Không chỉ đơn thuần là công việc, hướng dẫn viên du lịch còn dành cả sự đam mê cho xứ sở núi rừng... Hình ảnh cô bạn ngày ấy đã từng hóa thân thành một thiếu nữ Ê Đê...
THẤM ĐẬM VĂN HÓA TRONG TỪNG BƯỚC CHÂN
*Thanh Lâm
Con đường hạt muối, con đường trekking đẹp nhất việt nam: Tà Năng – Phan Dũng, nối hai đỉnh núi thiêng Bidoup – Chư Yang Sin và nhiều cung đường khác ở nam tây nguyên đã thu hút được rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Tác giả của chúng là Mull K’vâng, chàng trai 40 tuổi mang trong mình hai dòng máu K’Ho của mẹ và Ê đê của cha.
...
...
ĐỘC, LẠ
Trong tất cả những tour K’Vâng dẫn khách đi đều thấm đẫm những văn hóa đặc trưng của người K’ho, Raglai, Cil, Ê Đê... trên đất Nam Tây nguyên. Để chuẩn bị mỗi hành trình, K’Vâng luôn đi trước, tìm hiểu và nhất là thu thập những câu chuyện từ chính những người già trên cung đường đó kể lại. Anh gọi đó là đi xem “sức khỏe của con đường”.
Với sự giúp đỡ của những người bản địa, K’ Vâng nắm chắc sự đa dạng sinh học và cả những sự tác động của cả thiên nhiên và con người lên con đường đó. Nằm lòng “lí lịch”, “sức khỏe” của con đường nên K’Vâng biết đi tới đâu thì dừng nghỉ ngơi, tới địa điểm nào sẽ dừng cắm trại, kiếm củi nhóm lửa, kiếm nước nấu cơm ở đâu và thậm chí đứng nghỉ ngơi dưới gốc cây nào là an toàn, cây nào có cành mục nguy hiểm.
Trong ba lô của K’Vâng luôn có những vật dụng truyền thống của người K’ho. Thân thuộc nhất là con dao nhỏ xíu gọi là pis chot - con dao đa năng của người K’ho. Và tôi chắc chắn rằng với người K’ho bất cứ cái pis chot nào cũng sẽ thành đa năng bởi họ có đôi bàn tay đa năng.
Cái gùi, cái xà gạc, các hoa văn trên cây nêu, cái cần hút rượu cần, cái tẩu thuốc… tất cả đều được làm nên từ đôi bàn tay khéo léo điều khiển pis chot của người H’ho. K’Vâng còn dùng pis chot để gọt cành dẻ làm gậy cho khách leo núi, làm cọc cắm lều…
Trong ba lô của K’Vâng có hũ muối bằng ống tre. Muối được trộn với hạt tiêu rừng (lilu) để chấm rau rừng luộc, chấm thịt nướng, để nêm cháo… K’Vâng cũng luôn có cây xà gạc để phát cây dọn đường đi và để đối phó với những bất trắc trong rừng như bản năng của người K’ho.
K’Vâng rất tự hào về dân tộc mình. Với anh văn hóa của dân tộc có trong từng hơi thở. Và anh tìm mọi cách chia sẻ niềm đam mê ấy với du khách. Câu hỏi đầu tiên của nhiều người khi liên lạc với K’Vâng để đặt tour luôn là “Cung đường ấy có gì đặc biệt?”.
Câu trả lời của anh luôn là “bạn cứ đi đi rồi sẽ thấy có rất nhiều điều đặc biệt ở đó”. Nhiều người đã không đặt tour khi nhận được câu trả lời tưng tửng ấy nhưng cũng có nhiều người thêm háo hức đi tìm hiểu. “Sau những chuyến đi chúng tôi có những người bạn mới.
Lúc chia tay chúng tôi đều có lời hẹn trở lại để tiếp tục tìm hiểu những điều thú vị của rừng, của văn hóa. Và những lời hẹn quay lại đều thành hiện thực bởi chúng tôi tin và yêu K’Vâng,” Hải Đăng, một khách du lịch thường xuyên của K’Vâng, chia sẻ.
ĐI TÌM GIÁ TRỊ CỐT LÕI
“Tôi không làm du lịch đơn thuần, mà đang thực hiện giấc mơ của mình. Là giấc mơ đi tìm giá trị cốt lõi – đó chính là những gì nguyên sơ của cuộc sống bà con mình ngày xưa. Tây nguyên chứa đựng vô vàn điều thú vị về văn hóa, phải làm sao cho bạn bè biết Tây nguyên mình giàu và đẹp lắm.
Thay vì tới nước này nước nọ, tôi muốn dành nhiều thời gian cho những ngọn núi. Chỉ riêng Tây nguyên thôi tôi đã thấy mênh mông lắm rồi. Tôi tự xác định cho mình và chia sẻ cho cả những người đồng hành rằng đi rừng là đi từng ít một. Đi để hiểu chứ không phải để chinh phục, để check in. Đi để cảm nhận mình là một phần ở đó,” K’Vâng tâm sự.
Có một câu nói của người già mà K’Vâng rất tâm đắc: “Choh chom mono mom bla” (Xa xưa các ngọn núi nằm cạnh nhau). Câu nói đó đã mở ra cho K’Vâng rất nhiều điều. Đó không đơn thuần là sự lý giải hiện tượng tự nhiên rằng trải qua những cuộc vận động của trái đất mà các ngọn núi mới bị chia tách. Mà ý của người già nói đến sự gần nhau về tình cảm, phong tục của các tộc người.
Đó là lý do mà đi tới đâu K’Vâng cũng tìm gặp những người già. Qua bất cứ buôn làng nào của người K’ho, Srê, Cil, Lạch, Raglai, Ê Đê…, anh luôn dùng ngôn ngữ, tình cảm chân thành của dân tộc mình để tìm ra sự đồng điệu. Đã nhiều lần chứng kiến điều đó, dù không hiểu nội dung cuộc trò chuyện, nhưng nhìn ánh mắt rạng ngời, nhìn cách họ ôm nhau, chào hỏi nhau, chăm chút nhau, tôi tin rằng họ hiểu nhau.
Trên con đường đi tìm báu vật địa phương, anh nhận ra báu vật quý nhất chính là con người. Chính thế nên trong thời gian làm việc tại Vườn quốc gia Bidoup - Núi Bà, anh là nhân tố chính xây dựng hai nhóm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng (CBET) ở xã Đa Nhim và xã Đa Chais của huyện Lạc Dương.
Thực hiện dự án “Tăng cường năng lực quản lý dựa vào cộng đồng”, trải qua nhiều năm liền tìm người, hướng dẫn và cả đồng hành, K’Vâng đã có những người cộng sự tin cậy như: Cil Phi Crieu Thani, Cil Phi Crieu Ha Trái, Liêng Hot Ha Kim…
Nếu như Ha Kim hiểu từng cây rừng thì Thani lại biết rất nhiều câu chuyện của người xưa gắn với rừng và cả ý nghĩa tên mỗi ngọn núi, con dốc, dòng suối. Anh kể về những ngọn núi, cây pơ mu, cây thông hai lá… cây nào cũng có linh hồn, núi nào cũng có lịch sử như con người. Đó là lý do bà con không chặt cây bừa bãi.
Còn Ha Trái, có lần dẫn đoàn, một thành viên vô tình vứt rác xuống, mọi người đi tiếp còn Ha Trái lặng lẽ đi về cuối đoàn và nhặt rác đút vào túi áo. Cử chỉ không lời của chàng trai người K’ho ấy đã làm cả đoàn xúc động, thức tỉnh.
Giờ đây, đã nghỉ việc ở Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà để theo đuổi việc kinh doanh riêng thì K’Vâng càng có điều kiện tìm kiếm những trái tim thổn thức với rừng. Ya Tha – người hướng dẫn viên đặc biệt trên cung đường trek được xem là đẹp nhất Việt Nam: Tà Năng – Phan Dũng là một ví dụ. Những câu chuyện của anh đã thay đổi suy nghĩ của những người như Ya Tha.
Thế nên dù cha là thợ săn khét tiếng nhưng Ya Tha lại đi làm hướng dẫn viên du lịch. K’Vâng đã hoàn toàn yên tâm để Ya Tha dẫn khách bởi hơn hết anh thuộc về chính mảnh đất này. Nhận xét về hơn 20 cộng sự của mình, K’Vâng, nói: “Họ đều là linh hồn của mỗi vùng đất.
Ngoài những hiểu biết vốn có về rừng, họ còn không ngừng học hỏi, hoàn thiện mỗi ngày bởi rừng luôn chứa nhiều bí ẩn. Họ tìm tới các già làng để thu thập những câu chuyện về phong tục, văn hóa, tri thức bản địa của chính dân tộc mình. Đó không chỉ là cách làm tốt công việc, tăng thêm thu nhập mà quan trọng hơn đó chính là cách họ giữ rừng và giữ gìn văn hóa của cha ông”.
Văn hóa sẽ biến mất nếu không tạo ra được kinh tế. Chỉ khi nào người dân sống được bằng văn hóa thì khi đó văn hóa mới được gìn giữ tốt nhất. Du lịch không phải chỉ khai thác cái xác của phong cảnh. Hiểu vậy nên K’Vâng luôn không ngừng bồi đắp hồn cốt cho những chuyến đi.
Mỗi tour của anh đều được tích hợp văn hóa. Ở đó, du khách ngắm cảnh đẹp, tắm không khí rừng, học tri thức bản địa để sinh tồn trong rừng, tiêu thụ sản vật bản địa... Khám phá thiên nhiên – trải nghiệm văn hóa – phát triển cộng đồng là ba chân kiềng bền vững để K’Vâng, Ha Trái, Thani, Ha Kim, Ya Tha, Blui… và nhiều người khác kiếm sống bằng chính văn hóa của cha ông, trao truyền văn hóa dân tộc.
Nhà văn Nguyên Ngọc, người thấm đẫm hồn cốt Tây nguyên đã nói: “Du lịch chính là con đường quan trọng và hiệu quả để đưa các dân tộc bản địa Tây nguyên trở lại vị trí trung tâm đồng thời khôi phục được nét văn hóa đặc sắc của Tây nguyên”. K’Vâng đã quy tụ được nhiều người cùng chí hướng để đi vững chắc trên con đường ấy.
Thanh Lâm
*Trích đoạn trong bài "Thấm văn hóa trong từng bước chân" của Thanh Lâm đăng trên http://www.nongthonviet.com.vn/.../tham-van-hoa-trong.../)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét