Đã vào mùa lặt lá mai, Buôn Trấp cũng thế, không cần đợi đến ngày rằm mới lặt... Nếu mai nở bông sớm thì cũng làm đẹp cho đường thôn lối xóm, thêm không khí đón Xuân về...
MÙA LẶT LÁ MAI
*Hùng Bi
Đã chớm Xuân rồi sao?
Hôm qua về Bình Dương, đi ngang qua ngỏ nhà ai thấy hai mẹ con bắt ghế lặt lá cây mai trước sân chợt bâng khuâng nghĩ như thế!
Phàm cái gì mới bắt đầu vẫn khiến người ta nôn nao trong lòng một ít khi nghĩ tới những điều tiếp theo, ví dụ như vừa chớm biết yêu. Tôi vẫn thích cái thời khoảng chớm Tết hơn những ngày Tết khi mọi sự đã phơi bày.
Ở Nam Bộ từ miền đông đi đến Tiền Giang, có nghĩa là khoanh vùng địa giới bằng con sông Tiền trở lên thường thì trước sân nhà ai cũng có trồng một cây mai làm kiểng. Mỗi năm nó mỗi lớn, tuy chậm chạp nhưng cũng dễ nhận biết. Trong một buổi sáng xuân, em bước ra sân nhìn những cánh mai vàng rực rỡ trong nắng với lòng phơi phới niềm vui sẽ mỉm cười khi nhớ lại cây mai của Ba năm nào chỉ thấp be bé mà giờ đã lớn phổng phao, hoa nở đầy cành như tuổi xuân của em.
Mai chỉ là một loại hoa biểu tượng của mùa xuân, không rực rỡ như những nàng hồng, mồng gà, thược dược, hướng dương...Không nồng nàn hương hoa mà chỉ thơm nhè nhẹ trong sương sớm nhưng hầu như gia đình người miền nam nào cũng thích, cho là sẽ mang lại sự may mắn cho họ vì cách đọc trại. Cũng tương tự như mâm ngũ quả trên bàn thờ ông bà ngày Tết: mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, nhánh sung. Cầu vừa đủ xài! Họ sống chất phác, hồn hậu, ít thích bon chen để giành lấy cho mình phần nhiều hơn cái họ cần bởi cuộc sống quanh họ cái ăn cái mặc tìm khá dễ dàng. Quan sát cách sống của người miền nam, những vùng miền khác cho họ là làm biếng bởi không thấu hiểu cái nhân sinh quan của họ.
Người phố thị cũng thích ngày Tết có những đoá mai vàng trong nhà, nhưng do bối cảnh xã hội thật cũng khó có một khoảng sân trống trước nhà để trồng lấy một cây mai. Đành phải vác tiền ra chợ rinh về cho mình một cành hoặc một chậu để có chút hương vị ngày xuân, nhưng bây giờ họ điệu đàng hơn là chọn một chậu mai bonsai nho nhỏ cho nó...thiên nhiên hơn! Nhưng gì thì gì, không thể so sánh với những cây mai trồng trước sân nhà với những cánh hoa mạnh mẽ và rực rỡ bằng mạch sống trong lòng đất và những hạt sương rơi. Cách đây cũng khá nhiều năm, trên đường đi xuống Cai Lậy vào những ngày xuân, tôi ngồi trên xe đò nhìn qua cửa sổ mà muốn sái cổ vì mê man nhìn ngắm những cây mai lướt ngang cửa sổ vùn vụt. Cây nào cũng đẹp, bỏ thì...tiếc!
Thôi không bàn tới mảng nầy, vì nếu đi sâu vào thì có mà nói… tới tết!
Lặt lá Mai là một nghệ thuật!
Tuy chỉ là một kiến thức phổ thông nhưng nó hàm chứa trong đó sự tinh tế.
Phải căn cứ vào tiết mùa, tháng chạp đủ hay thiếu, năm nhuận tháng hạn để làm sao chiều ba mươi tết những nụ hoa đã chúm chím những cánh hoa vàng đợi đến giao thừa thì nở bung hàng loạt. Sau lễ cúng giao thừa khi nhang đèn đã tàn, gia chủ quay nhìn những đoá mai riêng của nhà mình nở kịp đón chúa xuân thì trong lòng dâng lên một niềm vui sảng khoái vì biết rằng gia đình mình sẽ gặp nhiều may mắn trong năm mới. Bao nhiêu công phu khó nhọc được đền đáp trong phút giây nầy!
Tất nhiên không phải lúc nào sự tính toán cũng đúng. Nếu không, sẽ có những thủ pháp đi kèm để xử lý như tưới nước ấm để thúc, dùng nước đá hay Aspirin pha loãng tưới để kìm hãm...
Thường thì vào rằm tháng chạp người ta sẽ tiến hành lặt lá mai. Giống như một ước hẹn vì tất cả mọi người đều như vậy.
Một cây mai lớn ngoài sân, nếu hai người cùng làm có lẽ phải mất nửa buổi sáng vì có những cành cao chót vót phải di chuyển chiếc ghế nhiều lần. Rồi tôi nghĩ tới những ông chủ vườn mai với mấy trăm gốc. Ớn thiệt!
Trước đây, lúc Ba tôi còn sinh thời ở một thủa thanh bình đầm ấm mà tôi chỉ mới là một thằng nhóc chút xíu, năm nào tôi cũng cùng Ba tôi chuẩn bị đón xuân sang bằng cách nầy.
Bây giờ tóc tôi đã bạc, Ba tôi không còn nữa. Mỗi lần nhìn thấy hình ảnh nầy tôi lại nhớ đến Ba tôi.
HÙNG BI.
* Trích nguồn
https://www.facebook.com/hung.kieu.311
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét