Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 22 tháng 1, 2015

Xuôi dòng Sê rê pôk...CẦU 14

Xuôi dòng Sêrêpôk...
Cầu 14
Qua cầu, nhớ lại kỷ niệm đẹp. Qua cầu nhớ về nỗi đau. Qua cầu, nhớ đến thời cuộc. Với một đất nước từng lạc hậu, nay sự thật vẫn đương là nghèo, tôi luôn nhớ tới cái sức nặng, sức nặng đè lên để có nó... Đời một cây cầu bất kỳ cũng đều tạc lên đó thời điểm xã hội, mô hình kinh tế, trình độ kỹ thuật, năng lực xây cất, cảm nhận thẩm mỹ, và cả thể chế Chính trị. Cầu mới thì nó phải "sống" đã, qua thời gian, chống chịu phong ba... mới có số phận, linh hồn, cuộc đời của nó...
...
Còn cầu cũ là dằng dặc nỗi niềm. Suốt các thập niên 10, 20, 30 của thế kỷ trước là năm tháng trầm luân biến cố, đặc quánh mùi "thuộc địa", nỗi niềm vong quốc, khó quên. Đó là lúc người Pháp tập trung mở đường, làm cầu lên Tây Nguyên...
...
Những cây cầu buổi đất nước loạn lạc, phân ly, nô dịch... Nơi đó, tôi thấy những dòng sông, con suối vẫn chảy, mặc cho con người đang quần thảo cuộc đời, làm cho nhau hạnh phúc hay khổ đau. Nhưng cho dù cầu buổi xa xưa, thì mỗi cây cầu bắt qua đều là đưa đến thay đổi đôi bờ, là đau khổ hoặc thêm đông, vui, rộn rã, sinh sôi...Những "con đường muối" bé bỏng đơn sơ bí ẩn ngun ngút dành cho đôi chân trần vạn dặm của người sơn nguyên Tây Nguyên hướng về duyên hải đã cáo chung, tự huỷ, nhường sự tồn tại không cưỡng lại được cho những con đường nhựa rộng thoáng hùng dũng và kiêu ngạo cùng những cây cầu tráng lệ nhưng tội lỗi của người Pháp.
...
Người Pháp bằng trí tuệ khoa học đi trước và tài hoa nghệ sĩ vượt thời đã thiết kế nên những cây cầu tuyệt đẹp ấy, nhưng chính bàn tay và mồ hôi của người Việt máu thịt, những lao công hèn mọn máu mủ, những phận người mất nước ấy của chúng ta mới là người trực tiếp xây cất, làm nên hình nên dáng, và gắn bó mãi mãi. Gắn bó, ôm nó vào lòng, là ôm lấy đớn đau, bi hận lẫn tự hào. Những làng ấp người Việt lưu lạc trôi theo phận đời culi mở đường, làm cầu buổi nào nay vẫn còn lưu dấu ở Sông Pha, Dran, Phát Chi, Trạm Hành trên quốc lộ 27, B'lao Seré, Đại Lào, Nam Nhi ở quốc lộ 20, cầu 14( dân gian gọi theo cự ly khi cây cầu bắt qua sông Serépôk này cách Tp.Buôn Ma Thuộc đúng 14km) trên quốc lộ 14 ngày nay...
...
Có cây cầu 14 phong sương uốn lượn như một tác phẩm kiến trúc chứ không phải công trình giao thông. Ở bao cây cầu khác, người ta cũng chăm chút, nắn nót thiết kế tỉ mẩn đến từng góc bẻ, vai, nhịp, lưng vách, mái... Xây vào buổi hiếm thép, ximăng không dồi dào, khoa học còn trong những giới hạn, điều kiện thi công khó khăn, nhưng vóc dáng cuối cùng hiện hữu cho đến ngày nay vẫn trong sự bền chắc, phong lưu, có "kiến trúc", có mỹ thuật, có giai điệu, có thi ca man mác...
...
Sự hoang phế đã làm những cây cầu ấy trầm tư, sắc son, gợi nhớ nhiều hơn. Và nó vẫn chưa chết, sống tiếp một đời sống khác: người dân tại chỗ, ở hai bên các cầu, đã lấy những cây cầu "thừa" đó làm nơi chạy lũ mùa mưa bão về, phơi nông sản, làm chỗ ngắm dòng suối sông bên dưới, nơi trẻ nhỏ tập xe, học bài, những đôi gái trai hẹn hò, những đôi tân hôn đến chụp hình cưới, và đặc biệt là những đoàn khách Pháp... tìm đến để ngơ ngác với những mảnh ký ức còn vương đọng trên đó. Không còn là công năng giao thông, nó hoá thành hiện vật của quá khứ, di sản của nỗi buồn, có hồn vía, ngôn ngữ của một công trình xây dựng não nùng vắt qua sông suối...
(Trích đoạn " Di Sản Nỗi Buồn ' của nhà báo Nguyễn Hàng Tình đăng trênvanchuongviet.org)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét