Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

HOA SIM TÍM

HOA SIM TÍM
"Về đồi sim, ta nhớ người vô bờ..."
Ai đã một lần nhìn thấy hoa sim, không quên hoa. Nó xinh và nở dễ dàng. Hàng giậu, triền đá, nương rẫy, bờ sông, nhà ga, bến đò… Tím từ Lai Châu tím qua, tím từ Kontum tím lại. Cánh hoa đơn, rất mỏng. Gió tạt ngang, hoa lung lay. Nhụy vàng nhụy tím vươn lên như tóc cô tiên. Dưới nắng màu hoa long lanh. Hoa trong “Màu tím hoa sim” là hoa mua hay hoa sim, màu tím đỏ hay tím Huế, tím cà hay tím hồng? Màu nào cũng biêng biếc đẹp. Với Hữu Loan, màu hoa trong thơ là màu của “ngày xưa, nàng thích màu hoa sim tím”.
Từ 1957, chương trình thi văn của ban Tao Đàn trình bày bài thơ nhiều lần trên đài phát thanh Saigon. Giọng Huế Tô Kiều Ngân u hoài, bi nhưng không thảm, sầu nhưng không luỵ. Thật tiếc, sau ông, không có giọng nào gần bằng.
Có thể ở một dân tộc khác, một hoàn cảnh khác, một thế hệ khác, người ta không yêu bài thơ ấy đến thế. Năm 1954, đất nước vừa chia đôi. Người Bắc di cư tưởng chỉ mang theo vài tay nải may quàng. Có ngờ đâu, trong ấy cả thơ nhạc ca dao, cả văn hoá sông Hồng. Dù ông lão nhà quê hay thiếu nữ thành thị, cái nết của người Bắc là quyến luyến với tất cả những gì mang hơi hướng quê hương ấy...(Trích đoạn trong "TẢN MẠN VỀ MÀU TÍM HOA SIM" của Trần Thị Vĩnh Tường)
Vâng. Ngày xưa, nàng thích màu hoa sim tím. Màu đó, khi người con gái hậu phương đã chết, trở thành màu của nhớ thương, đau đớn. Màu tím hoa sim, tím cả chiều hoang biền biệt. Đúng, chuyện tình trong Màu Tím Hoa Sim là có thật. Một phần cũng nhờ đó mà bài thơ làm người đọc xúc động và nhiều người đã mê Màu Tím Hoa Sim. Nhất là trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước, khi chia ly ướt đẫm những trang thơ, bao người đi không về. Thêm vào đó là tình yêu nước tạo thành một thời của văn chương gọi là “lãng mạn cách mạng”. Có thể nói cả một thế hệ học sinh những năm đầu thập niên 50 thế kỷ trước, và cả sau này rất lâu, đều thuộc lòng bài thơ và yêu màu tím đến da diết. Từ đó, màu tím trở thành màu của thơ và nhạc suốt cả một thời kỳ dài. Này, em thương yêu, nhớ không màu tím lãng mạn quý phái của Đinh Hùng và Đan Thọ – “Chiều tím, chiều nhớ thương ai, người em tóc dài sầu trên phím đàn, mưa rơi quan san…” – trong Chiều Tím; rồi màu tím mang chút hồn bụi bặm của thời đại – “Gió heo may đã về / Chiều tím loang vỉa hè / Và gió vương tóc thề...”- trong Nhìn Những Mùa Thu Đi của Trịnh Công Sơn; và cuối cùng là màu tím của đổ vỡ đau đớn – “Nhắm mắt chỉ thấy một chân trời tím ngắt”- trong Nửa Hồn Thương Đau của Phạm Đình Chương... ( Trích theo "Tím hoa sim, tím hoa mua và tím hoa sage" của Tâm Hư)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét