Hồi ức của một sinh viên trường Cao Đẳng Sư Phạm ĐăkLăk...
NHỚ THỜI TEM PHIẾU
Ban Mê, buổi sáng thường hơi lạnh, nhưng không khí thật dễ chịu, sương mù mỏng và nhẹ chứ không dầy đặc như Đà Lạt. Như cố thi sĩ xứ Quảng Vũ Hữu Định có viết:
“ Phố núi cao, phố núi đầy sương
Phố lá cây xanh trời thấp thật buồn
Anh khách lạ đi lên đi xuống
May mà có em đời còn dễ thương….”
Không hiểu sao mỗi lần đọc bài thơ này, tôi cứ nghĩ thi sĩ viết cho xứ Ban Mê, chứ không phải cho phố núi Pleiku. Khí hậu trong mát dường như cũng làm cho con người Ban Mê dễ gần và thân thiện hơn. Sống trong thời bao cấp, lũ học sinh chúng tôi được cấp phiếu mua mỗi năm 4 mét vải, tương đương với hai bộ quần áo cho người cỡ trung bình hoặc nhỏ, người to con một chút thì không đủ. Một lần tôi mua phải một miếng vải quần bị lỗi. Ông thợ may bảo:
– Cậu là học sinh đến nói khó với họ may ra họ đổi cho, chứ các bà cửa hàng thương nghiệp là cửa quyền lắm.
Ngại quá, nhưng nghe ông thợ may nói vậy, tôi lọ mọ quay trở lại cửa hàng, xếp vào hàng chờ đến lượt. Đến lượt, tôi đưa miếng vải cho một chị, có lẽ chị vừa ở bộ đội chuyển ngành sang. Tôi cũng đoán vậy vì nhìn cách ăn mặc của chị. Tôi nói chưa hết câu, chị đã xua tay như đuổi:
– Không đổi là không, sinh viên cũng vậy thôi. Cậu có tránh ra cho người khác vào mua hay không?
Nghe giọng miền trung nằng nặng, gắt gỏng của chị, chán quá, tôi tần ngần định quay đi. Một chị đứng phía trong, nhẹ nhàng nói:
– Miếng vải đó hỏng rồi, hôm trước em cắt ra cất đi, không biết ai đưa nhầm.
Không để cho chị miền trung kịp lên tiếng, chị quay sang tôi bảo:
– Em đưa cho chị, đổi cho em mảnh vải khác.
Rồi chị nói to lên như thể cho mọi người nghe thấy:
- Học sinh, sinh viên thì khổ rồi, không có quần áo thì làm sao mà đi học được.
Tôi cảm ơn chị. Tôi biết chị đã nói dối vì muốn giúp tôi. Thật tình, miếng vải hỏng tôi mua hôm qua, được cắt ra từ một cuộn vải mới, do chị khác bán cho tôi. Có lẽ tôi yêu Ban Mê hơn bởi vì ở đó có những con người như chị.
Trường sư phạm Ban Mê, thuộc Bộ Giáo dục, nơi đào tạo giáo viên cho các tỉnh cao nguyên. Trường nằm trên khu đồi cao, theo trục đường 14, trước năm 1975 là trường dòng. Xung quanh trường là dòng suối trong xanh, róc rách, róc rách chảy, cuối tuần chúng tôi thường rủ nhau xuống tắm giặt. Bên kia là những vườn cây ăn trái xum xuê, xanh ngút tầm mắt. Đằng sau trường là rừng cao su khẳng khưu, tôi không rõ khu rừng này do cơ quan nào quản lý, nhìn vào ta thấy ít có bàn tay săn sóc của con người. Sâu hơn một chút là khu nghĩa trang của họ đạo, hình như bỏ hoang bởi vì tôi thấy cây cỏ mọc tràn ra cả lối đi, không có ai trông coi. Dường như thời bao cấp, mọi người mải đi kiếm ăn, do vậy mồ mả gia tiên ít được chăm sóc chăng? Gần đó có một cái quán bán bánh bột lọc của một bà người Quảng. Đầu tháng có tiền học bổng tôi, Năng và Hưng thường rủ nhau xuống ăn. Chao ôi! Sao mà ngon đến như vậy, chiếc bánh trắng phau, chan thêmchút nước sốt, cho vào miệng chưa kịp nhai nó đã trôi tuột xuống bao tử. Có một điều kỳ lạ, sau này tôi đi khắp mọi nơi, tôi ăn bánh bột lọc ở Quảng Nam, ở Huế, tôi ăn bánh bột lọc ở Pháp, Đức, Mỹ, cũng do người Quảng làm nhưng không ở đâu ngon bằng bánh của bà. Giờ này có lẽ bà đã thành người thiên cổ, vì ngày đấy cách nay đã 30 năm, lúc đó bà đã già và yếu lắm rồi.
...
(Trích đoạn " Ban Mê và nỗi nhớ" của ĐỖ TRƯỜNG đăng trênhttp://nguyenduyxuan.net/)
* Đỗ Trường là cựu sinh viên khóa 4 (Văn 4B) của trường CĐSP ĐĂKLĂK, hiện viết văn, làm báo tại Cộng hòa Liên bang Đức. Truyện ngắn "Ban Mê và nỗi nhớ" là những hồi ức xúc động, đầy ắp kỉ niệm không thể nào quên một thời sinh viên của anh trên đất cao nguyên lộng gió đầy gian khổ, khó khăn hơn ba mươi năm về trước.

Một người bạn đang nhập bình luận...