Khu Hưng Đạo ở Ban mê ... Hồ Piscine bây giờ...
HOANG PHẾ TUỔI THƠ
*Hùng Bi
*Hùng Bi
Hai ngày trước tôi được nhìn thấy tấm hình Thầy Liễn đứng với các học trò cũ cạnh Piscine xưa ở Banmêthuột. Hoài niệm ngày cũ lũ lượt kéo về, nhưng dường như những đầu ngọn cỏ sắc nhọn kia đã đâm trúng trái tim tôi rỉ máu làm tan loãng đi những nhớ nhung với một chút đau xót. Gom góp mãi cũng chưa chịu trở về.
Mỗi người có một cách suy nghĩ và cảm nhận riêng, có thể họ cũng cùng một nhịp với tôi, nhưng nói ra thành lời e hơi khó. Nhắc về những kỷ niệm ngày xưa, thường ta hay nói có một chút văn hoa cho bay bổng, nhưng chẳng bao giờ tôi dùng những từ bóng bẩy để tô vẽ cho chúng quá đậm màu đến độ sáo rỗng tình cảm của mình.
Nhìn hình ảnh chốn thiên đường tuổi nhỏ của tôi đã hoang phế đến mức không ngờ. Tôi tưởng như tuổi thơ của tôi theo thời gian cũng hoang phế như nó. Mà thật vậy, quả tình khi nghĩ về tuổi thơ chỉ để nhớ nhung thôi chớ có ai mà chăm chút nó được? Mà có muốn chăng nữa cũng chẳng biết làm sao!
Piscine! Là một chốn lý tưởng để các cậu bé tuổi trung học vẫy vùng cho thoả chí, giải phóng bớt cái sinh lực đang tích tụ thừa thãi trong người. Hầu như chiều nào tôi cũng có mặt ở đó dù không có một hẹn hò nào với đám bạn bè cùng lứa tuổi. Khoảng 2-3 giờ chiều thì đám nhóc trên phố đã bắt đầu lục tục kéo xuống nhập chung với mấy thằng bạn ở xóm Trần Hưng Đạo. Thông thường hay xảy ra mâu thuẫn giữa mấy thằng nhóc ở hai khu vực khác nhau lắm, tuổi nhỏ mà. Thôi thì xích mích với nhau đủ thứ chuyện trên đời, từ việc nhỏ bằng cái móng tay đến cả việc tín ngưỡng. Nhưng piscine là chỗ hoà giải nhanh nhất những mâu thuẫn đó. Tất cả đều phơi phới tâm hồn trong niềm vui chung nên ai cũng sẵn sàng cởi mở những gút mắc hết sức dễ dàng.
Piscine Banmêthuột theo tôi thật sự là một piscine độc nhất vô nhị trên thế giới. Nối đuôi sau thác nhà đèn, dòng nước đã chảy xuống hạ nguồn thành con suối nhỏ. Con suối ấy đi dọc theo “con đường tình” xuôi xuống buôn Kosia rồi đi dọc thung lũng bên hông trường Trung Học Banmêthuột chảy xuống xóm di cư Hưng Đạo rồi dẫn dài xuống suối Bu-ri rồi đi tới những chốn xa xôi đâu nữa tôi không được biết.
Piscine! Là một chốn lý tưởng để các cậu bé tuổi trung học vẫy vùng cho thoả chí, giải phóng bớt cái sinh lực đang tích tụ thừa thãi trong người. Hầu như chiều nào tôi cũng có mặt ở đó dù không có một hẹn hò nào với đám bạn bè cùng lứa tuổi. Khoảng 2-3 giờ chiều thì đám nhóc trên phố đã bắt đầu lục tục kéo xuống nhập chung với mấy thằng bạn ở xóm Trần Hưng Đạo. Thông thường hay xảy ra mâu thuẫn giữa mấy thằng nhóc ở hai khu vực khác nhau lắm, tuổi nhỏ mà. Thôi thì xích mích với nhau đủ thứ chuyện trên đời, từ việc nhỏ bằng cái móng tay đến cả việc tín ngưỡng. Nhưng piscine là chỗ hoà giải nhanh nhất những mâu thuẫn đó. Tất cả đều phơi phới tâm hồn trong niềm vui chung nên ai cũng sẵn sàng cởi mở những gút mắc hết sức dễ dàng.
Piscine Banmêthuột theo tôi thật sự là một piscine độc nhất vô nhị trên thế giới. Nối đuôi sau thác nhà đèn, dòng nước đã chảy xuống hạ nguồn thành con suối nhỏ. Con suối ấy đi dọc theo “con đường tình” xuôi xuống buôn Kosia rồi đi dọc thung lũng bên hông trường Trung Học Banmêthuột chảy xuống xóm di cư Hưng Đạo rồi dẫn dài xuống suối Bu-ri rồi đi tới những chốn xa xôi đâu nữa tôi không được biết.
Ngang tới nhà Thầy Quang dạy vẽ, TTN Darlac đã xây một cái hồ lớn ngăn dòng nước tạo thành một piscine lộ thiên. Trước khi cho chảy vào hồ lớn, nước sẽ phải qua 3 cái hồ nhỏ xây dích-dắc có lưới ngăn lá cây cũng như những hạt đất đỏ quạch lẫn trong dòng nước sẽ lắng tụ bớt một phần. Chưa từng thấy một piscine nào trên thế giới có một màu nước như thế, nhất là trong mùa mưa. Chao ơi! Bây giờ ngồi nhớ lại tôi còn rùng mình. Trước khi đổ vào hồ thì con nước đã trải qua biết bao nhiều lần tắm giặt của các phụ nữ vừa Kinh vừa Thượng trên quãng đường đi. Trong làn nước mát ấy đã pha trộn biết bao nhiêu chất dơ bẩn của họ thải ra, thế mà bọn nhóc tôi cứ vô tư lao đầu xuống ngụp lặn, thậm chí có khi còn nuốt vào bụng nữa chứ! Theo quan niệm của người Đông phương, con trai không bao giờ được phép chui qua dây phơi đồ nữa, vì như thế sẽ bị “học ngu”.
Chung quanh có một hàng rào kẽm gai cao khỏi đầu người để ngăn cho cái đám lục tặc chui vào “tắm chùa”. Mỗi lần vào tắm chỉ phải nộp mạng cho Ông Tĩnh 1 đồng bạc cắc thôi chớ có phải nhiều nhỏi chi đâu? Vậy mà đâu phải ngày nào cũng có. Bữa nào kẹt quá, thì tôi cởi áo vùi xuống cỏ rồi lén lén đi đường vòng, mò lên chỗ 3 cái hồ nhỏ chắn rác phía trên, thấm nước cho ướt tóc rồi chui vô ngỏ đó. Làm bộ vọc phá theo máng nước dẫn xuống hồ, canh chừng Ông Tĩnh ngó lơ chỗ khác là vọt xuống chen chúc với đám bạn nhỏ ở dưới. Ông Tĩnh người Bắc, người xương xẩu gầy nhom như bộ xương cách trí, vậy mà lúc nào cũng ở trần làm như “con chuột” mình bự lắm, lúc nào cũng ngà ngà hơi men nên tụi nhỏ qua mặt dễ ợt. Thằng nào bị bắt gặp, xách lổ tai đuổi ra khỏi hồ thì quả thật quá vụng về. Ông ở một mình trong căn nhà tôle nhỏ kế bên piscine dưới bóng một cây cao, trong nhà chứa sẵn mấy cái ruột xe hơi bơm căng để cho mấy thằng nhóc mới tập bơi mướn.
Piscine Banmêthuột không lớn lắm, bề ngang độ khoảng 12 mét, bề dài khoảng 40 mét thôi (ấy là mình chỉ áng chừng trong trí nhớ chớ hồi xưa đâu có quan tâm làm chi?).
Phía đầu trên dài khoảng chừng 8 mét được xây cao lên để mặt nước chỉ khoảng ngang thắt lưng mấy thằng nhóc chưa biết bơi cho chúng nó xuống bì bõm, rồi độ sâu dốc dần xuống khoảng ngang ngực thì đứt khúc. Từ đó trở đi hồ thụt sâu xuống khoảng 4 mét. Cuối hồ là một cửa xả cho dòng nước suối cứ xuôi chảy liên tục. Phía dưới của ngọn thác mini nầy lại là nơi tắm giặt của mấy người phụ nữ người Thượng.
Phía đầu trên dài khoảng chừng 8 mét được xây cao lên để mặt nước chỉ khoảng ngang thắt lưng mấy thằng nhóc chưa biết bơi cho chúng nó xuống bì bõm, rồi độ sâu dốc dần xuống khoảng ngang ngực thì đứt khúc. Từ đó trở đi hồ thụt sâu xuống khoảng 4 mét. Cuối hồ là một cửa xả cho dòng nước suối cứ xuôi chảy liên tục. Phía dưới của ngọn thác mini nầy lại là nơi tắm giặt của mấy người phụ nữ người Thượng.
Nhất là những buổi chiều gần hè, nhìn xuống piscine thì đầy nhóc những cái đầu lô nhô, nhảy xuống không khéo là va đầu vào nhau như chơi. Tôi đã bị nổi một trái chanh bầm tím trên trán rồi chớ có phải không đâu? Vài tháng một lần thì hồ được tháo cạn để vệ sinh đáy hồ, hốt đi lớp đất đỏ dầy cui đọng lại. Đấy cũng là một dịp đặc biệt để tôi có thể nhìn thấy hết ruột gan thiên đường của mình. Bởi có bao giờ mình thấy được nó như những piscine nước trong vắt ở Sài Gòn đâu? Sao mà nó sâu hun hút thế không biết? Thấy mà rùng mình, tưởng tượng mình mà bị kẹt dưới khối nước tối đen chắc là hãi hùng lắm!
Có một kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên. Trẻ con tỉnh lẻ hồi đó đi bơi chỉ mặc áo và quần xà lỏn lưng thun thôi, mà cái sợi thun lưng quần cũng ác lắm, khi nó cũ rồi mà đụng nước thì nó giãn tối đa, dưới hồ mà leo lên bờ thì cứ phải đưa tay kéo lên kẻo nó tuột xuống. Một lần tôi ra cách bờ hồ khoảng vài mét lấy trớn chạy tới nhảy chúi xuống hồ một cái “ót” thiệt đẹp mắt, lúc trồi lên mặt nước sao tôi có cảm giác “trống trơn”. Cha Mẹ ơi! Trong cái đà phóng nhanh xuống thì làn nước đã níu giữ cái quần xà lỏn của tôi mất rồi. Sức tôi lúc đó làm sao đủ hơi mà lặn xuống khối nước tối thui đó mò mà kiếm cái quần? Đành phải cứ đứng dưới nước bám bờ hồ mắt nhìn dáo dác coi có thằng nào quen không để “cứu bồ”. May mà bữa đó có thằng bạn học cùng lớp “Cu Đê” con thầy Quang cũng tắm chung. Vậy là anh chàng phải chạy về nhà lấy cho tôi mượn cái quần của hắn tôi mới leo lên bờ được mà về nhà. “Quê dễ sợ!”
Có một kỷ niệm không bao giờ tôi có thể quên. Trẻ con tỉnh lẻ hồi đó đi bơi chỉ mặc áo và quần xà lỏn lưng thun thôi, mà cái sợi thun lưng quần cũng ác lắm, khi nó cũ rồi mà đụng nước thì nó giãn tối đa, dưới hồ mà leo lên bờ thì cứ phải đưa tay kéo lên kẻo nó tuột xuống. Một lần tôi ra cách bờ hồ khoảng vài mét lấy trớn chạy tới nhảy chúi xuống hồ một cái “ót” thiệt đẹp mắt, lúc trồi lên mặt nước sao tôi có cảm giác “trống trơn”. Cha Mẹ ơi! Trong cái đà phóng nhanh xuống thì làn nước đã níu giữ cái quần xà lỏn của tôi mất rồi. Sức tôi lúc đó làm sao đủ hơi mà lặn xuống khối nước tối thui đó mò mà kiếm cái quần? Đành phải cứ đứng dưới nước bám bờ hồ mắt nhìn dáo dác coi có thằng nào quen không để “cứu bồ”. May mà bữa đó có thằng bạn học cùng lớp “Cu Đê” con thầy Quang cũng tắm chung. Vậy là anh chàng phải chạy về nhà lấy cho tôi mượn cái quần của hắn tôi mới leo lên bờ được mà về nhà. “Quê dễ sợ!”
Những người bạn con trai thời mới lớn của tôi ơi! Nơi ấy chắc chẳng thể nào phai nhạt trong tâm trí mỗi người khi nhớ về Banmêthuột nhỉ? Lớp đất đỏ ba-dan sao mà khó gột rửa sạch khỏi tâm hồn tôi đến thế!
HÙNG BI
(60-68)
(60-68)
* Trích từ nguồn http://www.trunghocbmt68-75.com/20…/…/tin-tuc-thang-tu.html…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét