Giới thiệu về tôi

Ảnh của tôi
Buôn Ma Thuột, Tây Nguyên, Vietnam

Thứ Hai, 30 tháng 7, 2018

Chuyện Tây Sơn Thượng Đạo...CÁNH ĐỒNG CÔ HẦU *Trầm Hương

Chuyện Tây Sơn Thượng Đạo... Nàng tên là Yă Đố nhưng từ khi làm vợ Nguyễn Nhạc, nàng được gọi là Cô Hầu.
CÁNH ĐỒNG CÔ HẦU
*Trầm Hương
...
Lần giở những trang sử viết về nhà Tây Sơn, hình ảnh Cô Hầu hiện lên, rực rỡ mà thầm lặng, rất thực mà cũng thật huyền ảo, lung linh. Nhờ nghề buôn trầu nguồn và trao đổi sản phẩm hai miền xuôi ngược, gia tộc nhà Tây Sơn ngày càng trở nên giàu có. Khi cha là Hồ Phi Phúc qua đời, Nguyễn Nhạc là anh trưởng nối nghiệp nhà.
Tương truyền, cả ba anh em nhà Tây Sơn đều học cả văn lẫn võ từ thầy giáo Trương Văn Hiến còn gọi là giáo Hiến - một nhà nho trốn nạn chuyên quyền của Trương Phúc Loan vào An Thái mở trường dạy học. Nhà giàu, giỏi võ, ông Nhạc nổi tiếng phong nhã hào hoa nên có nhiều bạn bè giao du. Uy thế của Nguyễn Nhạc ngày càng lớn...
Khởi nghiệp cần phải có cơ sở vững chắc, Nguyễn Nhạc một mặt sai Nguyễn Huệ đi khắp ba huyện Tuy Viễn, Phù Ly, Bồng Sơn để chiêu mộ người tài giỏi. Mặt khác, ông lên An Khê khẩn hoang, phát triển lực lượng, gây thanh thế. Đồng bào mộ đi khai khẩn, sau này phần lớn trở thành nghĩa quân. Để đứng vững chân miền thượng, Nguyễn Nhạc rất giỏi dùng chính sách Thượng vận để lôi kéo các tộc người Sêđăng, Rađê, Giarai, Bana về với mình.
...
Trong vùng An Khê, ở làng Cổ Yêm, gần Tú Thủy nay thuộc xã Nghĩa An, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai có tộc người Bana sống ở rừng Mộ Điểu. Rừng rộng mênh mông, chính giữa nổi lên ngọn đồi, mỗi chiều từng đàn chim bay về nghỉ, tiếng chim vang dậy cả rừng xanh. Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ không quản khó nhọc tìm lên rừng Mộ Điểu, thuyết phục tộc trưởng Bana cùng Tây Sơn tham gia khởi nghĩa. Tộc trưởng rất cảm kích người thay trời hành đạo. Để bày tỏ lòng trung thành, mến mộ Nhà Tây Sơn, ông gả cô con gái yêu, xinh đẹp cho “Vua Trời”. Nàng tên là Yă Đố nhưng từ khi làm vợ “Vua Trời”, nàng được gọi là Cô Hầu.
Hiểu được chí lớn của “Vua Trời”, Cô Hầu là một trong những cộng sự đắc lực của Nguyễn Nhạc trong những ngày lên miền thượng xây dựng căn cứ khởi nghĩa. Cô Hầu không chỉ cùng Nguyễn Nhạc đi kết giao với một số tù trưởng người Sêđăng, Jarai, Bana ở Cheo Reo, Pleiku, Kontum và người Hrê ở phía Tây Quảng Ngãi mà còn cầm đầu một số dân binh người miền núi khai khẩn đất hoang.
Từ việc khai khẩn, quản lý, sản xuất, thu hoạch đều do Cô Hầu đảm nhiệm. Sức lao động mạnh mẽ, bền bỉ của các tộc người ở vùng này, kết hợp với tài chỉ huy kinh tế của người Kinh do “Vua Trời” rút từ Tây Sơn Hạ lên điều khiển, cộng với đất đai màu mỡ, chẳng bao lâu rừng Mộ Điểu đã có được cánh đồng phì nhiêu rộng hàng chục mẫu. Đây là vùng đất màu mỡ nằm lọt giữa lòng Trường Sơn hùng vĩ, có đường thông lên tận Kontum, thông xuống đồng bằng Bình Định qua ngả đèo Vạn Tuế.
Rừng Mộ Điểu trở thành một hậu cứ của nghĩa quân Tây Sơn, sản xuất lương thực, vũ khí, tuyển mộ và rèn quân. Nơi đây sau này được gọi là cánh đồng Cô Hầu và ngọn núi ở giữa được đồng bào Bana đặt tên là núi Hoàng Đế.
...
Lòng dân chán ghét tham quan ô lại, quân Tây Sơn thượng võ, thiện chiến, cộng với tài lãnh đạo kiệt xuất của “Tây Sơn tam kiệt”, trở thành đội quân bách chiến bách thắng. Năm 1771, Tây Sơn khởi nghĩa, năm 1773, lấy được thành Quy Nhơn, năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi lấy niên hiệu Thái Đức; phong Nguyễn Huệ là Long Nhương tướng quân, sau đó là Bắc Bình Vương; Nguyễn Lữ là Tiết Chế, sau là Đông Định Vương.
...
Sắp đặt lại hậu cung là một trong những việc quan trọng của những ông vua ngay sau khi lên ngôi. Bà Trần Thị Huệ, người vợ hiền đức, đảm đang từng trông coi trường trầu năm nào ở Kiên Mỹ trở thành Chánh cung hoàng hậu. Từ rừng Mộ Điểu, Cô Hầu, được vua rước về thành Hoàng Đế, phong Thứ phi. Dù được vua Thái Đức hết mực sủng ái, được Chánh cung hoàng hậu đối đãi thân tình như chị em ruột thịt nhưng cuộc sống chốn cung cấm với ngôi thứ, nghi lễ ràng buộc không phù hợp với người sơn nữ.
Cô Hầu thấy luôn cô đơn, lạc lõng. Nàng xa lạ với ngôi thứ phi, không quen cảnh phù hoa, tràn ngập lụa là gấm vóc, người hầu kẻ hạ, miệng không quen nếm các món ăn sơn hào hải vị. Cô Hầu nhớ da diết cánh đồng mênh mông trên rừng Mộ Điểu đã từng thấm mồ hôi, nước mắt những mộ dân khẩn hoang. Lưu lại một thời gian ở hoàng cung, Cô Hầu xin trở về với núi rừng. ...
Từ đó, thành Hoàng Đế vắng bóng một đóa hoa pơ lang đẹp nhất mà Nguyễn Nhạc được biết và đã từng chịu ơn…
...
Dù đoạn kết nhà Tây Sơn vô cùng bi thảm nhưng công lao Cô Hầu trong những ngày Tây Sơn khởi nghiệp, câu chuyện về Cô Hầu vẫn tồn tại trong nhân dân và địa danh “Cánh đồng Cô Hầu” ở An Khê là một minh chứng cho mối tình Kinh - Thượng keo sơn, bền chặt.
Trầm Hương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét