Anh em ta, cùng mẹ cha. Nhớ chuyện cũ, trong tích xưa, khi thế gian, còn mù mờ... Xưa khi xưa... (Một Mẹ Trăm Con- Phạm Duy)
MIỀN THƯỢNG MÙ SA
*Nguyễn Hàng Tình
Dưới chân đồi, những mạch đường đất của tha nhân hiền lương cần lao lẫn bao loại người bất hảo le lói trong muôn thảm xanh tự nhiên. Cỏ phủ ra hai bên, nên màu đỏ giữa lối đi cứ như khép lại, khép theo phương thẳng hình học. Nó cứ như muốn nuốt trọn những con đường. Một logic đã trỗi dậy trong đầu ta, là rằng khi thiên nhiên được tự do, và sự tự do đó được tiếp diễn, nghĩa là không có con người, thì hoang dã, thái hòa, đa dạng, nguồn nước, và tự nhiên sẽ trở về nơi mặt đất.
Đây không phải thảo nguyên phẳng tắp, mà là miền đất ký ức của những cánh rừng nhiệt đới nguyên sinh khi đã hết kiếp rừng, bị lột sạch bản nguyên. Hết nguyên sinh, đại thụ thì cỏ dại trở thành chúa tể. Những ngọn đồi rặt một loài cỏ xanh. Lại vô vàn những ngọn đồi khác thì nhì nhằng đủ thứ thảo mộc bé dại khác. Lô nhô xanh, lô nhô mênh mông. Kẻ nào khỏe thì chiếm ngự được mặt đất. Loài cỏ này sinh trưởng theo kiểu giẫm đạp lên loài cỏ kia để sống. Cỏ cũng đấu tranh sinh tồn, trên dương gian này.
Mưa núi là thứ mưa hoang vu, mang “gen” thâm u. Mưa chạm đến tầng cao trời, hoặc mặt đất và trời xanh không còn khoảng cách. Mưa dài đến đâu, nỗi nhớ nắng non dài đến đó, kéo rê cả sáu tháng. Hiếm hoi mới lòi ra được một ngày nắng ấm trong một đống ngày dằng dặc đó.
Chỉ có thể ở cao nguyên mới thấy trời mênh mông mưa. Mưa thu tôi nhỏ lại. Ta chỉ còn là cái chấm như đầu bút. Thấp thoáng những dáng ma bầy thú kéo nhau đi câm lặng trên sườn núi. Những đàn ma thú nổi trôi tìm về quê quán cũ. Nó phải đi trong rừng chứ sao đi trên đồi trọc vốn chỉ dành cho cỏ và lửa.
Ta nhìn mưa như nhìn vào quá vãng nào đó trong thiên nhiên. Là những lúc ta lạnh run vì nước đổ. Là những lúc ta thấy thân thể dịu mát vì nước từ trời cao. Là những khi ta đưa tay vuốt nước mưa trên mặt để bám sát cái nhìn vào những ngọn đồi và hy vọng những gì trên đó không biến mất trong khói nước. Lá cỏ va vào nhau tạo ra âm thanh rất nhỏ. Chắc bởi sức nặng của nước lặn trong thân. Chỉ có tiếng mưa trên lá là rộn vang. Khứu giác ta phúc đáp về mùi ngây ngây của đất và mùi thơm tho của lá thở. Mùi cỏ cây khác mùi loài người lắm. Nó dịu dịu, man mát, khuếch tán, phảng phất, nồng thơm dương khí thay vì rặt chua khét của mùi người, mùi làng, mùi phố, mùi đời. M’hual (*) đang là kẻ thống trị. Nhưng những ánh nắng hiếm hoi đâm thủng màn mây xám trắng vào những lúc ngưng mưa dọi qua làn cỏ lại óng ánh dã khúc hoan hỉ của diệp lục. Mùa mưa đồi núi cười, mùa khô đồi núi khóc.
* * *
Ta không thể ở lại một ngọn đồi nào cả, bởi cái bao la tuyệt cùng mới là quê hương của ta, và muôn ngọn đồi của cao nguyên đang phơi nhan ở đó. Những chỗ xa xôi, heo hút đã đầy ắp M’hual. Thì những ngã núi, cung đường dài ngắn cũng hun hút sa mù, từ cao nguyên M’Nông qua cao nguyên Đắk Lắk, vắt sang cao nguyên J’rai, chạm vào miền hạ Lào ở xứ Kon Tum. Ta như giọt mưa lăn. Phố thị nào cũng đã vô nghĩa. Núi đồi còn cô đơn trong mưa huống chi thị trấn, thành phố. Cả cao nguyên còn bé bỏng trước vần vũ, thì nói chi những đốm bê tông, hay những ý niệm hay ý chí tầm thường thế tục. Một cú sấm chớp là động vật thu mình, vào trong, không hang, hốc, nhà, thì cũng xó cây, chỏm lá, nhất là con người.
Trong mưa, ta luôn nhắc ta đây là thế giới mình đang sống.
Ta đang phù du từ bên trong lẫn bên ngoài thân thể. Cỏ không loay hoay như người, nó cũng không vô tình. Vũ trụ tàn nhẫn như một cỗ máy bao trùm. Còn ta loay hoay giữa vòng vô minh. Lòng tham vô độ và sự ảo tưởng về sức mạnh của con người làm ta vô minh. Chung sống với con người, loài nào cũng trở nên vô minh. Chung sống với con người, thực vật cũng không còn trong trẻo. Loài ta muốn thống soái. May ra chỉ khi mưa đổ như thế này, những lăn tăn đó mới tạm dừng dăm khắc, và sẽ khởi lại ngay khi mưa dứt. Chỗ nào còn cỏ hoang nguyên khởi, chỗ đó còn tín hiệu của an bình.
Thảo mộc là đứa con thừa tự của đất. Thảo mộc sinh ra trong nhân quả và chết đi cũng trong nhân quả. Hoa do nhân duyên mà thành trái, thành hạt; hạt do duyên mà thành cây; cây do duyên mà được sinh được tử, được trẻ được già, được ủ trong đất, được lăn lóc trên đồi, được trỗi lên khi có nước, được đau khổ và thăng hoa; được cao được thấp, được dày được mỏng, được biển chuyển, được quy hồi. Ý niệm nhân quả mà con người mượn từ thực vật để nói về những quy luật của tạo vật đã nói lên vai trò thâm sâu căn bản của cỏ cây. Ta cúi đầu ca tụng cho giống loài nào còn biết rưng rưng khi mưa gợi niềm chan chứa những giờ phút sống.
* * *
Có ngày mưa đủng đỉnh, có ngày mưa lê thê, có ngày mưa chơi vơi như nỗi buồn sơn nữ chửa hoang; có ngày mưa muốn sập núi, sập rừng, sập nương, sập rẫy, sập bon, sập plei, làng xưa, làng mới. Có những ngày mưa như thơ, có những giờ mưa như ma quỷ. Mưa thế mà thoáng chút ngưng mưa là nước biến đâu mất hút. Cao nguyên lại hiện ra bao la. M’hual trên trời lại muôn hình vạn dạng. Biến ảo như một cuộc chơi lớn có tổng bằng không. Là mưa núi chứ không phải mưa duyên hải, là mây núi chứ không phải mây đồng bằng. Cỏ à, mi có sức chịu đựng hơn con người. Mi không dễ gục ngã.
Những ngọn đồi tự do là những ngọn đồi bỏ hoang. Những ngọn đồi không còn tự do là những ngọn đồi của thế nhân. Màu xanh bắp, đậu, khoai lang... ở những ngọn đồi hữu chủ góp những gam sắc đời thực nhắc nhớ tôi rằng mình đang cõi người. Cũng như, rằng dù mưa có sa, sương có phủ, bảng lảng có dậy lên trên đồi rẫy đầy hoa lợi khắp nơi thì cao nguyên cũng không phải thiên đường. Cả những trang trại cây trái, đồn điền cao su, cà phê, chăn nuôi đại gia súc của bọn doanh nhân phá rừng buôn núi, rửa tiền, tham nhũng, tư bản hoang dã từ xa tới cũng thơ mộng khi có mưa sa. Cây gì trong sương cũng mong manh, phong rêu, cổ kính, gầy guộc, thành mỹ nữ.
Chỏm đất nào còn hoang, người bản địa còn tìm được miếng ăn trong sạch yêu thích trên đó, với nấm nơi đất, măng nơi bụi, lá trong rừng, cá dưới đầm, ốc bên khe. Cỏ cứ xanh giữa bầu trời trắng đục. Thế nên ta vẫn lơ ngơ. Ta vứt xa hoa ra khỏi thân xác mình nhưng không thể trục xuất giấc mơ, mỹ cảm. M’hual có khả năng làm mờ lý trí lẫn sự thật. Hay M’hual nó có chứa phúc âm lẫn vật liệu từ bi vậy. Hay M’hual nó đưa ta về với thuở cao nguyên buổi bán khai, sơn nguyên.
* * *
Có lúc ta đội mưa lên đồi. Có lúc ta trú trong một chòi canh trên núi sâu ngó mưa. Có lúc ta ngồi trong những quán cóc xa lạ bên đường dõi ra màn nước. Có lúc ta mắc mưa nơi xa lộ thảm nhựa. Nhưng không miền mưa nào lưu dấu chân ta. Ta chỉ muốn là sa môn, hòa thượng, hành giả không chùa, không sư phụ, đệ tử, kinh kệ, cúng dường, phước sương. Ta chỉ muốn là linh mục không thánh giá, không giáo đường, kinh thánh, giáo lý, tín hữu, nước thánh, rước lễ. Tâm linh ta thuộc về thực tiễn phù du từ đất đai, phong sương, như vũ trụ giản dị vốn là. Trạng thái mưa của trời đất là một trú xứ của ta lúc này. Dưới vòm trời này, muôn loài bình đẳng, mà đại diện là cỏ dại.
Giờ là lúc loài người chờ dứt mùa mưa trên xứ sở này, như phụ nữ chờ được ly thân tay chồng vũ phu. Không thể ly hôn, bởi sức mạnh, sức sống miền Thượng nhờ tính khí vũ phu, giang hồ, cao bồi đó. Còn ta, mải miết, nối mùa. Tội lỗi của ta là không ghì giữ được một mảnh M’hual nào.
Mùa này, da của trời bên trên rất vắng màu xanh dương.
Ta nhắc ta, đây là thế giới có con người.
NGUYỄN HÀNG TÌNH
(*) M’hual : Tiếng M’Nông, Mạ nghĩa là hơi nước, sa mù, sương khói
* Nguồn trích https://nguoidothi.net.vn/mien-thuong-mu-sa-15690.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét