Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Xứ Thượng... GIỌT NƯỚC BƠ VƠ (2)

Xứ Thượng...
GIỌT NƯỚC BƠ VƠ
Họ đặt tên cho “Giọt nước” là Ea (hoặc Ia, Da, Dak – tuỳ theo nhóm ngữ hệ của mỗi nhóm sắc dân mà từ gọi “nước” khác nhau) K’ha (hoặc G’ha). Ea nghĩa là “nước”. Còn K’ha nghĩa là “rễ cây”.
Y Blai Nie, người đàn ông nhiều tuổi ở buôn Ko Sia nhiều lần khẳng định với tôi rằng Giọt nước là vật cao cả nhất của làng. Thế nên mọi thứ cây mọc ở xung quanh đấy đều là thiêng liêng. Không bao giờ bà con đụng vào nó, cho dù nhu cầu về gỗ có ngặt nghèo thế nào. Người ta hay cúng “Giọt nước”, “Bến nước” là vì vậy. Như cô gái trẻ sâu sắc H’Ben, Y Blai Nie bảo: “Ai đụng vào cây ở Giọt nước tức là đụng vào nguồn nước, Yàng”. Và linh thiêng nhất, có thần, là cây Ana M’Nút (đa), Ana H’ra (sung), Ana K’tưng, Ana Kô… Nguồn nước của trời đất cao cả như nguồn sữa từ người Mẹ. Sức sống dữ dội của cây Ana H’ra, từ rễ, lá, trái quanh năm tuôn trào biểu thị cho tinh thần Mẫu hệ, nguồn cội. Mà không chỉ cây Ana H’ra kia, bao giờ không gian của Giọt nước cũng là cả một vùng sinh thái nguyên sinh, đa dạng sinh học. Nhiều năm la cà qua các Ea K’ha, nhờ đó tôi mới nhận diện được những cây Ana Klếch, Ana Ê nhuôi, Ana Ktrôl, Ana Plei; rồi những loại cây nằm là là mặt đất như Ana Ybua, Ana K’ton… Nhưng với người Tây Nguyên, cái cây kia không chỉ là cây, thực vật vô tri, mà nó có “thần” trong đó. Biết tôn trọng thiên nhiên là khi người ta kiêng nể thiên nhiên, xem “vạn vật hữu linh”. Không chặt cây bừa, không phá rừng vô lối. Cây với nước đi cùng nhau, tuy hai mà một. Thần rừng đã thiêng, mà Thần nước lại càng thiêng. Trong đời sống xã hội Tây Nguyên, người ta nhận thức và coi “Nước”, “Lửa”, “Gió” là ba thứ duy trì sự tồn tại của con người, và của vũ trụ. Thế là sinh ra ba vị Vua cụ thể, hiện hữu trong cộng đồng để cai quản ba thứ vật chất này, là Pơtao Ea (Ia)(Vua nước), Pơtao Puih (Vua lửa), và Pơtao Angin (Vua gió). Như hai Pơtao kia, Pơtao Ea cũng là người đại diện của thần linh có sức mạnh huyền bí trong cai quản nguồn nước nơi thế tục, dù cũng không có cung điện hay ngai vàng, nhưng ngài được cộng đồng kính trọng vô song trong biểu tượng tinh thần ấy.
Nên Giọt nước là một thế giới vừa tồn tại ở dạng “vật chất” vừa ở dạng “tinh thần”, vừa thế tục vừa hiển linh. Nhờ vậy, mà rừng núi còn, được gìn giữ từ bên trong tâm hồn của con người.
Những gì diễn ra ở không gian Giọt nước là sự tích hợp những gì vi tế, sâu sắc, nhưng sống động và thật nhất của hồn cốt văn hoá người sơn nguyên, cùng ý thức sống coi trọng, nương tựa thiên nhiên.
Trên cơ thể Tây Nguyên, mọi thứ xáo động, từ cấu trúc rừng đến cấu trúc gia đình, xã hội, văn hoá, suốt mấy chục năm qua, trước áp lực gia tăng dân số cơ học và nhu cầu đất đai cho sự gia tăng ấy. Nhưng nhìn vào sự tồn tại sừng sững của những Giọt nước, tôi nhận ra nó là thành trì cuối cùng của giá trị Tây Nguyên. Chỉ có điều, Giọt nước cũng gầy gò đi. Nhiều Giọt nước vài mùa sau ghé lại chỉ còn cái “rốn” của nó là sinh thái quanh thung lũng ấy; trong khi bên trên nó, tất cả đã phủ đầy càphê, cao su, cây rừng ra đi hết. Ở Dak Tô, Sa Thầy, ở Chư Pảh, Chư Sê, ở Dak Song, Dak Min, ở Ea H’leo, và cả ở ngay TP Buôn Ma Thuột của tỉnh Dăk Lăk, như buôn K’mơ rông Prông B, Ako Dhong, Păm Lăm, Ko Sia… Giọt nước ở buôn A Lê B thì biến mất luôn. H’Ben buồn tiếc. Tê tái hơn khi người ta xây bể phốt hầm cầu đè lên Ea K’ha, ngay các Ea K’nang hôm nào còn rỉ rả nước kia, sau khi mua được đất của đồng bào ở chỗ này để cất lên một tổ hợp nhà trọ bình dân nơi đầu nguồn nước từng thiêng liêng. H’Ben nói nàng thích uống nước mát lành từ Ea K’nang, chứ không vô hồn vô cảm như nước từ vòi robinet. H’Ben ạ, cô phải chấp nhận thôi, vì Ea K’ha cũng có số phận của nó. Và nhiều Giọt nước nữa, nơi trung tâm tỉnh, huyện đến vùng sâu vùng xa, cũng rơi rụng dần theo cơn mê sảng của địa ốc và thời cuộc.
Nhìn mọi thứ ở bên trên thay đổi như cơn lốc, mới thấy Giọt nước bơ vơ làm sao. Biến mất tất cả rừng rồi, thế mà nước vẫn cứ chảy đều ở những Ea K’ha ấy. Đó không là điều kỳ diệu là gì. Vì vậy, những Giọt nước còn lại kia sẽ có cuộc chống chọi quyết liệt cho sự tồn tại, thích ứng, tiếp biến sang hình thức tồn tại khác, hoặc “đầu hàng”, tiêu biến.
Ước gì tự dưng, Nhà nước có chính sách cho những Giọt nước, sung nó thành đất công, và coi nó là một báu vật của con người, di sản xã hội, là khoa học và văn hoá sống. Để nàng H’Ben không phải cứ mỗi lần nhớ Ea K’ha, lại đi sang các buôn khác để tìm kiếm sự mát lành, gùi nước, và hét lên thật to cho thoả lòng trước thiên nhiên bao dung, nhân từ.
bài và ảnh: Nguyễn Hàng Tình
Theo TGTT


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét