Ngày xưa ở Ban mê có rất nhiều cây gòn... khu Lam Sơn, xóm đạo, bến xe lam, trên nhiều đường phố...
BÔNG GÒN TRONG KÝ ỨC CÒN ĐÂU...
*Nguyễn Ngọc Tuyết
*Nguyễn Ngọc Tuyết
Nhìn mấy cái gối to phồng, tôi lại chạnh nhớ đến những cái gối gòn xưa, những cái gối mát mịn khi nắm, rờ vào càng êm ái dưới tay chứ không phập phồng như loại gối hơi này. Lâu lắm rồi, những chiếc gối ấy dường như biến mất...
Ở quê tôi hiện nay, tìm một cây gòn đã là khó. Còn bông gòn ư? Bây giờ người ta lấy bông làm gì ta? Ừ, bây giờ có ai dùng gòn dồn gối nữa đâu! Những chiếc gối gòn êm mát xa xưa chỉ còn trong kỷ niệm của những kẻ như tôi thôi. Các loại gối ôm, gối dựa giờ hoặc dồn vải vụn, dồn mút hoặc gối hơi. Lại còn gối nước, gối da nữa chứ. Thôi thì đủ thứ, chỉ trừ gối gòn!
Còn nhớ bà má chồng tôi ngày trước, năm nào bà cũng đón mấy bà, mấy chị đội từng bao gòn to tướng trên đầu để mua. Gòn nhẹ tênh nên một ký thôi đã một bao rồi. Má tôi mua vài bao gòn rồi cột dây treo trên giàn bếp. Khi nào gối trong nhà bắt đầu cứng, có nghĩa gòn hết xốp, hết mát là bà tháo ra, bỏ gòn cũ thay gòn mới rồi may lại. Thế là những cái gối gòn lại mát rượi, êm như nhung. Vốn kỹ tính, lúc nào bà cũng lượm bằng hết những hột gòn đen đen còn sót trong đống gòn ra. “Không thì nằm sẽ cấn đầu”. Bà hay nói vậy. Trồng gòn có thể vừa bán lá, vừa bán bông nhưng không dễ đâu. Tách vỏ lấy bông đã cực, lấy những hột gòn từ những túm bông gòn ra còn cực hơn. Nhà ít người không làm xuể đâu!
Mà nói gì đến người trồng gòn. Chỉ việc ngồi coi bà má chồng tôi dồn gòn vào từng cái gối đã thấy cực rồi. Người dồn chỉ mở miệng gối một chút thôi rồi bốc từng nạm bông, dùng một cây đũa bếp nhét vào. Vậy mà bông gòn vẫn bay mù trên đầu, trên cổ đó. Những người thành phố lúc ấy tuy cũng nằm gối gòn nhưng thường là mua ở chợ nên làm sao biết cảnh tình này. Ôi, những chiếc gối gòn quen thuộc cùng hình ảnh những bà mẹ quê xưa giờ đã trở thành quá khứ rồi sao? Câu hỏi sao nghe như một tiếng thở dài!
Nguyễn Ngọc Tuyết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét