Những ngôi trường thơ ấu ngày xưa ở Ban mê ...
TRƯỜNG TIỂU HỌC VINH SƠN
Ngôi trường thơ ấu
*Lê Thị Bạch Yến
Có những ngày tôi chạy xe ngang góc đường Phan Chu Trinh của Thành Phố Ban Mê , nhìn tòa nhà hai tầng màu xanh đứng sừng sửng bên đường , một cảm giác thật quen thuộc xâm chiếm tâm hồn tôi. Đó là tòa nhà của Ký Nhi Viện Vinh Sơn cũ, nó nằm bao quanh một góc đường, một mặt nhìn ra đường Phan Chu Trinh, một mặt giáp đường Phan Bội Châu.Tôi hay ngước nhìn lên ô cửa kính tầng hai, nhớ những ngày còn bé hay theo mấy chị con Soeur qua đây chơi. Ở cái cầu thang ngay góc trung tâm , tôi ngồi vắt vẻo ở đó nhìn mấy chị tập văn nghệ. Người ta hay dùng chữ "con bà Soeur " để chỉ những trẻ em mồ côi được các Soeur nuôi dưỡng. Với con bé chưa tròn 10 tuổi như tôi , con Soeur thật là đặt biệt, áo quần bao giờ cũng tươm tất, đẹp đẻ, đi đứng chỉnh tề, nói năng phép tắc chứ chẳng lôi thôi như mình. Rồi cũng có một ngày tôi chạy xe ngang thấy người ta đập bỏ tòa nhà để xây dựng mới. Lòng tôi vỡ vụn như những viên gạch bể nát nằm ngổn ngang trước sân. Cảm thấy tiếc vì bấy lâu nay sao mình không chụp một tấm hình. Vậy đó, giống như cái gì thân quen gần gũi quá, mình càm thấy thật bình thường, đến khi mất rồi mới tiếc nhớ.
Trường Vinh Sơn cũng nằm trên đường Phan Chu Trinh, đối diện với Ký Nhi Viện, đều do các nữ tu dòng Bác Ái Vinh Sơn phụ trách. Cổng sau của trường nhìn qua Ký Nhi Viện , cổng trước nhìn ra đường Độc Lập là đại Lộ Lê Duẫn bây giờ, một bên hông trường giáp với đường Phan Bôi Châu, một bên giáp với Tiểu Học của Nhà Thờ Thánh Tâm. Khuôn Viên rộng như vậy với một con bé như tôi, đó là một khung trời bao la đầy kỷ niệm, một thế giới đầy màu sắc có hoa lá cây xanh, những gian phòng học xinh xinh như những tấm giấy thủ công xanh đỏ tím vàng.
Ma Soeur bề trên là Hiệu Trưởng của trường, sau này cũng là Soeur dạy Giáo Lý hôn nhân cho tôi khi tôi đi lấy chồng, là Soeur Leonie. Bây giờ nhà Dòng vẫn được giữ một góc nhìn ra Phan Bội Châu, Soeur mở thành trường mẫu giáo Hoa Cúc. Phần còn lại của trường Vinh Sơn cũ được xây cất mới thành hai trường, cấp 2 Phan Chu Trinh và mầm non 10 tháng 3, một góc đường giáp Phan Bội Châu ngay đèn xanh đèn đỏ, lại là một khu kinh doanh tư nhân chừng sáu bảy căn, đó đúng ra là đất của trường mới tiếp quản, không hiểu sao không thu hồi được vẫn còn mãi đến bây giờ. Một thời gian sau 1975, Soeur Leonie vẫn là bề trên của dòng Vinh Sơn, có lẽ bây giờ đã trên 80, về hưu dưỡng, hay cũng đã không còn, lâu rồi tôi không đến. Người làm giáo dục thời nào cũng như người lái đò đưa khách qua sông, khách qua đò rồi có mấy ai quay lại dòng sông ngày xưa.
Cô giáo năm lớp Nhất của tôi tên là cô Tố Nga, người xứ Châu Sơn. Năm 1968 trường có hai lớp Nhất, lớp Nhất 1 lớp Cô Nghĩa quy tụ toàn mấy tay cự phách của trường, Thúy Liễu, Đặng Thuyết, Thu Liên, Như Ngọc, Đinh Hoa, Sóc Huông. Đây là nhóm đậu vào trường công Tổng Hợp BMT. Năm đó Vinh Sơn có 7 đứa nữ vào trường Tổng Hợp, chỉ có mình tôi ở lớp Nhất 2. Cô Tố Nga rất hiền, cô dạy tận tụy, nhất là khi có một học trò rắc rối như tôi. Tôi chuyển trường từ Pleiku về, hồ sơ không có đầy đủ, Ba tôi hẹn sẽ về lại trường Thánh Phao Lô Pleiku để rút hồ sơ cho tôi. Nhưng rồi chiến cuộc Mậu Thân nổ ra, ba tôi không về được. Ngày đi thi đã đến gần, cô Tố Nga và Soeur phải làm một hồ sơ mới cho tôi đi thi. Cô thuyết phục bà vì tin rằng tôi sẽ đậu, và tôi đã không phụ lòng cô. Vào trường mới tôi quên cô Nga luôn, mãi lâu sau tôi về trường hỏi thăm mới biết Cô đã vào Dòng Tu kín, học trò như khách đi đò qua sông, chưa bao giờ tôi được nói với cô một lời cám ơn.
Chỉ một năm học ở Trường Vinh Sơn, nhưng với tôi là quãng thời gian đẹp nhất trong thời ấu thơ của tôi. Tôi nhớ hàng phượng đỏ trong sân trường, mùa hè hoa nở đan thành một cụm đỏ rực, đứng ở góc đường nhìn lên giống như một bầu trời hoa. Tôi nhớ những ngày hội chợ mà học sinh được chơi bằng những phiếu đểm tốt khi được điểm cao, hay khi có một thành tích đặc biệt. Đó là những phiếu giấy vuông màu đỏ mà đứa nào được thì cất kỹ chắt chiu cả năm chờ đến ngày hội chợ, lấy ra chơi những trò chơi ném vòng, ném banh lấy quà... Lúc tôi học Vinh Sơn chỉ có cấp tiểu học cấp 1, sau này có trung học đệ nhất cấp là cấp 2, Nữ Trung Tiểu Học Vinh Sơn... Nơi có những cô nữ sinh váy xanh áo thắt cà vạt cùng màu, đồng phục đẹp mà cũng xinh đẹp nhất nhì thị xã. Nơi có những hàng cây ven trường là hàng cây si của những chàng trai trong phố nhỏ. Nơi có khuôn viên sân thật rộng mà mỗi sáng thứ hai, sau giờ chào cờ và nói chuyện của Soeur Hiệu trưởng là giờ Thể Dục. Bỏ chiếc váy ngoài ra mặc quần phồng đi ba ta trắng tập thể dục, nhìn đẹp và đều tăm tắp. Quần phồng là đồng phục thể dục của chúng tôi, giống như quần short bây giờ nhưng rộng hơn cho kín đáo. Nhỏ em đi học về kể một câu chuyện về giờ thể dục của lớp em. Lúc đó nó học lớp hai đến giờ có một bạn không chịu ra sân tập, cô phụ trách mới cầm cây roi vờ nhá nhá: con cởi váy ra đi tập thể dục không. Lúc con bé bỏ váy ra mới biết em quên không mặc quần phồng, đến bây giờ mỗi lần nhớ lại chi em tôi vẫn cười bò lăn.
Lên Tổng Hợp rồi , mỗi sáng tôi vẫn dẫn các em mình đến trường Vinh Sơn học, cảm giác của tôi như chưa bao giờ mình rời trường. Nó lại nằm ngay trên đường phố chính, mấy chục năm sau chiến tranh, ngày ngày chạy xe qua lại tôi vẫn nhìn mấy ô cửa kính của Ký Nhi Viện. Dù lúc đó nó đã thay đổi chức năng, là Sở Văn Hóa Thông Tin, nhưng họ vẫn giữ y như cũ, nên cảm giác của tôi quen thuộc lắm. Cho đến ngày nhìn nó bị phá bỏ tôi đã hụt hẫng biết bao nhiêu. Đã biết một đời người sống qua bao nhiêu triều đại, không vinh quang nào tồn tại mãi, không công trình nào còn mãi với thời gian giữa cuộc đời dâu bể, sông kia rày đã lên đồi, còn đồi cao rày thành sông nước. Nhưng lòng sao vẫn buồn khi nhắc chuyện ngày xưa. Đây là bài thơ của bạn Thúy Liễu, một lần trở về thăm trường.Vinh Sơn, lúc đó hai đứa đã vào Trường Tổng Hợp.
Về thôi lá đã ngủ say
Hùng Vương lồng lộng bay bay áo dài
Phan Chu Trinh luyến thương hoài
Qua Vinh Sơn lá đùa vai xanh rì
Phan Bội Châu ngẩn ngơ chi
Cho em gởi lại những gì buồn vui
Bỗng dưng lòng thấy ngậm ngùi
Lang thang qua phố bao người chẳng quen
Đường xưa lá đổ trăm miền
Về nghe tiếng hát từng phiên khúc buồn
Lại ngồi chốn cũ ban đầu
Áo thời gian đã bạc màu nhớ nhung
Tên em đây có phải không
Bao nhiêu tên khác đã chồng lên trên
Lối Cũ Trường Xưa, 1973. Thúy Liễu
Bây giờ Liễu đã ở rất xa, hắn cũng quên luôn bài thơ năm cũ, còn tôi ở lại Ban Mê, nhưng vô tình đến nỗi không có lấy một tấm hình Trường để làm kỷ niệm, tôi cũng chưa hề nói lời cám ơn Soeur và cô giáo Tố Nga. Như khách qua sông và không nhớ chi đến người đưa đò. Hôm nay viết những giòng này như đứa con trở lại trường xưa, xin cám ơn những vị chân tu, sống hết một đời cho tình yêu, yêu Chúa và yêu người. Lời cám ơn của con muộn màng đến nửa thế kỷ cuộc đời, khi cả hai người giờ chắc cũng không còn nữa. Nhưng có một nơi mà con luôn cất giữ, đó là trong trái tim, trong ký ức của con, ngôi trường, kỷ niệm cũ và các vị chân tu yêu kính. Nơi đó là của riêng con, nơi không ai có thể đập bỏ được, nơi mà dâu bể cuộc đời sẽ không bao giờ chạm đến được, mãi mãi....
LÊ THỊ BẠCH YẾN
*Trích nguồn http://bachyenbmt.blogspot.com/2021/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét