Chị gùi tiếng gió... Chị gùi tiếng mưa...
Chị gùi bến nước ngày xưa...(Y Phôn K'sor)
GÙI TÂM HỒN
*Nguyễn Hàng Tình
...
Chiếc gùi mà tôi thấy là hình ảnh hàng ngày ở ngay trên đường phố Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Gia Nghĩa, Pleiku, An Khê, Buôn Hồ, Bảo Lộc. Va ngay giữa “Thiên đường du lịch” _Đà Lạt cũng vậy. Động cơ xe cộ xuôi ngược chảy theo dòng dưới lòng đường, thì họ xuôi ngược theo dòng của họ trên vỉa hè. Đến “đi chợ” mà vẫn không muốn rời khỏi chiếc gùi. Đi “phố” mà vẫn cứ an nhiên với chiếc gùi. Chẳng hiểu có sẵn một ý thức về Luật giao thông từ trong máu hay một khả năng nhận thức Trời cho về một trật tự đi đứng cho tử tế nhất mà bao giờ họ cũng đi thẳng hàng. Sẽ không bao giờ có thể thấy họ giăng hàng ngang, đi năm ba hàng, hay đổ xuống lòng đường. Trên chiếc gùi đó, chuyến ra là đầy cả một gùi ngo, bắp, phong lan, hay quả bí, nhánh chuối, mớ sắp ong, hay đôi trái bầu hồ lô... Chuyến về là một gùi quần áo, bột giặt, thực phẩm công nghiệp… Cũng không bao giờ thấy họ vừa đi vừa đùa giỡn. Họ không bao giờ vứt rác ra đường đi. Không bao giờ họ muốn gây chú ý. Cũng hiếm thấy nụ cười. Họ lặng linh mà đi, bước thật êm, khoảng cách thật đều. Họ đi theo dòng tự nhiên của sinh hoạt và sinh tồn, đời sống bình dị lặng trôi. Họ đàng hoàng và tử tế đến mức làm chúng ta hổ thẹn về sự ý thức ở nơi công cộng, văn hóa khi ở đô thị. Ăn mặc của họ không bóng láng, môi má họ không son phấn, nhưng sự nhỏ nhẹ của họ khi bán hàng và mua hàng thì muốn học theo cũng khó. Sự ngắn gọn và giản dị trong thông tin họ đưa ra cho phía tiếp nhận khá nhanh, nên thường không cần trao đi đổi lại nhiều, và cũng không phải đối phó trong chuyện bán mua.
Một khả năng đi bộ siêu phàm. Chỉ toàn là phụ nữ.
Nhưng hình ảnh họ bền bỉ hơn khi ngược xuôi trên những con đèo. Họ bước ra từ cửa rừng, bước lên từ mảnh ruộng. Bóng họ đổ xuống thảo mộc, còn chân thì giẫm nát cần lao. Những người đàn bà Mạ trên đèo Quảng Khê(Dak Nông), K’ho trên đèo Đinh Trang Thượng, Bảo Lộc, đèo Chuối, M’Nông trên đèo Nam Ka, Ê Đê trên đèo Ea H’leo, Chu ru trên đèo Dran… Những gùi bắp, gùi lá môn, gùi củ rừng, gùi trái cây, gùi con heo, gùi con gà, gùi củi, gùi măng lồ ô, gùi lá bép, gùi cây chổi đót, gùi những chai nước... cứ hiện lên theo tiết trời, hay từng mùa mưa nắng.
Chẳng riêng trên những con đèo kia đâu. Khắp nơi nơi, chỗ nào còn làng bon chỗ đó còn chiếc gùi. Chỗ nào có phụ nữ chỗ đó có chiếc gùi. Nó hiện ra mỗi ngày ở những rẻo cao nguyên M’nông, Di Linh, M’Drak, Ayun Ba, hay Nhơn Cơ, Tân Rai, Đạ Tẻh, Dak Rlap, Lak, Romen, Sa Thầy, Ngọc Hồi, vào tận xa tít Đinh Trang Thượng, Tu Tra, Pró, Lộc Lâm, Sơn Điền, Gia Bắc, Kon Rẫy, Kon Plong, Chưprong, Chư Pảh... Nhiều ngàn tấm ảnh tôi đã chụp về hình ảnh họ gùi cỏ cây, hoa trái đi về như thế nhưng không giải mã được sức bền màu nhiệm của họ. Tôi chỉ có thể nói là ở những lúc đó, nhìn sâu vào dáng vẻ con người cùng chiếc gùi trên vai họ, tôi có cảm giác sức nặng của vật chứa trong gùi cứ chực uốn cong cái lưng của người đàn bà sơn cước. Mà cớ sao lúc nào gùi cái gì trên lưng họ cũng lặng lẽ thế nhỉ. Đi lặng thinh, nhưng có khi trong đó là cả một gùi vui. Và làm sao không có lúc là cả một gùi buồn. Họ gùi cả nương đồi, núi cao, rừng thẫm, suối sông, thung sâu. Họ gùi mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây. Họ gùi phân bón đến con trùng. Khi đã gùi thì họ khổ thân thể họ và khỏe cho cơ thể họ. Họ mệt nhoài nhưng họ mãnh liệt. Họ gùi thì “vô tội” với việc đào bới, moi móc thiên nhiên, lùng sục nguyên liệu hóa thạch_việc làm của những người “Văn minh”. Không có xe máy, xe kéo đã đành, vậy mà nhiều nhà có, cô, chị, em, bà vẫn cứ gùi, thích gùi. Yêu lao động thì cần đến cái gùi. Gùi cái hữu hình cho đến cái vô hình. Họ gùi từ quá khứ cho đến hiện tại, tương lai. Nhìn đôi mắt mênh mang, vô cùng, trong vắt thiên nhiên của họ kìa. Ngắm đôi chân mòn chai vì lội bộ của họ đi.
Đời mỗi người phụ nữ không biết phải qua bao nhiêu cái gùi như vậy nhỉ. Bốn năm tuổi đã thấy chiếc gùi be bé trên lưng; đến 60,70,80 tuổi mà vẫn thấy gùi lang thang trên đường. Gùi cho đến khi nằm một chỗ trên giường thì mới tạm rời chiếc gùi. Và cho đến khi chết đi thì mới vĩnh biệt chiếc gùi. Họ gùi niềm kiêu hãnh của họ, sự vĩ đại của họ, và cả số phận của họ. Họ gùi từ xã hội công xã bộ lạc vào xã hội bán khai; từ bán khai vào xã hội Cộng hòa. Từ xã hội Cộng hòa hòa vào thời đại Toàn cầu hóa. Tôi phục sát đất trước sự tần tảo, sức bền, ý chí, trách nhiệm, và tình yêu lao động sâu xa của “Người Mẹ” trong họ, và nghiên mình trước vẻ trầm mặc đó. Có một sự cứng rắn huyền ảo trên đôi lưng kia. Ông cha họ “phát minh” ra chiếc gùi là để hữu dụng trong việc đựng, phục vụ hay tốt hơn khi lao động sản xuất, gọn nhẹ và cơ động tuyệt vời khi leo núi, lội đèo, lên rẫy, xuống ruộng…, ấy thế mà có khi tôi chủ quan trách móc cho rằng là để “ hành” xác người đàn bà. Đến độ, nhiều khi tôi cứ muốn “giải phóng” họ khỏi chiếc gùi, mà không tìm ra phương lối cũng như cách thức. Nhưng ý tưởng của tôi cũng có thể là sự “xúc phạm” đến họ, vì sự thương cảm là hành động nông nổi khi đứng trước điều thiêng liêng, và cái cao vời. Họ là những tượng đài di động. Chẳng có tượng đài nào hay ho nhất về Tây Nguyên bằng tượng người phụ nữ gùi cả. Phạm Văn Hạng, điêu khắc gia nổi tiếng, ông hãy tạm dừng việc tạc tượng anh hùng đi, đủ rồi đó, dành yêu thương cho biểu tượng sâu nhất của kiếp người. Hình ảnh họ hiện ra trên sườn núi, dưới thung sâu, ven sông, ven suối. Đường “Ra phố” như ra … Thế giới khác. Và đường về làng đẹp như một bản hoang ca. Chiếc gùi nó làm sống động đời sống người sơn cước, làm lung linh nền kinh tế rẫy nương, nó vận vào nhà sàn, nó vận hơi thở, tâm hồn của người làng, bon. Nên Chiếc gùi nó ảm ảnh hình ảnh xã hội và văn hóa người miền Thượng, đến độ các điểm du lịch ở Buôn Đôn (Dak Lak), ở Đồi Mộng Mơ, Thác Prenn (Đà Lạt) người ta dùng ngay nó để kiếm tiền: cho du khách mang vào để chụp ảnh, mười lăm ngàn VNĐ cho một lần chụp như thế. Nó có ý nghĩa và giá trị văn hóa đến độ giờ đây người ta lùng sục vào các làng buôn để sưu tập gùi. Những bảo tàng tư nhân do người đến từ đồng bằng lập ra về vật dụng người miền cao ngày càng nhiều, nhưng nó sẽ vô nghĩa nếu thiếu chiếc gùi. Người Kinh lên Tây Nguyên còn bị chiếc gùi hớp hồn, “đồng hóa” ở một số hoạt động sản xuất. Đố thu hoạch trà không dùng gùi thì lấy thứ gì tuyệt hơn. Hái đậu, hái điều, bẻ bắp… chiếc gùi cũng là cứu cánh phổ biến nhất.
Nhưng chiếc gùi trên vai người phụ nữ Tây Nguyên không chỉ đơn giản là “công cụ lao động”. Ngay khi “ Đi Phố”, chiếc gùi vẫn cứ lồng lộng, hiên ngang. Gùi đấy là gùi cái tâm hồn rồi. Cứ như ai giỏ xách da, gấm, nhung lụa của Ý, Hàn, Mỹ, Pháp… thì tùy. Nhiều khi cho họ các loại túi xách này để dùng đi phố, chưa chắc họ xài. Họ cứ… Chiếc gùi !
Mọi thứ đã quét qua qua đất nước Việt Nam, thì cũng quét qua Tây Nguyên này, từ công nghệ và cơ khí, khoa học và giáo dục, thay cây lúa rẫy bằng cây công nghiệp cà phê, cao su, tiêu, điều, hoa, rau…, nền nông nghiệp hàng hóa thế chỗ nền nông nghiệp tự cung tự cấp, trao đổi cũ xưa. Mà chiếc gùi vẫn “sừng sững” trên vai của người đàn bà miền Thượng. Sự hiện hữu của chiếc gùi kia cứ như thách thức kỹ thuât, văn hóa, và nhất là lịch sử. Mà như Y Phôn, bạn tôi, nhạc sĩ viết về Tây Nguyên được hết thảy công chúng thừa nhận đúng và sâu sắc nhất, rải ra từng nốt lời: “ Chị gùi tiếng gió. Chị gùi tiếng mưa. Chị gùi tiếng trống. Chị gùi tiếng Chiêng. Chị gùi nhà sàn đơn sơ…”. Chiếc gùi nó ám ảnh Tây Nguyên. Thế thì Y Phôn mới viết cả một bài hát về “Chiếc gùi” như vậy. Ở miền Thượng này, ai chẳng biết, chiếc gùi trên vai người Phụ nữ, là câu chuyện về vai tṛò người Mẹ, người phụ nữ trong cộng đồng, là nguyên một vấn đề lớn…
Nguyễn Hàng Tình
(Trích đoạn trong bài "Tôi Đâu Tháo Được Chiếc Gùi Trên Lưng Nàng" của Nguyễn Hàng Tình đăng trên https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham...)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét