Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 13 tháng 9, 2017

ĐOẠN ĐƯỜNG 4C XỨ BANMÊTHUỘT

Về thăm quê quán tôi xưa... Ban Mê mất dấu...
ĐOẠN ĐƯỜNG 4C XỨ BANMÊTHUỘT
*Hùng Bi
Phải nói trước rằng đây chỉ là những mô tả của một thằng nhóc mười mấy tuổi thôi nên hiểu biết còn ấu trĩ lắm, như là kể lại cho các bạn nghe một câu chuyện với nhận thức trẻ con thôi
.
Mười một tuổi, tôi giã từ nơi chôn nhau cắt rốn không chút bùi ngùi, hớn hở lên đường đến một miền xa lạ chỉ mới nghe nói tới tên mà không có một chút ấn tượng nào trong đầu. Chỉ biết đó là một vùng đất xa tít tắp và hoàn toàn lạ lẩm với người đồng bằng, nhưng tôi ra đi không người đưa đón mà lòng chẳng chút băn khoăn vì ở đó có Ba tôi.
Một thế giới mới lạ với những con người tứ xứ quy tụ về sống chung với những người "sắc đẹp" trên vùng đất còn đầy vẻ nguyên khai. Rừng hoang vu vẫn còn sừng sững hai bên vệ đường.
Banmêthuột đón tôi trong mảnh trời chiều. Hỏi thăm người đi cùng chuyến xe về cái địa chỉ có trong túi áo. Ba tôi chưa tan sở mà đường đất mình có biết gì đâu? Phải chi hồi đó có cái a-lô bỏ túi như bây giờ thì đỡ biết mấy! Đành phải thót lên một chiếc xích lô đạp nhờ đưa về nhà thôi. Bến xe đò ở gần cột đèn ba ngọn, chỗ Ba tôi ở gần tiệm phở Tân Hiên cuối đường Ama Trang Long. Nín thở chừng ba hơi là tôi chạy về tới chỗ, nhưng sao cái xích lô nó chạy lòng vòng chi vậy trời? Hay ông đạp xe vẽ vời thành đoạn đường xa hơn để ăn tiền cho nhiều? Sau mới biết hoá ra ở cái phố rừng phố núi có chút xíu người, có chút xíu xe cũng có đoạn đường một chiều vòng quanh khu chợ nữa đấy!
Một thằng con nít thì ngoài chuyện ăn, học, chơi...thì còn biết cái gì khác hơn? Tôi chẳng biết gì về những sắc dân thiểu số đang sống quanh tôi cũng như văn hoá, phong tục, tập quán của họ.
Ba tôi có mua một cái radio bởi ông thích nghe tin tức. Thời đó, ai muốn có cái radio phải đăng ký với chính quyền, lý do là để kiểm soát không cho nghe đài Hà Nội và mỗi năm đóng thuế ba chục đồng.
Buổi trưa ông đi làm thì ở nhà tôi táy máy mở đài phát thanh Banmêthuột nghe hò Huế và chương trình phát thanh tiếng các dân tộc thiểu số. Thì có biết tiếng gì đâu! Tiếng Rhadé, tiếng Bana, tiếng Sê đăng, tiếng Gia rai... nghe cũng na ná như nhau, chủ yếu là để nghe các nhạc cụ dân tộc của họ đánh lên rộn ràng mở đầu chương trình cho vui tai thôi. Mà những nhạc cụ của họ gồm những loại gì cũng khỏi biết luôn. Hồi đó cũng chưa được nghe cái cụm từ được tô vẽ lớn lao là "văn hoá cồng chiêng" như bây giờ.
Những nhạc cụ bằng tre nứa hay trái bầu khô đương nhiên sẽ được họ làm ra, tôi cũng không rõ là những người dân tộc có tự chế tác ra các nhạc cụ bằng đồng để hình thành nền văn hoá cồng chiêng không, nhưng thời tôi ở đó họ toàn mua những sản phẩm xuất xứ từ đồng bằng.
Đến đây hẳn có người thắc mắc vậy chớ Đoạn đường 4 C xứ Banmêthuột là cái thứ chi? Nó hết sức đơn giản, mà cái tật của tôi hể cái gì đơn giản hay làm bộ khó hiểu chơi. 4C là Cồng Chiêng Chum Ché. Có người nói cồng có núm ở giữa, còn chiêng thì không có. Chum thì thấp nhỏ còn ché thì cao lớn.
Đoạn đường Nguyễn Thái Học bên hông Ty Thông Tin bắt đầu từ tiệm vàng Kim Môn Rồng Vàng đi về hướng Bungalow có một đoạn ngắn hai bên chuyên bán những sản phẩm 4C. Thỉnh thoảng đi ngang hoặc vào nhà của Dương Đức Luân Đôn bạn cùng lớp suốt mấy năm trung học chơi với Lê Thanh Sơn, Phạm Hữu Chí...thiệt là đinh tai nhức óc khi gặp lúc họ thử cồng chiêng. Nó chẳng được một chuỗi âm thanh trầm bổng như tiếng rừng xanh vọng về mà cứ đều đều một thang âm. Cồng chiêng được đúc thủ công thì có chỗ dầy chỗ mỏng, khi đánh lên ở những vị trí khác nhau thì âm thanh phát ra không chuẩn. Đã nhiều lần tôi đứng lại quan sát cách họ thử. Tôi không biết người bán với người mua ai có đôi tai thẩm âm cao hơn để quyết định. Họ lật ngửa cái cồng ra và đổ một ít nước vào rồi dùng chày gõ vào thành. Âm thanh phát ra sẽ làm rung động mặt nước thành những gợn sóng lăn tăn. Tần số khác nhau sẽ cho ra những rung động khác nhau. Vì sao chỉ một cái gõ mà tạo ra những tần số âm thanh khác nhau? Tức thị độ dầy mỏng của mặt cồng không đều, chỗ dầy hơn sẽ cho ngọn sóng thấp hơn. Người bán đánh dấu và đổ nước ra rồi họ dùng một dụng cụ chuyên dụng bào bớt lớp đồng để tạo sự đồng đều trên một bề mặt. Đó là do tôi suy luận như vậy.
Họ thử đi thử lại nhiều lần cho đến khi khách hàng thường là những bô lão ưng ý mới thôi.
Chẳng biết mất bao nhiêu con trâu, bao nhiêu chuyến gùi lúa bắp từ những buôn làng xa xôi Nao sang chơ mới đánh đổi được một cái cồng cái chiêng?
Thủa đó, tôi chẳng nghĩ ngợi gì nhiều, nó chỉ giống như một hoạt cảnh đặc trưng của miền Cao nguyên. Nhưng bây giờ sau vài năm gần đây tiếp xúc với môi trường buôn bán, tôi bỗng thấy tội nghiệp cho những giọt mồ hôi và sự thật thà của người dân tộc đã thản nhiên trôi vào túi bọn con buôn một cách nhẹ nhàng.
HÙNG BI

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét