Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 18 tháng 5, 2015

Hương rừng cao nguyên... CHIÊNG NỮ Ê ĐÊ BIL, TRÁI GÙI, UỐNG RƯỢU CẦN & CÀ ĐẮNG

Hương rừng cao nguyên...
CHIÊNG NỮ Ê ĐÊ BIL, TRÁI GÙI, UỐNG RƯỢU CẦN & CÀ ĐẮNG
Rồi nàng đưa tôi lại ngồi ngay chiếc bàn giữa nhà. Trên bàn có một cái giỏ mây xinh xắn đựng trái cây. Tôi ngắm chiếc giỏ hai đầu cong lên như chiếc thuyền, nó được đan thật đẹp.
– Em làm đó, đẹp không anh?
– Ồ, vậy à! Đẹp lắm, em hay thật!
Nathalie sung sướng, nàng ngước cặp mắt xanh biếc lên nhìn tôi:
– Anh ăn trái cây nhé. Rồi nàng đưa cho tôi một trái cây màu vàng, lớn cỡ trái chanh. Tôi cầm lên, thấy nó mềm mềm.
Nàng cũng lấy một trái rồi lột vỏ, tôi cũng làm theo, bên trong là những múi thịt trắng muốt, trông giống như múi măng cụt, nhưng nhỏ hơn. Tôi ăn thử, khá chua, nhưng có vị thơm. Nathalie nhìn tôi nhăn mặt, nàng lại cười:
– Chua phải không anh, nhưng mà rất tốt cho sức khỏe. Anh thấy người Êđê khỏe mạnh không, là vì họ ăn trái cây có vị chua nhiều.
Là dân học y tế thì dĩ nhiên tôi cũng biết điều nàng nói là đúng, nhưng không lẽ chỉ ăn toàn đồ chua?
– Trái nầy gọi là trái Gùi, nó là một loại trái thiên nhiên từ một loại dây rừng.
Anh à, tối nay, anh sẽ ăn cơm với gia đình em và những Trưởng lão ở đây nhé, rồi anh sẽ ngủ ở ngay góc kia, kế phòng của em đó. Nàng nói và chỉ tay vào góc trái của nhà khách. Như vậy là Nathalie và tôi sẽ chỉ nằm cách nhau một bức vách mỏng mà thôi.
Buổi tối đó, tôi đã gặp mẹ của Nathalie , ăn cơm tối cùng bà và những trưởng lão trong làng, là những phụ nữ lớn tuổi. Mẹ của Nathalie khoảng 50 tuổi, bà có vẻ đang bị bệnh, đi đứng đều được Nathalie dìu đỡ. Những người phụ nữ nầy hỏi thăm về gia đình tôi và lạ một điều là họ dường như có vẻ rất kính cẩn đối với tôi, không biết tôi có chủ quan không?
Nathalie cùng tôi nói chuyện khá khuya trước khi đi ngủ…
……
Nathalie cùng tôi nói chuyện khá khuya trước khi đi ngủ. Nàng giải thích cho tôi nhiều điều. Như nhà luôn theo hướng Bắc – Nam, phòng khách gọi là Gah, thường khá dài, bên phải là hành lang và bên trái là những căn phòng. Nếu nhà thêm người thì sẽ được nối dài thêm nên căn nhà dài là vậy. Hai cái cầu thang, bên phải là cầu thang “đực”, dành cho nam giới và bên trái là cầu thang “cái” dành cho nữ giới. Cầu thang “cái”, phía trên có hai nhũ hoa phụ nữ tượng trưng cho chế độ mẫu hệ của người Êđê, cũng là tượng trưng cho người Mẹ. Đi đâu rồi khi bước chân vô nhà cũng nhớ đến Mẹ trước tiên, Mẹ là nguồn gốc của sự sống, sinh tôn của gia đình và dân tộc…
Đêm đó, tôi nằm buâng khuâng, rồi chợt nghĩ đến câu hát “Ước gì nhà nàng chung vách. Hai đứa mình thức trắng đêm nay”. Không biết Nathalie có thức hay không, phần tôi thì trằn trọc khá lâu trước khi chìm vào giấc ngủ say.
Những hôm sau, Nathalie dẫn tôi đi thăm Buôn, gồm khu nhà ở cũng như nương rẫy và ruộng lúa. Người Êđê vừa làm ruộng nước vừa làm rẫy trên đất khô. Cánh đồng ruộng khá lớn nằm phía cuối buôn. Lúa thật tốt, cả cánh đồng xanh mướt. Tuy là ở trên cao nguyên nhưng cảnh đồng lúa cũng không khác gì dưới đồng bằng, chỉ có khác chút là ở đây người ta dẫn nước vào ruộng bằng một hệ thống ống máng tre, nước chảy róc rách liên tục nghe rất vui tai.
Nathalie giải thích cho tôi biết nguồn gốc của ngôi nhà sàn dài, nghe cũng thú vị lắm. Dân tộc Êđê có nguồn gốc từ những đảo Mã lai, Polynesie… và đã đổ bộ nhập cư lên đất liền từ cả ngàn năm trước. Lúc đầu người Êđê còn ở dưới đồng bằng, sau vì bị sức ép của người Chiêm thành nên phải di cư lên cao nguyên. Tuy vậy, trong sâu thẳm tâm hồn người Êđê, vẫn tồn tại nét văn hóa của người dân biển đảo, nên những căn nhà sàn thấp và dài, có hình dáng giống như những chiếc thuyền. Tiếng nói, ngôn ngữ Êđê bây giờ vẫn còn nhiều tiếng giống y hệt hoặc chỉ biến đổi đôi chút tiếng Mã lai hay Indo.
Người Êđê cũng có nét văn minh trong vấn đề vệ sinh. Trong khi nhiều dân tộc khác sống trên nhà sàn và nuôi trâu bò bên dưới, thì người Êđê lại làm chuồng trâu, bò, gà, lợn riêng biệt. Người Êđê còn trồng cây bông vải và tự dệt vải mặc, loại vải mà ta hay gọi là thổ cẩm, đẹp và chắc.
Tôi thật là vui và thích thú trong những ngày ở đây, vì biết thêm được nhiều điều mới lạ mà nhất là được kề cận Nathalie mỗi ngày. Nathalie cũng vui lắm, hầu như nàng luôn quanh quẩn bên tôi, chắc là nàng sợ tôi buồn và có lẽ nàng cũng thích vậy.
Nathalie bảo tôi muốn dạo chơi chỗ nào cũng được, chỉ trừ một nơi, nàng nói tôi đừng bao giờ vượt qua giới hạn đó và nàng còn bắt tôi phải hứa nữa. Nơi đó nằm về phía trái của buôn, có một cánh cổng và được rào kín bằng những khóm tre già dày đặc. Tôi hỏi nơi đó là gì thì nàng nói nơi đó chỉ dành cho một số người của buôn mà thôi.
Tôi và Nathalie thích dạo ra cánh đồng phía cuối buôn vào buổi chiều tà, ngồi tựa vai nhau để nghe hương lúa thơm ngào ngạt. Tiếng nước chảy róc rách từ những máng tre dẫn nước từ nguồn suối, từng đàn cò trắng nhởn nhơ khắp cánh đồng…
Một hôm, tôi được Nathalie dẫn đi ăn cưới một gia đình trong buôn. Người phụ nữ Êđê cưới chồng, lễ cưới được tổ chức bên nhà vợ và người chồng phải ở rể, con sinh ra sẽ mang họ mẹ.
Tôi thấy rất thích thú được xem nghi lễ cưới của đôi vợ chồng trẻ. Hai người ngồi trên chiếu trải giữa nhà khách. Những đôi khoen bạc và đồng được hai người mang cho nhau trước sự chứng kiến của dòng họ. Rồi một người phụ nữ lớn tuổi, Nathalie cho tôi biết đó là thầy cúng, hòa rượu với tiết heo và đọc thần chú, vảy vào các xó xỉnh trong nhà để trừ tà và xin ông bà chấp nhận cho con rể mới.
Người Êđê quan niệm tự do trong hôn nhân “Trâu bò không ai ép thừng, trai gái không ai ép duyên”. Những người thanh niên nam nữ tự do tìm hiểu và đến với nhau, cha mẹ không can dự vào. Đây thật sự là một nét tiến bộ trong văn hóa dân tộc Êđê.
Sáu người phụ nữ đánh chiêng và cũng sáu cô gái khác múa nhịp nhàng theo tiếng chiêng. Tiếng chiêng nhanh, mạnh và vui tươi tạo nên cho người tham dự thêm phấn khởi.
– Đây là bài chiêng đám cưới, có nhiều bài chiêng khác nữa.
Nathalie giải thích cho tôi biết như vậy.
Sau đó là nhập tiệc. Thịt heo, gà ê hề, ché rượu cần cả dãy, và đặc biệt là món cà đắng truyền thống không thể thiếu của người Êđê. Cà đắng là một đặc sản của Tây nguyên. Trái cà lớn hơn trái cà pháo một chút nhưng dài ra chứ không tròn. Cà đắng được nấu với cá tươi hoặc khô, hoặc thịt. Vị ngọt của cá thịt sẽ thấm vào vị đắng của cà tạo nên một hương vị thật đôc đáo mà không một món ăn nào khác có thể so sánh được.
Người Trưởng buôn được mời uống rượu đầu tiên, mẹ Nathalie bệnh nên nàng là người đại diện, sau đó đến các già làng rồi mới đến nữ chủ nhân của gia đình, lại đến người trong dòng họ. Rồi tất cả mọi người nhập tiệc, chủ khách cùng uống rượu vui vẻ. Những ché rượu cần được cắm những ống hút bằng nứa cong cong thật đẹp mắt. Khi rượu đã vơi thì nước suối lại được châm vô, phải nói cái hay của rượu cần là ở chỗ rượu không bao giờ hết, uống hoài có hoài. Tôi cũng được mời tham gia, tôi thấy rượu cần nước đầu rất ngon, thơm và không mạnh nên người ta có thể uống cả đêm là vậy. Qua những lần châm nước sau thì rượu nhạt dần đi và những ché rượu mới lại được mang ra.
Về đêm, khi âm thanh đã lắng dịu, các cô gái, các chàng trai bắt đầu ca Adray, là loại dân ca trữ tình được đệm bằng khèn và sáo. Tôi thật ngạc nhiên khi thấy Nathalie thổi sáo rất hay. Tiếng ca của thanh niên nam nữ hoà quyện cùng âm thanh trầm bổng khèn sáo giữa núi rừng thanh vắng thật mê hồn người.
Rồi khi trời về khuya, là giờ kể Khan, tức là Trường Ca Sử Thi của người Êđê, như Khan Dam San, Khan Dam Thi… Thường chỉ có những già làng mới thuộc những Khan nầy, nhưng hôm đó, Nathalie đã được yêu cầu kể Khan cho mọi người và nàng đã kể rất hay, dựa vào sự say mê, cuốn hút mọi người mà tôi biết dù là tôi không hiểu. Đặc biệt là tiếng chiêng được đệm vào trong lúc nàng kể chuyện. Tiếng chiêng lúc trầm, lúc bổng lúc nhanh lúc chậm tùy theo từng đoạn Khan: “đánh cho khỉ trên cây cũng phải rơi xuống đất, cho quân thù phải sợ hãi chạy mất, cho voi kia cũng phủ phục quanh mình…”, tiếng chiêng quả đã ăn nhập thâm sâu vào văn hóa, tâm trí, tư tưởng người Êđê.
Mà quả thật, giữa chốn núi rừng cô quạnh, chỉ có âm thanh của cồng chiêng mới vang vọng, ngân rền mãi xa để thông linh, giao hòa cùng trời đất, giúp con người không cảm thấy đơn độc, nhỏ nhoi giữa thiên nhiên kỳ vĩ.
Mỗi tiếng cồng vang lên, tôi lại thấy tâm hồn mình như bay bổng hòa nhập cùng trời đất…
Ở nơi đây, tôi hầu như quên hết thời gian, cái đồng hồ cũng trở nên vô tích sự và tôi đã bỏ vào túi xách. Mới đó mà đã gần hai tuần lễ, ngày vui thật qua nhanh!
Nathalie cho tôi biết là sắp tới ngày hội Krôn Phia, là ngày hội cầu được mùa, được tổ chức vào đầu tháng sáu âm lịch. Người Êđê không ăn Tết năm mới như người Việt mà lại tổ chức những lễ hội theo thời vụ mùa màng, Lễ hội cúng nước, Lễ hội cầu mùa, Lễ ăn cơm mới…
Những người trong buôn dần cũng đã biết tôi, hầu hết mọi người đều rất vui vẻ và thân thiện với tôi. Cũng có khi Nathalie bận việc gì đó, tôi đi lang thang một mình, ai gặp tôi cũng đều niềm nở mời tôi vào nhà uống cà-phê. Tôi thường thích nhất là đi xem họ dệt thổ cẩm và làm đồ gốm. Tôi thấy người Êđê rất khéo tay và có nghệ thuật thẩm mỹ khá cao. Chỉ vài nét khắc vẽ đơn giản là những bình, hũ… của họ đã nổi bật lên đẹp mắt.
Hôm đó, Nathalie đi công việc đâu đó, tôi ra đồng tham gia bắt cá và cũng tóm được ít con hí hửng xách về. Bước vào nhà, chút nữa tôi té ngửa – Một cô đầm tóc nâu vàng đang ngồi uống cà-phê nơi phòng khách! Cô nhoẻn miệng cười và xổ ra một câu …tiếng Việt:
– Chào anh!
– Chào…, tôi lúng túng không biết phải gọi là gì.
– Em là Estelle, em của chị Nathalie.
Thì ra là nàng, Nathalie có cho tôi biết nàng còn một người em gái học ở tỉnh. Nhưng tôi không ngờ Estelle lại giống như một cô đầm thứ thiệt như vậy, điều này làm tôi thật là thắc mắc.
( Trích tiếp phần cuối HƯƠNG RỪNG CAO NGUYÊN của Nguyễn Đức Diêu)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét