Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2021

HƯƠNG BAY KỶ NIỆM *Hùng Bi

 

Hung Kieu
 cùng với 
Trần Huy Sao
 và 7 người khác.

HƯƠNG BAY KỶ NIỆM
*Hùng Bi
Trong suốt cuộc đời, chúng ta có rất nhiều kỷ niệm vui buồn lẫn lộn. Riêng những kỷ niệm thuở ấu thời và tuổi mới lớn thường nhẹ nhàng, tươi đẹp vì lúc đó chưa bị những gian truân bầm dập của cuộc sống thực tế ảnh hưởng. Và tôi thường khoác lên chúng chiếc áo dậy hương để mỗi khi có dịp nhớ về sẽ được hít thở cái mùi hương thơm tho của chúng.
Thí dụ như bây giờ là tháng chạp âm lịch. Gần Tết Nguyên đán trời bỗng đổ lạnh và buổi sáng hay có sương mù.
Quê nội tôi ở miền đông nam bộ. Không biết do tại thời tiết hay do dân cư còn thưa thớt mà buổi sáng tháng chạp hay dậy sương mù khiến mờ cả đường đi.
Trường tiểu học Bến Cát của một huyện lỵ nghèo, dưới chân là lớp đất cát pha nên không được trù phú lắm. Huyện lỵ chỉ có điện vào ban đêm, còn nhà dân toàn đốt đèn dầu. Nhà nào khá giả thì đốt cây đèn măng-xông ở nhà trên cho sáng sủa thôi.
Tình hình là như vậy nên hầu như suốt mấy năm bậc tiểu học, những bài học thuộc lòng hay tập làm toán thầy cho đem về nhà đều được tôi “xử” ngay tại lớp.
Nhà tôi ở cặp con lộ 13, buổi sáng Nội kêu dậy sớm ăn cơm lót lòng ở nhà rồi túm theo phần cơm trưa, chân đất áo sơ mi quần xà-lỏn đi bộ 4 cây số tới trường. Đứa nào cũng vậy nên chẳng ai thấy mắc cỡ. Trưa ở lại để buổi chiều học tiếp. Tan trường lại lội bộ 4 cây số trở về nhà. Vừa kịp tắm rửa ăn cơm thì trời cũng chạng vạng.
Còn con nít mà đi học kiểu đó thật gian nan! Nhưng đố có dám trốn học bữa nào vì thầy nghiêm lắm! Hơn nữa, còn tuổi con nít nên sợ thầy một phép!
Ở nhà quê không có đồng hồ, buổi sáng Nội thức dậy theo tiếng gà gáy. Đốt cây đèn dầu trứng vịt leo lét lo nấu cơm buổi sáng, xong rồi kêu mấy đứa cháu dậy ăn cơm để đi học.
Trời tháng chạp mù sương, cách xa 3 thước nhìn không rõ. Thằng cháu còn nhỏ xíu mà lò dò đi trên bìa quốc lộ thiệt nguy hiểm.
Nội bèn đánh cho một con cúi bằng rơm bó chặt lại đốt lên để thằng cháu vừa thấy đường đi vừa để cho xe cộ không tông phải cái dáng bé tẹo đi bên lề đường.
Lần đầu tiên trên tay cầm con cúi rơm thiệt khoái hết biết! Ngọn lửa cháy chập chờn kèm theo mùi rơm cháy làm cho ngây ngất! Thỉnh thoảng ngọn lửa muốn lụn lại dụi tàn rơm xuống mặt đường rồi thổi phù phù cho lửa cháy trở lại.
Đúng là con nít, cái gì cũng thấy vui.
Hết bậc tiểu học, tôi lên Banmêthuột ở với Ba để đi học trung học, đột nhiên tôi trở thành dân chợ!
Đèn điện tối ngày sáng đêm với bao nhiêu điều mới lạ làm tôi thấy choáng ngợp. Có lẽ tâm trạng tôi lúc đó giống như một con cá lia thia. Đang vẫy vùng dưới mương nay bị bỏ vào trong một hủ thuỷ tinh nước trong vắt. Sự thay đổi môi trường sống sao không làm chao động suy nghĩ?
So ra tôi có may mắn hơn những bạn học ở rìa thị xã như Hoà Bình, Đạt Lý, Châu Sơn, Kim Châu Kim Phát...
Gọi là dân chợ cho oai vì khu cư xá công chức nằm trong phố chớ không phải con nhà buôn bán ở chợ. Vậy là tôi tha hồ khám phá môi trường lạ lẫm mới.
Đầu tiên phải kể đến những vỉa hè của những con phố ở cái thị trấn heo hút đó nhưng trong mắt tôi nó thật lớn lao!
Cũng có một chút thắc mắc sao thị xã Banmêthuột do người Pháp lập nên mà lại không có những cây xanh trồng dọc theo đường phố để lấy bóng mát như quan niệm của họ ở những thành phố khác. Nhưng thôi, đó là chuyện của người lớn.
Trong mắt tôi lúc đó, có lẽ dãy phố trên đường Y-Jut tính từ ngã tư Lý Thường Kiệt đến ngã tư Quang Trung là “sang trọng” nhất vì những cửa tiệm bán hàng cao cấp, tiệm bán radio An Thái, nhà thuốc tây, tiệm vàng Thái Long, tiệm bán đồ bazar Ngô Phúc Vinh, tiệm bánh Tân Tân v.v...không dọn ra ngoài để một vỉa hè rộng lớn thông thoáng cho người đi bộ, hơn nữa lại nằm cặp chợ thị xã nên buôn bán có vẻ phát đạt. Bên đường Quang Trung và Nguyễn Thái Học có khi sầm uất hơn, nhưng so cái vỉa hè thì không bằng.
Vỉa hè là khoảng sân trống trước cửa nhà ra tới lề đường thì có gì đáng nói?
Cái muốn nói là những phận đời mưu sinh dựa vào phần đất nhỏ nầy. Ngày xưa, con người cư xử với nhau nhân hậu hơn thời buổi bây giờ. Chỉ cần hỏi xin chủ nhà một tiếng, nếu thấy hàng hoá không bày biện che lấp cửa tiệm mình thì sẽ gật đầu cho không, chớ bây giờ mà không mất vài triệu một tháng cho cái mặt bằng tạm bợ đó thì dễ gì có chỗ để kiếm chén cơm hàng ngày?
Để kể cho nghe những người bán cố định lẫn hàng rong thỉnh thoảng ghé lại cho đủ bộ. Xin gộp luôn một đoạn trên đường Lý Thường Kiệt vì nhà tôi nhìn ra là thấy liền.
Đầu tiên là xe hủ tíu mì của ông Tàu bụng bự quanh năm mặc áo thun nằm sát vách nhà giữa tiệm bán đồ sắt Tô Hoa và bán đồng hồ Quảng Thành. Chiều nào tầm khoảng 3:00 là có mặt Cậu Ba thằng Đặng Phó là ba của Cô Phấn em họ của Phó. Trên đường khi thì có xe đậu nành chai ướp lạnh, khi thì xe bán bò viên với trò chơi đổ xí ngầu mà quan sát hoài vẫn không biết luật chơi giữa họ. Rồi xe bán gỏi đu đủ khô bò với cây kéo lúc nào cũng xấp xấp, có món gan bò chấy tiêu mà nước mắm chua ngọt ngon...tuyệt cú mèo!
Quẹo xuống đường Ama Trang Long, ngay bên hè tiệm Lâm Hiệp Thành buổi sáng có một gánh mì quảng của bà mập ngon...vô đối!
Trên đường Y-Jut có một xe bán bánh mì heo quay với cái thớt chặt thịt quay dầy 2 tấc thỉnh thoảng tôi ghé mua, xe bán nước si-rô sát lề đường, tủ sửa đồng hồ, tủ bán thuốc lá lẻ, xe bán kem múc lâu lâu ghé lại...
Trên vỉa hè khúc cua chỗ tiệm Lâm Hiệp Thành thỉnh thoảng có người bày ra vẽ chữ làm tranh treo tường với dụng cụ nhiều nét với những chữ kết thúc bằng hình con chim, con rồng, con phụng, con ngựa, con bướm tuỳ theo yêu cầu. Có những người bày ra cờ thế đánh ăn tiền mà tôi cũng mù tịt về những mặt cờ và đường đi của nó. Có ông thầy bói với con chim kỳ diệu có thể gắp ra lá bài bổn mạng mà người coi vừa bắt. Thích nhất là tết đến là có những sòng bầu cua, sòng bài cào và cả những thằng điếm đàng bày trò tráo bài ba lá...
Thật là phong phú trò vui mà có khi tôi nhớ không hết.
Trong tất cả những cái hấp dẫn đó, tôi lưu tâm đến xe bán si-rô nhất. Nó không phải là loại nước đá bào nhận xịt si-rô mà là loại nước giải khát pha bằng si-rô loãng tương tự như nước cam đóng chai.
Trên mặt xe đặt một cái hồ lô gò bằng đồng thau đánh bóng sáng choang thật lớn, trên đó gắn ba con chim én cũng bằng đồng chĩa ra ba phía. Mỗi lần có người mua họ sẽ vặn cái van dưới chân hồ lô để nước si-rô xịt ra từ mỏ những con chim én thật kỳ diệu! Có ba loại nước mà mùi vị không thua nước ngọt đóng chai.
Màu xanh lá cây có vị the menthol, màu đỏ thơm tho như nước cam đỏ con cọp và màu vàng như nước cam vàng Phương Toàn hiệu con nai. Kế bên là rổ đựng ly và cái bàn bào nước đá. Chỉ đơn giản vậy thôi. Một đồng một ly.
Cái kỳ diệu làm tôi thích thú cứ đứng quan sát là không biết họ dùng cách nào để khi mở một trong ba cái van thì nước si-rô được xịt ra từ mỏ con chim én? Bí mật chắc nằm trong thùng xe.
Chỉ cần bỏ ra một đồng mà thưởng thức cái mùi vị ngọt ngào, cái hương thơm của si-rô, cái lạnh tê răng của nước đá, cái bí mật mà tôi không đoán được thì còn điều gì hơn thế nữa? Chính vì những điều đó mà tôi mặc cho cái kỷ niệm tuổi nhỏ ấy là hương bay.
Cách đây vài năm khi có dịp vào Chợ Lớn, tôi leo xe lên lề chỗ nhà thờ Tin Lành đối diện với Uỷ ban Quận 6 hút thuốc núp nắng, lúc ngước lên thốt nhiên thấy một người Hoa tuổi trung niên đẩy chiếc xe bán dạo trên có cái hồ lô y như hơn nửa thế kỷ trước tôi đã thấy trên Banmêthuột. Tôi đứng ngẩn người ra mà nhớ lại một khoảng đời đầy kỷ niệm đã xa xôi, đến độ không nhớ mà lấy điện thoại ra mà chụp một tấm hình kỷ niệm.
Cứ ngẩn ngơ bồng bềnh trong nỗi nhớ, đến khi ông ấy đẩy chiếc xe quẹo qua đường Cao Văn Lầu khuất dạng thì tôi chỉ biết tự trách mình và có chút buồn buồn như đã để...lạc mất mùa xuân.
Hùng Bi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét