Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

Hát ví đối Mường

Vấn vương hát ví xứ Mường

ANTĐ - Trong tiếng sáo Côi dìu dặt, câu hát ví Mường đối đáp bổng trầm lan tỏa trong không gian ấm áp bên nếp nhà sàn. Hương rượu cần nồng đượm bên bếp lửa quyện cùng điệu sáo, lời ca mang âm hưởng cội nguồn làm say đắm lòng du khách khi đến với Mường Bi.

Hát ví của cộng đồng người Mường ở Mường Bi (Hòa Bình) hiện nay phổ biến là hát đối đáp ứng tác theo ba làn điệu ví mới mà không hề có tên gọi riêng cho từng làn điệu. Người hát ứng tác lời tùy theo từng hoàn cảnh cụ thể, không có lời hát gốc. Lời hát ứng tác đối đáp giữa hai người, hai nhóm hát đối đáp nhau phải thống nhất theo giai điệu và chủ đề của người đặt lời hát đầu tiên. Cũng bởi tính ngẫu hứng và ứng tác tự do như vậy mà những người hát có thể đối đáp nhau cả ngày, đêm. Đối đáp nhau từ khi khai hội cho đến lúc hội tan thì mới dừng đối đáp, đối đáp để mời nhau ống rượu cần, để trai gái xứ Mường tỏ bày tâm sự trong những dịp lễ tết, cưới hỏi, hội hè. 

Hát ví Mường xưa có sự khác biệt khá lớn so với hiện nay, cả về giai điệu, làn điệu và lời hát. Hát ví lời cổ có bài hát và giai điệu riêng, lời hát cố định bằng tiếng Mường chứ không mang tính ứng tác như ví mới hiện nay, cũng không dịch sang tiếng phổ thông nên hiện nay không được phổ biến nhiều trong đời sống cộng đồng, chỉ có một bộ phận nhỏ nghệ nhân cao niên còn biết hát. Hát ví cổ thường chỉ sử dụng một loại nhạc cụ đệm là sáo Côi, loại sáo đặc biệt chỉ có 4 lỗ của người Mường, không như những loại sáo 6 lỗ thông thường, không dùng đàn Nhị đệm như ví mới, và làn điệu ví cổ cũng da diết hơn, khó hát hơn so với những làn điệu ví đối đáp hiện nay.

Hát Ví Mường phải có đệm sáo Côi. Chuyện kể rằng: xưa có nhà được bốn người con trai nhưng một người lại bị câm, không nói được. Đến khi cha chết, không biết làm cách nào để khóc cha, người con câm bèn làm chiếc sáo có 4 lỗ, tiếng sáo cất lên da diết thay cho lời khóc cha của người con hiếu thảo. Từ ấy trở đi, người Mường có chiếc sáo Côi. Khi thổi sáo Côi đệm cùng điệu ví, hai âm thanh sẽ cùng hòa quyện da diết, thiết tha tình cảm như tiếng lòng người bản Mường thật thà, ấm áp không thể nào quên.

Hát ví Mường trước kia không chỉ xuất hiện trong các dịp hội hè như hiện nay. Ví Mường có trong mọi hoạt động thường nhật của đời sống cộng đồng, thanh niên nam nữ hát ví đối đáp, giao duyên để tán tỉnh nhau khi đi làm, đi chơi. Hát đối đáp trong công việc, đối đáp trong các buổi giao lưu, kết bạn và ngay cả trong cuộc sống hàng ngày ở các gia đình. 

Du khách về với đất Mường Bi (Hòa Bình), đặc biệt là ở khu vực Mường Khến (Tân Lạc, Hòa Bình). Nếu có thời gian ghé lại bản Mường, cùng giao lưu bên bếp lửa, chuyền nhau ché rượu cần mà nghe thiếu nữ Mường ví điệu mời bày tỏ “Mấy khi nước cặp được bờ, để sông ngừng chảy cho mình gặp em…” thì ắt hẳn nghe rồi sẽ khó đành lòng mà xa được nơi này.

(Vũ Thanh-ANTĐ)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét