Thương về xóm dưới chúng tôi ngày ấy...
CHIẾN TRANH
Ngày ấy, Phương và H.đang học trên Sàigòn, chỉ có thằng Bình con bác Toạ và thằng Chơi chứng kiến...
Đến tối ngày 9/3, khu gia binh vẫn yên bình như bao tối khác. Chỉ có thằng Chơi phát hiện điều hơi lạ ở nhà ông Võ Văn Anh kế bên, hai nhà chung vách, kiểu nhà gỗ thường thấy ở các trại lính. Bên ấy có ông Nghe anh của bà Quảng (vợ ông Anh) đến chơi, sau đó khi về chở lần lượt hết người nhà ông Anh đi mất bằng hai chiếc honda... Gần sáng ngày 10, tiếng súng to nhỏ nổ khắp nơi. Trong sở HCTC số 3 đã ban lệnh cắm trại, ai cũng nghĩ như Mậu Thân năm nào, rồi sẽ qua nhanh thôi. Các gia đình xóm trên, xóm dưới đợi trời sáng bắt đầu di tản, phần lớn băng ngang cổng Sư Đoàn 23 qua Dân Y Viện núp các dãy nhà phía cổng sau bệnh viện.
Quân Giải Phóng bắt đâu áp sát đánh chiếm Bộ Tư Lệnh SĐ 23, xe tăng T54 đã án ngữ con đường phía sau Dân Y Viện. Chiến tranh đưa bệnh viện vào giữa 2 làn đạn. Trên một hành lang bệnh viện, chỗ gia đình bác Ngô Lăng trú. Một quả đạn nổ ngay trên đầu làm hai người đối diện chết ngay tức thì, bác Lăng máu loang đầy mặt bất tỉnh. Thằng Chơi đang ngồi dưới bàn nhôm nghe tiếng mẹ nó la thất thanh kêu cứu hai em nó bị thương. Nó vùng dậy...nhìn thấy tất cả .Nó vận dụng kiến thức cứu thương học được ở trường LaSan, phải kiếm bông băng, nước rửa vết thương, thuốc kháng sinh....Nó đi tìm phòng chứa thuốc và tìm được nhưng bị khoá. Nó kéo một cái bàn vừa ngang ổ khoá, kiếm ghế bằng sắt để hai chân lên bàn, một chân kê lên ổ khoá. Nó trèo lên nhún đạp năm sáu nhún văng ổ khoá ra... Nó băng cho hai đứa em, chỉ bị phần mềm ở tay chân. Nó quay qua chỗ ba nó mà nó đinh ninh là chết rồi. Nó đổ nước oxy già rửa mặt đầy máu của cha cảm nhận mắt môi ông ấy run nhè nhẹ. Ba nó còn sống! Nó kéo ông vào một phòng trống, nhờ người đưa ông nằm lên chiếc băng ca. Nó đã tự truyền nước biển cho ông...
Ở một hành lang khác phía gần cổng sau Dân Y Viện, mấy gia đình xóm dưới trú đạn. Ông bà Toạ với thằng Bình. Gia đình bà Phùng với mấy đứa con, ông Phùng ở lại nhiệm sở. Gia đình ông bà Minh (mập) với con Thuỷ, con Trang, thằng Phong, thằng Vũ... Nhiều gia đình khác như bác Thoan, chú Ly... đã lẫn khuất đâu đó trong đám đông người dân di tản... Súng nổ liên hồi... đạn bay chíu chít...tiếng trực thăng gầm rít...tiếng xe tăng gào rú... một viên đạn lạc ghim vào tường văng miếng xi măng vào đầu thằng Tùng con bà Phùng, máu chảy đầm đìa... Một ông bác sĩ liều thân cầm cờ trắng dẫn dân chúng ra cổng sau...Chiến tranh không thể tin ai... Xe tăng T54 đang án ngữ trên đường lộ quay nòng ngần ngừ bắn ngay phía trước đoàn người... nhiều người ngã xuống... có người ôm bụng đầy máu chạy trở lại, thằng Bình thấy rõ những đoạn ruột phập phồng trắng ởn.
Quân Giải Phóng cho dân di tản khỏi vùng chiến sự. Có lẽ BTL Sư đoàn 23 đã hoàn toàn thất thủ. Dòng người đi xuống hướng Suối Đốc Học lên Chùa Khải Đoan. Một lần nữa chiến tranh thật nghiệt ngã... thằng Chơi và ba nó phải từ biệt nhau... Lúc này ông Lăng đã tỉnh dần, nghe được và một cánh tay đã cử động... Ông ra hiệu cho nó tháo đồng hồ đeo tay, lấy ví giấy tờ trong túi... Nó để lại chai nước khoáng uống được cho ông thuận tay với. Ba hãy nằm đây, con sẽ quay lại tìm, giờ con phải dẫn mẹ và các em đi đã...
Tối hôm đó, thằng Tùng con bà Phùng bị thương được thằng Bình cõng chạy, lên cơn sốt mê man. Ông Toạ dạt vào một nhà trên đường chạy, xin nước và nghỉ lại ngoài hiên... Ông đã có lời với chủ nhà xin một chỗ trống trong vườn để chôn thằng Tùng nếu tim nó ngừng đập...
Sáng ngày hôm sau, dòng người di tản được thanh lọc bởi các người đeo băng đỏ và súng AK, ngay tại khu vực chùa Khải Đoan. Lúc này thị xã Ban Mê Thuột hầu như nằm trong tầm kiểm soát của quân Giải Phóng. Ai nghi ngờ đi lính Quốc Gia sẽ bị giữ lại, còn lại đều cho di tản. Thằng Chơi thay băng mới cho đứa em, rồi quấn băng cũ dính máu đó quanh cổ... vượt qua sự kiểm soát. Thằng Bình cõng thằng Tùng với cái đầu băng bó đổ gục trên vai nó... cũng cho qua. Thật ra tụi nó quá sợ đâm lo chứ họ nhìn biết ngay là học sinh chưa đi lính. Mọi người đi về hướng chùa Thánh Thất Cao Đài, có nhiều gia đình trú lại... Rải rác khu vực Lam Sơn xuống Suối Bà Hoàng có trại Thương Phế Binh... dân chạy loạn la lết tá túc chờ đợi... Gia đình thằng Bình, gia đình bà Phùng ở nhà ông Ba xóm trên. Nhà thằng Chơi về nhà cậu của nó. Gia đình ông Minh (mập) trú gần thánh thất ... Thằng Chơi đi loanh quanh gặp gia đình bác Lộc, nó liền dẫn về nhà ông cậu của nó. Thấy quá chật ,nó lại dẫn xuống trại Thương Phế Binh tạm trú ...
Quân Đội Giải Phóng hoàn toàn chiếm đóng thị xã, chỉ còn giao tranh ở Hoà Bình phía sân bay. Thằng Chơi quay về nhà xóm trên, nó phát hiện hầm trú bom nhà nó chứa đầy hàng đồ khô của quán bác Lộc... qua bệnh viện tìm ba của nó. Bệnh viện đã cho thu dọn chiến trường... các y bác sĩ làm việc cứu chữa nhân đạo... ba nó được chữa và nhiều người khác. Trong đó, có cả em cô Thu dạy trường LaSan bị thương hai chân, mà trước khi rời bệnh viện nó kịp kéo cô vào phòng và tìm cho cô một chai nước khoáng uống được. Xóm đưới, tụi thằng Bình, thằng Thịnh cũng về nhặt nhạnh ít lương thực... Xóm dưới nằm trong khu vực giao tranh nên tan hoang cháy rụi... Tụi nó khi rời khỏi xóm cũng kịp lấp chôn chú Hán bị chết ở hầm cá nhân, để lên trên một tấm tôn cháy. Thằng Chơi quay trở lại nơi tản cư báo cho thím Lộc biết tình hình xóm trên và dẫn thím về lấy lương thực...
Chiến tranh lại lầm lẫn... Những trái bom từ những máy bay Quốc Gia thả vào những nơi dân tản cư... khu chợ lớn thị xã, Thánh Thất Cao Đài, rơi ngoài đường phố... Thằng Phong, thằng Vũ con ông Minh chết ngay tại chỗ, mấy đứa đang chơi nhà ông Ba bị sức ép của bom hất văng, thằng Công con bà Phùng bị một mảnh bom nhỏ xuyên qua mông đít, máu chảy đầm đìa không dứt...
Tin tức chiến tranh dự báo thị xã Ban Mê Thuột trở thành bình địa... làm người dân tản cư lại rục rịch tìm đường di tản ...
Chiến tranh để lại nhiều mất mát...
Nhưng chiến tranh cũng giúp mình biết là phải yêu thương nhau hơn...
Phạm Đình Đạt.