Nhớ về Ban mê...
Xin giới thiệu cùng các bạn một bài viết về Ban mê của tác giả Sheila T* (Truong Minh-Trung). Từng là một thiên kim tiểu thư của xứ "Buồn Muôn Thuở", là cựu học sinh trường Trung học Tổng hợp BMT (67-74).
BAN MÊ THUỘT, BỤI MÙ TRỜI
*Sheila T*
Hiện tại là tương lai của quá khứ và là quá khứ của tương lai. Một khi con người chưa biết tương lai mình sẽ đi về đâu, hiện tại quá huyền ảo, thì họ chỉ biết hoài tưởng về quá khứ. Lúc đó, một hòn sỏi nằm lẻ loi bên dòng sông cạn cũng trở thành một kỉ niệm khó quên, huống chi là một thành phố với ngút ngàn nhớ thương. Mỗi một nơi chốn mà Mi có dịp đi qua đều để lại trong Mi không nhiều thì ít một số kỷ niệm buồn vuị Những Huế, Đà Lạt, Banmêthuột…rồi đến thành phố Oklahoma, Muskogee, Tulsa, Galveston, Montreal…tuy nhiên, mối tình Banmêthuột đối với Mi thì lúc nào cũng thiết tha và đậm đà hơn cả vì nơi đó đã nuôi dưỡng tâm hồn Mi từ thời thơ ấu cho đến lứa tuổi thanh xuân.
Banmêthuột là tên của một thị xã tỉnh Đắc Lắc, một thành phố thuộc miền cao nguyên Trung Phần. Ngoài số người Kinh (Việt), dân số sinh sống ở đây còn được tập hợp bởi nhiều bộ tộc thiểu số. Đa số người Kinh tụ tập tại trung tâm thành phố và những vùng lân cận. Các dân tộc thiểu số (Thượng) thì sống rải rác trong các buôn làng bên ngoài thành phố. Cái tên Banmêthuột hay Buônmathuột được ghép bởi chữ “buôn” hay “ban” nghĩa là thôn, làng, và “thuột” được lấy từ tên của một ông người Thượng tên Y Thuột. Mi không biết người ấy có công lao gì mà tên được trở thành danh xưng cho thị xã (sẽ học hỏi sau). Phía Nam của Banmêthuột giáp Đà Lạt, phía Bắc giáp Pleiku, phía Đông giáp Nha Trang, Đại Lãnh và phía Tây giáp nước Cambodia (?). Đất đai ở Banmê thuộc loại đất đỏ thẫm, nếu Mi nhớ không lầm rằng Mi có nghe nói nó được trộn lẫn với các chất biến thể bởi các loại đá từ miệng núi lửa phun ra nên rất tốt cho việc trồng trọt nhất là trồng cà phê, cao su, tiêu, v.v…Thảo nào, khi nói đến Banmê không ai mà không nhắc đến cà phê Banmêthuột.
Phố chính Banmê không lớn lắm, chỉ quanh quẩn vài con đường bao quanh ngôi chợ lớn nhất ở ngay trung tâm thị xã. Nhà của Mi đối diện chợ, bên cạnh là Ty Thông Tin. Mỗi sáng, Mi vẫn hay bị giật mình và điếc con ráy” bởi cái loa của Ty chiếu thẳng về hướng nhà Mi với vài ba tin tức sinh hoạt, thông báo, hoặc rang rảng những bài nhạc quê hương và nhạc dân tộc thiểu số. Quanh chợ là những hàng quán bán buôn của người Việt và người Tàu. Ở thành phố chỉ có quanh khu chợ là sầm uất hơn cả. Trời chưa tỏ sáng, ngoài đường Mi đã nghe vang vọng tiếng nói, cười của các bà, các cô gánh gồng hàng hóa ra chợ.
Banmêthuột còn nổi tiếng là xứ “Bụi Mù Trời” và “Buồn Muôn Thuở”. Thật đúng với cái tên riêng, cái xứ gì mà bụi mờ, bụi mịt, bụi vàng cả không gian. Vào những ngày trở gió, các “nàng bụi” và những “anh chàng gió” cứ quấn mãi vào nhau xoay tròn làm thiên hạ phải mờ cả mắt ù cả tai bởi những màn luân vũ. Ngoài ra, Banmê còn nổi tiếng với những khu rừng cây cao su được trồng thẳng tắp, và những đồn điền cà phê thơ mộng của những ông chủ Pháp.
Mi còn nhớ vào khoảng lớp 10, 11, cả lớp được nghỉ học giờ lí hóa vì thầy mang bệnh, Mi và đám bạn cùng đèo nhau trên những chiếc Honda chạy một lèo vào những đồn điền cà phê. Gặp mùa hoa nở, cả bọn dừng xe, leo rào lén vào đồn điền hái trộm những bông hoa cà phê trắng phau phau, hoặc lướt nhẹ mũi trên những chùm hoa cho hương thơm phảng phất mơn man lên mắt, lên môi , lên làn da mặt. Không biết rằng mình có khéo tưởng tượng hay không mà Mi thật sự cảm thấy ngất ngây say bởi mùi hương hoa cà phê ngào ngạt. Trong lúc cả bọn đang “phê” thì “đoành, đoành , đoành”, ba tiếng súng nổ vang động cả một góc trời... Hú hồn hú vía, Mi và đám bạn tung giày bay dép ù té chạy. Thì ra mấy ông Thượng cai đồn điền bắn chỉ thiên để dọa đuổi cái đám học trò ngỗ nghịch mà các ông tưởng là ăn trộm. Chạy một đỗi xa, cả bọn mới hoàn hồn phá lên cười nắc nẻ. Rồi cũng có những ngày người bạn thân tên “buồn” đến thăm Mi, cả “hai” cùng xách xe chạy dọc theo những khu rừng cao su, nhìn những hàng cây cao thẳng tắp, trong không gian tĩnh lặng, chỉ còn tiếng chim hót và tiếng lá reo xào xạc oằn mình hòa điệu dưới bước chân Mi, xa dần với sự ồn ào, náo nhiệt của thành phố. Thật thú vị làm sao! Mi tha hồ mà suy tưởng. Tiếc rằng Mi không phải là văn sĩ mà cũng chẳng là nhà thơ, và người bạn thân tên “buồn” không cho nguồn cảm hứng , để Mi có thể cùng tự tình với lá, với cây, với chim rừng và gió núi. Ngoài những kỉ niệm với rừng cao su, với đồn điền cà phê là những con đường dắt lên ngôi trường trung học của Mi. Con đường mang tên Hùng Vương nhưng Mi không bao giờ gọi nó bằng tên ấy mà tự mình đặt cho nó một cái tên nghe hơi “tiểu thuyết”, “con đường hoa chổi tím”. Vào mỗi đầu hè, khi tiếng ve sầu bắt đầu vang lên ong ỏng, những bông hoa màu tim tím, hình dáng như cái đầu chổi, rụng đầy phủ rợp cả mặt con đường đi học của Mi, Mi chẳng biết chúng tên gì nên gọi chúng là “hoa chổi tím”. Rồi đến “con đường phi trường L 19″ đi ngang qua phi trường quân sự, Mi cũng đều cho nó có một tên riêng. Trên con đường đó Mi đã “fell in love” với một ngôi nhà nho nhỏ có khu vườn xinh đẹp đầy lan. Kỷ niệm của những buổi nghỉ học thám du trong giờ địa chất đến Thác Nhà Đèn, dòng nước chảy xiết đổ xuống từ bờ thác, Mi đã say mê thưởng thức nên đã bất cẩn để đá cắt vào chân, kết quả là không đi được cho cả tháng. Những chuyến du chơi vào Cốc Lâm Tuyền, đến Hồ Trung Tâm với dòng nước đục ngầu, ở đây hầu như năm nào cũng có người bị chết đuối.
Trong thành phố có một trường tiểu học dành cho nữ sinh và một trường cho nam sinh. Trường trung học gồm có trường Tổng Hợp Banmêthuột, Bán Công, Bồ Đề, La San, Hưng Đức, Nông Lâm Súc và sau cùng là trường Sư Phạm Cao Nguyên.
Đi lần ra xa thành phố, đến những buôn làng bản thượng của dân tộc thiểu số như Sedang, Bahnar, Giarai, Ê Đê, Mnông, Mạ…họ sống quanh quẩn với nhau trong buôn trên những khu nhà sàn. Phía dưới nhà sàn thường là nơi được dùng để chăn nuôi gia súc. Người Việt gọi họ là đồng bào Thượng. Đàn ông, con trai có tên bắt đầu bằng “Y” như “Y Đơm”, và tên đàn bà, con gái được bắt đầu bằng “H'” . Đồng bào Thượng thường ra phố buôn bán dọc theo hai bên lề đường. Mỗi sáng, trước hiên nhà của Mi trở thành một trung tâm bán buôn đổi chác hàng hóa giữa người Kinh và Thượng. Những người Thượng này đeo sau lưng những cái gùi được đan bằng mây tre, mình gùi tròn và dài, có hai quai để có thể đeo lên hai vai, gùi có bốn chân bằng gỗ để có thể đứng được khi đặt dưới đất.
Trong gùi chứa đầy những dây mụt măng luộc vàng óng, những cây nhà lá vườn trồng trong rẫy, trong nương, được họ đem ra chợ bán hoặc đổi chác với người Việt thành phố; bù lại, họ mua về những sản phẩm, vật dụng cần thiết ở phố chợ mang trở lại trong buôn. Các cô gái Thượng với nước da mầu bánh mật, người vấn "sà rông". Mấy ông Thượng có ông chỉ vấn khố, lưng mang gùi, ra phố vẫn cứ đi hàng một; có lẽ họ đã quen đi như thế trên những con đường mòn nhỏ ở làng. Họ đi lặng lẽ và ít khi nào Mi thấy họ nói chuyện với nhau. Vào những năm lớp 8, 9, Mi đã có dịp học chung với một số học sinh nội trú người Thượng trong những giờ sinh ngữ Pháp. Với những gương mặt xinh xinh mang nét lai lai Ấn, nhất là những cặp mắt sâu màu nâu đậm cộng thêm tính tình hiền hòa, chân chất, họ thật dễ thương. Có lẽ quá thật thà nên đôi khi họ trở thành đối tượng để trêu chọc của những học sinh ngổ ngáo trong trường.
Vào những dịp lễ lớn, người Thượng có tục uống rượu “cần”. Họ không dùng ly hay cốc để uống mà uống bằng một cái cần thật dài được cắm trong bình rượu gọi là “ché”. Cần làm bằng một loại cây rừng đặc biệt phải vào sâu trong rừng mới kiếm được. Người uống rượu “cần” phải có đủ hơi mới mút nổi rượu ra khỏi ché. Rượu “cần” giống như rượu của Pháp được chôn lâu năm. Người uống thường không bị say liền sau đó. Đồng bào Thượng thích đánh “nhạc Đồng La” bằng những khí cụ như chiêng đồng, đàn đá, kèn bầu. Gần nhà Mi là tiệm chuyên bán chiêng đồng cho dân tộc thiểu số. Mỗi lần mấy ông người Thượng bán xong được hàng sớm, họ hay ghé đến gian hàng chiêng trống để cùng nhau thử chơi vài điệu nhạc mà âm thanh Mi nghe như tiếng gõ vung nồi, đạp nắp chảo, tiếng chiêng đồng rền rền như sấm hòa lẫn với tiếng đàn đá kèn bầu nghe như tiếng núi rừng sông suối.
Trở lại Đà Lạt để tiếp tục học, Mi rời xa “Bụi Mù Trời”. Rồi theo vận nước nổi trôi, Mi xa hẳn vùng cao nguyên yêu dấu với những rừng cây cao su um tùm che khuất cả ánh mặt trời, những đồn điền cà phê thơm nồng, trắng toát hương hoa; những cơn gió lốc tốc cả áo quần, cuốn theo bụi phấn, vàng cả không gian; những con đường dấu ái , những buôn làng bản Thượng có con gà trống băng ngang qua đường ; những ngôi nhà sàn với tình người thiểu số; những mái nhà tranh vách đất và… nhiều nhiều nữa. Bây giờ tất cả chỉ còn là những hình ảnh mờ nhạt trong trí tưởng của Mi. Vào những ngày gió nóng Santa Ana, thỉnh thoảng Mi chạnh lòng nhớ đến những cơn gió ương ngạnh mang theo bụi phấn của một góc trời xa xưa cũ. Đâu còn những giờ phút lang thang ngây ngất với mùi hương hoa cà phê thơm ngát, những xúc cảm đầu đời với rừng cây gió núi cao nguyên.
Người xưa, cảnh cũ không còn,
Tiếng sông, tiếng núi mộng người tình chung.
Sheila T* (Truong Minh-Trung)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét