Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

NGÒI VIẾT LÁ TRE * Nam Thi

Một thời lấm lem bút mực...
NGÒI VIẾT LÁ TRE
* Nam Thi
...
Lớp của tôi với sỹ số hơn hai chục, cả trai lẫn gái, bá nạp đủ mọi lứa tuổi, có người đã biết chữ, đa số mù chữ vì trong thời chiến tranh hầu hết trẻ em chưa được đến trường. “Hương trường Thuận Nghĩa” là tên chính thức của trường tôi. Làng tôi vốn có một ngôi trường hai phòng học xây bằng gạch lợp ngói từ thời Pháp ở cạnh nhà tôi nhưng chính quyền mới đã tháo dỡ đem lên Kiên Mỹ làm trụ sở xã Bình Thành. Vì vậy, chúng tôi học tạm ở miễu Buồng Tằm, tức miễu Vĩnh Phúc, ở đầu làng do những người nuôi tằm dựng lên để thờ ông tổ nghề tằm tang từ cả trăm năm trước. Miễu xây rất bề thế nhưng đã bị đập phá chỉ còn mái ngói và mấy bức tường đổ, gạch vụn, vôi vữa bừa bãi. Bàn học là những tấm ván, cánh cửa cũ kê xiêu vẹo, học sinh phải đứng học vì không có cái gì để ngồi. Nhờ biết chữ rồi, nên tôi được xếp học lớp năm ( lớp 1 bây giờ), vài tháng sau người ta mở lớp tư (2) mà thiếu học trò nên tôi và ba bạn khác được đôn lên lớp tư ở Kiên Mỹ, cứ thế bọn tôi lại được “đôn” một lần nữa, đến cuối năm tôi đã học hết lớp ba trên trường Cầu Vôi của xã Bình Thành. Ba lớp một năm. Coi như “thời thế tạo anh hùng” chứ chẳng giỏi dang gì.
Trở lại chuyện thầy Năm. Hồi đó, chắc thầy không qua lớp sư phạm cấp tốc nào. Sau nầy, thầy tự học đỗ Trung học Đệ nhất cấp và tiếp tục dạy tiểu học cho đến 1975. Thầy dạy giỏi nổi tiếng, ai bã đậu cỡ nào qua tay thầy đều có thể đọc, viết sau mấy tháng. Tùy trình độ của từng nhóm học sinh trong lớp bá nạp của tôi, thầy có giáo trình riêng. Chính nhờ vậy mà tôi và mấy người bạn mới “nhảy lớp” được – từ hồi đó là học “băng”. Cho đến bây giờ tôi vẫn biết ơn thầy nhiều nhất trong số hàng trăm thầy cô đã dạy tôi từ tiểu học lên đại học. Nhưng mỗi khi nhớ về thầy, tôi không thể nào quên những trận đòn “toét đít” của thầy, thường bằng roi mót hay cành rù rì. Roi mót là những nhánh tre già tuy nhỏ nhưng dẻo, mỗi khi roi quất xuống nghe tiếng gió “trót, trót”, roi chưa chạm đít đã nhí nhỏm, lằn roi để lại trên mông dài như con trùn khoan. Còn roi rù rì thì dài, mềm, thường dùng để đánh tập thể – đứa nhỏ con hơn nằm chồng lên đứa lớn, đứa trên bị đánh, đầu roi quặp vào vế, hông đứa dưới…Cái uy của thầy khiến học sinh chăm học, tiến bộ nhanh. Bây giờ người ta cấm đánh học trò, nhưng cái đám học trò bọn tôi thời ấy không có roi e không xong, ngay cả ở nhà cũng cần cây roi của cha mẹ mới chịu học bài, vì toàn là lũ “rắn đầu, biếng học”, quen bắt cá, bẫy chim hơn cây bút, quyển vở.
Nhưng không chỉ có cây roi, thầy còn có nhiều “tuyệt chiêu” để trị đám học trò quỷ quái chúng tôi. Tôi dám chắc nếu có cơ hội làm thám tử, thầy dư khả năng làm một Sherlock Holms...
...
Riêng lần chị Đào bị mất ngòi bút lá tre mới cảo mà thầy điều tra ra tức khắc mới tài. Đến bây giờ tôi vẫn chưa đoán ra thủ phạm là ai vì thầy không công bố sau khi vụ án kết thúc. Hồi đó ngòi bút lá tre quý lắm, mỗi năm cha mẹ chỉ sắm cho một ngòi, mòn phải mài lại để dùng. Bọn con trai vụng về, nghịch ngợm nên ngòi bút thường bị “chách” do bút rơi xuống đất hoặc chấm vào bình mực mạnh tay khiến đầu ngòi bị biến dạng do chạm vào đáy lọ mực.
Bị mất ngòi bút, Đào khóc như cha chết. Sau khi biết chắc là Đào bị tay quỷ quái nào đó trong lớp đánh cắp, thầy cho tập hợp cả lớp, hai tay vòng trên bàn. Thầy sai anh Toại, trưởng lớp, ra bụi tre hái mấy chục “tiêm” lá tre non còn xoắn lại bằng chân nhang. Thầy cắt thành mấy chục khúc bằng nhau, rồi bảo học trò hả miệng, đút cho mỗi nhóc một cộng, bảo giữ chặt một đầu giữa hai hàm răng. Xong, thầy bảo:
– Thầy muốn em nào lỡ lấy của bạn thì tự nguyện đem trả. Nếu không thì thầy cũng tìm được đứa ăn trộm và sẽ đuổi học. Thầy cho năm phút để tự thú. Nếu không, cọng tiêm lá tre trong miệng của đứa ăn trộm sẽ mọc dài ra…Cái miễu nầy linh lắm, không qua mặt được quỷ thần đâu.
Thầy nhắc đi nhắc lại câu chót mấy lần.
Cả lớp im phăng phắc, con ruồi bay qua cũng nghe tiếng đập cánh. Thầy ngồi trên bàn đảo cặp mắt “mèo” nhìn. Năm phút trôi qua, không có ai đầu thú. Thầy “cho” thêm năm phút nữa. Vẫn thế. Cuối cùng thầy kêu từng người lên để thu lại mấy chục cộng tiêm lá tre…
Vụ án kết thúc. Chẳng rõ thủ phạm là ai. Nhưng nạn nhân đã thu lại được ngòi bút do thầy trao hôm sau. Chính Đào đã khoe như thế.
Năm mươi lăm năm sau. Thầy Năm đã gần tám mươi tuổi, sống với người con trai út trong ngôi nhà cổ bên bờ sông Côn...
Một lần về quê, tôi ghé thăm thầy. Bây giờ hai chúng tôi đã là bạn “già” của nhau, hễ gặp nhau là lai rai mấy sợi. Thầy nướng mấy con cá sông mới câu được để chấm muối ớt. Thầy không uống nhiều nhưng chiều nào cũng uống. Rượu trắng của thầy rất ngon và an toàn, không có chút mùi khê, cái hậu rất ngọt, vì thầy đặt lò rượu trong làng nấu riêng hàng chục lít để dành uống dần để tránh rượu pha cồn Tàu mua ngoài chợ.
Tôi nhắc lại “vụ án” ngòi bút lá tre bị năm xưa, rồi hỏi:
– Anh Năm nè, chớ hồi đó anh tìm ra đứa ăn cắp thực à?
– Sao lại không thực. Thầy cười và nâng ly rượu, khà một hơi, rồi tiếp. Thằng đó sau nầy đi lính địa phương quân tử trận. Thật tội. Nó bị rơi cây bút, ngòi bị gãy, nó không dám xin cha nó vì sợ bị đánh dập mình, nên lén rút ngòi bút của con Đào. Hôm đó, tao kêu nó đến nhà, chưa hỏi nó đã khóc, đem trả ngòi viết của con Đào. Tao cho nó một ngòi khác …Nó chết thật tội. Thầy nâng cốc rượu uống hết phần còn lại.
Trong làng, có bảy thằng lớp tôi tử trận. Theo lời thầy thủ phạm là một trong số đó. Thầy không tiết lộ tên hắn mà tôi cũng không muốn biết làm gì. Thầy rót cho tôi ly rượu, khề khà giải thích:
– Mẹo vặt lừa con nít thôi mà. Đứa ăn trôm sợ cọng tiêm lá tre mọc dài ra nên dùng răng cắn chặt ở đầu mỏm, khiến nó dập. Thấy là biết ngay…Hơn nữa, khi bọn bay ngậm cọng tiêm lá tre, tao đã thấy mặt nó tái mét, mắt lấm la lấm lét…
Như vậy, sau hơn nửa thế kỷ vụ án trộm ngòi bút lá tre đã được giải mật **
* Nam Thi
“ Với lòng kính trọng và biết ơn người thầy cũ. Các nhân vật trong truyện đã được thay tên, một số sự kiện có ít nhiều hư cấu nhưng không quá xa thực tế”.
(Trích đoạn trong bài "Thầy tôi và Vụ án ngòi viết lá tre" của Nam Thi đăng trên https://xunauvn.org/2012/06/12/vu-an-ngoi-viet-la-tre/amp/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét