Cho tôi lại nhà trường...Bao nhiêu là người thương...Không ai thù ai oán...Ai cũng bảo tôi ngoan...(Kỷ Niệm-Phạm Duy)
BAN MÊ THUỘT VÀ TUỔI THƠ CỦA TÔI
*Nguyễn Vũ Trâm Anh
Tôi còn nhớ mãi năm đầu tiên vào học lớp Năm A do cô Uyên làm chủ nhiệm tại trường Nguyễn Công Trứ. Cô có dáng người dong dỏng và hay bới tóc cao. Cô rất dữ đòn, học sinh nào nói chuyện nhiều trong lớp thường bị cô đánh đòn. Có lần một bạn nói chuyện trong lúc cô lên văn phòng uống nước, trở về lớp nhìn thấy, tiện tay cô cầm cái ly gõ lên đầu bạn đó, làm bạn chảy máu đầu. Ngày đầu tiên tan học về, ra cổng trường không thấy bóng mẹ, tôi vừa khóc vừa theo chân các bạn đi phía trước. Được nửa đoạn đường, nghe tiếng gọi, quay lại thấy mẹ ở sau, tôi mừng quá nín khóc liền. Mẹ dặn tôi lần sau nhớ đứng trước cổng trường đợi mẹ, không được tự ý đi về. Thật ra lúc đó tôi khóc vì không biết nhà mình ở đâu. Cạnh nhà tôi là nhà của bác Thiều (bác gái là cô giáo Tĩnh), chính là bố mẹ của Chu Tiến Cương (bạn học chung lớp Tám Một). Chị em tôi thường hay chơi với chị Định, chị Yến, chị Phượng (chị của Cương). Mỗi lần nấu món gì nhân ngày giỗ, mẹ lại sai chị em tôi mang qua biếu hai bác và ngược lại có quà gì từ Sài Gòn gửi lên, bác lại sai các chị mang qua nhà biếu bố mẹ tôi. Phải nói là hai gia đình rất thân nhau. Nhưng chẳng bao giờ tôi nói chuyện với Cương. Ngay cả sau này, khi Cương học cùng lớp Sáu, Bẩy và Tám. Cương rất hiền và học khá.
Tết Mậu Thân 1968, chiến tranh bùng nổ. Năm đó lần đầu tiên tôi nghe được tiếng súng đạn. Hầm chỉ là cái bàn ăn cơm trên chất vài cái gối. Nghe tiếng pháo kích, mẹ gọi chị em tôi chui xuống gầm bàn. Tôi quá sợ hãi. Bố tôi ở trong quân đội nên có lệnh cấm trại 100%. Ở nhà chỉ có mấy mẹ con với nhau. Sáng hôm sau nhìn ra cửa thấy mọi người bỏ chạy khỏi nhà để tránh bị pháo kích, mẹ dắt các chị em tôi chạy đi lánh nạn ở tại nhà bà cụ Thái làm giò chả ở đường Y Jut. Vài ngày sau, êm tiếng súng, bố cho xe đón mẹ và các chị em tôi vào Quân Y Viện ở tạm. Được hơn tuần, hai bên ngưng bắn, mẹ và chị em chúng tôi về nhà trước, còn bố tôi vẫn ở lại bệnh viện. Trên đường từ Quân Y viện về nhà đường Hàm Nghi, dọc hai bên đường người và súc vật chết la liệt. Những xác heo chết trương phềnh lên. Đường phố vắng lặng không một bóng người. Thỉnh thoảng mới có một vài chiếc xe Jeep chạy trên đường.
Vài tháng sau Tết, bố tôi lên nhận chức vụ Chỉ Huy Trưởng Quân Y Viện Ban Mê Thuột. Chia tay với căn nhà quen thuộc ở đường Hàm Nghi, bố mẹ tôi dọn về căn nhà ở Cư Xá Độc Lập, khu cư xá dành cho sĩ quan, ở gần cổng số Một. Tại đây, hàng xóm với bố mẹ tôi là Bác Sĩ Minh (là ba má của Phan Ngọc Quang). Cô Cúc (má Quang) là giáo viên trường Tiểu Học Nguyễn Công Trứ. Mẹ tôi chơi khá thân với má Quang. Nhưng một lần nữa chẳng bao giờ tôi nói chuyện với Quang, ngay cả sau này tôi học chung lớp với Quang trong ba năm ở cấp ba.
Khi nhận chức vụ mới với nhiều trách nhiệm nặng nề hơn, bố tôi vẫn dành thời gian dạy các chị em tôi học. Buổi tối sau khi cơm nước xong, mấy chị em tôi lại mang vở ra cho bố xem. Năm đó tôi học lớp Tư của cô Tâm. Đầu tiên là bố kiểm xem có đánh rơi mực làm lem vở không,vở có bị quăn góc không, bài làm có bị điểm kém không, tất cả những lỗi đó đều bị bố tôi khẻ tay. Sau đó là bố dạy các chị em tôi làm bài tập nhà. Suốt trong thời gian từ lúc nhỏ cho đến khi tôi học lớp mười, bố tôi vẫn dạy các chị em học (sau năm này thì bố tôi đi học tập). Những bài toán về Đại số, Hình học, Lượng Giác, Lý, Hóa khó không làm được, bố tôi đều giải một cách rõ ràng, dễ hiểu. Nhưng mà với điều kiện các chị em tôi phải thuộc công thức khi bố hỏi đến. Vì theo bố tôi, không thuộc bài, không thuộc công thức làm sao có thể giải được một bài toán. Mở đầu là học cửu chương. Cứ mỗi ngày tôi phải học thuộc một cửu chương và ngày kế tiếp học ngược lại cửu chương đó từ dưới lên. Buổi trưa khi bố đi làm về, tôi phải đọc cho bố nghe. Khi đã học thuộc hết chín cửu chương, thì bố tôi dò lại tất cả từ hai đến chín và sau đó lại đọc ngược từ dưới lên. Thuộc lòng cửu chương rồi nhưng hai chị em tôi phải thường xuyên ôn để nhớ, thỉnh thoảng bố tôi hỏi năm lần bảy là mấy mà trả lời ấp úng thế nào cũng bị phạt. Ở đây xin mở ngoặc là trong những năm đầu mới ra trường, bố tôi làm việc tại Quân Y Viện Đà Nẵng. Buổi tối bố tôi dạy kèm luyện thi Đại Học tại một nhà thờ gần đó do một Cha mời bố tôi dạy. Lớp luyện thi của bố tôi lúc nào cũng đông học sinh. Chính một bác Luật Sư, sau này kể lại cho chị em tôi nghe rằng, bác rất khâm phục bố tôi vì kiến thức không chỉ giới hạn trong ngành Y mà tầm hiểu biết rất rộng trong những lãnh vực khác.
Xin trở lại câu chuyện của những năm Tiểu Học. Năm lên lớp Ba tôi học lớp cô Minh tại trường Bà Triệu (lúc này trường Nữ đã tách riêng với trường Nam Tiểu Học Nguyễn Công Trứ). Bắt đầu học đến xem giờ,nên chiều nào mẹ tôi cũng lấy đồng hồ cũ ra vặn giờ và dạy cho tôi. Qua đến năm lớp Nhì, tôi học lớp cô Sĩ. Cũng trong năm này, bố mẹ tôi đón anh Tuấn, học lớp Tám (là con trai của bác tôi) lên để nuôi ăn học, vì anh mồ côi cha mấy năm nay. Anh Tuấn rất vui và cũng thích chơi với 5 chị em gái chúng tôi, ngay cả những trò chơi của con gái như lò cò, nhảy dây, đá cầu. Ngược lại chẳng ai chịu chơi bắn bi với anh ấy. Rồi anh chỉ cho mấy chị em tôi dùng miếng xốp (loại thùng cà rem) bỏ vào xăng máy bay thành một thứ keo láng, và quết lên những hòn đá đã rửa sạch để chơi ô quan. Anh còn chỉ cho dùng màu nước để làm những tấm thiệp Tết hay Noel. Thời gian này mẹ tôi đã sanh thêm em trai đầu tiên. Anh vẫn phụ với chị em tôi bế em khi cần. Bố mẹ tôi rất nghiêm khắc với con cái. Trước giờ đi làm, bố tôi luôn xuống phòng các chị em xem có ngủ trưa không, ngủ thật hay ngủ giả vờ. Anh Tuấn được miễn ngủ, vì đã lên Trung Học. Bởi vì bố tôi luôn nói rằng, giấc ngủ trưa rất quý, còn nhỏ không phải lo toan gì mà không ngủ, mai sau có muốn ngủ cũng không được. Có những công việc phải bỏ ngủ trưa để làm kiếm sống. Vậy mà cũng có lần chị em tôi trốn ngủ trưa, rón rén ra sau vườn chơi xây nhà trên cát cùng với anh Tuấn. Đống cát khá to. Mỗi chị em tôi chọn một chỗ để làm nhà. Chị tôi làm núi lửa, tôi làm nhà hai tầng, em tôi đào ao, làm mương..., anh Tuấn xây bệ gắn chong chóng quay. Chơi mãi mà không biết chán. Thời gian này có hai chú lính đến giúp việc cho bố mẹ tôi. Chú Năm thì giặt quần áo cho chị em tôi và lau chùi bàn ghế trong nhà. Chú Rạng thì đi chợ và chăm sóc vườn tược. Tiếng là giúp việc nhưng có hôm chẳng có việc gì mẹ tôi nói các chú nghỉ ở nhà hoặc là làm nửa buổi rồi về. Mẹ tôi vẫn lo cơm nước hàng ngày. Mẹ tôi nấu ăn rất ngon. Cuối tuần thì mẹ tôi bắt chị em tôi tự giặt quần áo và dạy chị em tôi nấu cơm, nhóm bếp. Bố mẹ tôi luôn muốn con gái phải biết qua công việc nội trợ chứ không ỷ vào người khác.
Qua năm lớp Nhất, tôi học lớp cô Ngoạn. Hè năm đó, tôi học luyện thi Đệ Thất tại nhà cô. Anh Tuấn chuẩn bị vào lớp Mười. Bỗng dưng một buổi sáng sớm, tôi giật mình thức dậy vì thấy cả nhà xôn xao. Trước đó cả hai tuần, anh Tuấn chẳng nói năng gì, ai sai bảo làm gì thì làm mà không nói. Đến giờ ăn thì vào ăn. Bố mẹ tôi có gạn hỏi anh cũng chẳng trả lời mà cứ ngồi buồn buồn. Một tuần sau anh lại bỏ ăn. Sợ anh mất sức lả đi, bố tôi cho anh vào bệnh viện để truyền nước biển. Trước khi đi, mẹ tôi sai tôi pha cho anh ly sữa nóng và ép anh uống. Đó cũng là lần cuối cùng chị em tôi nhìn thấy anh Tuấn. Bởi vì hai ngày sau, một buổi chiều chú lính đến đón tôi tại nhà cô Ngoạn và báo tin là anh Tuấn đã mất rồi. Quay xe về nhà chú chở hết tất cả chị em tôi lên bệnh viện để nhìn anh lần cuối trước khi liệm.
Bác gái tôi nhận điện tín từ Sài Gòn cấp tốc mua vé máy bay lên. Nhưng thật ngạc nhiên là khi bác vuốt mắt anh thì mắt lại không nhắm hết. Chú lính vội báo tin cho bố tôi biết. Bố tôi từ văn phòng xuống nhà xác, vừa khấn vừa vuốt mắt cho anh, thế là mắt anh Tuấn mới chịu khép chặt. Có thể anh muốn giành một phần tình cảm cho người chú đã nuôi dạy anh trong mấy năm trời chăng? Đám ma của anh khá lớn. Cho đến giờ này chẳng ai biết anh chết vì bệnh gì, nhưng anh rất linh thiêng. Lúc còn sống trong gia đình bố mẹ tôi, anh hay thích ăn bánh mì thịt. Mỗi năm đến ngày giỗ anh, nếu bận quá không làm gì được thì chị em tôi cũng nhớ mua ổ bánh mì thịt đặt lên bàn thờ của anh Tuấn. Sau ngày chôn anh Tuấn rồi, chị em tôi mới thấy buồn. Vừa buồn lại vừa sợ ma. Bất cứ lúc nào mẹ tôi sai xuống nhà sau lấy gì hoặc muốn uống nước, cả mấy chị em liền rủ nhau đi thành hàng dài, vừa đi vừa nói chuyện để ma có thấy thì không dám đến (đúng là con nít còn ngây thơ). Chẳng biết nếu có ma thật thì ma không dám đến hay là chị em chúng tôi bỏ chạy trước. Rằm tháng Bảy năm đó, không còn anh Tuấn để dành nhau bánh kẹo sau khi mẹ tôi cúng cô hồn, mà ngược lại chị em tôi còn phải chắp tay trước bàn thờ cúng anh Tuấn nữa.
Rồi mùa hè buồn cũng trôi qua, nhường chỗ cho năm học sắp đến. Năm học mới, ngôi trường mới: Trường Trung Học Tổng Hợp Ban Mê Thuột.
Hôm biết tin tôi đã thi đậu vào Đệ Thất do má của Quang đi xem kết quả về và báo tin, mẹ tôi gọi điện thoại cho bố tôi liền. Bố tôi lúc đó đang ở trong Quân Y Viện. Bác tôi từ Sài Gòn gửi lên thưởng cho tôi một cây bút máy Parker, năm ngoái khi chị tôi thi đậu Bác cũng thưởng như thế. Mẹ tôi cho 1 bộ quần áo bằng soie màu hồng cánh sen do chính tay mẹ cắt may. Mẹ tôi rất khéo trong việc nấu ăn, may vá, thêu thùa và đan. Quà của bố cho tôi là một đống truyện Tuổi Thơ. Những lần bố tôi về Sài Gòn họp, khi lên quà cho chị em tôi ngoài bánh kẹo, còn là cả một đống truyện Tuổi Thơ, Thiếu Nhi, Thằng Bờm mua từ nhà sách Khai Trí ở số 60-62 đường Lê Lợi (giờ đã đổi thành FAHASA).
Thỉnh thoảng vào cuối tuần bố tôi cũng thường dẫn chị em tôi ra nhà sách Văn Hoa đường Quang Trung để mua truyện. Hai chị em tôi thích đọc Thiếu Nhi và tủ sách loại Hoa Đỏ, Hoa Xanh. Em tôi thích đọc Thằng Bờm. Tôi vẫn thích nhất là loại Hoa Đỏ. Bố giao cho tôi trông coi tủ sách, vì tôi cẩn thận hơn chị tôi. Thiếu số thứ tự nào thì ghi ra giấy, lúc nào có dịp đi Sài Gòn, bố mua cho đầy đủ. Ngoài giờ học, chị em tôi có thể đọc truyện hay là rủ nhau chơi đồ hàng. Mẹ tôi mua cho rất nhiều đồ chơi mỗi lần bố mẹ về Sài Gòn. Nào là bộ nồi niêu soong chảo. Rồi bộ đĩa tách, hay là máy bào nước đá. Mỗi cái một màu, nhìn trông thích mắt. Chơi bán hàng cũng vui. Chị em tôi lấy bánh ngọt ra bỏ vào những cái nồi nhựa, hay đĩa nhựa rồi tự đặt tên thành món ăn. Tiền là tờ xổ số (đã dò và không trúng) xin từ các chú lính làm trong nhà. Nhiều khi mấy chú cũng đứng nhìn chị em tôi chơi nữa. Chị tôi thường nghĩ ra rất nhiều trò chơi và các em chỉ việc tham dự. Chẳng hạn như chị bỏ tất cả cục pin cũ (battery) lên giường trải chiếu cói, rồi lật ngửa cái bàn lên (bàn chỉ cao khoảng nửa mét, bề dài khoảng 8 tấc và bề rộng khoảng 5 tấc), chị bế em trai hai tuổi cho ngồi vào đó, và đẩy qua đẩy lại trên những cục pin. Em trai tôi thích quá vừa cười vừa vỗ tay. Thế là mấy chị em lại giành nhau, người nào cũng muốn ngồi vào đó để được đẩy đi. Trò chơi này được chị em tôi chơi khá lâu. Và những lần em khóc dỗ không nín, đặt em vào đó ngồi là xong. Tôi chẳng phải dỗ dành em nữa và em lại được chị ngồi chơi cùng với mình. Các em tôi cũng ngoan, luôn chơi theo các trò chơi của các chị.
Tôi bước vào lớp Sáu Một với bao điều ngỡ ngàng. Có thêm nhiều môn học mới mà mỗi môn học là một thầy hoặc cô dạy. Thang điểm cao nhất là hai mươi chứ không phải là mười điểm như ở bậc Tiểu Học. Có nam sinh học chung với nữ sinh, không còn là trường độc quyền chỉ dành cho nam hoặc nữ nữa. Có thêm nhiều bạn mới. Nhưng mà điều vui nhất vẫn là được mặc chiếc áo dài xanh. Chiếc áo dài mà mỗi lần mẹ tôi mặc đi phố tôi đều nhìn và thích thú. Mẹ dẫn tôi đến may áo dài tại nhà may Minh Tâm (mãi đến bây giờ tôi mới biết má của Trí Dũng là chủ tiệm may này). Thầy Tiến là giáo viên chủ nhiệm của lớp tôi năm lớp Sáu. Trước ngày khai giảng khoảng hai tuần, bố tôi bắt tôi tập viết. Chị tôi cũng đã qua giai đoạn này trước tôi một năm. Nghe có vẻ buồn cười, nhưng thật sự là vậy: tập viết bằng bút máy. Bố tôi phát cho một quyển vở năm mươi trang để viết và chỉ có một dòng chữ: tôi tập viết. Bố dạy cách cầm bút ngòi bút phải thẳng với trang vở vì nếu cầm nghiêng, hòn bi trên đầu bút sẽ bị mòn lệch. Cầm bút phải nhẹ không ấn mạnh quá khi viết. Và đặc biệt là nắp bút khi mở ra phải gắn ngược lên phía trên bút. Bố tôi giải thích là bất chợt đang viết bài mà cô giáo gọi, quên chưa kịp đóng nắp bút lại thì bút cũng không bị rớt xuống đất và đó cũng là cách mà nắp bút không bị mất được. Mặt bàn học ngày xưa thường hay nghiêng xuống một tí cho dễ viết nhưng đúng là học trò hay làm rớt bút nếu không để lên phía mặt ngang ở trên. Khi đã tập viết xong quyển vở năm mươi trang thì tôi cũng đã biết cách cầm bút máy một cách nhuần nhuyễn rồi.
Bố tôi không biết hút thuốc, uống rượu hay nhảy đầm nên tất cả thời gian bố đều dành cho gia đình. Bố tôi thường nghe nhạc cổ điển vào mỗi buổi tối và những buổi sáng chủ nhật. Có một lần bố cho chị em tôi chơi cắm trại ngay tại sân trước nhà. Mỗi đội tự nấu cơm và một món ăn rồi bố đi chấm điểm. Đội nào nấu ngon sẽ được thưởng. Bố tôi chia thành hai đội. Đội Một là chị tôi và em gái thứ ba. Đội Hai là tôi và em gái thứ tư. Lều là tấm nylon che lên ngay bên hông nhà. Bố chỉ cho hai chị em tôi cách nhóm bếp củi, phải xếp củi so le để dễ cháy và không bị khói. Lúc này đã có tám chị em đầy đủ nên mẹ tôi cho các em nhỏ ngồi ở cửa sổ nhìn các chị chơi. Hai chị em tôi thay phiên nhau chạy vào bếp mượn mẹ đủ thứ nào nồi, chảo, hành, mỡ, gạo, mắm, muối. Chị tôi nấu cơm, canh cà chua trứng và trứng chiên. Tôi nấu cơm, xào bạc hà với cà chua và trứng chiên. Sau đó cả hai đội dọn ra và hồi hộp chờ bố đến ăn thử để chấm điểm. Đã có những lần bố cho các chị em tôi vào Quân Y Viện chơi ngay tại văn phòng của bố làm việc. Nhìn thấy chú Loan đưa cho bố một xấp công văn để ký tên, tôi thích quá. Về nhà tôi cũng bắt chước lấy ra một xấp giấy và ngồi tập ký tên. Không ít lần tôi theo mẹ đi phố những dịp gần tết. Mẹ dẫn tôi đến tiệm bánh An Phát để mua vài ký bánh ngọt. Rồi ghé qua tiệm BomBay của ông Chà Và Ấn Độ để mua vải may quần áo. Thường thì mẹ tự cắt may quần áo cho năm chị em. Mỗi buổi chiều tắm rửa xong, thì các chị em tôi ngồi ghế đằng trước hiên nhà để đón bố tôi đi làm về. Thấy xe Jeep chở bố về, tám chị em vỗ tay reo lên. Mọi nỗi mệt nhọc của bố tôi đều tan biến đi và thay bằng nụ cười và vòng tay ôm choàng lấy các chị em tôi.
Năm 1972- Mùa Hè Đỏ Lửa. Chiến tranh khốc liệt. Tình hình chiến sự căng thẳng ở khắp mọi nơi. Bố tôi thường xuyên ở tại Quân Y Viện vì lệnh cấm trại đột xuất 100%.
Toàn bộ các nhà thuộc cư xá Độc Lập được lệnh đào hầm chìm. Trong lúc người lớn bấn lên với nhiều nỗi lo sợ thì chị em chúng tôi lại vui mừng vì căn hầm mới lạ đó. Thế là đồ chơi được đem xuống đó để chơi thỏa thích mà không sợ bị mẹ mắng vì ồn ào. Tuy vậy đêm đêm, nỗi ám ảnh về cuộc chiến Tết Mậu Thân lại ùa về trong trí nhớ tôi. Có hôm bố tôi trở về nhà vào sáng sớm, thay vội bộ quần áo khác, uống vội ly cà phê do mẹ tôi pha rồi quay trở lại Quân Y Viện. Nhìn qua cổng nhà Quang, bác Minh cũng vừa lái xe về tới. Gương mặt bác bơ phờ, mệt mỏi. Có thể bác đã thức trắng đêm sau những ca mổ liên tục vì số thương binh tải về quá nhiều. Bận rộn với công việc nên bố ít có thì giờ rảnh để dạy các chị em tôi học. Lúc này có bài gì khó tôi lại hỏi chị tôi. Chị học trên tôi một lớp, hiền, thông minh, thẳng tính và học rất giỏi. Chị tôi rất xứng đáng trong vai trò của người chị cả đối với bẩy người em. Sau đó thì hai chị em lại quay ra dạy các em học. Cùng dò bài cho em, dạy em làm toán, tập viết. Đã được rèn sẵn từ nhỏ nên những gì bố mẹ chỉ dạy hai chị em tôi dạy lại cho các em.
Cũng trong năm này, lần đầu tiên một vụ rớt máy bay Hàng Không Dân sự xảy ra cách thị xã hơn mười lăm cây số về hướng cầu Mười Bốn. Cả thị xã xôn xao, bàng hoàng. Những thi thể cháy đen không còn nguyên vẹn lần lượt được đưa về nhà xác của bệnh viện Dân Y. Bác sĩ Sơn là Giám đốc bệnh viện này vội gọi cho bố tôi để mượn tạm nhà xác bên Quân Y, vì nhà xác bên bác đã quá tải. Số thương gia tại Ban Mê Thuột chết trong chuyến máy bay này khá đông. Bác Văn (bạn của bố tôi) làm ở Cục Hàng Không Sài Gòn tức tốc bay lên để điều tra sự việc. Nghe bố tôi kể về xác người chỉ là nửa thân, hoặc chỉ có cánh tay hay cẳng chân rời rạc từng phần như thế, chẳng có người nào còn nguyên vẹn hình hài. Chưa hình dung như thế nào, hai chị em tôi liền xin bố cho đi xem. Bố gật đầu nhưng phải trốn sẵn trên xe Jeep. Bất ngờ mẹ tôi quay ra đóng cửa, không thấy bóng dáng hai chị em, sinh nghi mẹ bước tới xe Jeep. Thế là hai chị em tôi phải quay xuống, bỏ lỡ một cơ hội để được xem xác chết. Mẹ tôi sợ chị em tôi bị ám ảnh nên nhất quyết không cho đi. Đến trường, nghe các bạn kể chuyện về hai thầy chùa ở chùa Khải Đoan cũng bị chết trong chuyến bay này và đưa xác về chùa. Nhân có giờ nghỉ môn Công Dân Giáo Dục, tôi theo các bạn đi xuống chùa với hy vọng được nhìn thấy tận mắt xác người chết cháy. Nhưng rất tiếc là khi đến nơi thì chỉ nhìn thấy hai cái hòm, vì đã liệm xong rồi.
Chủ nhiệm lớp Bẩy Một của tôi là cô Chanh dạy môn Hóa. Dáng người cô cũng nhỏ nhắn với giọng Huế đặc. Năm đó, chẳng biết cô chịu tang ai mà chỉ mặc hai màu áo dài thay đổi là trắng và đen, áo màu gì thì cô đeo khăn tang dài màu đó. Bài vở của năm lớp Bẩy cũng nhiều. Nhưng lúc nào có bài khó quá tôi mới hỏi bố tôi khi chị tôi cũng đang bận làm bài. Có một lần bố gọi hai chị em tôi lên phòng khách và dặn dò rằng bố tôi sẽ rèn luyện cho hai chị em tôi là lớn trong nhà để mai sau hai chị em tôi thay bố mẹ dạy dỗ các em. Rằng đừng bao giờ dựa vào chức tước của bố tôi có trong tay mà hống hách hay kiêu ngạo với mọi người. Rằng chức tước chỉ là nhất thời, bằng cấp mới có giá trị lâu dài và bố tôi vẫn đặt vấn đề học hành của các chị em tôi lên hàng đầu. Bố tôi đã nhìn và nhìn rất xa.
Lại có một thay đổi thú vị với chị em tôi khi bố tôi nhận khám bệnh cho các nhân viên của đồn điền CHPI tại cây số Ba, thay thế bác sĩ Tôn Thất Niệm (sau này tôi mới biết là bác của Diệm). Chủ đồn điền là một ông người Pháp, lấy vợ Việt Nam. Mọi nhân viên làm ở đó quen gọi là ông chủ, bà chủ. Riêng bố tôi vẫn gọi ông ta bằng tên. Mỗi tuần bố tôi chỉ làm việc tại đây vài giờ. Ông ta dành cho bố tôi căn nhà đối diện với Bưu điện BMT nằm trên đường Độc Lập. Căn nhà gỗ khang trang với những ngọn đèn được thiết kế theo kiểu Tây rất đẹp. Tầng trên để ở và tầng dưới bố tôi làm phòng mạch khám bệnh. Mẹ tôi không thích dọn ra ở luôn đây nên xem như là chỗ nghỉ của gia đình vào cuối tuần. Phòng mạch của bố tối bệnh nhân đa số là người Thượng nghèo, nên bố tôi khám bệnh miễn phí là chính yếu. Những thuốc quảng cáo từ các dược phòng gửi đến, bố tôi cho lại các bệnh nhân nghèo. Thường thì chị em tôi đi học có xe đưa đón đến trường. Từ khi có phòng mạch của bố, thỉnh thoảng tôi xin bố đi bộ từ trường về và thích thú khi được nhìn cảnh vật trên đoạn đường về. Khu đất bao quanh phòng mạch quá rộng. Mẹ tôi cho trồng cây ăn trái và bắp. Phía trước là cả một vườn hoa rực rỡ, đặc biệt là những cây hoa vạn thọ, hoa to bằng cái bát ăn cơm. Nhiều hoa đến độ chị em tôi hái hoa đó chơi đá cầu, khi hoa bầm dập nát tươm thì lại hái hoa khác. Giờ ngồi nghĩ lại tôi cũng thấy phí phạm thật. Rồi gà chẳng biết từ đâu đến đẻ trứng trong vườn nhà này. Chị tôi liền lấy trứng trộn với đường và đánh lên rồi đặt nóng chảo với ít dầu ăn, chị tôi đổ trứng vào và tráng mỏng ra. Cho ra đĩa, chị gọi các em đến ăn và gọi là bánh crêpe (bắt chước mẹ tôi làm, nhưng không phải làm như vậy).
Lúc nào công việc trong tuần bận rộn, căng thẳng thì chủ nhật đó bố tôi thường cho các chị em tôi theo bố ra phi trường Phụng Dực chơi để hít thở không khí trong lành và khoảng không gian yên tĩnh. Theo lời mẹ tôi kể thì ông ngoại tôi đã đứng ra trông coi toán thợ xây cất phi trường này đầu tiên khi còn là bãi đất trống ... Có một lần, vừa ra đến phi trường tôi thấy máy bay cất cánh và đáp xuống liên tục. Xe cứu thương nhiều vô kể. Hóa ra là máy bay chở quan tài phủ quốc kỳ của những người lính đã chết trận. Có chiến tranh là có mất mát. Lúc đó gương mặt bố tôi buồn hẳn. Trên đường về nhà, bố tôi nhắc với các chị em tôi rằng đếm bao nhiêu quan tài thì có chừng ấy gia đình đau khổ. Bố tôi mồ côi mẹ từ năm lên mười nên cảm thông sâu sắc với những gia đình có người thân mất, cho dù không quen biết.
Lên lớp Tám, cô Bê cũng người Huế chủ nhiệm lớp tôi. Năm này có môn thuyết trình về đề tài văn học theo từng tổ, cũng khá thú vị. Giờ ra chơi tôi cùng bạn bè trong tổ chia phiên nhau mỗi người chọn một phần để lên nói. Tuần lễ đó tha hồ mà ngồi đọc quyển truyện để viết cho phần mở bài, thân bài và kết luận. Giờ nữ công do cô Đào Nguyên (là má của Phương Ngọc) dạy từ năm lớp Sáu, nhưng đến năm lớp Tám tôi mới thích vì cô bắt đầu dạy đan len, may quần áo, thêu khăn tay. Cô dạy tại lớp nhưng rồi về nhà tôi vẫn nhờ mẹ chỉ lại. Hai chị em tôi lúc này đã bắt đầu phụ giúp mẹ khi mẹ nấu cơm. Mẹ tôi dạy cho nấu những món thông thường và dễ làm.
Thế đấy, tuổi thơ của chị em tôi trôi qua thật êm đềm trong vòng tay yêu thương và những điều giáo huấn khá nghiêm khắc của bố mẹ tôi. Sau năm 1975, bố tôi còn làm việc tại bệnh viện Tỉnh (trước là Quân Y Viện)được hai năm nữa rồi đi học tập. Một mình mẹ tôi ở nhà tần tảo nuôi các chị em tôi. Mẹ tôi vừa làm cha, vừa làm mẹ, vừa là người bạn lớn của các con khi đã đến tuổi trưởng thành. Vượt qua biết bao nhiêu thử thách, cam go, mẹ tôi vẫn vững tay chèo, lèo lái đưa các chị em tôi đến bến bờ: Ăn học nên người. Suốt mười lăm năm vắng bố tôi, mẹ tôi đã gìn giữ một gia đình đầm ấm và đợi bố tôi học tập trở về. Giờ đây khi đã vào tuổi bẩy mươi, mẹ tôi hãy còn đẹp lắm. Nếu có ai đó bảo rằng những lo toan làm người ta chóng già thì điều đó không đúng với mẹ tôi đâu. Đặc biệt ở mẹ tôi là nụ cười thật tươi và một dáng dấp quý phái. Bố tôi hài lòng khi mẹ tôi đã thay bố nuôi dạy các chị em tôi dù trước đây mẹ chỉ là người nội trợ đơn thuần. Và nhất là có một gia đình hạnh phúc như ngày hôm nay. Cho đến bây giờ mẹ tôi vẫn thường cho tôi những lời khuyên hữu ích khi tôi kể về những vấn đề khó giải quyết. Và thường xuyên nhắc nhở chị em tôi hãy giữ gìn sức khỏe để lo cho con cái vì đoạn đường còn dài. Lúc này hai câu thơ của ai đó lại vang vọng trong đầu tôi:
"Con dù lớn vẫn là con của Mẹ
Đi suốt đời lòng Mẹ vẫn theo con. "
Xin cám ơn tất cả các bạn đã cùng tôi quay về tuổi thơ qua bài viết này. Mến chúc các bạn luôn được bình an và nhiều hạnh phúc.
NGUYỄN VŨ TRÂM ANH
( Trích đoạn "BAN MÊ THUỘT VÀ TUỔI THƠ CỦA TÔI" của NGUYỄN VŨ TRÂM ANH đăng trên http://www.ninh-hoa.com/TramAnh-BMTVaTuoiThoCuaToi-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét