Buôn Trắp quê tôi... một thời là vùng đầm lầy lau lách, có rất nhiều cói để dệt chiếu...
TÌM CÓI CHO NGHỀ DỆT CHIẾU CỦA NGƯỜI ÊĐÊ
*TTXVN
Trong Trường ca Dam San có đoạn kể: H’Âng, chị của Dam San trải chiếu mời khách quý “một chiếu trắng trải dưới, một chiếu hoa trải trên làm chỗ ngồi cho khách tù trưởng, nhà giàu”…
Không ai biết chắc chắn nghề dệt chiếu cói cổ có từ khi nào, nhưng dệt chiếu là công việc quan trọng của người dân tộc thiểu số Tây Nguyên khi xưa. Ngày nay, nghề này không chỉ làm ra sản phẩm phục vụ đời sống mà còn là một di sản của ông bà. Theo thời gian, những sản phẩm ấy ít nhiều có sự biến đổi nên việc gìn giữ và phát huy giá trị di sản ấy thành một nghề gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình, đòi hỏi thế hệ con cháu không chỉ có sự hiểu biết mà cần cả sự trân trọng chúng bằng trái tim.
Tiến sỹ Buôn Krông Tuyết Nhung - Trưởng Bộ môn Ngữ văn Khoa Sư phạm, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Tây Nguyên - Trường Đại học Tây Nguyên cũng là một trong những người mà tuổi thơ từng được bà ngoại chỉ dạy cách dệt chiếu cói tại quê hương Buôn Trắp, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) của mình. Theo lời chị, ngày xưa bà con lấy cói lác, cỏ dại mọc bên sông ven các đầm sinh lầy để dệt nên những chiếc chiếu vừa dày vừa bền vừa đẹp mắt… Ngày nay để có được những sợi cỏ lác ấy, bà con phải vượt sang bên kia sông Krông Nô vào tận rừng sâu mới có được những sợi đay mọc dại. Tiếc thay, dẫu chiếu làm ra đến đâu tiêu thụ đến đó, thậm chí còn hiếm hàng, giá cả cũng đủ cho người dệt chiếu sống bằng nghề, thế nhưng nguyên liệu lại chẳng đủ để làm nên những lá chiếu cói ấm áp trên giường trong mùa đông, mát mẻ trong mùa hè, đủ đầy cho người khi về với cõi ông bà.
Trăn trở với nghề của cha ông, Tiến sỹ Buôn Krông Tuyết Nhung tìm đến các nơi có thể trồng chiếu cói, mong tạo ra vùng nguyên liệu ngay tại Đắk Lắk. Chủ nhân của ruộng cói rộng gần 1.000 m2 xanh mướt bốn mùa tại xã Ea Nuôl huyện Buôn Đôn là anh Nguyễn Duy kể chuyện với vị khách tham quan đặc biệt rằng, anh trồng cói để tạo ra phong cảnh đẹp cho nơi mình sinh sống. Bất ngờ là dù chẳng chăm sóc gì nhưng ruộng cói dày đặc lá, thân cao vút, xanh thẳm quanh năm lại là điểm thu hút những người quan tâm đến nghề dệt chiếu cói tìm đến. Và Tiến sỹ B’Krông Tuyết Nhung đã có câu trả lời cho câu hỏi: Ngoài cói mọc tự nhiên bên sông thì có thể trồng cói ở ruộng lúa nước trên Tây Nguyên hay không?
Ý tưởng xây dựng thương hiệu chiếu cói là một hướng đi đầy tiềm năng. Ruộng cói ở xã Ea Nuôl huyện Buôn Đôn là một bằng chứng sống động để nghề dệt chiếu cói của người Eđê Bih sẽ có chỗ đứng, bởi ngày nay người tiêu dùng đang có xu hướng thay thế vật dụng gia đình bằng các sản phẩm có chất liệu từ thiên nhiên.
Theo baodaklak.vn
* Ảnh của Huỳnh Thủy, Cói dệt chiếu lấy ở sông Krông Ana, Krông Knô.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét