Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2018

CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH BAN MÊ THUỘT * Lm Gioan Bùi Quang Đạo

Dấu xưa còn đấy... “Người phải lớn lên còn tôi nhỏ lại” (Jn 3,30)
CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH BAN MÊ THUỘT
* Lm Gioan Bùi Quang Đạo
...
Từ những số liệu nêu trên và căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của Giáo Phận mới, Đức Tân Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai đã nhận ngay ra nhu cầu cấp bách của việc đào tạo linh mục để phát triển việc truyền giáo. Chính vì thế, ngày 25-3-1968 (nghĩa là chỉ mới 7 tháng 10 ngày sau khi được Tấn phong GM) Ngài đã đưa ra quyết định quan trọng là thành lập ngay Tiểu chủng viện cho Giáo phận non trẻ này với danh hiệu:
“TIỂU CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH”
(tên của một vị thánh linh mục VN đã anh dũng chết vì đạo ngày 06-4-1857 khi làm Giám Đốc Chủng viện Vĩnh Trị, Thanh Hóa. )
...
Ban Giám Đốc và Giảng Huấn đầu tiên chỉ vỏn vẹn có 4 Vị:
- Cha Augustinô NGUYỄN VĂN TRA, Giám Đốc.
- Cha Phaolô LÊ THANH THIÊN, Quản lý,
- Cha Giuse NGUYỄN TÍCH ĐỨC, Linh hướng.
- Cha Gioan BÙI QUANG ĐẠO, Giám luật.
Sau này, theo bước phát triển của Chủng viện, số Cha Giáo sẽ tăng dần lên để đáp ứng nhu cầu giảng dạy.
...
1/ Địa điểm: Việc lựa chọn địa điểm xây dựng Chủng Viện là một vấn đề rất khó khăn và tế nhị. Giáo phận Ban Mê Thuột không thiếu đất đai. Nhưng làm sao chọn được một nơi vừa rộng rãi khoảng khoát, vừa có sẵn nước, lại vừa yên tĩnh, thuận lợi cho việc học tập tu luyện mà không quá xa thị xã, nơi đặt trung tâm Giáo phận với Tòa Giám Mục, Nhà Thờ Chính Tòa và các cơ sở chính yếu khác.
Sau nhiều thăm dò và tìm kiếm, Đức Cha Giáo phận đã chọn mua thửa đất tọa lạc tại góc đường số 21 A đi Ninh Hoà và 21 B đi Lạc Thiện của “Compagnie Des Hauts Plateaux Indochinois” (CHPI) do ông Antoine Delfante làm tổng quản đốc.
Thửa đất này ở một vị thế rất đẹp, cách Thị xã Ban Mê Thuột chừng 05 Km, nằm ngay bên trục lộ giao thông chính. Thửa đất rộng hơn 18 mẫu tây (18ha, 11a, 56m2) và có suối nước chảy qua làm thành đường ranh giới thiên nhiên ở phía đông nam (gần sân bay Phụng Dực, Ban Mê Thuột)
2/ Đồ án kiến trúc: Sau khi tham khảo nhiều mô hình kiến trúc Chủng viện, Đức Cha Phêrô -với kinh nghiệm nhiều năm làm giám đốc Chủng viện- đã quyết định lưa chọn đồ án thiết kế của Ông Tô Công Văn (Architecte D.P.L.G – Laureat de la A.D.G. de Paris), một kiến trúc sư nổi tiếng đã tốt nghiệp ưu hạng Đại học Kiến trúc ở Paris. Tuy nhiên Ngài cũng đề xuất những sửa đổi thích ứng theo những tiêu chuẩn sau đây:
a. Vì đất rộng và để tránh những bất tiện do việc phải lên xuống nhiều lầu, nên chỉ làm nhà trệt hoặc một lầu mà thôi.
b. Chia thành nhiều khu vực riêng biệt, tiện dụng cho từng loại nhân sự và những hoạt động khác nhau, nhưng tất cả nối thành một hình vuông với những hành lang rộng rãi hầu tránh mưa nắng khi cần đi lại từ khu vực này sang khu vực khác.
c. Chú trọng bền chắc và giản dị, nên dùng toàn vật liệu nặng: xi măng cốt thép, đồng thời bỏ bớt đi những đường nét trang trí tuy làm tăng vẻ đẹp cho kiến trúc nhưng thêm tốn kém và rườm rà.
...
Trong thời gian cơ sở Chủng viện khởi công xây dựng Đợt I tại địa điểm cây số 5, thì ngày 08-9-1968, Lễ mừng Sinh Nhật Đức Mẹ Maria, Chủng viện Lê Bảo Tịnh khai giảng Lớp Đầu Tiên, mang tên LỚP VÔ NHIỄM gồm 60 Chủng sinh vừa trúng tuyển, tuổi từ 10-11 để vào học lớp Đệ Thất (lớp 6 bây giờ). Cơ sở tạm thời là TRUNG TÂM CARITAS nằm trên đường Phan Chu Trinh, góc Võ Tánh (nay là Nguyễn thị Minh Khai), đối diện với Tòa Giám Mục để làm phòng ở cho Ban Giảng Huấn và nhà ngủ cho chủng sinh. Những sinh hoạt khác như phụng tự, học hành, ăn uống… đều tập trung tại Tòa Giám mục. Vì thế, có thể nói Lớp Vô Nhiễm được đón nhận nhiều sự quan tâm ưu ái của Vị Cha Chung Giáo Phận. Hằng ngày, Ngài thường gần gũi chăm sóc dạy bảo… Rồi những năm sau, Chủng viện tiếp tục mở thêm các lớp mới:
- Lớp GIUSE 1969;
- Lớp TRUYỀN TIN 1970;
- Lớp PHANXICÔ 1971;
- Lớp TÊRÊXA 1972;
- Lớp DON BOSCO 1973;
- Lớp SAVIÔ 1974.
Kể từ tháng 9-1969, Chủng viện dời về trụ sở chính ở Cây số 5. Và từ đây, Đức Giám Mục Giáo Phận càng tỏ ra quan tâm đặc biết đối với Chủng viện bằng cách bổ nhiệm thêm nhiều Cha Giáo mới để tăng cường nhân sự cho Ban Giám Đốc và Ban Giảng Huấn của Chủng viện: 1970: Cha Giuse BÙI TRUNG PHONG làm Quản Lý (thay Cha Phaolô Lê Thanh Thiên đi làm Quản xứ Vinh Hương); 1971: Cha Antôn PHẠM NGỌC LAN từ Giáo Phận Đà Lạt sang nhập tịch Giáo phận Ban Mê Thuột để làm Quản lý thay Cha Phong và kiêm Hiệu trưởng thay Cha Giuse Nguyễn Tích Đức đi tu nghiệp tại Đại Học Đà Lạt.
- 1973, Cha Chính GIUSE TRỊNH CHÍNH TRỰC về làm Giám đốc (thay Cha Aug. Tra đi nhận xứ Thánh Tâm, nhà thờ Chính Tòa).
Ban Giảng Huấn cũng được liên tục bổ sung thêm 09 Cha giáo mới:
Cha Augustinô HOÀNG ĐỨC TOÀN;
Cha Anrê TRẦN XUÂN CƯƠNG;
Cha Giuse TRỊNH VĂN HÂN,
Cha Giuse NGUYỄN VĂN NIỆM;
Cha Stêphanô NGUYỄN VĂN ĐẬU;
Cha Vinh Sơn NGUYỄN HOÀN (Nam Huân);
Cha Giuse TRẦN XUÂN LÃM; Cha Anrê LÊ TRẦN BẢO;
Cha JB NGUYỄN MINH HẢO
Và một số Thầy ở trường ngoài được mời vào dạy.
...
Cho tới năm 1975, Chủng viện LÊ BẢO TỊNH đã mở được 7 lớp (từ Đệ Thất đến Đệ Nhị Trung học) với hơn 200 chủng sinh. Nhưng rồi BIẾN CỐ CỦA ĐẤT NƯỚC xẩy ra vào đầu năm 1975 đã ngăn chặn đà phát triển và đẩy đưa Chủng viện vào thế lao đao dẫn tới một kết cục không thể lường trước được! Vào tháng 10/1975, một số đông tới 83 chủng sinh bị “Nhà Nước” thải hồi về gia đình vì lý do “chưa có hộ khẩu ở Chủng viện”, nghĩa là phải tứ tán đi khắp nơi, không còn được tiếp tục đào tạo dưới mái trường Chủng viện thân thương này nữa! Những kẻ may mắn còn được ở lại thì đến tháng 10/1977 cũng phải rời bỏ cơ ngơi đồ sộ vừa được xây dựng hoàn chỉnh của Chủng viện để cơ quan Nhà Nước “tiếp quản” với lý do đây là “khu vực quân sự”! Nào ngờ sau đó không lâu cơ sở Chủng viện biến thành “Trường Đảng”!
...
Lịch sử Chủng viện Lê Bảo Tịnh đã khép lại với một kết thúc dang dở, nửa vời, không đi đến đâu, uổng phí bao nhân sự, bao công sức, bao tiền bạc của Giáo Hội!...
...
Lm GIOAN BÙI QUANG ĐẠO
(Trích đoạn trong bài "ĐỨC CHA PHÊRÔ NGUYỄN HUY MAI VỚI TIỂU CHỦNG VIỆN LÊ BẢO TỊNH" của Lm Gioan Bùi Quang Đạo đăng trênhttp://www.lebaotinhbmt.com/…/1812-d-c-cha-phero-v-i-tcv-le…)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét