Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 29 tháng 5, 2015

Xứ Thượng... GIỌT NƯỚC BƠ VƠ (1)

Xứ Thượng...
GIỌT NƯỚC BƠ VƠ
Lúc ở bên “Giọt nước” ta hét lên một tiếng, là nghe vọng những thanh âm núi rừng. Thứ thanh âm lạ lắm, của trời xanh đất thẳm, thuần khiết tuyệt đối; không thể làm “giả” được, và hình như phải nghe bằng sự rì rào của trái tim chân thành.
Tôi yêu Bến nước miền thượng bằng nỗi thèm khát “ánh sáng” của rừng của kẻ mà nòi giống đã xa rừng quá lâu. Nên tôi lang thang theo nó như kẻ “ăn mày” hoang dã, đổ gục vào nó để cầu vọng nghe được đâu là tiếng thì thào của cây lá và tình yêu cuộc sống chốn phàm trần này…
Đầu làng Kon Tum K’năm vào những buổi trưa. Là hình ảnh đời thường, với mọi người kéo xuống sinh hoạt cùng một nguồn nước. Tên của làng được lấy làm tên cho thành phố và tỉnh Kon Tum, nghĩa là “Làng đầu nguồn nước”, “Làng hồ”.
Làng cổ xưa thuộc phường Thống Nhất, nếu muốn sẽ được thụ hưởng ngay hệ thống cấp nước đô thị như bao thị dân, như bao thành phố. Nhưng người Bahnar bản địa vẫn cứ thích ra “Bến nước”, là “Giọt nước” để lấy nước ở đây mà sinh hoạt. Như một số “Giọt nước” thi thoảng ngày nay ở Tây Nguyên, Giọt nước Kon Tum K’năm cũng được lên đời: xây bể to ngay đầu giọt để số người sử dụng cùng một lượt được nhiều hơn; vòi bằng nhựa; đường lên xuống Bến nước được xây tam cấp. Cho dù có chút bêtông vào thì Bến nước vẫn sống cuộc đời vốn có, tiếp nhận sinh hoạt cùng tâm hồn đồng bào như xưa nay, truyền thống.
Làng nào ở Tây Nguyên cũng có một “Giọt nước” như thế. Ngày trước, cha ông họ khi lập làng, điều căn cốt đầu tiên là xác định cho được chỗ ấy phải có Giọt nước, thực thể cơ bản, thiết thực, và thiêng liêng. Sau khi tìm ra, những người đi tìm đất lập làng cắm một chiếc rìu xuống đất. Rút phần cán gỗ ra, để lại phần lưỡi sắt. Ba ngày sau quay lại, nếu chiếc rìu còn nguyên, không ngã đổ, nghĩa là Yàng “đồng ý”. Thế là làng hình thành.
H’Ben, cô gái ở buôn A Lê B, phường Ea Tam, TP Buôn Ma Thuột, nói: “Nó tự nhiên có. Nước chảy từ trong lòng đất ra, chảy mãi mà không bao giờ cạn, cho dù mùa khô. Dù ở mùa mưa nó cũng chảy bình tâm, rỉ rả đều như thế thôi. Nguồn nước từ nó bao giờ cũng lành. Ai uống cũng khoẻ mạnh; cả cộng đồng khoẻ mạnh”, H’Ben kể. Nhìn sức khoẻ của một cộng đồng biết Giọt nước ở đó là vậy. Trong H’Ben, cây Ana H’ra (sung), Ana Mo (xoài rừng), Ana K’Mhia (khế) bên Giọt nước là cái gì đó rất thân thương, sâu nặng. Chính vì là chỗ an lành nhất mà mọi Giọt nước bao giờ cũng là nơi nhiều chim chóc, và đặc biệt là ong – nó tập trung về làm tổ. Có những cây M’nút bám đếm vài trăm tổ ong. Và cũng chẳng bao giờ người ta bắt những tổ ong ở Giọt nước ấy, nơi chốn vạn vật sum vầy, cõi để sống và ngưỡng vọng, thành kính thiên nhiên.
Đồng bào lên xuống Giọt nước an nhiên trong từng bước chân, nhu cầu. Họ cứ tắm gội êm ái. Cứ giặt quần áo. Cứ rửa rau. Cứ lấy nước. Cứ gùi về. Không còn dùng trái bầu như xưa nữa, họ lấy những chai nhựa Coca-Cola, La Vie, Vĩnh Hảo, hay bất cứ chai nhựa gì có trong nhà mà mang xuống “Giọt nước” lấy nước… Điều tuyệt vời là ai xuống trước thì được sử dụng nước trước, nếu như lúc ấy đông đúc. Phía nào vòi nước dành cho nam thì sang phía đó, kể cả cậu bé tí hon. Phía nào dành cho nữ thì nữ tụ lại, kể cả cô bé vừa biết đi.
Tại sao người bản địa Tây Nguyên vẫn gắn thích sinh hoạt bên “Giọt nước” giữa thời buổi nước đưa vô tới bồn tắm, bếp? H’Da, cô gái Ê Đê có sắc vóc như người mẫu ở buôn Ko Sia, ăn mặc quần jeans, áo pull, tóc nhuộm vàng, xài iPhone nói với tôi là chỉ nước ở dưới đó mát nhất. Hơn thế nữa, cô chỉ thấy “Ở nhà”, là chính mình, khi tung tăng ở “Giọt nước” này.
( Trích Giọt Nước Bơ Vơ của Nguyễn Hàng Tình)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét