Hồn Bướm Mơ Tiên là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng viết năm 1933, và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn...
HỒN BƯỚM MƠ TIÊN
*Thời Chinh Chiến
Là tên tác phẩm tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng (1896 - 1947) trong Tự Lực Văn Đoàn. Khái Hưng là cây viết cột trụ cùng với Nhất Linh và Hoàng Đạo là những người sáng lập ra Tự Lực Văn Đoàn gồm các nhà văn chuyên sáng tác các tác phẩm văn học thuần tuý Việt Nam gọn gàng, dễ hiểu để phổ biến cho mọi người.
Hồn Bướm Mơ Tiên sáng tác năm 1933 và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Truyện thuộc loại ngắn vì chỉ có hơn một trăm trang nhưng vẫn được xem như tác phẩm thành công nhất của Khái Hưng và được nhiều người đánh giá là một trong những tác phẩm giá trị nhất của văn học Việt Nam cận đại.
Tuy là tác phẩm đầu tay nhưng bút pháp trong Hồn Bướm Mơ Tiên rất già dặn, tinh túy, văn phong lại rất chững chạc uyên thâm. Trong truyện Khái Hưng chấm phẩy hết các nét bi, hài, lãng mạn, buồn vui, khổ lụy một cách sâu sắc. Lại dùng bút pháp cổ điển phác hoạ lại danh lam thắng cảnh miền Bắc thật sống động, đẹp như một bức tranh.
Cốt truyện kể về chàng thanh niên theo Tây học tên Ngọc trong một lần về thăm ông bác là sư cụ trụ trì tại chùa Long Giáng đã làm quen và kết thân với một chú tiểu tên Lan. Tuy là chú tiểu nhưng Lan lại có da dẻ mịn màng, giọng nói nhỏ nhẹ, đi đứng dịu dàng uyển chuyển như con gái, khi ngủ thì lại đóng kín mít cửa khiến cho Ngọc sinh nghi Lan là gái giả trai.
Ngọc quyết tâm trong mười ngày lưu lại tại chùa phải theo dõi để tìm ra sự thật. Một tối nọ Ngọc lần mò tới nơi chú Lan đang kinh kệ và nghe được lời cầu của Lan với Đức Phật sao cho mình thoát khỏi cảnh trầm luân nhục dục. Ngọc biết Lan có mặc cảm tội lỗi vì đã có cảm tình với mình. Ngọc bịa chuyện với Lan rằng người yêu của chàng bỏ đi tu khiến Ngọc phải đến các chùa tìm kiếm. Lan thừa biết Ngọc bịa chuyện để dò xét mình nhưng dần dà cũng sinh tình cảm với Ngọc.
Ngọc bèn viết một lá thư thổ lộ tâm tình và hẹn sẽ trao cho Lan tại vườn sắn nhưng khi tới nơi thì Lan đã về lại chùa. Ngọc tức tối xé thư tình làm bốn rồi trở về chùa, trong lúc đó Lan đi tới vườn sắn vì để quên con dao cắt sắn ở đó. Lan phát hiện ra bốn mảnh thư xé nên ráp lại để đọc và hiểu, Ngọc thì không biết Lan đã đọc được bức thư.
Một tối nọ sư cụ sai chú tiểu Lan mang bánh sang tạ sư ông bên chùa Long Vân, Ngọc đòi đi theo. Tới chùa hai người sau khi cơm nước do sư ông đãi xong thì ra ngoài hiên ngồi ngắm trăng. Cảnh trí quá thơ mộng lãng mạn khiến Ngọc đâm ra hồ đồ nắm lấy tay chú tiểu. Lan giật mình rút tay lại, hai bên giằng co lôi kéo khiến cho vạt áo của Lan đứt cúc. Ngọc phát hiện nơi ngực Lan có quấn vải nâu. Lan giận và kinh hãi bỏ trốn khiến Ngọc phải đôn đáo nhọc công đi tìm. Ngọc hứa với Lan sẽ trở về Hà Nội ngay, đồng thời sẽ giữ bí mật Lan là gái giả trai. Ngọc cũng cho biết yêu Lan sâu đậm nhưng Lan bảo Ngọc hãy dừng ngay cái ý nghĩ đó.
Sáng hôm sau trở lại chùa Long Giáng thì Lan được tin Ngọc đã về Hà Nội và để lại thư từ biệt. Lan đọc thư bỗng oà lên khóc khi nhận ra mình cũng đã có cảm tình với Ngọc. Nhưng Lan đã trấn an và bình tĩnh khi xem những chuyện yêu đương đó chỉ là trần tục không nên vướng bận. Trong sáu tháng sau Lan sống tại chùa, bên ngoài nàng vẫn tụng kinh niệm Phật nhưng tâm trạng bên trong vẫn còn vương vấn với những buồn vui thấp thỏm chờ đợi. Một lần Ngọc đi xe đạp đến quán nước gần chùa nghỉ chân rồi lại đi. Lan trông thấy nhưng không dám chắc chắn. Lan cầu mong đó là Ngọc nhưng cũng mong rằng đó chỉ là ảo giác không phải là Ngọc.
Rồi có một ngày Ngọc trở lại chùa Long Giáng tìm Lan. Lan trách Ngọc đã quên lời hẹn thề mà không đến nữa. Ngọc cho biết chàng đến lần này là lần cuối để nói lời từ giã. Lan nghe thế thì oà lên khóc tiếp. Chép đến đây nếu không chú ý chắc có lẽ Đắc Xuyên Gia Khang sẽ chép lộn sang cốt truyện "Lan và Điệp", tức Tắt Lửa Lòng của Nguyễn Công Hoan quá
Thấy Lan nức nở đầm đìa nước mắt, Ngọc đòi tiến tới hôn nhân với Lan. Lan đẩy Ngọc ra và bảo nàng cần có một giới hạn (thật là khó hiểu), Ngọc hứa với Lan chàng sẽ yêu nàng trong tâm trí chứ không qua dục vọng xác thịt. Ngọc hứa khi vào dịp nghỉ hè chàng sẽ trở lại chùa thăm Lan. Hết truyện.
***************
Mời các bạn đọc đoạn kết của "Hồn Bướm Mơ Tiên" qua ngòi bút của Khái Hưng:
Lan đưa vạt áo lau nước mắt:
- Tôi hiểu ông lắm rồi. Tôi xin ông lại nhà kẻo giời sắp tối.
Ngọc vui vẻ:
- Vậy chào Lan ở lại nhé. Ngày khác sẽ gặp nhau.
Lan nghĩ ngợi nhìn Ngọc, khẽ gật đầu mỉm cười không nói.
Ngọc từ giã Lan, dắt xe đạp xuống đồi.
Bây giờ sắc trời dìu dịu, vạn vật như theo tiếng chuông chiều thong thả rơi vào quãng êm đềm, tịch mịch.
Lan đứng chắp tay tụng niệm, mắt lờ đờ nhìn xuống con đường đất quanh co, lượn khúc dưới chân đồi.
Gió chiều hiu hiu.
Lá rụng!
Thời Chinh Chiến
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét