét