Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 22 tháng 9, 2017

DIỄN NGÂM "HỒ TRƯỜNG" CỦA HỌC SINH

Nào ai tỉnh, nào ai say,
Chí ta ta biết, lòng ta ta haỵ... (Hồ Trường-Nguyễn Bá Trác)
DIỄN NGÂM "HỒ TRƯỜNG" CỦA HỌC SINH
...
...
Bài thơ được ưa chuộng nhất trong các tiệc rượu thời này là bài Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác có lẽ vì bên cạnh hơi hướm lãng tử và trăn trở, Hồ Trường còn có thêm niềm bi phẫn của kẻ sĩ sinh chẳng gặp thời.
...
...
Sau lời giới thiệu của Nhân, trong sự im lặng chờ đợi, tiếng cười vỡ vụn của Thôi bỗng vang lên. Nửa như đau xót, nửa như hào hùng trêu chọc. Con nhà hội họa hóa trang thật tài tình. Khuôn mặt thư sinh của Thôi, thêm mấy chòm râu, điểm những nét nhăn hằn lên trên trán, với cái khăn mỏ quạ và chiếc áo dài đen bạc màu mượn của bác cai trường đã biến Thôi thành hình ảnh một kẻ sĩ thời xa xưa sinh chẳng gặp thời. Một tay ôm bầu rượu, tay kia đặt trên đốc kiếm. “Hồ rượu” và “bảo kiếm” đều là các dụng cụ hóa trang ... diễn trong trại Hè học sinh Quốc Học còn sót lại. Sau tràng cười kinh động là tiếng kiếm rút ra khỏi vỏ “rít” lên qua cửa miệng của Thôi. Đường kiếm múa lấp loáng mê cuồng như đang nhịp theo một bản cuồng ca. Những bè bạn thân quen không ai ngạc nhiên với đường kiếm bay bướm của Thôi vì biết gã là một sư huynh của phái Nga Mi Bãi Dâu; nhưng đối với khách lạ thì căng mắt ngồi nhìn một cách khoái chí.
Bỗng tráng sĩ nhà họ Lê im bặt, tra kiếm vào vỏ, rồi cúi gầm nhìn đăm đăm vào hồ rượu. Tiếng ngâm như từ vực sâu cuồng nộ, khí khái cất lên:
Trượng phu sao không xé gan bẻ cật,
Phù cương thường hà tất tiêu dao!
Tiếng ngâm thơ Bình Trị Thiên đanh như vết chém. Những âm sắc vút lên cao nhọn hoắc, rơi dần lảo đảo với một chút ỡm ờ và giọt xuống:
Bốn bể lưu lạc tha hương,
Trời Nam nghìn dặm thẳm,
Non nước một màu sương.
Kẻ sĩ lại ngước lên nhìn trời như đang cầu xin một ân điển, nhưng rồi hai tay buông xuống, vuốt nhẹ mái tóc đã bạc màu. Trời thì quá xa mà kẻ sĩ đã về chiều nên cũng đành đành thú nhận:
Chí chưa thành,
Danh chưa đạt,
Trai trẻ bao lăm mà đầu đã bạc,
Trăm năm thân thế bóng tà dương!
Im lặng!... Một thoáng yên ắng lắng sâu trong ánh đèn dầu lay lắt. Tráng sĩ trỗi dậy, gươm tuốt trần, rượu đầy hồ, tiếng ngâm ngân lên rộn ràng, xôn xao giữa tâm hồn bão nổi:
Vỗ gươm mà hát,
Nghiêng bầu mà hỏị
Thiên địa man man,
Ai người tri kỷ
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường!
Không rõ Thôi đang diễn tuồng hay đang ngất ngưởng trong những khoảnh khắc phù du mượn tạm một vai trò để sống. Nhưng lạ lùng là đôi mắt đam mê đầy hào khí của Thôi lấp lánh tình bầu bạn, chiếu thẳng tới nhãn quan từng người có mặt. Tiếng ngâm thơ dạt dào và hưng phấn, nhưng cũng dằng dặc nỗi buồn của kẻ đi đường xa chưa gặp bạn đồng hành:
Hồ trường!
Hồ trường ta biết rót về đâu?
Vẫn im lặng. Thôi giương cao bầu rượu và nối đuôi theo tiếng ngâm thơ mời gọi:
...rót về đâu? Ta biết rót về đâu?
Có tiếng đáp thật bất ngờ:
- Rót về đây đi tráng sĩ ơi!
Đó là tiếng của Chiêu Hà “Vélo Solex”, cô bé Đồng Khánh “mode” nhất ở đường Phan Bội Châu, nổi tiếng như cồn vì mái tóc ngắn “đờ mi gạc xông” rất có duyên với dáng Tây Phương, học võ Karate với giáo sư Ngô Đồng và cỡi xe Vélo chạy phon phon trên đường phố Huế.
Mọi người quay lại vừa khi Thôi nghiêng hồ rượu rót vào ly nước chanh đã cạn của Chiêu Hà. Rồi Thôi nghiêng hồ rượu và khoát tay mời anh em cùng uống. Người đẹp Đồng Khánh đã đưa ly lên môi, thì những người hùng Quốc Học không còn lý do e dè hay từ chối. Tất cả cùng uống. Tiếng ngâm thơ lại nổi lên nửa như thách đố, nửa như mời gọi trong nỗi trần tình đầy cảm khái:
Rót về Đông Phương, (ư) ?
Nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng lãng!
Thôi lại đưa cao hồ rượu quá đầu, hỏi tiếp:
- Hồ trường... Hồ trường ta biết rót về đâu… Rót về đâu?
Có nhiều tiếng đáp một lần, cả tiếng trong veo của người đẹp đâu đó đầy phấn chấn:
- Rót về đây!
Thôi lắc đầu theo tiếng thơ chảy xiết:
- Rót về Tây phương, (ư)?
Mưa Tây sơn từng trận chứa chan!
Và tiếp:
-...biết rót về đâu?
Lại thêm năm ba cái ly đưa lên. Thôi rót đầy rượu cho từng người rồi chỉ tay về Bắc:
- Rót về Bắc phương, (ư)?
Ngọn Bắc phong vi vút cát chạy, đá giương!
Âm hưởng giọng ngâm thơ của Thôi rung cảm tới mức mọi người đều đứng dậy, nâng ly uống cạn trong tiếng thơ hướng về Nam:
- Rót về Nam phương, (ư)?
Trời Nam mù mịt!
Hồ rượu trong tay Thôi lại được châm đầy và rót cạn tới bao nhiêu lần nhưng niềm vui pha men đắng của sự sum họp tạm bợ trong cuộc chiến vẫn tràn trề, mỗi lúc một cuồn cuộn dâng lên trong cơn mê hồ trường. Dáng đi của tráng sĩ Thôi đã ra chiều chếch choáng. Thôi lấy hết tuyệt kỹ để ngâm tràn những giọt thơ còn lại:
Có người quá chén như điên như cuồng!
Nào ai tỉnh, nào ai say,
Chí ta ta biết, lòng ta ta haỵ
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thủy,
Hà tất cùng sầu đối cỏ câỵ
Tiếng ngâm thơ đã dứt một thoáng qua rồi mà không khí vẫn lặng im ngây ngây. Không hiểâu thơ đang say lòng người hay người đang say men rượu bốc thành thợ. Cho đến khi hồ rượu cạn tuột khỏi tay người cuồng sĩ, rơi xuống vỡ tan mới chợt nghe tiếng vỗ tay kéo dài như luyến tiếc...
...
TRẦN KIÊM ĐOÀN
(Trích trong "Đêm Hồ Trường Quốc Học" của Trần kiêm Đoàn đăng trênhttp://vietditru.org/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét