Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 20 tháng 7, 2015

Nhớ Ban mê... ĐỒN ĐIỀN CADA

Nhớ Ban mê...
ĐỒN ĐIỀN CADA -Vùng đất của một thuở ấu thơ
Sáng nay, lên thăm vùng đất CADA, nơi tôi đã sống cách đây 65 năm. Theo sử sách ghi lại, đồn điền CADA trước kia nay là vùng đất thuộc địa bàn 2 xã Ea Kênh và Ea Yông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. CADA là tên viết tắt của cụm từ tiếng Pháp COMPAGNIE AGRICOLE D'ASIE tức là Công ty nông nghiệp Á châu.
Năm 1922 đồn điền CADA được thành lập, chiếm một diện tích khá rộng kéo dài gần 30km, từ km 18 đến km 47, dọc theo trục đường giao thông huyết mạch trọng yếu từ Buôn Ma Thuột đi Nha Trang.
Sau năm 1975, CADA được giao cho Ty nông nghiệp Đắk Lắk quản lý. Trên cơ sở đó, năm 1977, Nông trường cà phê Phước An được thành lập. Tiếp đó, tháng 5/1989, Nông trường cà phê Tháng 10 ra đời. Từ đó đến nay, hai nông trường trên đã có những đóng góp to lớn trong xây dựng và phát triển tại huyện Krông Pắk nói riêng và tỉnh Đăk Lăk nói chung. Ngày 26/01/1999, đồn điền CADA được Bộ Văn hóa Thông tin cấp bằng công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hiện nay, Công ty cà phê Phước An có thương hiệu cà phê "Cada Coffee" chính là lấy từ tên đồn điền Cada, nơi được người Pháp chọn để trồng cà phê sớm nhất tại Đắk Lắk.
Với vườn cà phê 2.000ha và dây chuyền sản xuất cà phê theo công nghệ chế biến ướt hiện đại, Phước An có nhiều lợi thế trong việc chủ động chọn lựa những hạt cà phê chất lượng tốt nhất cho việc chế biến cà phê tinh chế. Phước An còn có cà phê hòa tan với thương hiệu Netcafe Cada.
Sau 65 năm (1945-2010) tôi mới trở lại nơi này. Vẫn màu đất đỏ quen thuộc thuở xưa, vẫn màu xanh ngút ngàn của cây cà phê và nhiều loại cây khác trồng ven QL26..., nhưng con đường nhựa đã thay cho con đường đất, những ngôi nhà gạch, nhà bê tông đã thay thế cho những căn nhà gỗ, nhà tranh... Thị trấn Phước An không còn dấu vết gì của Cada ngày xưa. Đi dọc chiều dài thị trấn không nhìn thấy những người đàn ông, đàn bà Êđê với trang phục dân tộc. Hoạ hoằn mới bắt gặp chiếc gùi trên lưng.
Người bản địa đã hòa đồng cùng người Kinh lên đây làm ăn sinh sống. Chỉ còn nhận ra người Êđê qua câu chuyện giữa họ bằng tiếng dân tộc.
...
Cái địa danh Cađa có bị lãng quên?. Đi dọc con đường QL26 khách và lái xe đang để ý tìm chữ Cađa, nhưng chưa thấy. Bỗng cậu lái xe nói lớn: kia rồi bác ơi, có tấm panô quảng cáo lớn có chữ Cađa, xe ta vừa chạy qua. Tôi bảo đánh xe quay lại. Xuống xe, chụp hình và quay video cùng tấm panô quảng cáo của Công ty Cà phê Phước An có kèm theo sản phẩm Cada coffee. Có thế chứ! Cái địa danh này còn được nhắc đến, và nên nhớ đến để biết ơn những người đầu tiên đã đưa cây cà phê đến vùng đất đỏ này. Nhờ đó mà ngày nay cà phê vẫn còn là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của đất nước, tạo công ăn việc làm và nguồn thu nhập không những cho dân cư bản địa, mà còn cho bao nhiêu gia đình nông dân đi đến vùng kinh tế mới này từ những tỉnh đồng bằng đất chật người đông ở phía Bắc. Chỉ riêng cậu lái xe taxi đưa tôi đến Phước An hôm nay cũng đã có cả 5 anh chị em đưa cả gia đình từ tỉnh Thái Bình lên đây làm ăn sinh sống, lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, trong đó có nhiều thành viên theo cái nghiệp cà phê này.
Tôi nhờ cậu lái xe đánh xe đi sâu vào con đường đất giữa các nương cà phê.
So với những gì còn lưu lại trong bộ nhớ sau 65 năm, tôi có cảm giác những con đường đi giữa các vườn cà phê ngày nay không ngay hàng thẳng lối tăm tắp và phong quang sạch đẹp như trong cái đồn điền cà phê thưở nào. Cũng không còn nữa những con công sặc sỡ sắc màu xoè cánh múa dưới tán cà phê, không còn nữa vết chân hổ và các loài thú hoang dã in trên mặt đất đỏ mà ai cũng có thể bắt gặp mỗi buổi sớm mai..., không còn nữa tiếng hỗ gầm oai phong sau hè trong đêm tối.
...
(Trích đoạn bài viết của tác giả Phan Bạch Châu trênhttp://chauphanbach.vnweblogs.com/)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét