Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

HAI BÀ TRƯNG THỜI XƯA

Có những vai diễn chỉ dành cho nữ sinh Ban mê...
HAI BÀ TRƯNG THỜI XƯA
Dzung Nguyễn Atkins
...
Năm ấy tôi vào khoảng độ mười bốn, mười lăm.
Khi được các thầy cô ở trường chọn cho đóng vai Hai bà Trưng lần đầu tiên, tôi vô cùng lo lắng, không biết mình phải làm sao cho đúng vai đại diện một trong hai vị nữ anh hùng dân tộc.
Cô giáo dạy nữ công năm lớp Đệ Ngũ của tôi, thì thầm vào tai "Em nhỏ bé, ngày hôm ấy nhớ độn ngực lên, trông cho nó oai". Ở tuổi đó, tôi nhìn các thầy cô, dù là họ cũng không cách xa bao nhiêu tuổi, nhưng dường như họ vẫn thuộc vào một cái khuôn khổ cách biệt, như thể là họ ở vào thế giới nào khác, không thuộc về thế giới của tôi. Lời dặn dò thân mật như một người chị của Cô, tôi hơi thẹn, nhưng lại làm tôi cảm kích cho đến bây giờ. Bà chị lớn của tôi, chị Giáo, cũng đã từng làm Hai Bà Trưng mấy năm trước đó, thế nên chị hiểu ngay và giúp tôi hoàn tất chuyện ấy không trở ngại gì. Chỉ có một điều khổ cho tôi là vì tôi không quen mũ áo đóng tuồng cho nên, suốt cả ngày hôm ấy tôi cứ lom khom như một bà còng.
Rồi làm sao tôi quên được ngày hôm làm lễ tưởng niệm Hai Bà long trọng ấy.
Ở sân trường đông nghẹt những học sinh háo hức vây quanh, thích thú ngắm xem. Còn các thầy cô thì nhìn chúng tôi đầy lo lắng, băn khoăn, vì con voi thì to lớn nặng nề, phục phịch khổng lồ, mà cái ghế ngồi cho Bà Trưng thì eo ơi, sao mà nó ở mãi tuốt tận trên cái lưng kia, thấy sao mà nó cao vời vợi, nghễu nghện đến thật hãi hùng. Cứ mỗi lần nó di chuyển thì cái ghế cũng lắc lư, chòng chành, ngả nghiêng, lung lay theo nó. Y như thể là cái ghế ấy, nó cũng sẵn sàng, sắp sửa "bay theo chiều gió" trong bất cứ lúc nào.
Điều khiển con voi là một anh người Thượng, cũng mũ áo không khác gì đóng vai tuồng thứ thiệt, anh nhìn tôi với đôi mắt đầy thiện cảm. Miệng anh hí họ, tay giựt cái liềm mũi nhọn vào một bên đầu con voi, khi nó vừa quỳ hai chân trước xuống, là vừa kịp cho cô Nữ-Hầu xinh rất xinh đẹp của Bà Trưng, có tên rất dễ thương Thanh Xuân hiện nay ở Texas, phóng lên ngồi ở cái ghế phía sau, tay nắm chặt vào cái lọng che đầu để giữ thăng bằng.
Còn phần tôi thì cũng mũ mão, áo bào xúng xính, đu bay theo cô bé ấy, ngồi chót lọt, gọn ghẽ vào trong cái ghế bành to tướng, trước khi mà chú voi kia phì phò, phục phịch, thủng thỉnh đứng lên. Để rồi, lại một lần nữa, cái ghế, cái lọng, cái ngã, cái nghiêng, và sợi dây thừng cột nó, cứ kêu lên kót két, kọt kẹt, nghe chừng như vất vả vô cùng.
Tôi không biết cô bé Nữ-Hầu Thanh Xuân ngồi ở đàng sau lưng tôi nghĩ gì, nhưng rõ ràng tôi nghe thấy những tiếng thở phào nhẹ nhõm của các thầy cô đứng quanh gần đó. Đám bạn trong trường la hét reo vui, y như là đang chứng kiến hai tay chạy đua vừa đặt chân tới đích, hay là một màn xiệc trình diễn đu bay, mà hai đứa tụi tôi vừa thoát thân một cách mầu nhiệm...
Tay tôi bám chặt cái thành ghế, đầu thì suy nghĩ miên man, chả biết làm sao mà bà chị lớn của tôi có thể đứng trên mình voi, tuốt kiếm ra được như mấy năm trước. Các chị ấy thật là can đảm. Phần chúng tôi năm nay, không thấy ai nhắc gì đến việc đó cả, tôi liền cứ lờ việc đó đi, đàn em thua đàn chị một tí chả có sao đâu.
Rồi tôi lại phân vân không rõ ngày xưa Hai bà đánh giặc thế nào để mình phải đóng vai này cho nó trọn vẹn, cho xứng danh là con là cháu. Một phần khác, còn để đáp lại sự ưu ái của các thầy cô đã tin tưởng mà giao cho tôi cái vinh dự lớn. Mà lại, còn có thể là một diễn viên thứ thiệt, tôi cũng muốn làm hài lòng sự ngưỡng mộ của đám đông kia.
...
Suốt con đường dài từ trường đến sân vận động, người ta mừng đón Hai Bà Trưng.
Trước những ánh mắt ái mộ, chiêm ngưỡng của họ, tôi không khỏi nhắc nhở mình, là mình chỉ đang khoác lên cái áo, đóng vai trò như ở trên sân khấu, chính cái anh linh sáng rạng của hai vị nữ anh hùng mới thực sự là điều dân chúng yêu quý, mến mộ đấy mà thôi.
...
Tôi cứ đăm chiêu như vậy, nên những tiếng chuông, tiếng trống, tiếng kèn, tiếng người, tiếng hí họ, và rồi cho cả đến suốt buổi lễ đã qua đi lúc nào, tôi chả hay chả biết.
...
Dzung Nguyễn Atkins
(Trích trong Đặc San 60 năm trường Trung Học BMT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét