Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 26 tháng 7, 2018

GẤU RỪNG (P.2) *Duyên Anh

Nhà văn Duyên Anh đã từng sống tạm vài tháng ở Ban Mê Thuột vào giữa năm 1955 và năm 1958... Tác phẩm "Gấu Rừng" có nhắc đến trại định cư Hưng Đạo...
GẤU RỪNG (P.2)
*Duyên Anh
Nương bắp của dân Buôn Hồ cách trại định cư Hưng Đạo ba con suối và khu rừng gianh. Nghĩa là muốn tới nương bắp của bọn Y Pàm, Dzũng Đakao phải vượt qua ba con suối và hai khu rừng gianh. Rừng gianh thường là nơi “nghỉ ngơi” của chúa sơn lâm. Con nhà cọp khôn lắm, nó chọn rừng gianh làm giường ngủ. Ngủ trên gianh êm như ngủ trên đệm “mút thông hơi”. Ban ngày con nhà cọp ngủ li bì. Đứa nào bạo phổi đến gặp nó, lấy tóc ngoáy mũi nó, nó cũng không thèm nổi giận. Đứa nào lấy tăm tre xỉa răng cho nó, nó còn khoái là khác. Nhưng ban đêm con nhà cọp vươn vai thức giấc. Nó thích “súc miệng” con hoẵng, con cáo trước khi lên đường “thét khúc trường ca dữ dội, say mồi đứng uống ánh trăng tan“. Lớ ngớ qua rừng gianh đúng lúc nó thèm “súc miệng” là củ dế liền. Suối thì, thỉnh thoảng, lạc loài vài chú cá sấu. Cá sấu vốn ghét tiếng động. Nó nghe thấy tiếng lội bì bõm sẽ trườn tới, nhỏ vài giọt nước mắt rồi đớp luôn cái cẳng.
Dzũng Đakao nghĩ đến rừng gianh, suối, hết ham bắn khỉ. Tối hôm đó, bọn nhãi Ra-đê kéo nhau sang trại Hưng Đạo rủ Dzũng Đakao. Con nhà Dzũng chần chờ mãi. Sau cùng nó hỏi Y Pàm:
– Có me xừ ba mươi không?
Y Pàm thộn mặt ra:
– Ba mươi là xừ nào?
– Me xừ lơ tờ răng í mà.
Y Pàm càng thộn mặt:
– Lơ tờ răng à?
– Ừa.
– Làm gì có.
– Thật không?
– Thật.
Dzũng Đakao nắm tay Y Pàm, ba hoa:
– Nói thật tình, tao không sợ cọp, nhưng nó gầm, mồm nó thối quá, tao chịu không nổi.
Y Pàm, bây giờ, mới hiểu me xừ ba mươi là ông “kễnh”, tức cọp, tức hổ. Nó cười toe toét:
– Cọp nó ở cách xa lắm, ối dào, mấy con chó ốm đó ngán cái gì.
Dzũng Đakao nháy mắt:
– Thế suối có cá sấu không?
Y Pàm lắc đầu:
– Cái cá sấu đâu ở suối này. Mà đi qua cầu “khỉ” sướng thấy mồ.
Dzũng Đakao chắc dạ, tiếc rẻ:
– Tao muốn bắt chước Tạc-giăng vật lộn với cá sấu, chứ ngán chi bọn cá sấu cắc ké.
Dzũng Đakao thủ hai túi đá sỏi đầy nhóc, quàng chiếc súng cao su vào cổ, theo bọn nhãi Ra-đê tới nương bắp. Nó dậm chân:
– Ước gì có Quyên Tân Định, nhóc con Hùng…
Dzũng Đakao lên Ban Mê Thuột từ hai tháng nay. Bà nội nó ở với chú nó trên này, trong cái trại định cư Hưng Đạo cách thị xã Ban Mê Thuột vài cây số lên dốc. Vốn là thằng láu lỉnh, nó đi đâu, kết bạn tới đó. Thoạt đầu, nó quen Y Pàm.
Bố thằng này chăn voi cho vua Bảo Đại. Vua hiện giờ lưu vong mãi bên Tây, nhưng con voi của vua vẫn được nuôi nấng tử tế. Con voi bị xích bốn chân bằng giây xích thật lớn. Nó chẳng còn làm tàng với ai. Thời oanh liệt của nó kể như tàn lụi từ khi đôi ngà của nó bị bẻ gãy. Thỉnh thoảng nhớ “quê hương”, nhớ “tổ quốc” và “đồng bào”, con voi già rống lên những tiếng “phè phè” nghe thật thảm não. Dzũng Đakao đã có lần chạy trối chết vì tiếng “phè phè” thương xót của voi già. Bọn nhãi Ra-đê cười, Dzũng Đakao mới hoàn hồn. Nó lăng xăng đến gần làm quen. Thằng nhãi Ra-đê đầu tiên tiếp chuyện với nó là Y Pàm. Nó hỏi Dzũng Đakao:
– Mày sợ cái gì?
Dzũng Đakao mới lên rừng chưa phân biệt nổi tiếng gầm hú của mãnh thú. Nó trả lời:
-Tao sợ tiếng “phè phè”.
Y Pàm bảo “đừng có sợ”. Rồi nó dẫn Dzũng Đakao tới chỗ xích con voi. Nó giải thích:
– Voi của vua đó.
– Vua nào?
– Vua Bảo Đại. Bố tao nuôi voi cho vua từ thuở nó còn bé chút xíu.
Thấy Y Pàm nói được tiếng Việt, Dzũng Đakao tròn xoe đôi mắt:
– Mày học trường nào?
Y Pàm hãnh diện:
– Tụi tao học trường di cư Hưng Đạo đó. Cô giáo ngộ lắm. Cô giáo dạy chúng tao đọc, viết tiếng Việt. Cô giáo nói tụi tao cũng là người Việt. Sướng quá. Cô giáo còn nói Tây nó xấu nó mới gọi tụi tao là mọi. Đúng không mày?
Dzũng Đakao vỗ vai Y Pàm:
– Đúng quá. Chúng mình cùng có ông tổ là cụ Hồng Bàng đó mày.
Dzũng Đakao kể chuyện cái bọc một trăm trứng cho Y Pàm và bọn nhãi Ra-đê nghe và sau đó bọn nhãi tặng Dzũng Đakao vô số là chanh, ớt. Dzũng Đakao đang định về Sàigòn, nay được quen bọn Y Pàm, nó khoái chí, hết muốn về.
Dzũng Đakao tổ chức nhiều trò chơi. Bọn nhãi Ra-đê phục nó sát đất. Nhưng Y Pàm thì, dường như, chưa phục Dzũng Đakao như bạn bè nó. Thằng nhóc Ra-đê mỗi buổi sáng đeo gùi lên vai, lủng lẳng con dao rừng, đóng trần xì cái khố, từ buôn ra đi trong sớm mai trông cũng hiên ngang lắm chứ. Điều nó ăn đứt Dzũng Đakao là nó không cần đi giầy dép. Nó coi thường gai góc, coi thường những con mối to bằng con nhặng với những cái càng khủng khiếp cắp vào da thịt ai là người ấy chỉ còn nước ôm chân mà rên rỉ. Mối rừng ác độc hơn kiến lửa miền xuôi. Chúng nó hành quân hàng cơ man trên lá khô. Chúng nó có thể thủ tiêu xác con nai, con cọp hay xác người trong một đêm không để lại dấu tích gì hết. Xương rắn cánh mấy chúng nó cũng nghiền nát.
Người miền xuôi đi rừng sợ đủ thứ; mối, rắn, trăn, cọp…Y Pàm chẳng coi những thứ đó vào đâu. Một mình nó, nó dám len lỏi vào những khu rừng già kiếm mật ong và măng. Vắt bám vào mình nó rồi chê ngay cái nước da bánh mật cháy nắng. Thiên nhiên đã tặng nó chiếc áo giáp.
Dzũng Đakao chưa nhìn thấy Y Pàm và bạn bè nó xua chó đi săn. Bấy giờ, Y Pàm là một dũng sĩ. Nó vác ngọn lao sắt, phóng đâu trúng đấy. Khổ nỗi, Y Pàm lành như đất, không biết “phô trương thanh thế” nên con nhà Dzũng Đakao mới ba hoa xích thố. Bọn nhãi Ra-đê đối với người kinh vẫn mang sẵn một sự khiếp nhược. Sự khiếp nhược kéo dài từ mấy trăm năm rồi. Danh từ “mọi” đã trùm lên đám dân chất phác này một số phận hẩm hiu, oan nghiệt. Họ cam đành nhìn nhận mình là mọi và hưởng bất công khi sống quanh người Kinh. Người nào cảm thấy tủi nhục, chỉ còn mỗi cách đốt nương, phá nhà, dắt díu vợ con và đàn chó thân mến đi sâu vào những khu rừng hoang vắng để được sống tự do cùng thiên nhiên. Và để được tận hưởng một cuộc đời hang dã, khỏi cần bận bịu tới chiếc khố. Đó, người rừng tranh đấu giản dị thế đó. Không ưa ai, không ưa nơi nào là tìm cách xa lánh ngay.
Nhưng thế hệ Y Pàm không “giản dị” như thế hệ ông cha nữa. Thế hệ này đã nhớ rõ ngày sinh tháng đẻ, đã biết tìm cách gần gũi người Kinh, bon chen cùng người kinh. Người Kinh, dường như, chẳng mấy hài lòng khi thấy người Thượng tiến bộ. Cái thời móc túi mọi lấy tiền đã chấm dứt. Người Thượng bây giờ đã biết pha nước đường chế biến mật ong, đã biết quả cam giá trị hơn trái ớt. Những năm xưa, bất cứ vật gì, người Thượng cũng chỉ bán một đồng. Quả cam một đồng, trái ớt một đồng và mật ong thì bán cả tổ. Bây giờ, mật ong bán từng chai, nửa nước đường, nửa mật. Người Kinh dạy người Thượng những mánh lới ấy rồi lại chê người Thượng đã “hết vẻ khù khờ. Văn minh của loài người chinh phục hết thiên nhiên. Mai này, có thể, con chim bồ câu cũng biết nói dối, cũng biết đòn vọt. Cuộc đời đâu còn thơ mộng nữa. Nên chi, đã có vô số kẻ bỏ buôn bản tìm những khu rừng thật xa văn minh của người Kinh để được suốt đời sống khù khờ.
Bọn nhãi Ra-đê học hành rất thông minh. So với đám nhãi trong trại định cư Hưng Đạo, chúng nó là những con đại bàng. Tháng nào Y Pàm cũng nhất. Bọn nhãi Ra-đê chiếm hết bảng danh dự. Chúng nó làm toán nhanh như máy bay. Và làm thủ công thì khỏi chê rồi. Ai có dịp lên Ban Mê Thuột mà muốn mua vài kỷ niệm rừng đồi, nhứt định sẽ chọn đồ….mọi.
Những đồ đẹp mắt đó, do chính tay bọn nhãi Thượng sáng tác. Y Pàm coi tụi nhãi Kinh không ra cái thớ gì hết. Tuy nhiên, nó vẫn sờ sợ một cái gì. Nỗi hèn kém tự đời kiếp nào, có lẽ, phải sau vài thế hệ Y Pàm mới chôn lấp nổi.
Dzũng Đakao đã là Y Pàm sung sướng. Câu chuyện cái bọc trăm trứng khiến Y Pàm ngẩn ngơ mấy hôm liền. Nó thấy nó lớn lên, khôn ra và hãnh diện được làm con cháu các vị trong cái bọc trăm trứng. Dzũng Đakao đã vỗ vai Y Pàm:
– Năm mươi người con lên rừng là Tiên, năm mươi người xuống biển là Rồng. Tụi mày là Tiên, tụi tao là Rồng, sướng chưa?
Y Pàm ngớ ngẩn:
– Tiên đóng khố hả, mày?
Dzũng Đakao cười toe:
– Tiên đóng khố chứ sao? Bộ mày tưởng trên trời có vải may quần áo à?
Y Pàm thộn mặt:
– Tiên cũng đen thui như tụi tao à?
Dzũng Đakao ba hoa:
– Tiên trắng toát mày ơi! Trước thì đen như tụi mày ấy. Rồi tiên bay lên trời, chui qua mây trắng bỗng hoá trắng phau phau.
– Sao tụi tao không lên trời?
– Tụi mày khoái cảnh dưới đất, hiểu chưa?
– Sao mày không đen như tụi tao?
– Tại vì tao xuống biển, ngày nào tao cũng tắm. Rồng tắm hoài à…
– Tụi tao cũng tắm chứ bộ?
-Nhưng suối đâu có muối. Tắm nước mặn mới trắng.
Dzũng Đakao “phịa” rất tài. Giá con nhà Y Pàm hỏi thêm, nó sẽ bí. Nhưng Y Pàm sướng quá rồi, nó được làm người Việt Nam là sướng tê rồi. Nó không phải là mọi. Dzũng Đakao bảo thế, cô giáo dạy tiếng Việt cũng bảo thế. Chỉ có tụi Tây đồn điền gọi Y Pàm là mọi thôi.
Y Pàm thấy Dzũng Đakao “bông nhông” “cừ”, bơi “cừ”, nó cũng hiểu Rồng thì bơi phải “cừ”. Nhưng nó vẫn ức. Nó muốn cho Dzũng Đakao biết Tiên bắn khỉ không kém tài Rồng bơi nhảy nên mới gạ Dzũng Đakao đánh nhau với khỉ đêm nay.
Và, con nhà Dzũng Đakao, trong một phút cao hứng, tưởng mình là dũng sĩ Hoa Lư thì cũng là dũng sĩ Ban Mê Thuột, vội vàng nhận lời ngay. Đến khi sực nhớ đến rừng gianh, nơi con nhà cọp chọn làm khách sạn; suối cạn, nơi con nhà cá sấu nghỉ mát, bèn co vòi lại. Giá Y Pàm khôn hơn một chút, láu lính một chút, “trộ” Dzũng Đakao, chắc chắn dũng sĩ Hoa Lư sẽ hết dám tham dự trận phục kích khỉ.
– Đi chưa mày?
Y Pàm hỏi Dzũng Đakao. Con nhà Dzũng nhìn Y Pàm mình trần, đóng trần xì cái khố, cầm chiếc ná. thấy Y Pàm hiên ngang không thể chê được. Dzũng Đakao định cởi áo, mặc cái quần xà-lỏn thôi. Nhưng nó sợ lạnh. Cu cậu đành “tho”. Nó khen Y Pàm:
– Mày giống Tạc-giăng quá.
Y Pàm toét miệng cười:
– Tạc-giăng là thằng cha nào?
– Thằng này “cừ” số dách. Có ba bốn Tạc-giăng lận. Mầy là Tạc-giăng Mỹ. Tạc-giăng Ấn Độ thộn thấy mồ…Nào, đi phục kích khỉ.
(Hết phần 2)
DUYÊN ANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét