Nhớ lại những năm đầu vào kinh tế mới Buôn Trắp... là nhớ đến một loại quả rừng cứu đói thời ấy!
TRÁI GẮM
Hồi ấy, bên ánh lửa trại sinh hoạt thanh niên, chủ yếu ca hát và gặp mặt nhau là chính. Thằng Tân mang đến cho cô bạn gái để lấy lòng, và chia mỗi người một hạt đã rang chín ăn thử. Không ai biết tên! Ăn được là mừng rồi... Thằng Tân bảo gọi theo người Mường đã chỉ chỗ hái và chế biến, là quả gắm.
Nghe mấy lão nông chi điền dọa nơi có nhiều dây gắm sẽ lắm cọp... Nhờ vậy, mà mình được rủ đi hái gắm... chứ thanh niên trên hai mươi là bắt đầu được coi như hăm rồi. Đem quả về luộc thật nhừ lớp vỏ, xát thật sạch, rồi... rang lên ăn cho đỡ đói! Không ngon lắm đâu, nhưng thương quả rừng này lắm. Thằng Tân lấy được bạn gái ấy. Mình cũng giúp cho gia đình qua những ngày đói kém.
Thời gian trôi đi, sự no đủ làm người ta không thèm để ý đến trái gắm này nữa. Trong lúc trà dư tửu hậu, tôi có hỏi thăm người Mường ở đây, làm sao họ biết là trái này ăn được hay vậy... Họ bảo họ biết từ thời ở ngoài Bắc lâu rồi.
Nên tôi có hướng tìm kiếm trên mạng, đúng không riêng ở rừng Buôn Trắp mới có... Ngoài Nghệ An, có tích về chùa Gám (chùa Chí Linh)...
"Theo truyền thuyết kể lại, đất Nghệ An xưa có hai làng nổi tiếng: Nho Lâm (Diễn Châu) hiếu học đỗ đạt cao, và Kẻ Gám (Đông Thành) dân đông xã rộng. Khi được thành lập huyện Yên Thành, có câu ca: điền Hộ Độ, hộ Xuân Nguyên - đất rộng có làng Hộ Độ (xã Đô Thành), người đông có làng Xuân Nguyên tức Kẻ Gám). Nhưng điều kiện canh tác lúc đó còn lạc hậu, chủ phụ thuộc vào thiên nhiên, nhiều năm hạn hán lớn, dân làng vào núi Phượng Sơn gần đó để đào củ hoài sơn, hái quả rừng mà ăn. Trong núi có cây thân leo gọi là cây gắm quả chùm, hình quả nhót chứa nhiều tinh bột ăn thay lương thực. Vào những năm mất mùa, dân làng và các nơi vào núi hái quả gắm đem về ninh nhừ ăn để qua lúc bần hàn. Những vụ sai quả, nhân dân lại hái về phơi khô dự trữ như: ngô, khoai, sắn.
Để nhớ ơn làng, ơn núi cho cây cho quả cứu người lúc đói kém, giáp hạt, người dân trong vùng đã đặt tên núi, tên làng là làng Gắm, núi Gắm. Nhưng trong quá trình Hán hoá và phiên âm lệch đi thành Gám. Cũng có ý kiến cho rằng: để tránh tên huý cây thiêng, nên từ Gắm đã đổi sang thành Gám, và chùa Gám cũng có tên từ đó. (http://phatgiaonghean.vn/chua-gam-chua-chi-linh-.html)
Mới đây, trên báo Gia Lai cũng có bài "Lên rừng hái gắm" của An Sinh, cũng nói về trái rừng này...
"Những quả gắm hái xuống được lặt rời khỏi cuống, dồn bao, ước chừng gần vài tạ. Bên đống lửa đã đốt sẵn, tôi bốc một chùm quả bỏ vào nướng. Khi quả chín, bóc hết lớp vỏ ngoài, ta sẽ thấy một lớp xơ mỏng bên trong như xơ cau già, tiếp đến là lõi hạt. Hạt gắm chín màu vàng sậm, cắn vào nghe giòn, nhai tiếp nghe dẻo, có vị đắng nhẹ, mùi thơm đặc trưng, nhai nhiều lần thấy vị ngọt tan nơi đầu lưỡi, rất dễ chịu. Anh Châu bảo, nên ăn khô sẽ bớt đắng hơn. Chiều xuống, chúng tôi trở về nhà. Hạt gắm đổ ra phơi chừng 6 nắng là khô, sau đó bảo quản cẩn thận để rang ăn dần hoặc giã, rây thành bột, trộn đường đóng thành bánh, trẻ em hay người lớn đều thích.
Cây gắm có tuổi thọ tự nhiên lên đến hàng trăm năm, thường ra hoa tháng 6-8, cho quả tháng 10-12. Hạt gắm khô có thể rang lên dùng ăn chơi hoặc ép lấy dầu ăn. Có nơi, hạt gắm được nghiền thành bột và rán kỹ thành một loại bánh giòn có hương thơm đặc trưng, vị hơi đắng. Ngoài ra, theo Đông y, rễ dây gắm có thể dùng sắc nước để uống, ngâm rượu hoặc nấu thành cao để trị các bệnh như gout, đau nhức xương khớp…
Ngày nay vào rừng, hiếm hoi lắm mới gặp được một dây gắm nhưng cũng đã bị chặt phá nham nhở, lượng quả rất ít. Khi rừng ngày càng cạn kiệt, những loại trái cây quen thuộc một thời như quả gắm nay đã trở thành xa lạ, chỉ còn lại trong nỗi nhớ một thời của lớp người lớn tuổi." (https://www.baogialai.com.vn/.../len-rung-hai-gam-5630624/)
Tổng Hợp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét