Gái trai quê tôi da nâu mắt sáng vóc dáng hiền hoà...
(Ơi M'Drak-Nguyễn Cường)
SỐNG HỒN NHIÊN
* Nguyễn Hàng Tình
Ở Tây Nguyên, vào các bòn, buôn, plei (làng) của người bản địa Mạa, S’Tiêng, K’ho, M’Nông, Ê Đê, Jrai, Bahnar, Giẻ Triêng, Rơ Mâm, Raglai ở vùng huyện hay bên rìa các đô thị miền này “tự do” lắm, ít khi thấy nhà cửa người ta khóa. Làng người đang sống mà như “bỏ không” vậy. Có những nhà, hai cầu thang lên sàn, nhà dài ở hai đầu cứ thả lỏng. Ban đêm, nhà nào có cái cửa lùa bằng miếng vách lồ ô đan thì kéo qua giáp đầu bên kia, còn nhà nào có hai cánh cửa thì khép lại, là xong, chẳng khóa gì cả. Tivi, tủ lạnh, máy giặt, xe gắn máy… giờ họ cũng mua sắm như người ở phố đó thôi, và trộm cướp thì ở đâu có con người ở đó có trộm cướp thôi mà. Dường như cửa làm để che gió luồn vào hơn là để bảo vệ tài sản, an ninh. Ban ngày, nhiều nhà lên rẫy, lên rừng, mở toang cửa cả hai đầu thế, rồi đi. Không một bóng người nào bên trong. Lữ khách là tôi, bỗng dưng chơi vơi, lạc lõng giữa sự “thả không” đó. Yàng ơi, họ đánh đố lòng tham của thế nhân đó sao! Cứ mỗi lần bước lên nhà của họ là một lần ngỡ ngàng, và hoài hoài vậy. Thú vị quá, cái thú vị từ đâu đó trong căn cốt con người dội về. Rồi thán phục. Đã thế, đầu bòn, plei, buôn cũng chả bao giờ có cổng, và không luôn cả điếm canh, không chó dữ rượt đuổi nữa chứ. Khách lạ vào làng, vào nhà, mà cứ như “kệ” khách, không gì phải để mắt, đề phòng, cảnh giác. Thì cũng như có bòn, plei, nông phẩm thu hoạch được sau mỗi mùa họ cất cái nhà kho ngay đấy, mang bỏ vào, và để đấy, khi nào cần ăn, cần bán thì lên chở về.
Sao người ta có thể sống siêu đẳng như thế chứ. Nhà thì đi cùng với của cải, gia đình thì đi cùng với đồ đạc, và những điều riêng tư khác nữa kia mà. Họ có niềm tin rất tự nhiên vào đời sống và thế nhân. Mà với dân thị thành, buộc phải nghĩ rằng hẳn thứ niềm tin ấy mãnh liệt lắm. Thực ra, niềm tin của họ rất nhẹ nhàng, nó như hơi thở.
Tự dưng tôi thấy hổ thẹn. Vì nhà tôi ở một thành phố nhỏ, tôi mua ổ khóa xịn nhất để khóa khi rời đi giang hồ đâu đó, còn những lúc ở nhà đêm đến bao giờ cũng chốt kỹ càng.
Họ nghĩ về cuộc sống hay, đẹp quá. Cách cài đặt mình vào cuộc sống lạ quá, an nhiên, tha thiết, và lạc quan làm sao. Tinh thần sống đó, là tinh thần mà loài người dường như đã mất đi. Cách sống mà loài người đang khao khát. Là kiểu sống mà loài người ở dưới xuôi không còn thể quay đầu lại được. Tư duy hoài nghi, phòng thủ để “tồn tại” và khước từ tính tự nhiên của người đô thị và người ở đồng bằng bỗng trở thành một thứ “bản năng mới” rồi - bản năng của sinh vật ở phố. Lối sống nghiêng về lý tính và sự bất an của xã hội đô thị, lòng tham lan tràn, nhiễu nhương và sự bất an của trật tự phố phường buộc thứ bản năng mới ấy phải hình thành cũng phải thôi. Thị dân sẽ “chết” nếu sống hồn nhiên. Thị dân sẽ “ra đường” nếu căn nhà không cổng, cửa nhà không khóa. Thị dân sẽ thành động vật ngu dại nếu để người lạ thoải mái rong chơi trong không gian sống của mình.
Tự dưng thấy người sơn nguyên và xã hội sơn cước mới thực là con người, mới văn minh, mới đáng mặt loài thượng đẳng. Ai bảo sống thiếu cảnh giác, kệ. Cảnh giác chắc gì là chất lượng sống. Có khi “bản năng mới” đã thua xa “bản năng gốc” một bước lùi thăm thẳm. Về nhân tính, động vật trong thành phố sống tội nghiệp hơn sơn nhân bởi nỗi khổ sinh tồn ngập tràn sợ hãi, âu lo, và thất sủng niềm tin vào con người, vào nhau, vào không gian sống. Rằng bầy người sống ở đó phải đành “chơi” với nhau một luật chơi khác. Khắc nghiệt.
Khắc nghiệt như tường rào nhà mỗi ngày phải cao hơn, và mảnh chai, gai sắt phải nhọn hơn. Cổng, cửa nhà, cửa phòng phải nhiều lớp khóa, buộc phải “cát cứ” nhiều nơi ngay trong căn nhà mình. Đi qua những thành phố, đường phố, giờ đây thấy từng ngày con người phải “lồng” mình lại. Kiến trúc bị lồng lại, và những vật, cây cối, cuộc đời, câu chuyện, tâm hồn ở trong đó. Nhìn rộng ra, giữa vũ trụ, nghiêm túc và sòng phẳng trước muôn loài thì đặc tính “chuồng” là đó chứ nào đâu nữa. Ba mươi năm trước hình thái và chân dung phố xá Việt Nam không thê lương như thế. Nhìn các dãy phố cứ như những cái hang, dày đặc và chồng chất lên tính “cát cứ”. Phố không giao hòa, kiến trúc không giao hòa, lòng người không giao hòa. Người sơn nguyên không học điều đó, nên chắc nhờ thế họ được trong lành. Không cần quy hoạch gia, kiến trúc sư, bản vẽ ồn ào, người trong bòn chỉ nhìn nhau mà xây dựng cho tử tế, đồng lòng, chung một hình thái kiến trúc. Kiến trúc dân gian mà. Các bòn nó lớp lang, lề lối, nhà cửa đồng điệu, tăm tắp, không có thò ra thụt vào, căn này không “cố” cao, to hơn căn bên; chẳng cần phải oai, ngầu, đẳng cấp, rực rỡ hơn. Nó thách thức các con phố, khu đô thị ở những thị thành có bản vẽ, có cơ quan quản lý trật tự xây dựng nhưng lòng mỗi người, “tính” mỗi nhà, mỗi phách, về sự nền nã. Bòn người như những bản hòa ca với trời đất. Sống một cách huy hoàng, vững chắc thân tâm, trong tư cách một con người, một giống loài có trí tri và dồi dào tâm hồn.
Tinh thần sống nào thì nó biểu hiện ra kiến trúc, không gian, và thần thái sống đó.
Ai yêu thế gian, xin phản biện giùm cho sự “văn minh” giữa tinh thần sống đa nghi với tinh thần sống hồn nhiên với. Không gian xã hội khác nhau dĩ nhiên buộc phải sống khác nhau, nhưng về mặt nhân tính, và đặc biệt là cuộc đối diện với trời đất thì xã hội đô thị kiểu đó rõ là một bước lùi về phẩm chất của một giống loài được xem thượng đẳng, con người.
Nhiều của cải hơn, chưng diện đẹp hơn, vẫn chỉ là ngoại diên chứ không phải nội hàm nhân tính. Nghĩ xem đi, rốt cuộc của cuộc đời chớp nhoáng ở con người có phải là ai giàu an lạc hơn mới là giàu thật, hay là nhiều của cải và oách hơn mới là “giàu”. Sống hồn nhiên, đâu phải dễ. Phải chăng sống trong thảo mộc con người mới “trong” được, còn trong bêtông lý tính sẽ đè lên con người. Người bản địa Tây Nguyên đang cùng chung thế kỷ với người mọi nơi, nhưng họ không chọn “khóa” tính người và tâm hồn mình lại. Họ đang thách đố tôi về cách sống giữa trời đất. Còn với người trong thế gian thì tôi không hiểu, không biết.
NGUYỄN HÀNG TÌNH
*Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 164
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét